Canh rau mồng tơi từ lâu coi được như món ăn dân giã, vị thanh mát hợp khẩu vị của rất nhiều người. Đến Quảng Ninh, trong các bữa ăn, bạn có thể được mời thưởng thức canh khai vị hải sản như: canh cá bớp, canh ngán... với mỗi vị riêng, đặc trưng khác nhau. Trong đó, canh thưng biển nấu mồng tơi cho hương vị thơm, ngọt. Vị đậm đà của món canh, chắn hẳn sẽ khiến thực khách hài lòng.
Canh thưng biển nấu mùng tơi hấp dẫn thực khách.
Thưng biển là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ khá dày, sống ở những vùng nước có mức thuỷ triều lên xuống, hay ở vùng cồn cát. Theo anh Bùi Tống Cường (khu Cái Xà Cong, phường Hà Phong, TP Hạ Long) ngư dân thường đi bắt thưng biển ở các khu vực vụng trên vịnh Hạ Long hoặc các bãi triều, rạn, cồn cát vùng ven vịnh Hạ Long. Anh Cường chia sẻ: Thưng biển thường ăn rong rêu, sinh vật nhỏ trong cát. Đặc biệt, là những vùng nước lợ, là nơi giao thoa giữa nước ngọt và nước mặn thì thưng béo, thơm ngon nhất bởi môi trường sống và nguồn thức ăn thích hợp cho sự sinh sôi phát triển của loài nhuyễn thể này.
Thưng biển thường tập trung sống dưới cát, mỗi tổ thưng thường có từ 3-5 con, có những tổ có cả chục con. Cứ mỗi độ thuỷ triều rút, dong thuyền ra xa bờ chọn những khu vực đảo đá có bãi cát, cồn hoặc rạn v.v…những “tay săn” thưng điêu luyện sẽ bắt đầu tìm những tổ thưng. Thưng làm tổ sâu dưới lớp cát hoặc đất, hình dạng tổ rất giống tổ cua, cáy nên rất dễ bị nhầm.
“Trăm hay không bằng tay quen”, với những ngư dân giàu kinh nghiệm thì việc phát hiện tổ thưng rất dễ dàng. Bởi tổ thưng làm dưới cát, thường đùn cát lên bề mặt trông giống như những bông hoa, với những lỗ nhỏ li ti để thưng có thể vươn vòi lên thở hoặc bắt phù du trong nước. Sau khi phát hiện tổ thưng, những “tay săn” thiện nghệ dùng dụng cụ như thanh sắt nhỏ có đầu nhọn giống như chiếc xà beng, dài nửa mét đào sâu xuống cát khoảng 10-15cm là thấy ngay được tổ thưng. Trước khi mỗi lần dong thuyền xuôi con sóng có khi thu được tạ thưng. Nhưng ngày nay, thưng biển tự nhiên khan hiếm hơn, nhiều lắm chỉ gần chục cân cho mỗi lần đánh bắt, anh Cường chia sẻ.
Nếu không thể tìm được thưng tự nhiên, có thể thay thế bằng thưng nuôi, tuy nhiên phải chọn con to.
Tuy nhiên, ngày nay thưng tự nhiên bị cạn kiệt, ngày càng hiếm. Nhưng không vì thế mà thực khách yêu thích món ăn này phải... nhịn! Hiện nhiều nơi ở các vùng biển đảo ở Vân Đồn, Ngọc Vừng... ngư dân có thể nuôi loại nhuyễn thể này.
Thưng biển nổi tiếng thơm, ngon, có phần vòi giòn dai, thơm ngậy. Thưng biển có thể làm nguyên liệu để chế biến rất nhiều món ăn ngon như thưng hấp sả, cháo thưng, nhưng phải nói thưng biển nấu rau mồng tơi là món ăn dân giã, đơn giản nhưng lại rất ngon.
Để có món ăn ngon thì chọn mua được thưng tự nhiên là tuyệt nhất. Nếu là thưng nuôi cần chọn loại to, ngon nhất là 2-3 lạng/con hoặc ít nhất cũng phải trên 1 lạng/con bởi loại nhuyễn thể này có vỏ rất dày và nặng.
Thưng được ngâm với nước sạch khoảng 30-45 phút để nhả hết bùn nhớt, đem rửa sạch lớp vỏ rồi bổ đôi theo vành ngoài vỏ, lấy phần thịt và nước để riêng. Có lẽ khó nhất là lúc bổ thưng lấy ruột. Có thể luộc lên để thưng há miệng nhưng sẽ mất ngon. Bổ thưng cần chọn dao nhọn, lưỡi dài cắt dọc miệng thưng, lựa cắt 2 miếng cơ dày sát phần cuối vỏ thưng.
Mồng tơi và thưng biển - hai nguyên liệu tạo nên món canh khai vị hấp dẫn.
Đun nước sôi, thêm chút muối, hạt nêm vừa ăn rồi cho ruột thưng vào nấu khoảng 2-3 phút. Cho thêm rau mồng tơi thái nhỏ đến khi nước canh sôi là tắt bếp, không nên đun lâu, kỹ quá thưng sẽ dai. Khi nấu canh, rau mồng tơi vừa chín cho màu xanh bắt mắt thì thưng cũng đã chín có thể bắc ra. Canh thưng ăn nóng, nước ngọt lịm, rất hợp khi nấu rau mùng tơi.
Canh thưng nấu mồng tơi có thể làm món khai vị hay ăn cùng cơm nóng kèm vài quả cà muối đều vô cùng thơm ngon. Thực khách có thể cảm nhận vị ngọt của thưng biển với vị thanh mát rau mồng tơi hoà quyện vào nhau thật hài hòa.
Hà Phong