9 món đặc sản Tiền Giang nghe tên là nhớ quê
Hủ tiếu Mỹ Tho
Có lẽ món ăn được nhắc đến đầu tiên khi nhớ về miền đất Tiền Giang chính là hủ tiếu Mỹ Tho – một trong ba thương hiệu hủ tiếu nức tiếng nhất, bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc và Nam Vang. Bí quyết làm nên sợi hủ tiếu ngon ở Mỹ Tho là gạo Gò Cát thơm dẻo, làm ra sợi hủ tiếu nhỏ, khô và dai. Ở Tiền Giang, món hủ tiếu thường gồm có tôm, mực, gan heo, lòng, tim, gan, hoành thánh, sườn… Các loại rau cũng phong phú không kém như xà lách, hẹ, cần tây, cải cúc… Nước dùng ngon phải là loại đậm vị nước hầm xương, tôm khô và mực nướng, pha một chút vị của củ cải thanh thanh.
Chả nướng chợ Gạo
Chả nướng chợ Gạo là một trong các đặc sản Tiền Giang mà người đi xa luôn nhung nhớ. Món ăn được làm vào dịp giỗ chạp hay lễ tết với các nguyên liệu như thịt nạc vai, hành tím, tỏi, trứng vịt, bánh tráng, lá chuối, các loại rau ăn kèm… Thịt luộc chín thái mỏng, xào với hành tỏi cho thơm rồi trộn chung với trứng vịt, tỏi, tiêu, nước mắm, hạt nêm. Người Tiền Giang nướng chả bằng nồi gang để mẻ chả chín đều và chín từ trong. Đặc biệt, người ta phải lót lá chuối dưới đáy nồi để lấy được miếng chả ra dễ dàng, không bị xát, hơn nữa lại dậy mùi thơm mát. Chả được nước bằng than là ngon nhất, miếng chả chín thái ra, cuộn cùng bánh tráng, rau thơm và chấm nước mắm chua ngọt.
Vú sữa Lò Rèn
Miệt vườn miền Tây nổi tiếng với các loại hoa trái sum sê, quả ngọt, trái thơm. Một trong số đặc sản được nhớ tới nhiều nhất chính là vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang). Cũng là trái vú sữa chín nhưng ruột bên trong trắng tinh, mọng nước, vị ngọt thanh và hương thơm mát nhẹ nhàng. Bên ngoài quả vú sữa căng bóng, quả to, tròn và nặng. Mùa vú sữa thường khoảng tháng 9 đến tháng 4 âm lịch năm sau. Ngày nay, vú sữa Lò Rèn được thương lái mang đi muôn nơi và được khách hàng yêu thích.
Chuối quết dừa
Chuối quết dừa là món ăn vặt khá lạ miệng có xuất xứ từ Tiền Giang. Mùi vị giản dị, ngọt ngào, thơm bùi, dùng với nước chấm chua ngọt pha từ nước mắm chanh, tỏi, ớt hiểm, nước cốt dừa. Để làm món ăn này, người ta luộc chuối đến chín dẻo, vàng thơm, trộn với dừa nạo, dứa thái lát, giã trong cối cho tới khi nhuyễn rồi thêm muối đường cho hợp vị. Khi ra thành phẩm, món ăn vừa béo bùi vị dừa nạo, ăn kèm bánh tráng, các loại rau vườn và nước chấm tạo nên mùi vị là lạ, vừa mặn vừa ngọt vừa cay thơm.
Mắm tôm Gò Công
Mắm tôm Gò Công trước đây từng là món tiến vua trong thời nhà Nguyễn, được làm từ 3 nguyên liệu chính là tôm đất tươi, tỏi và ớt. Riêng ở làng Gò Công có tới 20 lò sản xuất mắm tôm ngon với bí quyết gia truyền khác nhau. Đây là đặc sản đậm đà, mặn ngọt chua cay vừa đủ, dùng để chấm thịt luộc, cuốn bánh tráng và bún tươi là ngon nhất. Miếng thịt lợn luộc thơm ngon, cuốn trong lá bánh tráng, thêm chút rau xanh, bún tươi cuộn chặt rồi chấm với thứ mắm dậy mùi tôm thì không còn gì bằng.
Bún gỏi già
Chỉ riêng cái tên món ăn này cũng đủ khiến bạn tò mò, bởi lẽ đã là món gỏi tươi nhưng lại còn “già”. Món ăn làm từ tôm, me chua, tương xay, bún, tôm tươi, sườn non, thịt ba chỉ thái sợi, chan nước lèo và ăn cùng nhiều loại rau sống phong phú như húng, bắp chuối, hẹ, giá, rau muống chẻ. Món bún này cũng tương tự món bún mắm vì có chung nguyên liệu là mắm cá. Bún gỏi già ngon phải nấu chung với me để cho ra nước lèo chua chua ngọt ngọt đặc trưng. Vị đậm đà của nước dùng, vị chua thanh của me hòa lẫn vị béo bùi của tôm, thịt khiến món ăn ngon không tả nổi.
Sam biển Gò Công
Tháng 10 tới tháng 2 âm lịch năm sau là mùa sam biển ở Gò Công. Khi đó, con sam cái đang có nhiều trứng có thể chế biến thành nhiều món ngon. Trứng sam béo thơm, bổ dưỡng, màu vàng ươm, được nướng cho tới khi chín, mùi thơm ngào ngạt. Món ăn này được dùng cùng bưởi chua, củ cải chua, rau thơm, lạc rang, hành phi, chấm với mắm chanh tỏi ớt. Sam biển cũng có thể chế biến ra nhiều món khác ngon không kém như canh chua sam nấu với các loại rau.
Nhãn Nhị Quý
Ngoài Bắc có nhãn Hưng Yên thì miền Nam có nhãn Nhị Quý – Tiền Giang, cùi nhãn trắng trong, vỏ nhãn màu vàng sẫm, tỏa mùi hương ngào ngạt. Vào mùa nhãn, xã Nhị Quý lại rợp màu vàng của những cành nhãn chín cây, chi chít quả. Nhãn nơi đây có chất lượng ngon hơn hẳn những nơi khác với quả to, vỏ mỏng, cơm nhãn dày, vị ngọt thanh.
Cá biển nấu mẳn
Nấu mẳn là một cách chế biến khá thú vị của người miền Tây, là một món ăn lai giữa món canh và món kho. Cách chế biến đơn giản hơn khi cá không phải đánh vảy, chỉ cần rửa sạch, tẩm ướp gia vị muối ớt, hành, chanh giấm, sau đó nấu lên. Món ăn này còn thành công nhờ các loại rau ăn kèm như chuối non, bắp chuối, giá sống, húng, quế, dứa, cà chua…