Hôm nay thành phố Huế chính thức mở rộng theo trục dọc của sông Hương, tăng diện tích gấp 4 lần về hướng biển. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho Huế phát triển.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết mở rộng thành phố Huế có hiệu lực từ ngày 1-7- 2021
Trước sự việc quan trọng và có ý nghĩa lớn này, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thiên Định - ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, bí thư Thành ủy Huế - về sự chuẩn bị, chiến lược phát triển cũng như thách thức khi thành phố Huế mở rộng về hướng biển.
Nâng tầm đô thị di sản
* Hôm nay, thành phố Huế sẽ chính thức mở rộng về diện tích và dân số, đơn vị đã có sự chuẩn bị gì cho việc mở rộng này, thưa ông?
- Thời gian qua, Ban thường vụ Thành ủy đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình để khẩn trương rà soát tình hình tổ chức, cán bộ của các đơn vị điều chỉnh, biến động về nhân sự, xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện việc kiện toàn, sắp xếp, thành lập các phường, xã thuộc thành phố Huế.
Đến nay mọi công tác cơ bản đã hoàn thành.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ thị 05 của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Thành ủy Huế đã chủ động tổ chức gặp mặt, trao đổi với lãnh đạo thị xã Hương Trà, Hương Thủy và huyện Phú Vang để kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất giải pháp, thực hiện tốt nhiệm vụ điều chỉnh lại địa giới hành chính và kiện toàn lại bộ máy nhân sự theo tinh thần nghị quyết 1264/NQ-UBTVQH14, ngày 27-4-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
* Thưa ông, việc tăng diện tích gấp 4 lần sẽ giúp thành phố Huế thêm những cơ hội gì?
- Việc mở rộng đô thị Huế bao gồm thành phố Huế hiện hữu với 70,67km2 và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi một phần thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang với diện tích khoảng 265,99km2; dân số hơn 652.500 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã.
Việc thành lập các phường Phú Thượng, Hương Vinh, Thủy Vân và Thuận An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Phú Thượng, Hương Vinh, Thủy Vân và thị trấn Thuận An nhằm tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp trong quản lý điều hành và phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo định hướng phía Đông, Tây, Nam và Bắc, tạo chuỗi liên kết phát huy lợi thế của các địa phương…
Bên cạnh đó, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Huế có điều kiện thực hiện tốt "sứ mệnh" gìn giữ những giá trị di sản, giá trị văn hóa cốt lõi; song song với việc thực hiện sứ mệnh của một đô thị động lực trung tâm; là trung tâm hành chính, tri thức, công nghệ của tỉnh, tạo ra những cơ sở nền tảng để thúc đẩy tỉnh phát triển.
* Huế nổi tiếng là thành phố di sản, vậy khi mở rộng định hướng cốt lõi phát triển Huế như thế nào, thưa ông?
- Mục tiêu của thành phố Huế phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Từ đầu nhiệm kỳ chúng tôi đã lên kế hoạch xây dựng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số giai đoạn 2021-2025.
Trong tương lai, thành phố đảo đảm hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều cho tất cả đơn vị trực thuộc UBND thành phố Huế và các đơn vị liên quan, nhằm đẩy mạnh ứng dụng số trong lĩnh vực quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
Huế đẩy mạnh nhiều loại hình truyền thông mới, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, để cung cấp những thông tin mang tính chỉ đạo, những vấn đề thời sự, những chủ trương; chính sách của thành phố…
Phát triển du lịch biển
* Là thành phố du lịch, khi mở rộng theo trục dọc sông Hương, theo ông điều này có lợi thế để phát triển ngành du lịch tăng trưởng hơn so với hiện tại?
- Trong những năm qua, ngành du lịch của thành phố có mức tăng trưởng khá; tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên doanh thu của ngành có mức giảm đáng kể. Bài toán trước mắt là phải làm sao vừa tăng thu du lịch vừa đảm bảo an toàn phòng dịch.
Từ hôm nay 1-7, ngành du lịch của thành phố có thêm nhiều tiềm năng, lợi thế khi không chỉ là sông Hương, núi Ngự, quần thể di sản mà còn đầm, phá, biển... Thành phố sẽ nghiên cứu triển khai một số đề án khai thác các tài nguyên mới này để Huế không còn là "thành phố ngủ sớm" mà là thành phố đáng sống.
Tôi tin kinh tế du lịch Huế sẽ phục hồi và có nhiều điểm mới lạ, hấp dẫn, là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Đây là cơ hội và lợi thế để tăng trưởng của ngành du lịch.
* Bây giờ Huế có thêm biển Hải Dương, biển Thuận An sẽ giúp thành phố Huế phát triển về kinh tế, thu hút đầu tư, ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này?
- Khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Huế sẽ có thêm tiềm năng về phát triển kinh tế đầm phá, kinh tế biển. Thuận An, Hải Dương nằm trong vùng thắng cảnh đẹp, là nơi giao thoa giữa cửa biển, sông Hương và đầm phá Tam Giang.
Hiện nay đã có một số trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, cảng Thuận An. Gắn kết đô thị trung tâm Huế vươn ra biển Đông, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái biển, công nghiệp cảng, đóng và sửa chữa tàu thuyền, khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và kinh tế đầm phá.
Thành phố cũng đang tính đến bài toán quy hoạch phát triển vùng này, để làm sao thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tạo ra những sản phẩm du lịch mới, lạ, hấp dẫn như: cảng Thuận An không chỉ cảng hàng hóa mà còn là cảng du thuyền...
Nhiều cơ hội đi kèm với thách thức lớn
* Ngoài cơ hội, theo ông, việc mở rộng thành phố Huế sẽ có thách thức, khó khăn cần đối diện?
- Lãnh đạo tỉnh cũng như thành phố đánh giá đây là một chủ trương đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chúng tôi xác định đây là thời cơ, là vận hội để Huế bứt phá hơn. Tuy nhiên cũng rất nhiều thách thức, khó khăn kể cả trước mắt và lâu dài.
Trước hết, phải làm sao bảo tồn và giữ gìn Huế là một thành phố di sản mẫu mực, nơi chứa đựng đầy đủ những giá trị cốt lõi, tinh hoa của văn hóa Huế nhưng cũng phải là một đô thị vùng lõi, cùng với các đô thị phụ trợ khác tạo động lực phát triển mạnh mẽ về kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh.
Vấn đề về giải quyết đồng bộ, hài hòa các thành phần môi trường, tự nhiên, kinh tế - xã hội khi một số xã trước đây thành phường sẽ tăng quy mô, mật độ dân số, cuộc sống đô thị sẽ áp lực, ảnh hưởng lên môi trường, sinh thái tự nhiên.
Vấn đề về cách thức quản lý nhà nước khi thành phố mở rộng gấp gần 4 lần, dân số gần 2 lần so với hiện nay, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng tăng lên, vì vậy cần có các giải pháp triển khai đồng bộ, tạo sự đồng thuận cao, đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng để làm sao vận hành bộ máy hoạt động hiệu quả.
Vấn đề phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống cho các phường, xã mới sáp nhập đòi hỏi nguồn ngân sách không nhỏ, trong lúc đó tình hình dịch bệnh COVID-19 và nguồn thu hạn hẹp cũng là khó khăn lớn khi thành phố được mở rộng.
Tuy nhiên, những khó khăn đó nếu chúng ta tạo được sự đồng lòng, toàn tâm, toàn lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tôi tin chắc rằng sẽ vượt qua và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ sắp tới.