Chạy suốt dặm dài đất nước, những con đường bờ biển chứng kiến bao biến đổi của tạo hóa, bao chuyến đi mở cõi của người xưa, bao thăng trầm của đất nước, bao lượt khách ghé thăm rồi luyến tiếc lúc chia tay… Đi trên cung đường ven biển, ta luôn ngỡ ngàng trước di sản phong phú mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho từng địa phương.
Bờ biển Việt Nam dài 3.260 cây số, bao bọc lãnh thổ ở cả 3 phía đông, nam, tây nam. Trung bình cứ 100 km đất liền có 11 km bờ biển.
Suốt con đường biển Việt Nam, lữ khách có thể chiêm ngưỡng những cảnh quan kỳ diệu được tạo hóa tài tình sắp đặt qua những vận động địa chất hàng triệu năm, nhờ đó không gian biển mỗi vùng mang những sắc thái và sức hút riêng, từ những vũng - vịnh kỳ thú như Hạ Long, Bái Tử Long, Nha Trang, Vĩnh Hy, những ngọn núi, con đèo hùng vĩ lấn ra tận cùng phương đông như Hải Vân, Cù Mông, những cồn cát khổng lồ như ở Phan Rang, Phan Thiết, những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn đặc trưng cho vùng nhiệt đới như ở Cà Mau, Rạch Giá…
Du ngoại trên cung đường ấy, trên là trời cao xanh, liền kề là mặt biển mênh mông không ngừng thay đổi kiểu dáng, gợi nên cho chúng ta biết bao hình dung độc đáo. Và cũng chính khi ngao du trên cung đường biển từ đầu Quảng Ninh đến cuối trời Hà Tiên, mỗi người Việt sẽ có dịp cảm nhận rõ ràng nhất tình yêu với thiên nhiên, với đất nước và với cuộc sống này.
Cung đường từ Bình Thuận tới Bình Định thường được dân phượt xếp hạng 5 sao trong danh sách những địa điểm check-in lý tưởng ở Việt Nam. Đường đi ôm sát bờ biển, một bên là đại dương liên tục thay đổi độ xanh của làn nước, một bên là thước phim 5D sống động với bối cảnh đa dạng từ đồi cát, núi đá, rừng cây, đến hang động, hồ nước ngọt,… khiến du khách dù ngồi xe ngắm cảnh suốt hàng trăm cây số cũng không thấy chán.
Khởi hành từ Bàu Trắng, xe tiến về thị trấn Phan Rí Cửa. Thay vì theo quốc lộ 1, dân phượt thích rẽ vào đường tỉnh 716B chạy dọc bờ biển, dù xa hơn nhưng đã mắt hơn, lại đem đến cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm cho người lái xe. Đường đi mênh mông, thường vắng người, lại còn băng qua những cồn cát cao vút như ở một vùng đất lạ lẫm. Sau mỗi lần chinh phục một con dốc, bạn có thể đứng trên đỉnh phóng tầm mắt về phương đông thu trọn màu xanh ngắt của biển.
Không gian vắng vẻ, bình yên. Đường quanh co, uốn lượn. Càng đi, đất trời càng mở rộng tưởng chừng đang bước vào thế giới vô tận. Có đoạn, đồi cát tiếp nối đồi cát, chẳng thấy biển đâu, xung quanh một màu trắng vàng ngút ngàn. Lữ khách thấy mình như đang lướt đi qua những hoang mạc hùng vĩ ở miền Tây nước Mỹ hay miền Nam nước Úc. Niềm sảng khoái dâng lên trong lòng, bạn bỗng nhận ra mình thật tự do tự tại, hiên ngang giữa bao la đất trời. Đôi lúc, xe băng qua một vườn thanh long rộng lớn. Nét xanh lục của loại cây họ xương rồng này điểm xuyết hoàn hảo cho bức họa vốn đã đầy sắc màu của không gian.
Nếu tinh ý, bạn sẽ thấy cát biển ở đây cũng biết thay sắc, từ vàng, cam, sang nâu, trắng rồi lại cam, vàng... Bảng sắc màu vạn biến ấy tôn lên một chi tiết bất biến, là khung trời xanh ngắt. Vùng Phan Thiết quanh năm mưa khiêm tốn, bầu trời lúc nào cũng ít mây, để lộ da trời xanh mê đắm. Nhiều bạn trẻ rất thích dừng xe bên đường để chụp hình trên phông nền huyền diệu đó.
Xe đến bãi đá Cổ Thạch, rồi nhập lại vào quốc lộ 1, đi thêm khoảng 30 phút, biển Cà Ná rộng lớn hiện ra. Cà Ná dường như không mang vẻ đài các của thiếu nữ kiêu sa sống trong nhung lụa, mà là cô gái đẹp xuất thân từ một làng chài dân giã. Cà Ná mặn mòi, cái mặn của muối, của sóng, lại có cái ram rám rắn rỏi của nắng, của gió.
Độ mặn của nước biển Cà Ná cao nhất trong cả nước. Bởi thế, nếu để mặt trần phi xe qua đây chỉ 5 phút, muối biển nương theo hơi nước sẽ đến bám chặt vào làn da bạn. Dù có thể khiến một số người khó chịu, dưới góc nhìn lãng mạn, đó là sự cố ý của thiên nhiên muốn níu chân bạn nán lại vui chơi thêm chút nữa.
Nếu bạn thích bay flycam, đoạn đường này là lựa chọn tuyệt vời. Dù cất cánh ở vị trí nào, flycam cũng thu được những video hoàn hảo, bởi biển ở đây đẹp không góc chết. Có lúc biển như đứng yên cùng mây trời, lúc lại ồn ào vỗ vào ghềnh đá, lúc thì uốn quanh đuổi bắt núi non. Ở "vai diễn" nào, biển Cà Ná cũng nhận được cái gật đầu của vị đạo diễn khó tính nhất.
Qua vùng "gió như Phan, nắng như Rang", xe tiếp tục hướng lên phía Bắc về vịnh Vĩnh Hy. Dọc đường, những đàn dê đang thong dong gặm cỏ. Có lúc, một đàn cừu chầm chậm sang đường. Những mảnh vườn thanh long cũng được thay bằng những giàn nho xanh mát. Giữa vùng khô hạn, cây nho lại phát triển tốt và mang về cuộc sống đủ đầy cho nhiều gia đình.
Tới Vĩnh Hy cảnh vật hiện ra như thể vượt ngoài sức tưởng tượng. Mấy ai lần đầu qua đây có thể rời bước mà không để lại những lời tấm tắc thán phục trước sự kiến tạo và sắp đặt tài tình của tự nhiên. Làn nước trong xanh như ngọc và những khối đá đặc trưng của vùng khô hạn đan xen, quấn quít lấy nhau. Đường đi quanh co không ngừng làm cho góc nhìn của lữ khách chốc chốc thay đổi. Mỗi khúc quanh lại có sắc thái riêng, khi nhẹ nhàng tình tứ, khi gấp gáp gắt gỏng. Lữ khách cứ phải đảo mắt qua lại để thưởng ngoạn trọn vẹn bức tranh thủy mặc này.
Vĩnh Hy đã nhận được không ít từ ngữ miêu tả mỹ miều. Trong đó, ấn tượng nhất có lẽ là cách ví von Vĩnh Hy mang vẻ đẹp của chốn "siêu thực". Thật vậy, nhiều đoạn, những phiến đá lồi lõm xuất hiện ở cả bên núi và biển, không khác gì bề mặt của một hành tinh ngoài vũ trụ. Một số phiến đá còn có rêu xanh bao phủ, trải dài trên bờ biển. Cách đó không xa là vườn quốc gia Núi Chúa, được mệnh danh là khu rừng khô lớn và độc đáo nhất Việt Nam, điểm tô thêm sức nút cho chốn "hư hư thực thực" này.
Trong vẻ kỳ bí đó, sự sống bỗng hiện lên. Phía xa xa là làng chài cùng những chiếc thuyền tấp neo trong vịnh Vĩnh Hy. Gần đến Cam Ranh, khách sẽ bắt gặp thêm những lồng bè nuôi tôm hùm. Nếu muốn "đổi gió", bạn nên dành một ít thời gian vào xem cuộc sống thường nhật của người dân và thưởng thức hải sản, hay đi thuyền ra khơi lặn ngắm những rạn san hô rực rỡ. Vĩnh Hy vốn nổi tiếng có hơn 300 loài san hô, trong đó 50 loài mới được phát hiện ở Việt Nam.
Qua Nha Trang, xe thẳng đường vượt vịnh Vân Phong, Vũng Rô, rồi tới mũi Điện (Phú Yên), là một trong những nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền. Xa xa là ngọn hải đăng vững chải trên vách núi, bên dưới là bãi cát lý tưởng cho một buổi cắm trại qua đêm ngắm bình minh. Nếu vẫn chưa ưng ý với khung cảnh, những du khách khó tính có thể phóng xe tiếp tục đường biển qua rất nhiều danh thắng như Gành Đá Dĩa, Gành Yến, Gành Đèn, Gành Ông, Bãi Xép, Đầm Ô Loan, ra tận Bình Định, đi qua cầu Thị Nại, Eo Gió, Kỳ Co,…
Ở mỗi chuyến đi, cung đường biển Nam Trung Bộ sẽ phơi bày trước bạn một sắc thái riêng, một nét đẹp riêng. Nếu may mắn đi vào những đêm trăng sáng, bạn sẽ bất ngờ khi thấy biển đêm lung linh như chốn bồng lai. Vua du khảo Đào Kim Trang từng dẫn một đoàn phượt thủ đi biển để "săn"… trăng. Ông hồi tưởng, biển giữa mùa trăng cho người ngắm cảm giác lạ mà quen.
Ở tít mù phương Đông, trăng chầm chậm mọc, ngoi lên từ đại dương. Một dải ánh sáng vàng kéo dài từ đường chân trời vào đất liền, như một dải lụa óng ánh trên nền đại dương không biên giới. Đoàn phượt thủ dừng lại, tắt đèn xe, để cảm nhận chân thật thứ ánh sáng tự nhiên và để tâm hồn tận hưởng khoảnh khắc lắng đọng trước tạo hóa kỳ ảo.
Càng lên cao, trăng càng sáng. Dải vàng trên mặt nước ngắn lại, nhường chỗ cho sự xuất hiện của bóng trăng trên biển. Một ông trăng trên trời, một ông trăng dưới nước, cả hai như đang đối ẩm trong đêm. Nhiều đoàn khách "săn" trăng sẵn sàng bỏ ra hàng giờ chờ đợi chỉ để ghi lại giây phút biến đổi của trăng từ dưới lòng đại dương đến khi lên cao. "Những khoảnh khắc ấy, người ta sẽ nhớ hoài. Nó tiếp thêm năng lượng bất tận cho mỗi người. Trong khung cảnh đó, người ta cảm thấy thêm yêu quê hương, đất nước hơn" - ông Trang nói.