Trong tản văn “Ngang qua thế giới của em”, nhà văn Trương Gia Giai có viết: “Trên đời này, không tồn tại hai nửa vòng tròn có thể ghép thành một khuôn hoàn hảo. Mà chỉ có một linh hồn ích kỷ đang kiếm tìm một linh hồn ích kỷ khác.
Tôi đã bỏ lỡ những gì, để mỗi lần đến với một miền tươi đẹp, tôi lại âm thầm tự nhủ, ồ, thì ra em không có ở đây”. Tôi đồng cảm với đoạn trích này khi về lại phố Hội một ngày hè tháng 7, khi thấy mình chới với mới đuổi kịp hương trầm
Tôi về Hội An đôi lần, lúc nào cũng là hương trầm đưa lối. Trong âm thanh nhỏ nhẹ phát ra từ chiếc loa treo cao trên cột điện, tiếng nhạc tang tang hòa nhịp cùng vòng quay pê-đan, có ai đó lướt ngang qua những gian nhà. Bên hiên, bát gỗ trầm vẫn được đốt nghi ngút khói, thông lệ xông nhà mỗi sớm mai mà chỉ có cư dân phố cổ mới hiểu được. Mãi về sau này tôi mới biết, Hội An là đất thiêng, là nơi trăm tuổi có biết bao kiếp sống được gieo, được neo lại, sau một đêm ngủ với cơ man mộng mị, người ta đốt trầm để xua tan đi âm khí, làm nóng nhà cũng là cách làm vượng khí tăng lên, bớt âm, thịnh dương, đón may mắn.
Cũng như nhiều người, tôi từng nhầm tưởng trầm là thứ cây có cái tên lưu luyến, kiêu kỳ, nhưng hóa ra, phàm càng thứ tuyệt mỹ lại càng hay ẩn náu trong những mộc mạc dung dị, đôi khi thô kệch xù xì. Trầm là cách dân gian gọi thứ nhựa chảy ra từ thân cây dó bầu, một loại cây thân gỗ cao lớn sống ở miền nắng gió Đông Nam Á. Sở dĩ có tên gọi như vậy là do nhựa cây được hình thành từ những “vết thương” do sâu bọ đục khoét, sét đánh hoặc mảnh bom đạn găm từ thời chiến tranh. “Nước mắt” của cây quyện với nắng gió, lắng đọng theo thời gian thành trầm. Người ta nói, thứ hương ấy là hương khí của trời đất gửi gắm vào cây, bù đắp cho chuỗi ngày thiệt thòi, đau đớn để toàn thiện.
Trầm có mùi ngậy của gỗ, mùi lắng của hoài niệm, ngọt đắng của nhân gian và những tầng hương bảng lảng tùy vào thời tiết. Dân buôn trầm rỉ tai nhau: người khỏe đeo trầm thì thơm, ngày mưa đeo thì thơm, càng sạch thì càng thơm… Người ta mê cái thứ hương khó kiếm trên đời, mê thứ mùi dẫn dụ nỗi niềm thân quen, không phân biệt được đâu là hiện tại và quá khứ, là thực và mơ, đâu là nắm bắt và buông bỏ. Người mê hương trầm như mê cảm giác của người đi trên dây: an định, cân bằng, thả lỏng và thư thái. Có khi đó cũng là lý do khiến những nén nhang trầm của người phố Hội còn tượng trưng cho cách họ giao tiếp với thần linh. Một nguyện cầu như khẩn thành hơn, khao khát hơn mỗi khi thắp lên trong gian thờ tổ, trên cây hương trước nhà hay chòng chành theo những lấp lóa hoa đăng trên sông Hoài. Theo kinh Thánh, trầm hương còn là một trong những món quà ba nhà thông thái đã tặng cho Đức chúa Jesus khi ngài mới chào đời. Nghiêng nhiều về ý nghĩa tâm linh, trầm hương giống như sợi chỉ đỏ nối giữa khát vọng nhỏ bé của con người với vũ trụ vô tận huyền hoặc.
Trong Đông y, trầm hương có vị cay, khí rất thơm, tính ấm, thông quan, trị phong độc, trừ tà, ấm dạ dày, bổ nguyên dương, tiêu hóa. Theo Tây y, trầm hương có tính kháng sinh, tiết niệu, đặc biệt có thể dùng để chữa trị ung thư tuyến giáp. Ngần ấy công dụng mà người đeo trầm tìm thấy niềm an tĩnh trong tâm trí, khỏe mạnh cho thân thể. Với những ai có làn da rịn mồ hôi muối, lâu lâu dùng trầm lại phải làm sạch một lần, đem trầm phơi giữa trời đất vì trầm hút khí xấu ở thân. Trong cuốn tùy bút “Những giấc mơ phục sinh”của tác giả Tư Mã Duy có từng nhắc đến giá trị của trầm hương khi anh đi ngang qua Oman, một quốc gia yên bình ở Trung Đông – nơi có bờ biển dài 3.000km tương tự Việt Nam, được mệnh danh là thủ phủ của các mùi hương. Khan hiếm, đắt đỏ và được coi như vàng hóa hơi, cái giá để sở hữu trầm hương ở đất nước này chỉ được tiết lộ cho những ai nắm quyền lực. Còn thứ mà thị trường vẫn ngày ngày tung hô quảng cáo chỉ là thứ phẩm của một nền thương mại biết chiều lòng người.
Sau mùa dịch, tôi có dịp về lại phố Hội. Bạn bè tôi ít nhiều cùng đồng tình: “Dịch Covid làm hương phố phai đi nhiều quá, chẳng thấy mùi trầm đặc sánh giữa không khí, kể cả là mùng 1 hay ngày có trăng lên”. Ai đã nói mùi hương tượng trưng cho cảm xúc và kỷ niệm, mà đã là kỷ niệm thì dù có nhạt cũng khó lòng mà phai. Tôi vẫn tin giữa muôn vàn điểm đến, người ta vẫn nhớ thương phố Hội trong bất kỳ quãng đời nào, như một người dẫu không nhớ nổi tiền kiếp, vẫn loay hoay lần theo một mùi hương mà đi tìm thứ mình còn thiếu, cho dù chẳng biết chính xác thứ ấy là gì. Và nếu một ngày nào đó không còn bắt gặp hương trầm đi vòng quanh những dàn hoa giấy và mảng tường vàng, hẳn người ta sẽ cảm thấy hụt hẫng, lạc lối lắm, như đứt mất sợi dây níu giữ mình với một mảnh đất thiêng, như người trong mộng phải sực tỉnh khỏi cơn mơ…
ĐI NÀO BẠN!
Đi để đối thoại với bản thể của chính mình.
Đi để kích hoạt tất cả các giác quan.
Đi để tới những nơi mình chưa từng đến, thử những điều mình chưa từng làm, quan sát vạn vật dưới một con mắt khác.
Đi để tham gia bữa tiệc thị giác, nghe những khúc ca gieo trên vách đá, định nghĩa lại hạnh phúc đôi khi chỉ là một miếng ngon vừa đủ.
Đi còn để “Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu” hơn con người, kiến trúc, thanh âm, mùi vị, tất thảy mọi chất thơ trong đời sống… trước khi chúng chỉ còn hiện diện trong những tấm ảnh bạc màu.
Mời bạn bước vào một chuyến du lịch lý thú mà “người dẫn đường” ở đây, không gì khác, chính là tất cả các giác quan của bạn.
See
• Bữa tiệc thị giác trong thành phố
• Đi tìm những bức tường nở hoa ở Sài Gòn
Hear
• Về vùng Mông nghe khúc ca gieo trên vách đá
• “loang thoang” xứ Quảng: Đã có bèn B tiếng Quảng chưa?
• Ngô Hồng Quang & tấm hộ chiếu được vẽ bằng âm thanh các vùng miền
Taste •
Hạnh phúc là một miếng ngon vừa đủ
Smell
• Hương Tà Xùa trong chén trà của Tân
• Nghe mùi trầm hương nhớ thương phố Hội
Touch
• Khi tay “nhúng chàm”: Học nhuộm chàm của người Nùng An
• Khi tay “nhúng chàm”: Đi Cát Cát học người H’Mông cách nhuộm chàm
Feel
Ảnh: Hi Nguyễn Minh: Nha Đam