“Đời Về Cơ Bản Là Buồn Cười” Lê Bích Bụng Phệ Và Giáo Sư Cù Trọng Xoay Cùng Bảo Thế

GIỚI THIỆU SÁCH "Đời về cơ bản là buồn cười"

Lê Bích Bụng Phệ thì đâu còn xa lạ gì với cư dân Facebook. Cứ vào fanpage của “chàng” là lúc nào cũng được cười no bụng bởi “ở đất nước nhỏ bé này, bên cạnh những tin tức xấu, những lời than vãn, những bất mãn, thở than, thì đâu đâu cũng có sự khôi hài”, sự khôi hài mà “chàng” luôn chọn kể lại một cách hài hước, nhẹ nhàng và hết sức lạc quan, khiến người đọc chàng bật cười mà vẫn thấm thía.

Giờ thì có thể mang “chàng” đi khắp nơi mà không sợ hết pin hay mất mạng nữa vì “chàng” đã bước từ Facebook sang những trang sách dưới hình hài của “Đời về cơ bản là buồn cười” và thậm chí còn có thể chạm, sờ, nắm, cười, nháy mắt, bắt tay “chàng” bằng xương  bằng  thịt trong buổi ra mắt cuốn sách nhỏ xinh  này.

Lê Bịch đời về cơ bản là buồn cười

VỀ TÁC PHẨM

Lê Bích – Nhân vật ảo với chiếc bụng phệ, rốn lồi, khuôn mặt luôn tỏ vẻ tư lự,  trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, tam giáo, cửu lưu, tứ thư, ngũ kinh, tinh thần yêu nước trung trinh, đạo đức lung linh, phong tục, luật lệ, bản quyền, Horoscope, vật lý lượng tử… cái gì Lê Bích cũng tưởng là chàng biết.

Năm 2015, Lê Bích xuất hiện và nhanh chóng thu hút được các bạn trẻ nhờ những phát ngôn “chuẩn không cần chỉnh” do chính nhóm bạn nghĩ ra, bên cạnh đó cũng có một số status dịch từ  nước ngoài, một số khác mượn ý của một vài ngàn người bạn.

Với phương châm “Hãy dùng nụ cười để thay đổi thế giới, đừng để thế giới thay đổi nụ cười của bạn”,  Đời về cơ bản là buồn cười sẽ là một tập hợp những phát ngôn ấy của Lê Bích, dĩ nhiên là chưa từng xuất hiện trên fanpage, bên cạnh những câu nói quen thuộc làm nên tên tuổi của  Lê  Bích.

Các phát ngôn của Lê Bích có thể tìm thấy tại fanpage Lê Bích hoặc website

sách đời về cơ bản là buồn

VỀ TÁC GIẢ

Đời về cơ bản là buồn cười cũng như nhân vật Lê Bích bụng phệ là sản phẩm tinh thần của một nhóm bạn trẻ giàu tâm huyết hiện đang sinh sống tại Hà Nội:

Cái anh bụng phệ mà các bạn vẫn nhấn “Like” hằng ngay là Đinh Trần Tuấn Linh.

Người luôn “Like” comment của tất cả các bạn mà không cần biết đến nội dung, là quản lý nhóm, Linh Nhâm.

Nếu bạn thắc mắc cái mấu ở bụng của Lê Bích có phải rốn hay không thì phải hỏi họa sĩ Lê Sơn Tùng.

Còn để bài đăng Fanpage đạt đến mức độ 23+ như hôm nay, nhờ biên tập viên Đinh Phương Linh.

Cái cô gái A cả ngày than vãn, lại có hai dấu phẩy do họa sĩ ác ý quẹt vào mà năm ấy chúng ta cùng xua đuổi, đó chính Nguyễn Phương Nhung.

Lê Bích: Đời về cơ bản là buồn… cười

Đọc fanpage Lê Bích mới thấy rằng ở đất nước nhỏ bé này, ở đây, ở đó, ở trên mạng, trên phố, bên cạnh những tin tức xấu, những lời than vãn, những bất mãn, thở than, thì đâu đâu cũng có sự khôi hài. Điều thú vị hơn nữa, những câu chuyện vui hàng ngày này được kể lại bởi những người trẻ – những người đã chọn cách ứng xử hài hước nhẹ nhàng và lạc quan để lấp đầy các ổ gà họ gặp trên đời.

Hoạ sĩ biếm hoạ Lý Trực Dũng đã rất tinh tế khi nhận xét rằng tranh biếm hoạ của nhóm Lê Bích Bụng Phệ nhìn thoáng qua tưởng là một tiếng cười vu vơ, nhưng “thực sự họ có chính kiến của riêng họ“. Tiếng cười của Lê Bích mỉa mai nhưng không cay độc. Lê Bích châm biếm nhẹ nhàng những tính xấu của chính mình – một cư dân mạng điển hình – khiến độc giả bật cười, để rồi phải dừng lại suy nghĩ: suy nghĩ về tính a dua theo phong trào, hay hô khẩu hiệu nhưng ít hành động, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, tam giáo, cửu lưu, tứ thư, ngũ kinh, tinh thần yêu nước trung trinh, đạo đức lung linh, phong tục, luật lệ, bản quyền, Horoscope, vật lý lượng tử” cái gì cũng tưởng là mình biết, sự trì hoãn, tính chây lười…

đời về cơ bản là buồn cười.

Sự dí dỏm của Lê Bích mang tới cái nhìn sáng suốt, tỉnh táo hơn, nhưng đồng thời cũng bao dung hơn.

Ngay đầu năm mới, Lê Bích nhắn độc giả “dành một phút mặc niệm cho những dự định giảm cân, ngủ sớm, dậy sớm, bỏ thuốc lá, đọc sách, học ngoại ngữ… đã mất từ đầu năm 2015 đến nay“.

Buổi sáng, Lê Bích nhắc mỗi người “kiểm tra nhanh email, trả lời nhanh Facebook, xem qua báo chí, lướt Instargram, tumblr để nạp cảm hứng, bắt tay vào một ngày mới đầy hiệu quả...” để bắt đầu bữa ăn trưa…

Nhóm Lê Bích có chia sẻ rằng “tôn chỉ hoạt động” của họ là không bao giờ xúc phạm ai, tiếng cười mỉa mai của họ luôn dành cho chính bản thân họ trước. Có phải vì thế mà các bạn trẻ tìm thấy ở đây một sự thấu hiểu thân thiện hơn, nhưng đồng thời cũng sâu sắc hơn?

Không chỉ là tiếng cười, rất thường xuyên khi xem tranh Lê Bích, người đọc có thể tìm được những lời khích lệ, động viên rất dễ thương, tràn đầy tinh thần lạc quan và tích cực.

Lê Bích rất chịu khó trích dẫn thơ của những tác giả mà họ cho là hay, với sự nhiệt tình thường gặp của tuổi trẻ: ở một bức vẽ, người ta thấy Lê Bích đỏ mặt ngượng nghịu chia sẻ về một ngày bình thường lành mạnh:

Tối mười giờ đi ngủ

Sáng sớm chạy mấy vòng

Về nhà tắm nước lạnh

Thôi nghĩ điều viển vông

(thơ của Lu)

, ở một bức vẽ khác, Lê Bích chổng mông lau nhà để xua tan nỗi buồn một cách rất… đẹp lòng các bà mẹ:

Mỗi khi lòng mệt mỏi

Là tôi lại lau nhà

Lau qua rồi lau lại

Buồn theo mồ hôi ra

(thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh).

Lê Bích ít đề cập chuyện chính trị, chuyện xã hội, tới những vấn đề nóng bỏng xảy ra trên bản tin hàng ngày, có lẽ vì nhóm muốn hướng tới những câu chuyện vừa gần gũi hơn, vừa rộng rãi hơn giữa người với người.

Có lẽ những chuyện thời sự rồi cũng sẽ qua đi rất nhanh,giống như ngón tay cư dân mạng một ngày nào đó còn thơm mùi biển Đông, ngày sau nữa đã tươi màu Võ Tắc Thiên.

Có lẽ những gì còn đọng lại sẽ là một tiếng cười trẻ trung, trong trẻo, giúp người đọc tìm được một sự thăng bằng, lạc quan và dễ chịu để đời sống không chỉ đẹp mà còn vui vẻ.

đời về cơ bản là buồn

_______________

@ahalong