06 Tháng 12, 2020
Tùy bút của Đinh Đăng Lượng
Miền núi nước ta có nhiều đèo, dốc. Nếu đèo là đường đi qua ngọn núi thì dốc là đường đi lên, xuống giữa hai đầu cao, thấp của một ngọn núi. Dốc Cun có những nét đặc trưng khá nổi tiếng của xứ Mường nói riêng, vùng Tây Bắc Tổ quốc ta nói chung.
Một dốc núi đưa ta từ vùng thấp lưu vực sông Đà để đến với xứ sở bốn Mường của các họ tộc Mường sinh sống bao đời - Trung tâm của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng. Dốc Cun không cao và dài so với nhiều dốc khác ở miền núi, nhưng trên quãng đường hơn 7 km ấy có tới 10 khúc cua, một bên vách núi, một bên vực sâu. Là con dốc vừa có cảnh quan thơ mộng lại nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông qua lại. Với quãng đường 120 km trên quốc lộ 6 qua địa phận tỉnh Hòa Bình thì dốc Cun và đèo Thung Khe là nổi tiếng về mức độ nguy hiểm.
Theo một thống kê, cả nước có tới 20 cung đường đèo đẹp và nguy hiểm nhất Việt Nam thì chỉ có Thung Khe lọt vào danh sách đó. Tôi đã đi qua quá nửa những cung đường đèo, dốc đó trên đất nước mình. Nhiều đoạn đường đèo dốc đẹp đến mê hồn, không nỡ không dừng lại mà ngắm và ghi lại tấm hình làm kỷ niệm trong đời. Riêng đoạn đường đèo Thung Khe và dốc Cun thuộc diện mới ra đời sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, trước đó, quốc lộ 6 men theo sông Đà mà ngược lên Tây Bắc.
Qua đèo dốc với người miền núi như một tất yếu để đến được các vùng miền khác mà mình đang sinh sống và hoạt động. Dốc Cun là như vậy, đối với đa số người dân bốn Mường Hòa Bình. Người xa lạ trước đây qua dốc Cun vừa có cảm giác lo sợ, vừa sửng sốt trước vẻ đẹp cảnh quan của nó. Nào ai dám xây dựng nhà cửa trên những đoạn cua hiểm trở, đầy bất an ấy.
Giờ đây, dốc Cun không còn giữ được vẻ hoang sơ như ngày nào, ngoài nương rẫy đã ẩn hiện đây đó những mái nhà. Dưới chân núi nhìn lên, hai bên đường dốc loang lổ như hai vạt áo vá. Đầm Quỳnh Lâm lau sậy ngày nào, nay cơ bản đã được khai phá và đô thị hóa, chỉ còn lại những gốc đa lâu đời vẫn hiện hữu khá đông đúc nơi xóm làng quanh chân dốc.
Mặc dù đường đốc Cun đã được nâng cấp nhiều lần so với thế kỷ trước, đúng là "Một trời một vực”! Nhưng dốc Cun vẫn chiếm kỷ lục về tai nạn giao thông trên quốc lộ 6. Thế mà trước năm 2002, khi mà nghị định Chính phủ cho phép tách huyện Kỳ Sơn thành hai huyện: Kỳ Sơn và Cao Phong như ngày nay, người dân hai vùng trong và ngoài huyện vẫn qua lại ngày đêm.
Mấy năm đầu mới chia tách, người vùng ngoài vào huyện Cao Phong công tác vẫn đi về qua lại dốc Cun bình an vô sự. Lại nhớ hồi còn công tác, nếu có chương trình xuống cơ sở thì hầu như lại leo dốc Cun, vì hầu hết các huyện, xã khuất sau đỉnh dốc Cun. Đến giờ tôi cũng không nhớ được đã bao lần lên, xuống nẻo đường dốc ấy. Nhiều lần dừng lại nơi đỉnh dốc mà ngắm nhìn vùng đất tọa lạc của thủ phủ tỉnh nhà từ hơn 100 năm trước, có nét tương đồng như đứng nơi lưng chừng đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) mà dòng sông Đà là dòng Nho Quế. Cũng là dòng sông từ phía Bắc xuôi về phía Nam rồi lại quay về phía Bắc nhưng "Đà Giang độc Bắc lưu” là để tụ hội với sông Thao nơi đất Tổ làm nên dòng sông Cái kỳ vĩ cho đất nước.
Thấp thoáng xa kia là quê hương của hai chàng Khói - Hoa, nơi Đằm - Mát. Đã bao lần hai chàng lên xuống dốc Cun này mà vào với các Nàng Con Tiên nơi vườn Hoa Núi Cối - đất Mường Thàng, kết cục là một câu chuyện tình bi tráng - trong lời Mo TLêu thuộc di sản văn hóa của người Mường. Sau này là những chiến sĩ cách mạng từ chiến khu Mường Khói - Mường Vang, chiến khu Thạch Yên - Mường Thàng đã xuôi dốc Cun mà tiến về cướp chính quyền thực dân, phong kiến ở Phương Lâm - thành phố Hòa Bình ngày nay.
Dốc Cun vẫn là đoạn đường dốc tiềm ẩn những hiểm họa với con người, dưới con mắt của khách bộ hành: ngược dốc thì tốn sức, xuôi dốc thì hiểm nguy nên dốc Cun vẫn là mối lo hơn là chỗ cho con người thưởng ngoạn nhưng làm sao mà bỏ qua dốc để đến với các vùng miền khác được.
Đã ai vinh danh cho nó với sứ mệnh lớn lao trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước? Sinh thời, Bác Hồ đã đặt tên cho đoạn đường đèo Mã Pí Lùng nối Đồng Văn với Mèo Vạc là "con đường Hạnh Phúc” đó sao! Một điều chắc chắn cái tên dốc Cun đã ra đời trước khi có con đường 6 băng qua dốc núi này. Ai là người đặt tên cho dốc này và từ bao giờ? Phải chăng cái địa danh ấy ra đời từ thời xuất hiện chế độ lang đạo trong Mường? Có Lang Cun thì phải có dốc Cun? Cái dốc ấy từ vùng kinh kỳ, kẻ chợ ngược lên bằng đường sông (duy nhất ngày đó) để đến với trung tâm xứ Mường phải qua con dốc cao nhất trong vùng này!
Con người vốn thường vô cảm với thiên nhiên, chưa có ứng xử thỏa đáng với nó nên hậu quả ngày một nhãn tiền. Trong tương lai, con người vẫn phải qua lại dốc núi này. Nếu là đèo núi còn kỳ vọng sẽ có hầm chui qua ruột núi mà đến đích. Các nhà quản lý các cấp, các ngành chắc sẽ tìm ra những giải pháp trả lại vẻ đẹp thơ mộng xưa cho dốc Cun, bớt đi những hiểm họa rình rập con người và xe cộ ngày đêm qua lại. Dốc Cun sẽ lọt vào số đèo dốc đẹp và an toàn nhất trong nước.
Tùy bút của Đinh Đăng Lượng