Cột mốc 1378 được xây dựng trên trụ cao 10m, giữa dòng sông Bắc Luân, nơi tiếp giáp với biển Đông
Cột mốc nơi địa đầu
Nếu Cột mốc số 0 (Cột mốc A Pa Chải, tỉnh Điện Biên) là khởi đầu của đường biên giới Việt - Trung, thì Cột mốc số 1378 chính là cột mốc cuối cùng. Nằm trên mũi Sa Vĩ, Cột mốc 1378 luôn sừng sững, hiên ngang trên trụ cao của hòn Dậu Gót, giữa ngã ba cửa sông Bắc Luân. Đó là nơi phân định, đánh dấu ranh giới giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Với mỗi người dân Trà Cổ và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ (TP Móng Cái), Cột mốc 1378 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nơi ấy khắc ghi những ngày tháng quân và dân đồng lòng bảo vệ, xây dựng từng mét đất lãnh thổ, lãnh hải quốc gia. Chia sẻ về quá trình xây dựng cột mốc, Thượng tá Nguyễn Thế Thảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trà Cổ, cho biết: Quá trình xây dựng cột mốc này khá gian nan, vất vả. Địa hình thi công trên Hòn Dậu Gót có nền đất yếu, phụ thuộc vào thủy triều, con nước, tàu thuyền lưu thông qua lại, trong khi trang, thiết bị cũng như kinh nghiệm của mình lúc bấy giờ cũng còn nhiều hạn chế. Mốc nằm ở giữa sông nên khi xây, lực lượng thi công phải đào sâu xuống tận tầng đá gốc rồi xây bệ mốc cao trên 10m, sau đó mới xây mốc trên bệ trụ, để khi thủy triều mức cao nhất cũng không ngập được mặt cột mốc. Có lẽ cũng chính vì thế mà cột mốc mang ý nghĩa đặc biệt hơn hẳn.
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ (TP Móng Cái) quan sát cột mốc 1378 qua đài quan sát
Đứng chân và bảo vệ Cột mốc biên giới 1378, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ hằng ngày không quản nắng mưa, gió bão đều có mặt tuần tra, canh gác để đảm bảo từng tấc đất quê hương không bị xâm phạm. “Những ngày mưa bão, gió nơi cửa biển giật đùng đùng, những cán bộ, chiến sĩ của Đồn vẫn kiên tâm làm nhiệm vụ, bằng mọi phương tiện, thiết bị, duy trì tuần tra, quan sát cột mốc, như vậy mới đảm bảo khẳng định chủ quyền 24/24h” - Thượng tá Nguyễn Thế Thảo chia sẻ.
Từ khi hoàn thành tháng 11/2009 đến nay, Cột mốc 1378 luôn đứng vững, hiên ngang và kiên cố giữa sóng triều, con nước mênh mông. Với các chiến sĩ và nhân dân Trà Cổ, Cột mốc 1378 không chỉ là chứng tích mang ý nghĩa quan trọng về lãnh hải, lãnh thổ, mà còn là "người bạn" gắn bó, điểm tựa bình yên.
Cột mốc “làm du lịch”
Là một địa phương biên giới, huyện Bình Liêu có rất nhiều cột mốc, nhưng với nhiều người khi đến đây, các Cột mốc 1300, 1302, 1305 và 1327 là không thể bỏ qua. Những cột mốc này nằm rải rác trên cung đường tuần tra biên giới cao hơn 700m so với mặt nước biển. Bên cạnh“nhiệm vụ” thiêng liêng là khẳng định ranh giới, chủ quyền quốc gia, gần đây, những cái tên mốc 1300, 1302, 1305 và 1327 ngày càng được nhiều giới trẻ biết đến như một điểm tham quan du lịch, nơi check-in không thể thiếu khi đến Bình Liêu.
Vẻ kỳ vĩ của "sống lưng khủng long" trên con đường chinh phục Cột mốc 1305. Ảnh: Lê Thành
Trong số đó, Cột mốc 1305 là đặc biệt hơn cả bởi hành trình chinh phục không hề dễ dàng. Để đến được đây, mọi người phải băng qua cung đường mòn giữa các đỉnh núi, nơi mà du khách vẫn thường gọi là “sống khủng long”. Với khoảng 2 giờ đồng hồ leo núi, vượt khoảng 2.000 bậc leo và qua một đoạn sườn dốc là có thể chạm tay tới Cột mốc 1305. Cột mốc nằm bình lặng giữa hai triền núi, nhưng không vì thế mà mất đi sự hiên ngang, vững chãi. Cùng với thời gian, nơi đây đã khắc ghi bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ đi trước trong quá trình bảo vệ biên cương.
Cột mốc 1327 cũng là địa điểm không thể không đến khi đi du lịch Bình Liêu. Đây là cột mốc cuối cùng trên đường biên giới Việt - Trung thuộc huyện Bình Liêu theo hướng từ Tây sang Đông, được cắm trên một đỉnh núi thuộc bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn. Đường biên giới từ sau Cột mốc 1327 là địa phận huyện Hải Hà trước khi kéo dài và kết thúc ở Cột mốc 1378 tại TP Móng Cái. Mốc 1327 được du khách ưu ái đặt cho tên “cột mốc thiên đường”, bởi từ vị trí cột mốc này có thể nhìn ra xung quanh núi rừng nơi vùng biên Đông Bắc hùng vĩ với mây trời lãng đãng.
Những năm gần đây, các tour, tuyến tham quan du lịch gắn với tham quan cột mốc biên giới đang được huyện Bình Liêu quan tâm khai thác nhằm thu hút du khách cũng như giáo dục về địa lý, lịch sử cho thế hệ trẻ. Nhiều bạn trẻ coi đây là điểm đến không thể thiếu khi đến Quảng Ninh. Anh Lê Thành (TP Hạ Long), một trong những "dân phượt" lâu năm trên cung đường biên giới Bình Liêu, cho biết: "Hằng năm, nhất là vào dịp mùa thu, đông khi hoa lau nở trắng miền biên cương Đông Bắc thì nhiều anh em, bạn bè đều nhờ tôi hướng dẫn tham quan, chinh phục các điểm du lịch ở Bình Liêu. Một phần rất quan trọng trong các hành trình đó là được chụp ảnh lưu niệm với những cột mốc biên giới".
Tác giả bài viết bên "Cột mốc thiên đường" 1327
Đức Dũng (22 tuổi), một du khách đến từ Hà Nội, cho biết: "Với tôi và các bạn của mình, du lịch đến Bình Liêu không chỉ là để tìm về với thiên nhiên, núi rừng, để giải tỏa áp lực công việc, học tập, mà còn là thỏa mãn mơ ước được chạm tay vào từng cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi cột mốc đứng đó như nhắc nhở thế hệ trẻ chúng tôi phải luôn nhớ đến sự hy sinh của các thế hệ đi trước, phải có trách nhiệm bảo vệ từng tấc đất quê hương mình”.
Theo quy định, các cột mốc chính được làm bằng đá hoa cương, trên đó khắc Quốc hiệu bằng chữ viết của hai nước cùng số hiệu cột mốc và năm cắm mốc. Riêng các cột mốc đại có gắn thêm Quốc huy của hai nước. Với mỗi người dân Việt, từng nét mực khắc trên đá hoa cương ấy không đơn thuần chỉ là con số, là Quốc hiệu, mà còn là linh hồn và niềm tự hào dân tộc.
______________
Nguyên Ngọc