09 Tháng 7, 2023
Lê Phú Khương - tinhte.vn
Chia sẻ của bạn Lê Phú Khương đi Lào
Sau khi dừng chơi ở Mường Lống vài ngày để đợi giấy tờ, giấy liên vận Việt - Lào của mình cũng đã có và được chuyển từ Vinh lên Nậm Cắn.
Lộ trình căn bản của mình trong chuyến đi này sẽ bắt đầu ở Mường Lống, sau đó di chuyển tới cửa khẩu Nậm Cắn ở Nghệ An. Sau khi nhập cảnh mình sẽ tiếp tục chạy qua Xiêng Khoảng rồi đến thẳng Luang Prabang. Đây là tuyến đường tương đối dễ đi, dù đường xá ở Xiêng Khoảng không thật sự tốt.
Trước khi theo dõi bài viết này, nếu anh em chưa xem qua những trải nghiệm của mình ở Mường Lống, Nghệ An thì có thể theo dõi bài viết tại đây.
Mình lái xe từ Sài Gòn, sau những ngày dạo chơi ở Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn thì tiếp tục “Bắc tiến” về khu vực Nghệ An với dụng ý đi sang Lào từ cửa khẩu Nậm Cắn.
Giữa biên giới Việt Nam và Lào bị ngăn cản bởi một ranh giới tự nhiên, đó là dãy Trường Sơn. Do đó đoạn đường di chuyển nơi đây chủ yếu đi qua địa hình đồi núi. Thật ra bên Lào có khá nhiều đồi núi nên đây cũng là loại địa hình mà anh em thường xuyên gặp phải khi lái xe.
Mình đi Civic có gầm khá thấp, chạy không thoải mái lắm. Anh em đi xe gầm cao thì trải nghiệm sẽ phê hơn. Đi sáng sớm lúc bình minh, Mặt Trời bắt đầu lấp ló sau những dãy núi trùng trùng điệp điệp tạo ra một cảnh quan vô cùng đẹp mắt. Vì có địa hình cao nên buổi sớm khí trời khá lạnh lẽo. Đến khi Mặt Trời lên hẳn thì mọi thứ mới ấm áp lên một tí.
Cột mốc biên giới giữa Việt Nam và Lào ở cửa khẩu Nậm Cắn. Anh em ra đây nếu quên làm giấy liên vận thì có thể nhờ làm trực tiếp ở cửa khẩu luôn. Bình thường tự làm thì miễn phí, nhưng nhờ thì tốn phí, tầm 500 ngàn. Thời gian sẽ từ 2-3 ngày có, giấy tờ sẽ được chuyển từ Vinh lên cho anh em luôn.
Trên đường đi thì mình ghé vào cánh đồng chum để tham quan. Plain of Jars là một khu di tích nổi tiếng ở Lào, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Nó nằm ở tỉnh Xieng Khouang, tọa lạc trên các ngọn đồi và thung lũng. Khu vực này có hàng trăm đến hàng nghìn cái "jar" (chum) khổng lồ, là những hòn đá khối hình trụ được tạo thành từ đá vôi.
Mặc dù chưa có sự đồng ý chung về mục đích và nguồn gốc của các hòn đá này, nhưng cho đến nay, người ta cho rằng chúng có liên quan đến nghi lễ và hoạt động liên quan đến chôn cất người chết của các nền văn minh cổ đại. Những hòn đá có kích thước và trọng lượng khác nhau, từ nhỏ như hòn đá nhấn chìm tay đến lớn như những hòn đá có thể chứa người.
Plain of Jars được chia thành ba khu vực chính là khu vực 1, khu vực 2 và khu vực 3. Mỗi khu vực có sự khác biệt về số lượng và kích thước của các hòn đá. Khu vực 1 là nơi có số lượng chum nhiều nhất và cũng là nơi có sự phát triển du khách tốt nhất.
Cánh Đồng Chum là một di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Năm 2019, khu di tích này ở Lào đã được thêm vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO. Việc công nhận này nhấn mạnh giá trị lịch sử và văn hóa độc đáo của nó, và cũng giúp bảo vệ và duy trì khu vực này để tận hưởng và tìm hiểu về nó.
Rất nhiều miệng hố bom do Mỹ rải vẫn còn tồn tại tới ngày nay.
Thông tin cho du khách tham khảo khi tới nơi đây tham quan. Sau khi dừng tham quan ở Cánh Đồng Chum, nhà mình lái xe một mạch về phố cổ Luang Prabang. Khi đến nơi thì cũng đã là 12 giờ đêm. Đến sáng tụi mình bắt đầu đi dạo kiếm đồ ăn sáng. Anh em có thể vào chợ để vừa mua sắm, vừa có thể thưởng thức ẩm thực của nước bạn.
Chợ ở Lào có hình thức tương đối giống ở Việt Nam. Họ bán đủ thứ, từ gia vị, đặc sản, đồ ăn cho tới đồ đạc, dao rựa,…
Da trâu, một đặc sản ở Lào. Anh em sẽ bắt gặp rất nhiều món ăn ở nơi đây được chế biến với nguyên liệu là da trâu.
Một sạp bán gia vị Bán cả dơi… Một số loại bánh mà người Lào hay ăn Không rõ có phải do là chợ ở khu du lịch hay không mà họ bày bố mọi thứ rất đẹp, xinh xắn. Một số nơi niêm yết giá cả rõ ràng, du khách không biết tiếng Lào có thể dễ dàng biết giá hơn. Nhìn chung thì chi phí mua sắm ở Lào tương đối rẻ. Nước cam bên đây ngon lắm anh em. Tiếp tục là da trâu, da trâu được bán bên đây vô cùng phổ biến. Đi sâu vào trong chợ sẽ có nhiều tiệm ăn uống hơn. Mình dừng lại ở một tiệm để ăn sáng. Mình không biết món này là gì. Nó có cọng dạng phở. Nhưng nước dùng rất lạ, khác với hầu hết các món nước ở Việt Nam. Nó hơi cay cay, có thịt bằm,… anh em hình dung nó giống giống với món hủ tíu sa tế. Chợ chính của phố cổ, nên khá đông du khách. Mấy món bánh này khá giống với đồ ăn Việt Nam. Sau khi ăn và dạo một vòng quanh chợ xong thì nhà mình chạy xe khoảng 30km để đến một con thác tên là Tad Sea. Để đi tới thác, anh em sẽ phải ngồi ghe đi một tí dọc theo con sông này. Trong nhân khẩu học của Lào, người Việt chiếm tương đối nhiều. Mình đi dịp Tết đầu năm nên nhiều người Việt đã về Việt Nam ăn Tết, do đó khá vắng. Ngồi thuyền trên sông luôn là một cảm giác gì đó rất thi vị. Song, khi tới thác thì bọn mình lặng lẽ đi về vì đi ngay lúc thác cạn nước. Quá buồn. Giờ thì mình mới hiểu vì sao lại vắng đến thế. Anh em muốn đi thác thì nên đi vào tầm tháng 7 đến 11, lúc này nước sẽ đổ rất nhiều, anh em thậm chí có thể tắm trong thác luôn. Rời thác, mình đi tới một quán ăn cơm trưa. Quán này nấu đồ ăn khá ngon và có view rất tuyệt. Buổi trưa nhìn ra view như thế mà ăn cơm thì còn gì bằng. Buổi trưa ở Luang Prabang hơi nóng, nhiệt độ tầm tháng 2 mình đi có khi lên tới 30 độ. Buổi sáng và tối thì sẽ diệu mát hơn, còn tầm 15-20 độ. Mình tương đối thích đồ ăn và khẩu vị ở Lào. Trước đây mình ăn ở Pakse, tỉnh lớn ở phía Nam nước Lào, mình đã khen rất nhiều về khẩu vị của người Lào rồi. Đồ ăn đậm đà, cách chế biến ngon dù rằng khá cay. Sau khi ăn, mình về khách sạn nghỉ trưa để chiều đi chơi tiếp. Đi dọc những con phố ở Luang Prabang thì mình bắt gặp một cột biển khá hay ho. Nó liệt kê hướng đi và khoảng cách đến những thành phố nổi tiếng của thế giới. Buổi chiều ở khu vực chợ đêm (cũng là chợ mà lúc sáng mình đi), mọi người bắt đầu dọn hàng quán ra để chuẩn bị bán cho đến tối. Lúc bấy giờ tụi mình đang đi dạo một vòng, sẵn kiếm thuyền để ngồi trên sông Mê Kong ngắm hoàng hôn. Anh em nhớ có một quán bún đậu nổi tiếng nhờ được cựu TT. Obama ghé ăn chứ? Ở Lào cũng thế, có một tiệm nước dừa nổi tiếng vì Obama cũng từng uống ở đây. Mình có thử uống thì thấy nó cũng… bình thường. Giá cả lại khá cao. Được cái ngồi ngay bờ sông khá mát và chill 😁 Anh em muốn ngồi tàu ngắm hoàng hôn trên sông nhớ trả giá trước khi đi nhé. Ban đầu người ta đòi 200 ngàn VND/người. Mình đứng trả giá một hồi thì họ đồng ý chở với giá 150 ngàn VND/3 người. Giá ảo thật sự. Dù gì thì buổi chiều ngồi trên thuyền trôi dọc con sông nổi tiếng và ngắm mặt trời lặn cũng là một cảm giác mà khó có thể tả được thành lời. Mặt Trời bắt đầu xuống, sương cũng bắt đầu xuất hiện mờ mờ ảo ảo. Rất nhiều con nít dân địa phương đến chiều là cởi đồ ra bờ sông tắm, nhìn vui vui. Mặt Trời bắt đầu xuống rồi, cảnh đẹp vô cùng. Anh em không thích ngồi thuyền có thể ra những quán cà phê dọc bờ sông để ngắm hoàng hôn cũng được. Giá của những quán này thì tương đối cao hơn mặt bằng chung nhé. Cả một vùng trời giờ chỉ còn màu vàng của buổi chiều tà Mặt Trời khuất núi, ánh sáng của nó phản lên bầu trời tạo ra những vệt màu nóng rất ấn tượng. Toàn bộ chuyến đi sẽ tốn của anh em khoảng 1 tiếng đồng hồ. Tầm 6 giờ đến 6 giờ rưỡi thuyền sẽ cập bến cho anh em lên. Sau khi lên bờ thì mình vào chợ để mua đồ ăn và ăn tối. Chợ ngay sát bên bờ sông nên anh em cũng chỉ cần đi bộ là được, chẳng cần xe cộ làm gì cho mệt. Buổi tối chợ ít bán nguyên liệu hơn so với sáng. Lúc này thì người ta sẽ chủ yếu bán đồ ăn đã chế biến, quần áo, đồ lưu niệm. Ở Lào anh em sẽ gặp không ít những hình ảnh các nhà sư như thế này. Lào là quốc gia theo Phật Giáo, nhưng Phật Giáo ở nơi đây là Nam Tông (Tiểu Thừa), do đó trang phục và một số tập tục của họ tương đối khác so với Phật Giáo ở Việt Nam. Một số sạp bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ trong chợ. Mình thấy mấy món này hơi bị nói thách giá, mình lười trả giá và thấy cũng không có gì đáng mua lắm nên thôi :D Nhưng mấy du khách Tây lại khá hào hứng và có vẻ mua khá nhiều.
Sáng hôm sau mình dậy sớm để đem xem khất thực. Đây là một kiểu thực hành tôn giáo rất quen thuộc của Phật Giáo Nam Tông. Xem khất thực cũng là một loại “đặc sản” khi anh em đến Luang Prabang đấy. Nếu muốn xem, anh em nên đi thật sớm, tầm 5 giờ sáng, vì nếu trễ hơn thì họ đã đi vào chùa mất rồi, phải đợi đến sáng hôm sau.
Nghi lễ này sẽ diễn ra mỗi ngày nhé anh em. Sau khi chơi ở Luang Prabang, cả nhà mình bắt đầu di chuyển về Vangvieng, rồi dừng lại ở Vientiane một ngày.
Vì lúc này đã khá nhớ nhà và cũng không còn chơi gì nhiều nên mình dừng việc quay video và chụp hình. Tụi mình ghé Vientiane chơi một tí, thay bộ lốp xe (vì giá ở Lào rẻ), mua vàng (vì vàng ở Lào chất lượng, đạt chuẩn 9999 chứ không phải 985 như ở Việt Nam), rồi phi thẳng về Pakse rồi nhập cảnh ở Bờ Y.
Kết thúc chuyến đi đầy sự thú vị. Cám ơn anh em đã theo dõi bài viết và video. Nếu có thắc mắc hay cần kinh nghiệm gì, cứ comment ở bên dưới nhé. Chúc mọi người vui vẻ.