Kinh Nghiệm Du Lịch Yên Tử 1 Ngày Cập Nhật 2021

Làm sao để du lịch Yên Tử 1 ngày? Dưới đây là một số kinh nghiệm mà các bạn nên bỏ túi khi đi du lịch Yên Tử về giá vé cáp treo Yên Tử, thời điểm thích hợp nên đi, các địa điểm du lịch tâm linh trên núi, lịch trình, các đặc sản nên mua về làm quà…

1. Tại sao nên đến Yên Tử ?

Khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành để tìm đến sự thanh tịnh sau khi truyền ngôi và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo.

Vì vậy đây được coi là 

đất tổ của Phật giáo Việt Nam và là địa điểm hành hương đúng nhất dành cho các Phật Tử tại Việt Nam: 

“Trăm năm tích đức tu hành

Chưa về Yên Tử, chưa đành lòng tu”.

Yên Tử được coi là đất tổ của Phật giáo Việt Nam
Yên Tử được coi là đất tổ của Phật giáo Việt Nam

Bên cạnh đó, Yên Tử có thể có nhiều cảnh đẹp đặc biệt thích hợp các chuyến du xuân. Đi lên núi Yên Tử bạn sẽ được hòa mình vào không gian trong lành, mát mẻ với núi non trùng điệp, mây mù mờ ảo quanh năm, đi bộ rừng tùng cổ giống quý ngàn năm tuổi và được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ: chùa, tháp, am… Đứng trên đỉnh núi, bạn có thể nhìn bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa hơn là dòng sông lịch sử Bạch Đằng.

2. Nên đến Chùa Yên Tử vào dịp nào? Lễ hội Yên Tử

Thời điểm thích hợp nhất để đi du lịch Yên Tử: bạn nên đi vào đầu năm: từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch là mùa lễ hội chính của Yên Tử, thời điểm này vô cùng đông người tuy nhiên bù lại bạn được tham gia nhiều các hoạt động lễ hội đầu năm đặc sắc ở nơi đây. Đặc biệt, bạn nên lưu lại một số ngày lễ chính trong suốt 3 tháng lễ hội Yên Tử:

  • Ngày 23 tháng Giêng âm lịch: Giỗ Đệ tam Tổ Huyền Quang
  • Ngày 18 tháng Hai âm lịch: Giỗ Thiền sư Chân Nguyên
  • Ngày 03 tháng Ba âm lịch: Giỗ Đệ nhị Tổ Pháp Loa;
  • Ngày 15 tháng Tư âm lịch: Đại Lễ Phật Đản;
  • Ngày 15 tháng Bảy âm lịch: Đại Lễ Vu Lan;
  • Ngày 01 tháng Mười một âm lịch: Quốc Giỗ Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.

Lễ hội Yên Tử diễn ra nhằm tôn vinh công đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tối trước ngày lễ hội diễn ra, Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh sẽ cùng đông đảo người dân và khách thập phương tổ chức long trọng nghi lễ mở cửa rừng mở đầu cho lễ hội Yên Tử.

Lễ hội chùa Yên Tử
Lễ hội chùa Yên Tử

Lễ khai hội được mở đầu bằng chương trình nghệ thuật “Yên Tử vào xuân”, tiếp đó là nghi lễ gióng trống, thỉnh chuông, chúc phúc đầu năm, cầu quốc thái dân an và nghi lễ đóng dấu thiêng Yên Tử tại lễ hội. Sau phần khai hội, du khách có thể tham quan khu Trung tâm lễ hội, làng hành hương, thượng sơn lễ Phật … và tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân tộc, các trò chơi dân gian… được tổ chức ngay tại làng hành hương.

3. Yên Tử ở đâu? Hướng dẫn cách đi

  • Địa chỉ: thôn Nam Mẫu xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh. 
  • Nhận chỉ đường đến khu du lịch Yên Tử
  • Giờ mở cửa: 24/24.

Hướng dẫn cách di chuyển đến Yên Tử: Hà Nội cách Yên Tử khoảng 130km, bạn có thể đi xe khách hoặc phương tiện cá nhân để di chuyển. 

Nếu bạn đi bằng phương tiện cá nhân và đi từ trung tâm thành phố Hà Nội, bạn di chuyển theo hướng cầu Chương Dương,rồi tiếp tục đi thẳng theo đường Nguyễn Văn Cừ rồi chạy tiếp đi thành phố Bắc Ninh tới QL18, chạy thẳng sẽ tới đền Trình. Từ đây rẽ trái 10km sẽ tới Yên Tử. 

Hướng dẫn cách di chuyển đến Yên Tử
Hướng dẫn cách di chuyển đến Yên Tử

Còn nếu bạn đi xe khách, bạn bắt xe đi Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái… ở Hà Nội đều được, đi đến đoạn chùa Trình ở QL18 bảo lái xe cho xuống. Sau đấy bắt tiếp bus giá vé 10k/người/lượt để đến Yên Tử.

4. Giá vé, giá dịch vụ tại khu du lịch Yên Tử

Cùng cập nhật giá vé và giá các dịch vụ tại khu du lịch dưới đây:

Dịch vụ Giá vé
Cáp treo Yên Tử
  • Tuyến 1 (Giải Oan – Hoa Yên): 220.000 vnđ/vé
  • Tuyến 2 (Một Mái – An Kỳ Sinh): 270.000 vnđ/vé.
  • Cả 2 tuyến: Khứ hồi: 350.000 vnđ/vé 

Lưu ý: Miễn phí vé cho trẻ em dưới 6 tuổi (cao dưới 1m2), người già trên 70 tuổi (mang theo giấy tờ tùy thân), tăng ni, thương binh (xuất trình thẻ).

Xe bus 16 chỗ từ đền Trình vào Yên Tử20.000 vnđ/lượt/người
Xe điện từ bãi đỗ xe vào chân núi10.000 vnđ/lượt/người
Phòng ngủ
Dịch vụ nhà hàng40.000 – 80.000 vnđ/suất ăn (Có cả ăn chay & ăn thường)

5. Các địa điểm du lịch Yên Tử

Núi Yên Tử là một quần thể gồm nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của nhà Trần và thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Đến thăm địa danh này, bạn không thể bỏ lỡ các địa danh nổi tiếng sau:

Địa điểmĐặc điểm
Chùa Trình/ đền Trình
  • Vị trí: Bí Thượng, Phương Đông, Uông Bí, Quảng Ninh.
  • Đặc điểm nổi bật: được xây dựng theo kiến trúc chữ Nhất, là Trụ sở của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.
Suối Giải Oan, chùa Giải Oan

  • Vị trí: Đường Yên Tử, Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh.
  • Đặc điểm nổi bật: là nơi thờ các cung nữ, phi tần của vua Trần Nhân Tông muốn lên núi cầu xin vua trở lại triều đình không được, các bà đằm mình xuống suối tự vẫn.
Chùa Hoa Yên

  • Vị trí: ở độ cao 516m, Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh.
  • Đặc điểm nổi bật: chùa trung tâm, lớn nhất khu di tích Yên Tử. Khi xưa là nơi Phật Hoàng giảng đạo.
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử

  • Vị trí: Nam Mẫu, Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh.
  • Đặc điểm nổi bật: là nơi giảng đạo, độ tăng.
Vườn Tháp Huệ Quang

  • Vị trí: nằm ở phía trước chùa Hoa Yên.
  • Đặc điểm nổi bật: là nơi cất giữ một phần xá lị của vua Trần Nhân Tông và lưu giữ ngọc cốt của các nhà sư đã từng tu hành tại Yên Tử. 
Chùa Một Mái

  • Vị trí: nằm cách chùa Hoa Yên về phía bên trái khoảng 500m.
  • Đặc điểm nổi bật: nơi thờ Phật Quán Thế Âm, ở đây lưu giữ huyền thoại về ” dòng sữa” và ” đụn gạo”.
Chùa Bảo Sái

  • Vị trí: Cách chùa Một Mái khoảng 500m
  • Đặc điểm nổi bật: là nơi biên soạn, lưu trữ kinh văn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

  • Vị trí: nằm trên đỉnh An Kỳ Sinh, núi Yên Tử cách chùa Đồng 649m.
  • Đặc điểm nổi bật: là bức tượng đúc bằng đồng nguyên khối lớn nhất Châu Á.
Cổng trời – Bia Phật

  • Vị trí: là bãi đá gần khu vực chùa Đồng.
  • Đặc điểm nổi bật: là một phiến đá trầm tích cát sỏi biển có những con ốc, con sò biển hoá thạch.
Chùa Đồng

  • Vị trí: nằm trên đỉnh núi Yên Tử.
  • Đặc điểm nổi bật: là ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất châu Á, hình dáng Chùa như một Đài sen, trong Chùa thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tổ Trúc Lâm
Đền An Sinh

  • Vị trí: An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh.
  • Đặc điểm nổi bật: nơi thờ tự và tế lễ của các vua Trần và là trung tâm tín ngưỡng quan trọng dưới thời Trần, Lê, Nguyễn.
Chùa Hồ Thiên

  • Vị trí: nằm ở sườn núi Phật Sơn, núi Yên Tử, Bình Khê, Đông Triều, Quảng Ninh.
  • Đặc điểm nổi bật: là nơi đăng đàn thuyết pháp của Điều Ngự Giáo Hoàng Trần Nhân Tông.
Am Ngọa Vân

  • Vị trí: Nằm trên núi Bảo Đài thuộc địa phận 2 xã An Sinh và Bình Khê, Đông Triều, Quảng Ninh.
  • Đặc điểm nổi bật: Là nơi Phật hoàng tu hành và đắc đạo.
Chùa Am Vãi

  • Vị trí: xã Nam Dương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
  • Đặc điểm nổi bật: nằm trong hệ thống các chùa tháp được phát triển ở thời Trần dọc theo sườn Tây dãy Yên Tử khi đạo Phật ở vào giai đoạn cực thịnh.
Khu di tích – danh thắng Suối Mỡ

  • Vị trí: xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
  • Đặc điểm nổi bật: có thắng cảnh thiên nhiên đẹp, dòng suối độc đáo với 24 ngọn thác là một điểm tham quan kỳ thú.
Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử

  • Vị trí: Tuấn Mậu, Sơn Động, Bắc Giang.
  • Đặc điểm nổi bật: là khu rừng tự nhiên tập trung lớn nhất của tỉnh Bắc Giang, nối liền với diện tích rừng thường xanh của tỉnh Quảng Ninh.

6. Hướng dẫn tham quan chùa Yên Tử 1 ngày

Để tham quan Yên Tử, có 2 cách để bạn lựa chọn:

  • Đi bằng cáp treo: với quãng đường khoảng 1.2km lên tới độ cao 400m tiết kiệm sức, thời gian di chuyển nhanh
  • Đi đường bộ dài hơn 6km, đường đi chủ yếu là các bậc đá, lối mòn dưới rừng trúc rừng thông

sơ đồ khu danh thắng Yên tử

Dưới đây là hướng dẫn chi tiết tham quan chùa Yên Tử 1 ngày theo 2 cách trên bạn có thể tham khảo để có một hành trình suôn sẻ nhất:

6.1. Lịch trình thăm quan bằng cáp treo

Bắt đầu từ bãi đỗ xe bạn đi thẳng qua cầu Giải Oan, lên chùa Giải Oan rồi đi xuống theo con đường bên phải chùa để đến ga 1 cáp treo. Lên đến ga 2, bạn đi hướng tay phải để qua Tháp Tổ rồi lên Chùa Hoa Yên. Sau đó bạn đi vào phía tay phải để lên ga 3 Cáp treo.

cáp treo yên tử

Trên đường đi bạn thấy chùa Một Mái ở phía trên, sau khi thắp hương xong bạn tiếp tục đi xuống Ga 3 để cáp treo đưa bạn lên ga 4. Bạn đi khoảng 200m đến tượng An kỳ Sinh rồi đến Quảng trường Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tiếp tục hành trình lên chùa Đồng và xuống núi. 

Lưu ý đi bằng cáp treo bạn sẽ không vào được chùa Bảo Sái và chùa Vân Tiêu. Hành trình đi bằng cáp treo sẽ mất khoảng 4 giờ.

6.2. Lịch trình thăm quan bộ

Từ bãi đỗ xe bạn đi thẳng đến suối Giải Oan rồi leo qua đường Tùng cổ, tiếp tục leo dốc lên đến Tháp tổ, qua dốc Dây Diều đến chùa Hoa Yên. Tiếp tục hành trình về hướng tay phải bạn sẽ gặp chùa Một Mái ở phía trên. Sau đó bạn đi theo đường chính khoảng vài chục mét thì có đường leo tiếp đến chùa Bảo Sái.

Leo tiếp qua khu dịch vụ của người dân ở đây, bạn hãy dùng lại thắp hương tại tượng đá An kỳ Sinh. Ngay sau đó bạn đã tới Quảng trường Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Đi khoảng 300m nữa thì tới chùa Đồng. Thắp hương xong bạn sẽ tiếp tục cuộc hành trình xuống núi. Bạn nhớ đi hướng tay phải xuống để qua chùa Vân Tiêu và tiếp tục hành trình xuống chân núi Yên Tử.

chinh phục đỉnh thiêng Yên tử bằng đường bộ

Thông thường bạn phải mất từ 6 đến 8 giờ để hoàn thành cuộc hành trình vì còn phụ thuộc vào sức khỏe và thời gian dừng thắp hương hoặc thời gian bạn đi. 

Một số lưu ý khi leo tham quan Yên Tử 

  • Đừng vứt rác bừa bãi: Hãy bỏ rác đúng nơi quy định (có thùng rác) hoặc nhét vào balo để mang xuống chân núi bỏ vào thùng.
  • Nghỉ giữa đoạn: Đừng cố gắng leo leo leo mà không nghỉ, nên dừng lại khi thấy mệt, hít thở thật sâu, uống một chút nước rồi hãy đi tiếp. Thời gian và đoạn đường còn dài.
  • Đến rừng tùng, đừng dẫm lên gốc cây: Khi lên đến giữa núi bạn sẽ đi qua một đoạn đường tùng quý tuổi thọ 900 – 1000 năm tuổi, gốc rễ của những cây tùng này ăn lên cả mặt đất. Đừng dẫm lên nó, mỗi năm có đến hàng triệu lượt người, chỉ cần mỗi người dẫm lên 1 lần thì tuổi thọ của những cây tùng này giảm rất nhiều.
  • Cẩn thận đoạn lên chùa Đồng: Đoạn đường cuối này không có bậc thang, bạn nên cẩn thận vào những ngày trời mưa các tảng đá dễ trơn trượt.
  • Vào các ngày dịp lễ đông người bạn nên hạn chế dẫn theo trẻ nhỏ đi lễ chùa vì dòng người rất đông, dễ bị lạc.

7. Đồ lễ, một số vật dụng cần chuẩn bị

Du lịch Yên Tử 1 ngày với mục đích tham quan ngắm cảnh thì việc chuẩn bị rất đơn giản hầu hết là các đồ dùng cá nhân. Nhưng nếu đi với mục đích lễ bái, thì bạn cần chuẩn bị thêm các đồ lễ tại mỗi điểm tâm linh trên núi Yên Tử.

7.1. Vật dụng cần mang khi đi Yên Tử

Du lịch chùa Yên Tử 1 ngày nên chuẩn bị gì? Cùng tham khảo ngay dưới đây:

Tiền: mang theo đủ dùng, tránh bị kẻ gian móc túi những ngày lễ hội, người đông. 

hành hương Yên tử

Giày: không nên đi giày mềm, giày công sở. Nên đi giày thể thao hoặc giày leo núi thì càng tốt. Hoặc bạn có thể gửi giày, dép và thuê giày leo núi ở chân núi.

Balô: một cái balo nhỏ, gọn nhẹ để đựng ít đồ ăn, nước uống.

Trang phục: Chú ý trang phục ngay ngắn, tránh phản cảm vì đây là nơi linh thiêng có rất nhiều những quy định nghiêm ngặt về trang phục. Khi đi chỉ cần bạn mặc trang phục gọn nhẹ, đủ ấm, nên mang áo khoác nhẹ để đề phòng bị lạnh khi leo lên cao.

Nước: Bạn nên mang theo nước khoáng vừa để uống dọc đường vì nước bán trên núi đắt hơn rất nhiều lần so với giá bình thường.

Đồ ăn: Bạn nên mang theo một số đồ ăn nhẹ để ăn trưa. Ngoài ra, bạn có thể ăn trưa trên núi với xúc xích, ngô, khoai, phở… tuy nhiên giá sẽ cao hơn bình thường.

Gậy: nếu bạn đi bộ nên mua một chiếc gậy tre dưới chân núi giá 5k, có cây gậy này leo đỡ mất sức, đặc biệt khi xuống có gậy chống không bị đau khớp gối.

Máy ảnh, điện thoại: có nhiều cảnh đẹp trên đường, bạn nên mang theo một chiếc máy ảnh du lịch hoặc điện thoại có chức năng chụp ảnh để lưu lại kỷ niệm trong chuyến đi của mình.

Lưu ý vì hành trình dài bạn nên đơn giản hóa và gọn nhẹ mọi thứ, đừng mang vác cồng kềnh, đừng mang quá nhiều đồ ăn và nước chỉ mang đủ dùng trong suốt quá trình. Và nên mang thêm 1 chiếc túi để đựng rác, không nên vứt rác bừa bãi trên đường đi. 

7.2. Chuẩn bị lễ khi đi Yên Tử

Yên Tử là nơi thờ Phật, du khách lưu ý khi chọn lễ: chỉ nên chọn lễ ngọt, chay tịnh như hoa quả, bánh kẹo, xôi oản… tuyệt đối không mang lễ mặn, sống vào Yên Tử. Bạn chỉ cần chuẩn bị hương hoa, chút quả tươi, tiền vàng và quan trọng nhất là tấm lòng thành kính, nhất tâm.

Nếu mang hoa thì nên chọn các loài hoa như huệ, cúc, sen, mẫu đơn… không chọn các loại hoa dại. Khi sắp lễ không để vàng tiền âm phủ lẫn tiền thật vào mâm lễ trên bàn thờ Phật. Ở đình đền có thể để tiền âm phủ nhưng không để tiền thật.

Nếu ăn uống, hưởng lộc tại chùa nên công đức dù ít hay nhiều, để tiền vào hòm công đức.

lễ

Bạn có thể tham khảo thêm các kinh nghiêm lễ chùa đầu năm đúng cách tại bài viết:

  Hướng dẫn đi lễ chùa đầu năm "sở cầu như nguyện" đúng cách!

8. Gợi ý một số tour du lịch Yên Tử 1 ngày

Nếu không có đủ thời gian để chuẩn bị cho chuyến du lịch Yên Tử 1 ngày tự túc, bạn có thể tham khảo thêm các tour Yên Tử 1 ngày ngay dưới đây:

TourThông tin
Tour Sinhcafe: Hà Nội – Yên Tử
  • Mức giá tham khảo: 650 000 vnđ

Xem chi tiết tour!

Danatravel: Hà Nội – Yên Tử
  • Mức giá tham khảo: 580 000 vnđ

Xem chi tiết tour!

Dulichvietnam: Hà Nội – Yên Tử
  • Mức giá tham khảo:
    • Khách lẻ: 500.000 vnđ
    • Từ 20 – 40 người: 480 vnđ
    • Trên 40 người: 400.00 vnđ

Xem chi tiết tour!

9. Đặc sản mua về làm quà khi du lịch Yên Tử

Dù là chuyến đi ngắn trong 1 ngày bạn cũng đừng quên lựa chọn mua những đặc sản Yên Tử về làm quà cho người thân nhé!

Đặc sảnThông tin
Măng Trúc tươi Yên Tử

  • Ưu điểm nổi bật: Măng trúc thường rất nhỏ thon, dài với độ giòn, vị ngọt đặc trưng, có thể chế biến thành nhiều món như luộc, xào, nhồi thịt…
  • Địa chỉ mua: có thể mua ở các chợ cóc hoặc mua của người dân bán ven đường.
Rượu mơ Yên Tử

  • Ưu điểm nổi bật: thơm ngon, bổ dưỡng, có nhiều tác dụng cho sức khỏe người dùng.
  • Địa chỉ mua: Nhà máy bia Thăng Long, Uông Bí, Quảng Ninh.
Rau dớn Yên Tử

  • Ưu điểm nổi bật: Rau dớn mọc tự nhiên nên sạch, an toàn, khi ăn có độ giòn, ngọt khá lạ miệng.
  • Địa chỉ mua: chợ cóc hoặc người dân bán rong ven đường.
Bánh tài lồng ệp

  • Ưu điểm nổi bật: là một món bánh rất đặc trưng ở Quảng Ninh và được xem như đặc sản của người Sán Dìu ở Quảng Ninh.
  • Địa chỉ mua: bạn có thể mua trong các cửa hàng bán đồ đặc sản dưới chân núi Yên Tử.
Dầu xoa bóp trầu tiên Yên Tử

  • Ưu điểm nổi bật: gồm 3 loại cây lá thuốc lấy từ núi Yên Tử. Dầu này dùng để xoa ngoài da chữa các chứng đau xương, đau khớp.
  • Địa chỉ mua: mua ở các hiệu thuốc của Hội chữ thập đỏ Uông Bí.

Hi vọng với những kinh nghiệm du lịch Yên Tử 1 ngày trên sẽ là những thông tin hữu ích dành cho bạn trong chuyến hành hương về vùng đất Phật linh thiêng nhất Việt Nam.

Đừng quên chia sẻ với Halo những trải nghiệm của bạn ở vùng đất này bên dưới phần bình luận của bài viết nhé!

____________________

Mùa xuân hành hương Yên tử