Việt nam hiện có 22.089 ngôi chùa do giáo hội Phật giáo quản lý với ba hệ phái chính là Bắc tông (Đại thừa), Nam tông (Tiểu thừa) và Khất sĩ.
Phái Khất sĩ gọi chùa là Tịnh xá, tuỳ thời đại vùng miền mà chùa có phong cách riêng nhưng đều có kiến trúc chung kiểu chữ Đinh (T), chữ Công (工), chữ Tam (三), chữ Nhị (二), chữ Nhất (一) hoặc nội Công ngoại Quốc (Bên trong chữ Công, bên ngoài là hình vuông hoặc hình chữ nhật) ...
Chùa ở Việt nam không chỉ có Chùa thuần Việt mà còn có Chùa mang dáng dấp kiến trúc Trung Hoa (chùa Tàu), Ấn Độ, Campuchia (chùa Khmer) và cả chùa Châu Âu. Có chùa đơn sơ bằng tranh tre của bà con dân tộc miền núi, có chùa hoành tráng lộng lẫy hơn cung điện như Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam).
Có chùa gần 2000 năm tuổi như chùa Yên Phú (còn gọi là chùa Thanh Vân - Hà nội) xây dựng trước cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40. Chùa Dâu (còn gọi là Chùa Pháp Vân), chùa Cổ Châu (Ninh Bình) xây dựng năm 187 lại có chùa vừa mới khánh thành.. Mỗi chùa có nét đẹp văn hoá và tâm linh riêng, nhưng tôi thích nhất chùa Phật Quang (ở Phan Thiết Bình Thuận)
Có hàng chục ngôi chùa trung tên Phật Quang. Tôi thích chùa Phật Quang ở Phan thiết không phải bởi chùa đẹp, vì có rất nhiều chùa đẹp hơn. Cũng không phải vì chùa lạ dù được công nhận mấy guiness bởi có chùa giữ cả chục kỷ lục. Đơn giản bởi chùa có nhiều ấn tượng, nhất là ấn tượng với thầy Trụ trì - Thượng toạ Thích Huệ Tánh, người vẫn xưng hô là bần tăng với bá đạo.
Ở Bình Thuận từ nhỏ nhưng mãi tới khi làm du lịch, tôi mới được bạn bè rỉ tai "Chùa Phật Quang có bộ kinh Pháp Hoa khắc trên gỗ thị huyết (thị đỏ) từ thời Lê Trung Hưng là quốc bảo của Phật Giáo". Cách đây gần 10 năm, tôi đưa đoàn nhà báo Famtrip Bình Thuận đến viếng chùa. Lần đầu diện kiến thầy trụ trì, tôi đề nghị cho đoàn xem bộ kinh Pháp Hoa nhưng bị từ chối.
Thầy bảo "Phải có giấy giới thiệu của Giáo hội Phật giáo Việt nam hoặc lệnh của Uỷ ban tỉnh". Thuyết phục mãi không được, đành ấm ức ngắm bộ kinh qua tủ kính.
Sau lần bị từ chối đó, rút kinh nghiệm, tôi tự tìm hiểu về chùa và tìm cách tiếp cận thầy. Lúc đó, cách cổng chùa hơn trăm mét có bãi rác tổ chảng, choán gần hết lối vào chùa. Bằng mối quan hệ riêng, tôi đã tác động nhờ tỉnh dọn dẹp. Đưa khách đến chùa, tôi tự thuyết minh cặn kẽ và thầy "kết" tôi lúc nào cũng không hay.
Từ mấy năm nay khách đến viếng chùa là thầy vui vẻ đón tiếp, hào phóng mở tủ, mang bộ kinh cho khách chiêm ngắm và chụp ảnh.
Thầy thường dí dỏm: "Ngôi chùa này trước đây ít ai biết nhưng có ông Mỹ ở Việt nam hiểu rất rõ về chùa, giới thiệu nên có nhiều người đến viếng".
Tôi đã đưa vài trăm nhà báo và hàng chục ngàn du khách đến tham quan chùa Phật Quang, điểm nhấn độc đáo của du lịch Bình Thuận.
Theo nhiều cứ liệu thì chùa có tên gốc là Bồ Đề, thuộc thôn An Hoà, tổng Vạn Phước, huyện An Phước, phủ Bình Thuận. Chùa xây cách đây hơn 320 năm, đổi tên thành Phật Quang năm nào chưa rõ. Xưa dân vùng này thưa thớt, chung quanh toàn cát chạy dài tới biển nên dân gian gọi là chùa Cát; được trùng tu và trung hưng nhiều lần. Trải qua 18 đời truyền thừa; Thầy Huệ Tánh, đời 44 phái thiền Lâm Tế về trụ trì từ năm 1987. Năm 2002, chùa được trùng kiến, to đẹp hơn với 15 vườn tượng Phật nhưng chùa cũ vẫn giữ nguyên với nhiều pho tượng và pháp khí cổ. Chùa nằm trên đường Võ Thị Sáu (xưa là đường công chúa Huyền Trân - chẳng hiểu ai đã xoá tên đường của một người có công mở cõi như vậy ?), có hẻm rộng 4m, dài 300m dẫn thẳng vào chùa. Có thể đi đường Trần Quang Khải phía sau chùa, gần hơn nhưng hẻ lại dích dắc.
Xưa, chùa có khuôn viên khá rộng, nhưng trước đây thiếu người chăm sóc, tu sửa lên bị lấn chiếm và hư hỏng. Năm 1987, khi về trụ trì, trong lúc trùng tu, thầy Huệ Tánh phát hiện dưới tượng Phật chánh điện có hầm bí mật.
Hầm dài 2m, rộng 1m và sâu 1,2m. Trong hầm có hai báu vật: bộ kinh Pháp Hoa và tài liệu Việt Minh. 100 cuốn tài liệu "Muốn thành cán bộ tốt" in ngày 30.7.1947 khổ 15x20cm, gói cẩn thận trong mo cau. Chùa nộp cho phường 40 cuốn và Ban Đại diện Phật giáo tỉnh 60 cuốn. Bây giờ hỏi chẳng ai biết ?
Thầy thường ray rứt "Tài liệu để trong nhà Phật 40 năm vẫn y nguyên, giao cho chúng sanh 15 năm thì mất sạch !". May mà bộ kinh Pháp Hoa chùa giữ lại. Đây là "Bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ đầy đủ và xưa nhất Việt Nam" (Vietbook công nhận kỷ lục năm 2006). Bộ kinh được khắc trên gỗ thị đỏ (hiện đã tuyệt chủng), gỗ thị trứng thì dẻo nhưng kém bền. Gỗ thị đỏ vừa bền, lại có tác dụng đuổi con trùng, rắn rết ...vv. Bộ kinh được khắc ngược bằng chữ Hán trên 118 tấm ván gồm 110 tấm khắc 60.000 chữ, tám tấm khắc tranh về cuộc đời của Đức Phật. Mỗi tấm dày 4cm, dài 80cm, rộng 35cm.
Căn cứ vào đoạn văn ghi trong kinh "Long Đức tam niên tuệ thứ Giáp Dần, tứ nguyệt thơ nhất nhật khánh tạo" và các ghi chú khác thì bộ kinh được thực hiện từ 1704 - 1732. Suốt 28 năm ròng rã; các thiền sư Minh Dung - hiệu Pháp Không, Khánh Tài - tự Thiện Huệ, Thiện Pháp - huệ Bảo Hương; cùng 12 đệ tử, đã hoàn thành tuyệt tác gồm bảy quyển, hai mươi tám phần, 60.000 từ; tóm gọn trong chín chữ "Khai thị chúng sanh ngộ tri kiến Phật". Từng chữ cho đến mỗi chi tiết trong tranh đều rất sắc sảo, sinh động, nguyên vẹn và đầy đủ. Được tận mắt chiêm ngắm, tận tay cung tiến, chụp ảnh với bộ kinh Pháp Hoa cổ là hạnh ngộ và phước đức Phật tổ. Năm 2004, sau khi năn nỉ và mang cả giấy chủ quyền nhà văn phòng công ty làm tin, thầy đã chấp nhận cho tôi thỉnh bốn tấm của bộ kinh vào trưng bày trong "Ngày hội du lịch Tp.HCM" ở khu du lịch Văn Thánh. Để đảm bảo an toàn, thầy và hai đệ tử vốn là những võ sư cùng tôi cung nghinh về Sài gòn. Lần đầu tiên bộ kinh được "xuất ngoại" khỏi chùa. Hồi đó, Ban tổ chức chưa hiểu gì về tầm vóc và giá trị của bộ kinh nên chưa biết tận dụng để quảng bá cho ngày hội.
Năm 2002, chùa khởi công trùng kiến. Đào móng thứ nhất, đụng mạc nước ngầm, phải dùng sáu máy bơm nước và hút bùn liên tục với đổ móng được. Đào móng thứ 9, phát hiện ba tượng Phật bằng đồng trên 300 năm (hiện đã bị lấy cắp mất 1 tượng) và một số cổ vật khác. Đào móng mười, móng cuối cùng, phát hiện có bom dài 1,8m, nặng hơn 500kg, sót lại từ thời Mậu Thân 1968. Mất 13 ngày công binh mới vô hiệu và mang quả bom ra khỏi chùa. Ngôi chùa mới khang trang, độc đáo do chính thầy Huệ Tánh tự thiết kế, tìm thợ, chọn vật tư, chỉ huy thi công... và thu chi từ đầu đến cuối hết 3,6 tỷ 48 tấn mảnh sành, mua từ các làng gốm miền Bắc được các thợ Huế chọn lọc ghép thành những phù điêu, hoa văn, cột, cửa, bao lam, nóc...; đặc biệt là linh vật rồng năm móng. Chùa có thêm 2 kỷ lục: cặp mõ Gia Trì làm bằng gỗ mít Quảng Bình, do 3 thợ Quảng Nam thực hiện từ 1977-2004, mõ cao 80 cm và ngang 92 cm. Chuông Gia Trì do thợ Quảng Nam thực hiện cao 1m đường kính 1,2m nặng 400kg. Đây cũng là chùa có nhiều rồng trang trí - 166 con, cùng vô số phù điêu hoa văn khắc hoạ về Phật pháp cho đến các danh thắng Việt nam và Bình Thuận.
Chùa Phật Quang còn lưu giữ bàn cờ Phật, một phương tiện giải trí và khuyến tu thú vị do Đại đức Thích Nguyên Minh mang từ Pháp về. Bàn cờ Phật bằng chữ Hán, chép tay, khổ lớn, hình vuông. Tổng cộng có 76 ô vuông, xếp thành 4 vòng và một ô trong cùng; tượng trưng cho 5 cấp bậc thể hiện lộ trình của người bắt đầu xuất gia tu Phật, cho đến khi đạt quả vị Vô Thượng Chánh Giác - thành Phật.
Mỗi ván cờ có từ 2-6 người chơi, gieo hột xúc xắc để di chuyển giữa các ô, từ "Sơ khởi phát tâm" đến "Vô Thượng Chánh Giác". Vừa giải trí, vừa luyện tâm và nhắc nhở đường tu hành chánh quả.
Vừa rồi, đến lễ chùa đầu năm, gặp thầy đang mải mê chăm sóc cây cảnh. Vẫn bộ áo lam màu tro, lam lũ, chân quê, khổ hạnh. Đã bước qua tuổi 85, thầy vẫn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, dù thân hình ốm tong teo như nhục thân của các chân tu trong chùa cổ. Chỉ có đôi mắt tinh anh, nụ cười phúc hậu, sảng khoái là không có tuổi. Thầy khoe "Đôi guốc tự làm đã dùng 36 năm vẫn tốt. Các đệ tử còn cho biết "Thầy có chiếc mùng, dùng từ thời xuất gia năm 1949, mãi đến năm 2000 mới đốt bỏ". Cả năm nay, thầy chỉ đi chân đất để chữa bệnh. Từ 1964, thầy dạy ở các trường trung học Bồ Đề và mê sưu tập tem, chỉ sau mê Phật. Năm 1975, thầy đi làm rẫy. Đến 1987, về chùa Phật Quang. Năm 1992 đi dạy lại đến 2006 thì "nhường giảng đường cho lớp trẻ hơn".
Du khách đến viếng chùa Phật Quang có thể ngủ lại, gặp bữa xin mời dùng cơm chay hoặc thỉnh mấy cây cảnh về làm lộc. Của chùa nên cứ thoải mái, ai có lòng thì gửi lại ít tiền công quả để người sau tiếp tục được phần. Khi thầy cầm cây đàn mandoline nhỏ xíu dạo mấy bản nhạc vui, tôi bỗng nhiên tưởng đến Nam nhạc Hành Sơn Mạc Đại tiên sinh trong phim Tiếu Ngạo Giang Hồ. Trên bàn, bức ảnh phóng lớn thầy chụp chung với vị linh mục, gặp nhau ở Sài gòn - người áo choàng đen, người áo cà sa với chú thích "Chúa-Phật đề huề". Cứ như cả hai đang cười với khách. Mới nhìn, ai cũng tưởng hai người là anh em khác đạo.