Chạy suốt dặm dài đất nước, những con đường bờ biển chứng kiến bao biến đổi của tạo hóa, bao chuyến đi mở cõi của người xưa, bao thăng trầm của đất nước, bao lượt khách ghé thăm rồi luyến tiếc lúc chia tay…
Đi trên cung đường ven biển, ta luôn ngỡ ngàng trước di sản phong phú mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho từng địa phương.
Bờ biển Việt Nam dài 3.260 cây số, bao bọc lãnh thổ ở cả 3 phía đông, nam, tây nam. Trung bình cứ 100 km đất liền có 11 km bờ biển.
Suốt con đường biển Việt Nam, lữ khách có thể chiêm ngưỡng những cảnh quan kỳ diệu được tạo hóa tài tình sắp đặt qua những vận động địa chất hàng triệu năm, nhờ đó không gian biển mỗi vùng mang những sắc thái và sức hút riêng, từ những vũng - vịnh kỳ thú như Hạ Long, Bái Tử Long, Nha Trang, Vĩnh Hy, những ngọn núi, con đèo hùng vĩ lấn ra tận cùng phương đông như Hải Vân, Cù Mông, những cồn cát khổng lồ như ở Phan Rang, Phan Thiết, những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn đặc trưng cho vùng nhiệt đới như ở Cà Mau, Rạch Giá…
Du ngoại trên cung đường ấy, trên là trời cao xanh, liền kề là mặt biển mênh mông không ngừng thay đổi kiểu dáng, gợi nên cho chúng ta biết bao hình dung độc đáo. Và cũng chính khi ngao du trên cung đường biển từ đầu Quảng Ninh đến cuối trời Hà Tiên, mỗi người Việt sẽ có dịp cảm nhận rõ ràng nhất tình yêu với thiên nhiên, với đất nước và với cuộc sống này.
Là một trong những cung đường ven biển được nhiều "dân phượt" trong và ngoài nước đánh giá đẹp nhất Vịnh Bắc bộ, thậm chí đẹp nhất miền Bắc - cung đường ven biển đoạn từ phà Gót - Cái Viềng đến trung tâm thị trấn Cát Bà hứa hẹn mang đến cho du khách nhiều cung bậc cảm xúc…
Đảo Ngọc hay đảo Cát Bà, thuộc huyện Cát Hải, TP Hải Phòng là đảo lớn nhất, điểm nổi tiếng về du lịch với bãi biển xanh ngọc ngà, bờ cát trắng mịn và hệ thống dịch vụ du lịch phù hợp mọi nhu cầu từ bình dân tới cao cấp.
Video: Đến Cát Bà trên cung đường ven biển đẹp nhất Vịnh Bắc bộ
Từ năm 2017, khi phà Đình Vũ được thay thế bằng tuyến đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện dài gần 16 km, với cây cầu vượt biển Lạch Huyện dài nhất Việt Nam (hơn 5 km), chỉ còn duy nhất bến phà Gót và khi cập bến Cái Viềng, du khách sẽ được trải nghiệm 25 km đường xuyên đảo uốn lượn chạy dọc bờ biển với một bên là những vách núi thoai thoải hay những vạt rừng của Vườn quốc gia Cát Bà.
Thời gian từ Cái Viềng đến trung tâm đảo hiện cũng chỉ còn 40 phút, rút ngắn nửa thời gian so với trước đây, bởi cung đường này liên tục được cải tạo, đầu tư mở rộng từ 6 mét lên 11 mét…
Đi trên cung đường này, du khách có thể cảm nhận được phần nào được nhịp phát triển của hệ thống cảng biển Hải Phòng - cảng biển với lượng hàng hóa trung chuyển lớn nhất miền Bắc và trải nghiệm thêm Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.
Ông Đỗ Tuấn Anh - tổng giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, cho biết trong những năm gần đây đã có 3 dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường ven biển từ Cái Viềng ra Cát Bà.
Trước đó, trong năm 2017-2018 thành phố dành nhiều kinh phí để cải tạo, nâng cấp con đường.
"Tất cả dự án giao thông, các con đường ven biển hay đi qua khu Vườn quốc gia Cát Bà đều đã được thảm nhựa. Cung đường nào cũng đẹp, nhưng cung đường ven biển là đẹp nhất, uốn lượn, nép mình theo vách núi, dốc lên xuống thoắt ẩn thoắt hiện với những khúc cua không kém gì những cung đường Tây Bắc song những khúc cua này lại tạo cảm giác mềm mại, dễ chịu hơn nhiều", ông Tuấn Anh khoe.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Nghiệp - chủ tịch UBND xã Xuân Đám, huyện Cát Hải (nơi có hơn 3 km đường ven biển chạy qua xã), cho biết để tới đảo, không chỉ có đường ven biển mà du khách có thể lựa chọn di chuyển vào tuyến đường xuyên qua Trung tâm vườn quốc gia Cát Bà với hàng cây xanh mướt hai bên đường với không khí trong lành và trải nghiệm thêm nhiều di tích lịch sử, hang động tuyệt đẹp như động Trung Trang, Giếng Ngéo, Quân Y, Tiền Đức, Đá Hoa, Phù Long,...
Theo ông Nghiệp, trước đây gần 1.500 người dân trong xã sống chỉ dựa vào nuôi trồng, khai thác thủy sản, chỉ số ít người dân làm du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, từ 2017, khi thành phố đầu tư nâng cấp các tuyến đường ra đảo Cát Bà đi qua xã thì cũng là lúc người dân có điều kiện tham gia vào hoạt động du lịch, kinh doanh dịch vụ.
"Đường đẹp lên, hạ tầng tốt lên, du khách đi qua xã nhiều hơn nên chỉ mấy năm, số lượng các homestay, khách sạn, cơ sở lưu trú thi nhau mọc lên khắp xã. Đến nay, có đến 60% người dân trong xã tham gia vào các hoạt động liên quan đến du lịch, dịch vụ, và cũng nhờ có con đường, đời sống người dân đã nâng lên thấy rõ. Thu nhập bình quân của xã trong năm 2019 và 2020 đã đạt 70-72 triệu đồng/người/năm.
"Bây giờ, ra đảo Cát Bà du khách có nhiều phương án lựa chọn phương tiện, nhưng kể từ khi tuyến đường ven biển được đầu tư, mở rộng thì hầu như du khách chỉ chọn tuyến đi đường bộ để được trải nghiệm "phượt" trên cung đường ven biển mà như chính du khách phải thừa nhận đường ven biển ra đảo Cát Bà là "con đường đẹp nhất miền Bắc, đẹp nhất Vịnh Bắc bộ", bà Vũ Thị Thanh - phó trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải, nói.
Ông Bùi Công Trọng - một cán bộ UBND huyện Cát Hải, một người cũng đam mê du lịch, chia sẻ "để có một chuyến lang thang trên con đường ven biển Cát Bà, du khách nên sắp xếp thời gian để "lượn đường" vào đầu hay giữa giờ chiều, bởi khác với buổi sáng khi ánh nắng thường bị vách núi che khuất, không thể chiếu xuống đường thì lúc này, khi mặt trời đã ngả về phía tây - phía biển, ánh sáng chiếu thẳng vào những vách núi sừng sững trên con đường ven biển tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp với đủ ánh sáng và màu sắc giúp tạo một khung nền hoàn hảo như mong đợi.
Ngoài ra, việc lựa chọn "lượn đường" vào lúc hoàng hôn còn giúp du khách "canh" được thời gian kết thúc hành trình vi vu vào cuối chiều, lúc mà có những khung hình, bối cảnh đẹp nhất để du khách có cơ hội "săn" hoàng hôn trên cung đường ven biển Cát Bà.