Trước Covid, các resort và khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Việt Nam đều lãi lớn trong giai đoạn 2016-2018 mặc dù giá phòng lên đến cả trăm triệu đồng/đêm, sang năm 2019 hoạt động kinh doanh của một số khu nghỉ dưỡng đã có dấu hiệu chậm lại.
Covid19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng cho ngành dịch vụ, ngành mũi nhọn của kinh tế Việt Nam. Rất nhiều khách sạn phải đóng cửa, nhiều nhà hàng phá sản và hàng vạn lao động thất nghiệp. Nhưng ở một góc độ khác, Covid-19 đã mang lại cho người tiêu dùng một cơ hội chưa từng có trong đời, đó là được trải nghiệm các dịch vụ 5 sao với một mức giá không tưởng.
Khi Việt Nam đóng cửa bầu trời vào tháng 3/2020 để ngăn chặn lây lan Covid từ bên ngoài, ngành dịch vụ trong nước buộc phải hạ mình để thu hút khách nội địa, hạ giá để có khách còn hơn là đóng cửa. Hạ giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ, cầm cự chờ ngày hồi sinh.
Các resort ở Việt Nam, trước đây đa phần chỉ phục vụ khách nước ngoài với mức giá vài chục triệu cho đến cả nghìn USD một đêm, giờ đây đa phần giảm giá trên 50% so với trước Covid.
Trước Covid, các resort và khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Việt Nam đều lãi lớn trong giai đoạn 2016-2018, sang năm 2019 hoạt động kinh doanh của một số khu nghỉ dưỡng đã có dấu hiệu chậm lại.
Cụ thể, Sixsense Côn Đảo lỗ 2 năm liên tiếp 2018 và 2019, với mức lỗ 5 tỷ và 11 tỷ đồng mặc dù doanh thu mỗi năm xấp xỉ 150 tỷ. Các đường bay hạn chế đến Côn Đảo đã giới hạn đáng kể lượng khách tới đây, năm 2020, các đường bay thẳng từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh tới Côn Đảo dự kiến sẽ giúp tăng lượng khách đến đây.
Trong khi đó, Intercontinental Đà Nẵng là khu nghỉ dưỡng có kết quả kinh doanh lớn nhất trong nhóm các resort 5 sao, với doanh thu năm 2019 đột biến lên 3.532 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.714 tỷ đồng, mỗi năm tốc độ tăng trưởng doanh thu lợi nhuận của Intercontinental Đà Nẵng gấp đôi gấp ba, một phần từ nguồn doanh thu chuyển nhượng bất động sản.
Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng thuộc tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú hàng không Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo mỗi năm thu về hơn 600 tỷ doanh thu, lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt hơn 116 tỷ đồng.
Intercontinental Đà Nẵng
Nằm trên khu vực bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, Intercontinental Đà Nẵng thuộc sở hữu của Sungroup và vận hành bởi tập đoàn IHG, đơn vị sở hữu thương hiệu Intercontinental toàn cầu.
Năm 2004, đích thân lãnh đạo tập đoàn Sungroup tìm gặp kiến trúc sư Bill Bensley, người được đánh giá là "ông hoàng resort" và là một trong 5 nhà thiết kế trong ngành du lịch khách sạn hàng đầu thế giới, đề cập đến việc thiết kế một khu nghỉ dưỡng 5 sao với quy mô chưa từng có ở Việt Nam.
Lịch sử khu nghỉ dưỡng ghi nhận Bill Bensley đã bắt đầu hành trình dài hàng năm trời để thẩm thấu các cảm hứng truyền đến từ kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Kết quả là nhà thiết kế sáng tạo nhất thế giới này đã cho ra đời một khu nghỉ dưỡng huyền thoại, trải dài theo 4 tầng – Thiên đường (Heaven), Bầu trời (Sky), Mặt đất (Earth) và Biển cả (Sea).
Intercontinental Đà Nẵng có 201 phòng trong đó có penhouse và biệt thự hướng biển diện tích 1.000m2, phòng tổng thống có giá 3.000 USD/đêm. Tổng thống Mỹ Donal Trump khi sang Việt Nam tham dự APEC 2017 đã nghỉ tại đây.
Tháng 7/2020, Đà Nẵng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid 19 và bắt buộc phải cách ly xã hội toàn thành phố. Hiện tại các biện pháp nới lỏng giãn cách đã được thực hiện, giá phòng tại Intercontinental trong tháng 10 đang giảm gần 60%, hiện chỉ còn 6,5 triệu – 12 triệu đồng/phòng/đêm.
Intercontinental Đà Nẵng là khu nghỉ dưỡng có hiệu quả kinh doanh tốt nhất cả nước, doanh thu năm 2019 ghi nhận hơn 3.530 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.714 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp duy trì trên 50% trong nhiều năm. Với lợi nhuận đột biến trong 2 năm gần đây nhiều khả năng Intercontinental Đà Nẵng đã ghi nhận các khoản lợi nhuận khác, bên cạnh hoạt động kinh doanh khách sạn đơn thuần.
Furama Đà Nẵng
Furama Đà Nẵng ban đầu thuộc về tập đoàn Hongkong là Lai Sun Development. Tuy nhiên do kinh doanh tại Hong Kong thua lỗ nên Lai Sun Development phải bán lại Furama để tránh nguy cơ phá sản. Năm 2005, tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú hàng không Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo đã mua lại toàn bộ vốn góp Lai Sun và trở thành chủ sở hữu Furama Resort Danang.
Vào thời điểm trước khi Furama Resort Danang được sang tay cho chủ đầu tư Việt Nam, hầu như không có người Việt nào sở hữu và vận hành khách sạn 5 sao. Sau khi vào tay Sovico, Furama Đà Nẵng phát triển liên tục, tỷ lệ lấp đầy luôn trên 70%. Khu nghỉ dưỡng này có 196 phòng hạng sang cùng với 70 căn biệt thự từ hai đến bốn phòng ngủ có hồ bơi riêng. Ngoài ra, Furama còn mở rộng sang mảng tổ chức sự kiện khi xây dựng Cung hội nghị Furama (ICP) và Cung hội nghị Ariyana Convention Centre (ACC) với sức chứa 5000 người.
Giá phòng tại Furama dao động từ 8 triệu đồng – 40 triệu đồng/đêm tuy nhiên hiện tại có những phòng view vườn chỉ còn 2,2 triệu đồng/đêm trong khi pool villa giảm từ 40 triệu đồng còn 10 triệu đồng/đêm.
Fuision Maia Đà Nẵng
Fuision Maia Đà Nẵng nằm trên bãi biển Mỹ Khê, đi vào vận hành từ năm 2010 do tập đoàn Fuision Hotel Group quản lý. Khu nghỉ dưỡng này có 7 biệt thự và 80 villa trong đó tất cả các biệt thự và villa đều có hồ bơi riêng.
Giá trung bình 1 pool villa tại Fuision Maia khoảng 16 triệu, hiện giảm về 6 triệu trong đợt Covid, giá villa 3 phòng ngủ là 100 triệu/đêm, hiện giảm còn khoảng 33 triệu đồng/đêm, villa hướng biển khoảng 40 triệu/đêm giảm còn hơn 24 triệu đồng/đêm.
Năm 2019, doanh thu tại Fuision Maida đạt 300 tỷ, lợi nhuận 54 tỷ đồng.
Topas Ecolodge
Topas Ecolodge nằm cách thị trấn Sapa khoảng 20km với 33 bulgalow nằm bên triền núi, được xây dựng bằng đá granit trắng theo phong cách nhà sàn địa phương. Mỗi căn đều có ban công riêng rộng rãi nhìn ra khung cảnh hùng vĩ của những đỉnh núi cao chót vót và những thung lũng ruộng bậc thang trải dài bao la.
Topas Ecolodge được xây dựng vào năm 1999, thuộc quản lý của tập đoàn Topas Travel và chính thức mở cửa đón khách vào năm 2005. Phong cách của Topas là hạn chế đến mức tối thiểu ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên và do đó họ xây dựng một khu nghỉ dưỡng gần gũi với bản làng người dân tộc thiểu số. Điểm thu hút khách đến Topas là bể bơi vô cực nhìn ra dãy Hoàng Liên Sơn.
Kể từ khi cao tốc Hà Nội Lào Cai đi vào hoạt động, di chuyển giữa Hà Nội Sapa tốt hơn rất nhiều khiến doanh thu của Topas tăng liên tục trong 4 năm gần đây. Năm 2019, khu nghỉ dưỡng này đạt doanh thu hơn 65,6 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2016, lãi sau thuế 10 tỷ đồng. Topas đang tiếp tục mở rộng dự kiến lên 50 bulgalow.
Giá phòng của Topas dao động từ 3,8 - 5 triệu đồng/đêm.
Amanoi Ninh Thuận
Amanoi Resort (còn gọi là Amanoi) nằm ở vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận do tập đoàn Amanresort đầu tư, là resort 6 sao đầu tiên của Việt Nam. Amanoi có tổng cộng 36 khu nghỉ dưỡng, trong đó có 31 Pavilion và 5 villa tiêu chuẩn quốc tế.
Phòng đắt nhất ở Amanoi Ninh Thuận có giá 6.200 USD/đêm (144 triệu đồng/đêm), là loại Bay View Villa (Villa hướng vịnh), rộng 1000 mét vuông, nằm trên sườn đồi, nhìn ra cả núi và biển. Mỗi biệt thự biệt lập bao gồm phòng khách, phòng ăn và hồ bơi vô cực lớn được bao quanh bởi sàn gỗ rộng. Tại mỗi khu biệt thự sang trọng sẽ có quản gia riêng đáp ứng mọi nhu cầu của khách, bao gồm cả việc chuẩn bị các món ăn Việt Nam hoặc các món Âu tại khu bếp riêng.
Số liệu của chúng tôi cho thấy năm 2019 Amanoi Ninh Thuận lãi 22 tỷ đồng.