Chạy suốt dặm dài đất nước, những con đường bờ biển chứng kiến bao biến đổi của tạo hóa, bao chuyến đi mở cõi của người xưa, bao thăng trầm của đất nước, bao lượt khách ghé thăm rồi luyến tiếc lúc chia tay…
Đi trên cung đường ven biển, ta luôn ngỡ ngàng trước di sản phong phú mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho từng địa phương.
Bờ biển Việt Nam dài 3.260 cây số, bao bọc lãnh thổ ở cả 3 phía đông, nam, tây nam. Trung bình cứ 100 km đất liền có 11 km bờ biển.
Suốt con đường biển Việt Nam, lữ khách có thể chiêm ngưỡng những cảnh quan kỳ diệu được tạo hóa tài tình sắp đặt qua những vận động địa chất hàng triệu năm, nhờ đó không gian biển mỗi vùng mang những sắc thái và sức hút riêng, từ những vũng - vịnh kỳ thú như Hạ Long, Bái Tử Long, Nha Trang, Vĩnh Hy, những ngọn núi, con đèo hùng vĩ lấn ra tận cùng phương đông như Hải Vân, Cù Mông, những cồn cát khổng lồ như ở Phan Rang, Phan Thiết, những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn đặc trưng cho vùng nhiệt đới như ở Cà Mau, Rạch Giá…
Du ngoại trên cung đường ấy, trên là trời cao xanh, liền kề là mặt biển mênh mông không ngừng thay đổi kiểu dáng, gợi nên cho chúng ta biết bao hình dung độc đáo. Và cũng chính khi ngao du trên cung đường biển từ đầu Quảng Ninh đến cuối trời Hà Tiên, mỗi người Việt sẽ có dịp cảm nhận rõ ràng nhất tình yêu với thiên nhiên, với đất nước và với cuộc sống này.
Biển ở Hà Tĩnh, Quảng Bình nhỏ, hẹp, không thể so quy mô với những "hàng xóm" như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An). Đường ven biển lại thường bị chia cắt bởi những ngọn núi vươn ra từ dải Trường Sơn kéo dài tận cùng phương đông. Đổi lại, ở nơi "đòn cong gánh hai đầu đất nước", những bãi biển khoác trên mình vẻ đẹp hoang sơ như một hoa khôi thôn quê trong bộ tứ thân mộc mạc.
Bãi biển Thạch Hải (Hà Tĩnh) phẳng phiu, nước trong xanh, cắt trắng tinh. Mùa hè, biển đẹp nhất. Những con sóng trắng xóa vượt trùng dương trở về tình tứ ôm ấp bãi bờ. Tiếng sóng gọi cộng hưởng tiếng gió vi vu, tiếng rừng xao động, thành bản đồng ca êm dịu, dành tặng riêng cho những ai ghé ngang. Có đoạn, những rặng dừa xanh mướt kéo dài tít mắt làm bạn tưởng mình lạc vào "thiên đường nhiệt đới" như Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan), chứ tuyệt nhiên không phải một nơi nổi tiếng "đất cày lên sỏi đá". Chấm phá trên phông nền đó là những mái nhà đơn sơ bên những dây hoa muống biển cứ mỗi phút lại cố vươn mình xa thêm, chờ mong khoảnh khắc tương phùng cùng con sóng.
Mải mê liên tưởng, người lữ khách có thể giật mình không biết biển Kỳ Ninh (Hà Tĩnh) đứng đấy tự bao giờ. Kỳ Ninh mang theo tấm chân tình của đại dương mời gọi bạn dừng chân. Chân tình đó nhất thiết phải được đón nhận bằng cả năm giác quan: mắt đong đầy sắc biếc của nước non, tai văng vẳng lời thì thầm của sóng, mũi thoang thoảng hương sản vật trong gió, môi mằn mặn vị biển khơi,… Bao mệt nhọc trên đường, bao lo toan trong lòng như được rũ bỏ.
Ở ranh giới Hà Tĩnh - Quảng Bình, lên đèo Ngang, ngó ra phương đông, lữ khách trông thấy biển Hoành Sơn đang thảnh thơi tựa vào núi rừng trùng điệp và chuyện trò với mây trời. Nếu có thời gian, hãy dừng xe vãn cảnh chiều. Khi đó, chắc hẳn bạn sẽ thấu cảm được hương sắc bình dị nhưng mê hoặc lạ kì này. Khép mắt để hồn phiêu diêu cùng gió - mây - nước - non, lữ khách bỗng đồng cảm với "mảnh tình riêng" của Bà Huyện Thanh Quan trong buổi xế tà năm xưa khi đi qua vùng đất này.
Đoạn đường từ Hà Tĩnh về Quảng Bình còn không ít bãi biển không tên nhưng đẹp ngỡ ngàng, hệt như những giai nhân ở tuổi trăng tròn đang ngủ quên chờ đánh thức. Những bãi cát nhỏ, thậm chí cực nhỏ, như vẹn nguyên từ thuở hồng hoang, khép nép sau hàng phi lao, cho những lữ khách vô tình bắt gặp khoái chí rằng mình có thể là người đầu tiên đặt chân đến đây.
Nhiều phượt thủ không đành lòng lướt ngang mà dừng xe thưởng ngoạn. Họ tìm đường len lỏi xuống biển cắm trại nghỉ đêm. Họ trở về với thiên nhiên, tìm chút thi vị trong một buổi "đi hoang". Khi bầu trời cùng đại dương chìm trong bóng đêm, họ quay quần bên lửa trại, thưởng thức dăm ba món hải sản tự chế biến, nhâm nhi vài lon bia, chung rượu,… Bốn phương vắng lặng, có chăng chỉ còn trăng sao, cho du khách cảm giác như lạc giữa một hoang đảo xa lạ.
Nếu vững vàng trước cám dỗ của những bãi biển vô danh này, chắc rằng lữ khách cũng sẽ sa "lưới tình" của bãi biển Đá Nhảy mỹ lệ ở chặng hành trình tiếp theo. Khi những tia nắng đầu tiên bắt đầu ló dạng là lúc vũ điệu của biển và đá bắt đầu. Nắng từ trên cao rọi xuống, rồi lại phản chiếu long lanh từ mặt nước, cuối cùng đồng quy tại những tảng đá vô tri, như đem sự sống đến cho đá. Đá như bừng tĩnh, như thoát tục, tạo thành những hình thù kỳ ảo trong ánh bình minh. Kia là hòn đá mẹ bồng con, đây là tiên ông khoan khoái chơi cờ, xa xa là mỏm đá nom giống cụ rùa trăm tuổi. Và còn nhiều, nhiều nữa.
Nếu bạn cần một nơi tĩnh tâm để cân bằng cuộc sống sau thời gian làm việc mệt nhoài, đây sẽ là nơi lý tưởng.