Từ Bắc vào Nam Việt Nam có tới 12 huyện đảo, đó là những nơi đã và đang khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tổng diện tích lãnh thổ Việt Nam là 331.688 km², bao gồm khoảng 327.480 km² đất liền và hơn 4.200 km² biển nội thuỷ. Trong vùng biển nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa, khoảng 1.000 bãi đá ngầm.
Đảo của Việt Nam được chia thành hệ thống các đảo ven bờ và hệ thống các đảo xa bờ. Hệ thống đảo ven bờ có khoảng 2.800 đảo, phân bố tập trung nhất ở vùng biển các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang.
Hiện nay ở nước ta có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, với 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo. Vậy 12 huyện đảo thuộc tỉnh nào theo thứ tự 12 huyện đảo từ Bắc vào Nam: Huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Hoàng Sa, Lý Sơn, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Kiên Hải, Phú Quốc
Huyện đảo Bạch Long Vĩ (có nghĩa "đuôi rồng trắng") thuộc thành phố Hải Phòng, cách đất liền khoảng 130 km.
Hòn đảo đặc biệt này có cả núi, cả thềm, cả bãi cát vàng lấp lánh. Bãi tắm ở Bạch Long Vĩ nằm ngay gần âu cảng. Nước trong, sóng vỗ rì rào. Thềm cát hơi dốc chứ không thoai thoải như nhiều bãi biển khác trong đất liền, nhưng nước rất trong, không mang kính bơi vẫn có thể lặn mở mắt, ngắm những hòn đá và san hô sặc sỡ khi ánh nắng rọi xuống đáy.
Tính từ nơi xuất phát gần nhất là đảo Hòn Dấu (Hải Phòng), quãng đường ra đến đảo khoảng 110 km. Tuy nhiên, tàu du lịch thường đón khách ở cảng trong thành phố, đi khoảng 10 tiếng.
Mùa biển êm chỉ kéo dài vài tháng đầu năm. Thành phố Hải Phòng đã có chính sách trợ giá để hỗ trợ người dân trên đảo và thu hút khách du lịch. Hải Phòng chi 50% giá vé tàu, khách ra đảo chỉ phải thanh toán một nửa (khoảng 2,5 triệu đồng). Khách muốn đi phải đăng ký trước.
Hải đăng trên đảo là một trong những địa điểm ưa thích của nhiều du khách khi đến Bạch Long Vĩ. Từ tháp của ngọn đèn biển này có thể nhìn bao quát hết đảo, ngắm những con tàu cá dập dềnh ngoài khơi, để gió biển mặn mòi lùa vào tóc.
Những "điểm vàng" du lịch khác: chùa Bạch Long, đền Bạch Long, bãi đá, bãi tắm…
Đêm đến, ngắm nhìn biển đêm với bầu trời lung linh đầy sao, bên dưới là cả vùng biển với hàng trăm con tàu câu mực với hàng nghìn bóng đèn tỏa sáng trông như thành phố nổi trên mặt biển.
"Đặc sản của Bạch Long Vĩ là bào ngư, một loài hải sản quí hiếm có giá trị kinh tế cao thì vài năm trở lại đây đã không còn nữa. Trước đây, quanh đảo này lặn xuống thì thấy rong biển dày đặc, cao cả mét. Rong biển là thức ăn duy nhất của bào ngư. Nhưng rồi vài năm nay chắc do môi trường biển bị ô nhiễm, hay biến đổi khí hậu mà rong biển chết sạch, kéo theo bào ngư cũng biến mất" - ông Trần Văn Hiên, một người sống lâu năm trên đảo tiếc nuối..
Trên đảo hiện vẫn chưa có khách sạn, nhà nghỉ hay resort. Tuy nhiên hệ thống nhà khách của thanh niên xung phong trên đảo và nhà khách của huyện có thể đáp ứng chỗ nghỉ cho khoảng 100 khách. Du khách còn có thể liên hệ để được ăn, ngủ ngay tại các nhà dân trên đảo.
12 huyện đảo Việt Nam
- Bạch Long Vỹ Xứ Sở Bào Ngư
- Bí ẩn của đảo Cát Bà
- Đảo Cô Tô thiên đường du lịch vùng Đông Bắc
- Vân Đồn khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng
- Cồn Cỏ từ đảo Thép thành đảo Ngọc
- Lý Sơn tình người và lịch sử kiêu hùng
- Phú Quý thuần khiết và bình yên
- Hoàng Sa biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, giong thuyền
- Trường Sa thành phố nhỏ trên Biển Đông
- Sắc xanh ôm cả đất trời Côn Đảo
- Kiên Hải thiên đường trên biển Tây Nam
- Chạm tay vào Đảo Ngọc Phú Quốc