Từ Bắc vào Nam Việt Nam có tới 12 huyện đảo, đó là những nơi đã và đang khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tổng diện tích lãnh thổ Việt Nam là 331.688 km², bao gồm khoảng 327.480 km² đất liền và hơn 4.200 km² biển nội thuỷ. Trong vùng biển nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa, khoảng 1.000 bãi đá ngầm.
Đảo của Việt Nam được chia thành hệ thống các đảo ven bờ và hệ thống các đảo xa bờ. Hệ thống đảo ven bờ có khoảng 2.800 đảo, phân bố tập trung nhất ở vùng biển các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang.
Hiện nay ở nước ta có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, với 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo. Vậy 12 huyện đảo thuộc tỉnh nào theo thứ tự 12 huyện đảo từ Bắc vào Nam: Huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Hoàng Sa, Lý Sơn, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Kiên Hải, Phú Quốc
Quần đảo Trường Sa cách thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) 248 hải lý (khoảng 460km), cách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 305 hải lý (tính từ đảo Trường Sa Lớn).
Huyện đảo Trường Sa có 3 đơn vị hành chính là thị trấn Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây và xã đảo Sinh Tồn. Đến bất cứ đảo nào, bạn cũng sẽ nhìn thấy hình ảnh đầu tiên là những chiến sĩ mặc áo yếm hải quân còn trẻ măng, làn da ngăm sạm.
Quần đảo Trường Sa không còn là những đảo nhỏ cô đơn giữa mênh mông biển khơi, nơi chỉ có sóng gió, bão giông. Trường Sa ngày nay như một thành phố nhỏ trên Biển Đông, với những khu dân cư, những làng chài ven đảo. Thị trấn có diện tích 0,15 km2, dài 630m, nơi rộng nhất 300m, không khác gì đất liền: có đường nhựa, có trường học, bệnh xá khang trang hiện đại và có cả chùa, có đường băng cho máy bay cất hạ cánh....
Thị trấn Trường Sa - trái tim của quần đảo Trường Sa - rợp bóng mát với nhiều loài cây xanh: bàng ta, tre, mù u, phi lao..., nhưng nhiều nhất là cây bàng vuông và cây phong ba. Cây bàng vuông là một trong những “thương hiệu” của Trường Sa. Hoa bàng vuông chỉ nở vào ban đêm, màu trắng hồng, như chiếc đèn lồng tí hon. Lá bàng vuông được bộ đội và dân đảo dùng để gói bánh chưng vào dịp Tết. Cây bàng vuông con cũng là món quà đặc biệt mà người đất liền ra đảo muốn có được để lưu lại kỷ niệm đến Trường Sa.
Không có nhà hàng sang trọng, khách sạn chọc trời, quán bar sôi động, không có rác lềnh bềnh, ở Trường Sa chỉ có sự bình dị, mộc mạc, và biển xanh. Nước biển trong veo in bóng mây trời. Cát mịn, trắng phau.
Quần đảo Trường Sa có hàng trăm đảo san hô, cồn cát, rạn đá và bãi ngầm rải rác trên vùng biển rộng lớn.
Nhiều người dân từ đất liền đã vượt hàng trăm hải lý ra đảo sinh sống, an cư, lập nghiệp từ rất lâu. Nhiều đứa trẻ đã chào đời tại quần đảo xa xôi này. Những đứa bé Trường Sa tạo nên hình ảnh thú vị, khi chúng mặc bộ đồ như quân phục hải quân, lon ton hớn hở theo cha mẹ đi đón khách ra thăm đảo. Có những giáo viên rất trẻ xung phong ra đảo dạy học. Ở Trường Sa, Sinh Tồn, Sơn Ca, xã đảo Nam Yết, xã đảo Song Tử Tây... đều có trường mẫu giáo, trường tiểu học. Sau khi học hết cấp 1, các bé sẽ được chuyển vào đất liền học tiếp.
Quần đảo Trường Sa hiện nay vẫn là đảo quân sự dù đã có dân ở. Phương tiện để đi ra Trường Sa ngoài tàu hải quân, chỉ có thuyền ghe của bà con ngư dân đi đánh bắt xa bờ. Trường Sa có sân bay nhưng chỉ có máy bay quân sự, trực thăng cứu hộ cứu nạn hạ cánh, chưa có máy bay dân sự hoạt động.
Thời nhà Lê, các đảo ngoài khơi phía Đông được gọi chung là Đại Trường Sa đảo. Đến thời nhà Nguyễn, trong bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ của Phan Huy Chú xuất hiện tên Vạn Lý Trường Sa. Trong lịch sử hiện đại, thời chiến tranh chống Mỹ, quần đảo Trường Sa được chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Quần đảo Trường Sa được quân đội nhân dân Việt Nam giải phóng hoàn toàn ngày 29-4-1975.
Trong tâm trí của hàng triệu người Việt Nam, quần đảo Trường Sa là vùng đất của máu và nước mắt với sự kiện 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân hy sinh khi bảo vệ bãi đá ngầm Gạc Ma ngày 14-3-1988. Từ tháng 5-2005, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá được xây dựng tại đảo Đá Tây rộng 3.000m2 với nhiều trang bị hiện đại, hỗ trợ cho ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản. Quần đảo Trường Sa hiện chưa có cảng lớn mà chỉ có một số cảng cá nhỏ. Quần đảo Trường Sa có trữ lượng dầu và khí thiên nhiên rất lớn, là một trong bốn vùng có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới.
12 huyện đảo Việt Nam
- Bạch Long Vỹ Xứ Sở Bào Ngư
- Bí ẩn của đảo Cát Bà
- Đảo Cô Tô thiên đường du lịch vùng Đông Bắc
- Vân Đồn khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng
- Cồn Cỏ từ đảo Thép thành đảo Ngọc
- Lý Sơn tình người và lịch sử kiêu hùng
- Phú Quý thuần khiết và bình yên
- Hoàng Sa biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, giong thuyền
- Trường Sa thành phố nhỏ trên Biển Đông
- Sắc xanh ôm cả đất trời Côn Đảo
- Kiên Hải thiên đường trên biển Tây Nam
- Chạm tay vào Đảo Ngọc Phú Quốc