Luật của khóa thiền rất đơn giản, nhưng hơi sốc nếu bạn là một tín đồ công nghệ hướng ngoại có hội chứng sợ bị bỏ lỡ: không nói chuyện, không đọc sách, không ghi chép, không sử dụng điện thoại, thậm chí không được trao đổi bằng mắt với các thiền sinh khác.
Một điều quan trọng nữa: cam kết không bỏ về trước khi khóa thiền kết thúc.
Nhìn quanh khuôn viên thiền viện với tường cao, cửa nặng khóa 2 lần, tôi nghĩ: “Nơi này an ninh quá!”, để rồi 5 ngày sau, vẫn là tôi ngồi nhìn bức tường ấy, nghĩ xem mình có cách nào leo ra không…
Nhìn cuộc sống như nó vốn là
Nơi tôi đến là trung tâm Ucenlist ở Củ Chi, chỉ cách Tp.HCM 1 giờ chạy xe. Thiền viện nằm ở nơi biệt lập, rộng rãi, thoáng mát với nhiều cây xanh. Có hai khu ký túc xá nam và nữ với lối đi riêng, mỗi ký túc xá gồm khoảng 10 phòng với 4 giường đơn theo phong cách khắc kỷ nhưng sạch sẽ và đủ tiện nghi. Khóa thiền nổi tiếng đến mức phải đăng ký trước tận 3 tháng và có nhiều người nước ngoài ở khu vực Đông Nam Á đến tham gia.
Vipassana là phương pháp thiền cổ xưa, được tái khám phá và chia sẻ bởi Đức Phật Gotama (Tất Đạt Đa). 2.500 năm trước, vị thái tử Tất Đạt Đa sau khi đắc đạo đã không lên núi lánh đời mà ở lại thế gian để giúp đỡ con người tìm được an lạc nội tâm thông qua thiền.
Ngài đi khắp nơi để hướng dẫn thiền, mở những trung tâm có quy mô đến 20.000 học viên. Ngài không nói về thiên đường, địa ngục, cũng không trả lời chuyện vũ trụ do ai sáng tạo nên mà chỉ hướng dẫn mọi người tập trung vào hơi thở, quan sát những cảm giác trên cơ thể. Nhờ thiền định, con người sẽ thoát khỏi những ảo ảnh của thực tại, những khổ sở do cái tôi.
Vipassana là minh sát – thấy mọi thứ đúng bản chất của nó, chỉ giản đơn là vậy. Sau 25 thế kỷ, Vipassana dần bị biến tướng hoặc lãng quên và chỉ còn được truyền dạy theo cách thuần khiết, đúng bản chất nhất ở Myanmar.
Rồi từ chính Myanmar, Vipassana lại được truyền ngược về cội nguồn Ấn Độ của nó và đi khắp thế giới. Ở Việt Nam, khóa thiền 10 ngày tôi tham gia là chương trình do thiền sư S.N.Goenka xây dựng. Không cầu nguyện, không thần thánh hóa, không có tính chất tôn giáo mà chỉ tập trung vào cái cốt lõi: tìm kiếm sự thật bên trong.
Luật của khóa thiền rất đơn giản, nhưng hơi sốc nếu bạn là một tín đồ công nghệ hướng ngoại có hội chứng sợ bị bỏ lỡ: chỉ thiền và không làm gì khác ngoài thiền. “Làm gì khác” bao gồm: nói chuyện, đọc sách, ghi chép, sử dụng điện thoại và cả tập thể dục nữa.
Bước vào khóa thiền, tôi phải gửi lại điện thoại di động, laptop và chứng minh thư cho ban tổ chức. Tôi phải cam kết giữ im lặng trong suốt thời gian khóa thiền diễn ra, không giao tiếp, và thậm chí không được trao đổi bằng mắt với các thiền sinh khác. Một điều quan trọng nữa: cam kết không bỏ về trước khi khóa thiền kết thúc. Nhìn quanh khuôn viên thiền viện với tường cao, cửa nặng khoá 2 lần, tôi nghĩ: “Nơi này an ninh quá!”, để rồi 5 ngày sau, vẫn là tôi ngồi nhìn bức tường ấy, nghĩ xem mình có cách nào leo ra không…
Chưa bao giờ hít thở lại vất vả đến thế
Lịch trình mỗi ngày đều giống nhau: thức dậy lúc 4 giờ, ngồi thiền từ 4 rưỡi sáng đến 9 giờ tối, trừ khoảng thời gian ăn sáng, ăn trưa và ăn xế. Thức ăn chay rất ngon lành được các tình nguyện viên nấu và phục vụ. Buổi xế thường chỉ có chút trái cây và món ngọt dành cho thiền sinh mới. Các thiền sinh cũ không ăn gì sau 12 giờ trưa.
Trong 3 ngày đầu tiên của khóa thiền, tôi chỉ ngồi yên, thở và quan sát hơi thở của mình. Hít vào biết mình hít vào, thở ra biết mình thở ra. Nghe đơn giản hết sức, nhưng thực hành thì quả là một cuộc vật lộn nội tâm.
Tâm trí tôi tự biên tự diễn đủ trò. Tôi lo công việc ở công ty sẽ không trơn tru. “Có khi nào đi về mình bị đuổi việc luôn không?”.
Lo lúc rời nhà tôi quên kéo cầu dao. “Lỡ đâu cháy nhà?” (tới ngày thiền thứ 5 thì có người xin về vì lý do “em nằm mơ nhà cháy” thật!).
Tôi còn tự phát cả bộ phim “Chân Hoàn truyện” trong đầu, vì chịu không nổi cái cảnh ngồi yên thở đều. Thiền sư nói: “Tâm trí con người luôn vọng động, như con khỉ chuyền cành, như con ngựa hoang háo thắng”. Suốt 3 ngày đó, tâm trí tôi lồng lộn phản kháng tình trạng chẳng còn gì để tiêu thụ của nó. Không còn email, YouTube, báo lá cải, trò chuyện, công việc. Nó đói khát kêu gào, rồi bắt đầu nhả ra những chất độc trước giờ đã thẩm thấu thật sâu trong ký ức.
Ngày thứ 4, khi chúng tôi đã tạm làm chủ hơi thở của mình, một nhiệm vụ mới được đặt ra: chú ý quan sát toàn bộ cảm giác trên cơ thể mình. Sự quan sát sẽ ngày càng vi tế hơn, và dần dần đưa thiền sinh đến với một sự thấu suốt nội tại.
Nhưng phải nhắc lại lần nữa, ngồi thiền chẳng dễ chút nào. Nhất là khi bạn ngồi 10 giờ mỗi ngày. Đau lưng, tê giò, buồn ngủ, đói bụng… là một chuyện, sự chộn rộn và mất tập trung nội tâm là một kẻ phá rối khác. Rồi phải kể đến sự buồn chán nữa.
Đến ngày thứ 6, chúng tôi đã bắt đầu trông giống các bệnh nhân trong trại dưỡng trí, được giải lao là thơ thẩn ra ngoài, mỗi người ngồi một góc. Có người nhìn chằm chằm vào con ốc sên. Có một nhóm ngắm mãi đàn nòng nọc trong hồ. Người ngồi chải tóc, lơ đễnh nhìn trời. Tôi thì có hai thú vui bí mật. Một là đợi đến 4 giờ chiều mỗi ngày, có đàn bò đi qua thiền viện. Chúng rộn rã gõ móng xuống mặt đường, kêu “ụm… bò…”, phe phẩy đuôi. Ôi tôi yêu cái sự chuyển động duy nhất trong những ngày này quá! Còn thú vui thứ hai là khi bước lên cầu thang vào phòng thiền buổi chiều, dừng lại một phút để ngắm hoàng hôn đang dần buông xuống.
Thế giới xoay theo nhịp của chính ta
Có người đi du lịch để ngắm nhìn thế giới. Hoặc để dịch chuyển khỏi không gian cũ. Hoặc để được vui vẻ. Hoặc để học hỏi…
Dù lý do là gì, thì cũng vì không ai muốn phải sống một cuộc sống đều đặn đờ đẫn qua ngày.
• Đăng ký và tìm hiểu thông tin về khóa thiền Vipassana ở: http://www.vn.dhamma.org
• Khoá thiền không thu phí, được hỗ trợ lưu trú và ăn uống miễn phí
• Giảng dạy bằng 2 ngôn ngữ Anh – Việt
• Do nhu cầu tham gia rất đông nên bạn cần đăng ký trước 3 tháng
Về một khía cạnh nào đó, thiền cũng là một kiểu du lịch. Vì nó tách con người khỏi bối cảnh quen thuộc, làm chậm lại cái nhịp độ hối hả của guồng quay lớn, khiến ta tiếp cận thế giới như thể lần đầu ta thấy nó. Thế giới như nó chính là.
Kết thúc khóa thiền, ngoài gầy hơn thì tôi còn từ từ hơn, vì làm gì tôi cũng chú ý đến hơi thở của mình, quan sát cảm nhận của mình. Tôi đã luôn xoay xở để bận rộn, gắn chặt với thật nhiều mối nối để định hình cái tôi. Tôi là tên tôi, là những ham muốn, là chức danh, là avatar, là cách mọi người nghĩ về. Tôi hành động theo những hiệu lệnh “hãy nổi bật”, “hãy xinh đẹp”, “hãy thành công” của thế giới. Một thế giới bước vào kỉ digital. Nhưng lúc này, khi hít vào biết mình hít vào, thở ra biết mình thở ra, tôi… không là ai hết.
Tôi chưa tìm thấy Phật, và cũng chưa học được cách mỉm cười từ gan như Elizabeth Gilbert trong “Ăn, cầu nguyện, yêu”. Nhưng tôi nhớ mãi một khoảnh khắc, khi rời khỏi khỏi thiền đường và bước ra sân, tôi nhìn thấy bãi cỏ xanh dưới nắng. Dù tôi đã nhìn bãi cỏ xanh suốt những ngày vừa qua, và thấy hàng ngàn bãi cỏ trong cả cuộc đời mình, thì đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy bãi cỏ “này”, màu xanh và ánh nắng “này”.
Với tôi lúc “này”.
Trong một thoáng, thế giới đã khác đi.
ĐI NÀO BẠN!
Đi để đối thoại với bản thể của chính mình.
Đi để kích hoạt tất cả các giác quan.
Đi để tới những nơi mình chưa từng đến, thử những điều mình chưa từng làm, quan sát vạn vật dưới một con mắt khác.
Đi để tham gia bữa tiệc thị giác, nghe những khúc ca gieo trên vách đá, định nghĩa lại hạnh phúc đôi khi chỉ là một miếng ngon vừa đủ.
Đi còn để “Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu” hơn con người, kiến trúc, thanh âm, mùi vị, tất thảy mọi chất thơ trong đời sống… trước khi chúng chỉ còn hiện diện trong những tấm ảnh bạc màu.
Mời bạn bước vào một chuyến du lịch lý thú mà “người dẫn đường” ở đây, không gì khác, chính là tất cả các giác quan của bạn.
See
• Bữa tiệc thị giác trong thành phố
• Đi tìm những bức tường nở hoa ở Sài Gòn
Hear
• Về vùng Mông nghe khúc ca gieo trên vách đá
• “loang thoang” xứ Quảng: Đã có bèn B tiếng Quảng chưa?
• Ngô Hồng Quang & tấm hộ chiếu được vẽ bằng âm thanh các vùng miền
Taste •
Hạnh phúc là một miếng ngon vừa đủ
Smell
• Hương Tà Xùa trong chén trà của Tân
• Nghe mùi trầm hương nhớ thương phố Hội
Touch
• Khi tay “nhúng chàm”: Học nhuộm chàm của người Nùng An
• Khi tay “nhúng chàm”: Đi Cát Cát học người H’Mông cách nhuộm chàm
Feel