Chạy suốt dặm dài đất nước, những con đường bờ biển chứng kiến bao biến đổi của tạo hóa, bao chuyến đi mở cõi của người xưa, bao thăng trầm của đất nước, bao lượt khách ghé thăm rồi luyến tiếc lúc chia tay…
Đi trên cung đường ven biển, ta luôn ngỡ ngàng trước di sản phong phú mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho từng địa phương.
Bờ biển Việt Nam dài 3.260 cây số, bao bọc lãnh thổ ở cả 3 phía đông, nam, tây nam. Trung bình cứ 100 km đất liền có 11 km bờ biển.
Suốt con đường biển Việt Nam, lữ khách có thể chiêm ngưỡng những cảnh quan kỳ diệu được tạo hóa tài tình sắp đặt qua những vận động địa chất hàng triệu năm, nhờ đó không gian biển mỗi vùng mang những sắc thái và sức hút riêng, từ những vũng - vịnh kỳ thú như Hạ Long, Bái Tử Long, Nha Trang, Vĩnh Hy, những ngọn núi, con đèo hùng vĩ lấn ra tận cùng phương đông như Hải Vân, Cù Mông, những cồn cát khổng lồ như ở Phan Rang, Phan Thiết, những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn đặc trưng cho vùng nhiệt đới như ở Cà Mau, Rạch Giá…
Du ngoại trên cung đường ấy, trên là trời cao xanh, liền kề là mặt biển mênh mông không ngừng thay đổi kiểu dáng, gợi nên cho chúng ta biết bao hình dung độc đáo. Và cũng chính khi ngao du trên cung đường biển từ đầu Quảng Ninh đến cuối trời Hà Tiên, mỗi người Việt sẽ có dịp cảm nhận rõ ràng nhất tình yêu với thiên nhiên, với đất nước và với cuộc sống này.
Mấy năm nay con đường ven biển kết nối Núi Thành - Tam Kỳ - Hội An - Đà Nẵng thông xe khiến giới phượt trẻ mê xê dịch phát sốt. Giữa bao la triền cát hoang vu điệp điệp đầy gai xương rồng lốm đốm từng vạt phi lao, bạch đàn còi cọc, con đường mới mở như sợi chỉ dài kẻ thẳng vào tương lai đánh thức miệt duyên hải vốn ngủ quên bao năm trong nghèo khó. Đường mới thênh thang, lại thưa xe qua lại, hiếm xe tải, container càng thêm hấp dẫn cánh dân phượt ô tô, xe máy.
Từ ngày nối nhịp cầu Cửa Đại, dải biển Quảng Nam - Đà Nẵng không còn ngăn cách. Tuyến biển chạy dài qua những khu resort, từng bãi tắm cát vàng tít tắp nối nhau xuất hiện từ Cửa Đại, An Bàng, Hà My, Sơn Thủy đến Mỹ Khê nức tiếng. Mùa xuân lạc chân tới một bãi biển nhiệt đới tươi đẹp như thế, thật khó cưỡng lại lời mời gọi nhập hội cùng bọt sóng, nước xanh, cát trắng.
Sau chuỗi ngày đông dài chìm trong mưa dầm, giá rét, bán đảo Sơn Trà hiện ra rực rỡ dưới nắng xuân. Dạo một vòng bán đảo ngày nắng đẹp, du khách như hít hết vào lồng ngực những thứ hương thơm là lùng từ các loài thảo mộc thả vào trong gió. Khách đến Sơn Trà mùa nào cũng thấy đẹp, nhưng đẹp nhất vẫn là mùa bán đảo vào xuân. Khi núi rừng thay màu xanh mơn mởn của lộc non cũng là lúc hàng đàn khỉ đuôi lợn, voọc chà vá chân nâu thong dong chuyền cành. Lũ khỉ, voọc thỏa mái nhấm nháp từng chiếc lá non trong ánh nhìn trầm trồ của du khách.
Phượt thủ trên con đường từ Nam ra Bắc không ai quên được cung đường qua đèo Hải Vân, nơi được xưng tụng Thiên hạ đệ nhất hùng quan bởi vẻ đẹp kỳ vĩ hiếm có. Mùa xuân, cung đường đèo thêm mê hoặc với mây trôi bảng lảng trong nắng sớm. Suối nước róc rách dưới chân, chim hót thánh thót trên đầu. Đứng giữa đèo nhìn xuống dưới chân là đoàn tàu Bắc - Nam vòng vèo ẩn hiện dưới những thảm rừng màu xanh, trong đầu bất chợt reo lên giai điệu Tàu anh qua núi mà nhạc sĩ Anh Thơ đã nhắc năm nào.
Ai đi Hải Vân một lần đều biết càng lên cao con đèo càng lạnh. Nhưng cái lạnh se sẽ đầu xuân êm đềm dìu dịu, chỉ vừa đủ làm người phượt thủ phấn kích tâm hồn, đánh thức các giác quan để cảm nhận trọn vẹn nét đẹp sông núi.
Từ Hải Vân Quan, phóng tầm nhìn về phía Bắc, dải đất hẹp Lăng Cô của xứ Thừa Thiên - Huế hiện ra mờ ảo trong làn sương mỏng. Doi đất nhỏ và dài được kẹp bởi biển một bên và đầm nước Lập An bên kia đã bao lần chinh phục trái tim người phượt thủ yêu cái đẹp trong một chiều hoàng hôn vàng vọt nền trời.
Cũng như dọc dài đầm phá Tam Giang, Cầu Hai đã định hình phong cảnh nên thơ xứ Thừa Thiên - Huế, Lăng Cô mang vẻ đẹp vùng đầm phá sông nước và giàu sản vật. Chiều về trên đầm Lập An, phượt thủ dừng chân ngắm hoàng hôn dần khuất núi, thong dong thưởng thức sản vật vùng đầm phá Lăng Cô hẳn là cảm giác thú vị không ai muốn bỏ lỡ khi đi qua cung đường này.