Chạy suốt dặm dài đất nước, những con đường bờ biển chứng kiến bao biến đổi của tạo hóa, bao chuyến đi mở cõi của người xưa, bao thăng trầm của đất nước, bao lượt khách ghé thăm rồi luyến tiếc lúc chia tay…
Đi trên cung đường ven biển, ta luôn ngỡ ngàng trước di sản phong phú mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho từng địa phương.
Bờ biển Việt Nam dài 3.260 cây số, bao bọc lãnh thổ ở cả 3 phía đông, nam, tây nam. Trung bình cứ 100 km đất liền có 11 km bờ biển.
Suốt con đường biển Việt Nam, lữ khách có thể chiêm ngưỡng những cảnh quan kỳ diệu được tạo hóa tài tình sắp đặt qua những vận động địa chất hàng triệu năm, nhờ đó không gian biển mỗi vùng mang những sắc thái và sức hút riêng, từ những vũng - vịnh kỳ thú như Hạ Long, Bái Tử Long, Nha Trang, Vĩnh Hy, những ngọn núi, con đèo hùng vĩ lấn ra tận cùng phương đông như Hải Vân, Cù Mông, những cồn cát khổng lồ như ở Phan Rang, Phan Thiết, những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn đặc trưng cho vùng nhiệt đới như ở Cà Mau, Rạch Giá…
Du ngoại trên cung đường ấy, trên là trời cao xanh, liền kề là mặt biển mênh mông không ngừng thay đổi kiểu dáng, gợi nên cho chúng ta biết bao hình dung độc đáo. Và cũng chính khi ngao du trên cung đường biển từ đầu Quảng Ninh đến cuối trời Hà Tiên, mỗi người Việt sẽ có dịp cảm nhận rõ ràng nhất tình yêu với thiên nhiên, với đất nước và với cuộc sống này.
Bờ biển phía Tây Nam dài hơn 340km, từ Cà Mau qua Rạch Giá đến Hà Tiên. Trong cảnh sắc tưởng chừng như đơn điệu của biển trời Tây Nam là vẻ đẹp đặc trưng có một không hai nơi cuối trời Tổ quốc.
Trên cung đường khép lại bờ biển hơn 3.200km của Tổ quốc, lữ khách có cảm giác như đang chơi trò trốn tìm với biển cả. Biển ẩn nắp đằng sau hàng rừng phòng hộ hun hút với vô số cây bần, đước, tràm,... Có khi đi hàng chục cây số, nghe tiếng sóng đó, thấy gió vuốt ve cơ thể đó nhưng chẳng thấy biểu đâu.
Thi thoảng, lữ khách gặp những chiếc cầu xinh xinh bắt ngang dòng kênh chở đầy phù sa. Đứng trên cầu, nhìn về phía Tây, khách bàng hoàng nhận ra biển đang cách mình chưa đến 100m. Dành năm mười phút nhìn dòng nước đã vượt bao gian truân từ đầu nguồn đến đây, nay chỉ còn vài bước là đến đích, khép lại một "dòng đời" trôi nổi, bạn chắc hẳn sẽ có nhiều suy tưởng miên man.
Xa xa là những chòi canh của các hộ nuôi nghêu, sò huyết. Theo chân người dân lên chòi, lữ khách sẽ tận hưởng cảm giác ngồi giữa đại dương, rồi cùng nhau nhâm nhi vài xị rượu ngon, ăn một xoong nghêu hấp sả,... Cái thú vui tuy bình dị đó chắc chắn làm bạn nhớ mãi về sau.
Lại phóng tầm mắt về đất liền, lữ khách phải ngỡ ngành về một thảm thực vật ngập mặn đặc trưng bát ngát. Có thể nhận ra cả phần giao thoa giữa hai dòng nước, một màu vàng nâu từ - màu của phù sa - của các con sông đổ vào biển, và một là xanh nhạt của đại dương. Nhìn ngược về phía vịnh Thái Lan, bạn sẽ thấy nhiều hòn đảo trong tổng số hơn 150 hòn thuộc vịnh Thái Lan, trong đó có Phú Quốc hay quần đảo Hải Tặc, hay có thể chiêm ngưỡng cả những dải núi kéo sát bờ biển của nước bạn Campuchia.
Xe đến gần Hà Tiên cũng là lúc núi non bên đường hiện ra nhiều hơn, mở màn cho cuộc du ngoạn qua một Việt Nam thu nhỏ. Nhà thơ Đông Hồ từng ví von, nơi này "có một ít hang sâu động hiểm của Lạng Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có một ít núi vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hoá. Có một ít Đồ Sơn Cửa Tùng, một ít Nha Trang Long Hải". Nơi đây, một hòn đá vô tri ven đường cũng làm lưu luyến trái tim du khách.
300 năm trước, nhóm thơ Tao đàn chiêu anh các do Mạc Thiên Tứ làm chủ soái đã soạn tổng cộng 320 bài thơ thất ngôn bát cú trong chuỗi "Hà Tiên thập vịnh" để lột tả 10 vẻ đẹp của Hà Tiên. Những danh thắng này đều nằm rải rác quanh đoạn cuối của con đường ven biển Việt Nam.
Nổi tiếng nhất và còn nguyên sức quyến rũ qua hàng trăm năm là "lộc trĩ thôn cư", tức cảnh đẹp bãi biển Mũi Nai. Mũi Nai là một trong số ít bãi biển thu hút nhiều du khách ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây, cát biển nâu sậm, nhưng đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang cho bơm cát trắng lên trên, vừa để điểm trang cho bãi tắm, vừa giữ màu nước biển trong xanh. Khi hoàn thành cải tạo, biển như lột xác, khoác lên mình chiếc áo trắng mịn, nhanh chóng hấp dẫn khách thập phương đến thưởng ngoạn.
Ở cuối đường bờ biển là đầm Đông Hồ, được các thi nhân mô tả hương sắc mỹ miều trong bài "Đông Hồ ấn nguyệt", tức "Hồ phía đông in bóng trăng". Đông Hồ là nơi dòng sông Giang Thành nói lời tạm biệt núi Tô Châu để ra vịnh Thái Lan. Rộng đến hơn 1.300ha, hồ có mức độ đa dạng sinh học cao, với hơn 25 loại cây rừng ngập mặn và nhiều loại thủy sản, chim muông.
Nếu còn thời gian, bạn hãy theo đường thẳng đưa xe lên thêm 2km đến gần biên giới với Campuchia thăm thắng cảnh Thạch Động. Tại đây, bạn sẽ được nghe kể câu chàng… Thạch Sanh đã từng đột nhập vào trong động để cứu công chúa Nguyệt Nga từ tay đại bàng tinh. Người dân từ lâu cũng đồn đại rằng, trong động có một đường ngầm bí ẩn thông ra biển Tây, cũng là đường Thạch Sanh tiễn công chúa thủy tề về thủy cung. Không khí mát lạnh và ánh sáng mờ ảo trong động như thật sự đưa bạn vào không gian của truyện cổ tích…