Khu 3 tầng là những dãy nhà ở 3 tầng của công nhân nhà máy cơ khí và tuyển than. Đối diện với nó trước kia là cửa hàng mậu dịch, sau này thành 1 dãy cửa hàng bách hóa. Đến bây giờ thì khu 3 tầng và cửa hàng mậu dịch chỉ còn lại trong kí ức
Rạp chiếu bóng Bạch Đằng - rạp của ông Khóe “chột”, một chủ tư nhân năm 1960 bị đấu tố “tư sản”, bi phẫn quá đã quấn đầy tiền cùng với chăn vào người và tẩm xăng tự thiêu. Trước cửa rạp có sân Cây Tháp - ở giữa có xây một cái tháp 5 tầng mang phong cách tháp ở các đền chùa Việt Nam và một hàng ghế bằng bê tông vòng tròn trước tháp để thỉnh thoảng các ông Tây bà đầm và các vị chức sắc Hon Gai ngồi nghe đội kèn đồng của lính Pháp chơi những bản nhạc Tây. Nguồn: sưu tầm
Cột 3 (ngày xưa gọi là Cọc 3) được gọi theo những cây cọc có đánh số do Công ty than Bắc Kỳ thuộc Pháp cắm mốc chia ranh đất mua của triều đình nhà Nguyễn. Tên gọi cột 2...3...5 là gọi theo cột mốc lộ giới,hay cọc (km1...km2...km3) tính từ bến phà hòn gai ( cty than bắc kỳ cũ) vào dọc theo quốc lộ 18.
Phố Lò Vôi thì đơn giản là nơi người dân đắp lò nung vôi mà thành tên gọi… Từ ngày có cầu Bài Thơ cũng là lúc Lò Vôi biến mất gần như hoàn toàn, giờ chỉ còn lại cây cầu bê tông - ngày xưa mỗi lần đi qua cầu chỉ sợ rơi xuống nước, nhất là những lúc có xe máy đi qua.
Công ty đóng tàu Hạ Long (tiền thân là Nhà máy đóng tàu Hạ Long) do Chính phủ Ba Lan giúp thiết kế xây dựng và đi vào sản xuất từ năm 1976. Từ đó con đường dẫn vào công ty đóng tàu được gọi là Đường Ba Lan. P/s ảnh mình chụp ở ngã 3 kênh đồng thay vì ba lan vì mình thích cái biển báo kia Cmt để các bạn đỡ bảo mình nhầm
Ở đây có một cái giếng rất sâu, cung cấp nước sinh hoạt cho cả khu dân cư lân cận vì ngày đó chưa có nước máy, thời Pháp thuộc có đồn lính khố xanh cạnh đó nên người dân gọi là giếng Đồn (Đồn Tây). Giờ giếng vẫn còn nhưng do người dân không có nhu cầu dùng nữa nên đã dùng tấm bê tông rất to che kín mặt giếng tránh tai nạn. Hiện giếng này ở trong ngõ 2 Giếng Đồn, đối diện quán trà sữa Butterfly
Khu Phố Mới được hình thành ngay từ những năm đầu giải phóng khu Hồng Quảng (khoảng 1955-1956) . Chính quyền mới lúc bấy giờ xây dựng một khu dân cư mới chủ yếu cho công nhân lao động . Mặc dù toàn là những nhà cấp 4, mái ngói nhưng thời điểm bấy giờ là rất đẹp và khang trang. Có tên Phố Mới từ thời đó và vì vậy.
Rạp Ruồi vốn có tên là rạp Mùng 5 Tháng 8. Sở dĩ có tên gọi này vì nó được xây gần khu lò đốt rác cũ của người Pháp được xây dựng trước giải phóng. Mặc dù rạp được xây từ khoảng 1970s - lò đốt rác đã bỏ từ lâu nhưng vẫn còn tồn tại rác thải, xú uế nên những năm rạp mới xây xong bị gán cho cái tên Rạp Ruồi. Chú thích: ngày 05/08/1964 - sự kiện Vịnh Bắc Bộ khởi đầu chiến tranh chống phá miền Bắc bằng hải quân và không quân của Mỹ. -Nguồn: bình luận của bác Hung Vu Van
Lán Bè là tên gọi ngày xưa của một đoạn phố Lê Thánh Tông ngày nay, từ Bưu điện Hạ Long đến đường Kênh Liêm. Thời xa xưa, cụm dân cư sống ven bờ biển (sát với ngọn đồi có cột ăng ten của Viễn thông Quảng Ninh ngày nay) sống bằng nghề buôn bán tranh tre nứa lá từ mạn ngược. Các lái buôn đóng bè xuôi về Hon Gai bán cho dân làm nhà. Dân địa phương còn làm nhà sàn để trông coi bè. Vì thế gọi là Lán Bè! Nguồn: NNK Tống Khắc Hải
Đường 25/4 (đường bê tông) hiện nay trước là khu vực bãi than, đường tàu. Để lên được Ba Đèo có 2 còn đường, một đi theo đường cơ khí, hai là đi lên cầu Bạch Long. Sau này khu vực đường tàu được cải tạo lại và cầu Bạch Long bị dỡ bỏ.
Cái tên này hình thành từ thời bao cấp. Thời điểm đó dân cư ở phố Năm Cống thưa thớt, chỉ có lác đác vài ba hộ gia đình. Khu vực này có 5 cái cống thoát nước. Thời bao cấp còn nghèo, cống thoát nước không được làm nắp như bây giờ. Ai có việc cần qua khu vực này từ xa cũng đã được ngửi thấy mùi “5 cống” thế nào. Người đi đêm đến đây buổi tối phải nhớ cầm đèn, nếu không thụt chân xuống cống như chơi. Vì cống ở đây tạo ấn tượng như vậy mà thành tên gọi. Đến nay, cái tên phố Năm Cống vẫn chưa được đổi tên khác, với những người lớn tuổi thì Năm Cống gợi người ta nhớ đến một thời, đời sống khó khăn. -Nguồn: Báo Quảng Ninh
Vị trí nhà triển lãm ảnh bây giờ, vốn ngày xưa là một cái chợ có bán rất nhiều nồi. Vì vậy con phố này có tên là phố Hàng Nồi
Hà Tu vốn có tên gọi là Hà Thụ, sau này người Pháp phiên âm lại là Ha Thou, dần dần mọi người đọc lái đi thành Hà Tu như bây giờ. -Nguồn: NNK Tống Khắc Hài
Núi Bài Thơ, dãy núi án ngữ phía đông nam Hòn Gai vốn xưa có tên gọi là núi Rọi Đèn (Truyền Đăng sơn). Tương truyền rằng, ngày xưa lính thú gác trên núi hễ có giặc giã đến thì đốt lửa báo về kinh thành, từ đó xuất hiện tên Truyền Đăng Sơn... Vào những năm 30 của thế kỷ 20, có một nhóm văn nghệ sĩ ở Hà Nội đến thăm núi đá, thấy có dấu tích bài thơ của vua Lê Thánh Tông còn lưu lại trên vách đá đã gọi tên núi là Bài Thơ, từ đó tên núi tồn tại đến ngày nay. Ngoài bài thơ của vua Lê Thánh Tông (1468) còn có bài thơ của chúa Trịnh Cương (1729) và 7 bài thơ của những nhân sĩ khác sau này.
Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh có tiền thân là Bệnh viện Lao K67 và Trạm chống lao Quảng Ninh. Bây giờ mọi người vẫn quen gọi khu vực xung quanh bệnh viện là K67, cầu k67.
Ba Đèo là tên gọi dãy núi đất, dãy núi có 3 mỏm cao nhất được quân Pháp xây dựng lô cốt canh phòng. Dưới 2 phía chân núi là các lán thợ, xóm thợ mỏ, rồi dần dần thành khu dân cư đông đúc. Nơi đây cũng là địa bàn hoạt động của những người cộng sản đi giác ngộ quần chúng thợ thuyền những năm từ 1930- 1945
Lán Đạo là cụm dân cư theo công giáo toàn tòng của Nam Định ra Hòn Gai kiếm sống. Xưa vốn chỉ là những lán trại nhỏ, sau này có nhà thờ được xây dựng thì có tên là phố Nhà Thờ. Nhà thờ đầu tiên được xây dựng năm 1933, nhìn sang núi Bài Thơ nhưng đã bị trúng bom của máy bay Mỹ, hủy hoại vào năm 1967. Mãi đến năm 1998, giáo xứ Hòn Gai mới có điều kiện xây ngôi nhà thờ mới.
Ngày xưa khi tôi còn bé (giờ ngoài 60t rồi) ở sau phố chính Hòn gai giữa bãi than có cái giếng to lắm, cả khu dùng. Nghe các cụ kể ngày Pháp thuộc bọn tây đen đóng ở đấy nên có tên thế (Giếng Tây Đen). Sau này chính quyền cho xây một dãy hố xí công cộng gần đấy cho người dân dùng nên mới thành tên "Hố xí Tây Đen". -Nguồn: bình luận của bác Chính PM
Bãi Cháy có tên cổ là Vạ Cháy, bản thời Pháp thuộc thường ghi là Vat Chay hoặc Ile aux buissons (đảo bụi rậm). Tên Bãi Cháy hay Vạ Cháy ngày xưa là khu bãi cát ven biển do ngư dân bảo dưỡng thuyền gỗ bằng cách đốt lửa thui thuyền (dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền vì thế dân chài phải lấy lá phi lao đốt xung quanh), lửa khói quanh năm trong bãi mà thành tên. Tên Bãi Cháy hình thành từ đó và trở thành địa danh hành chính từ thời cả vùng Hòn Gai còn thuộc Pháp từ cuối thế kỷ 19. Còn theo dã sử, Bãi Cháy chính là nơi đoàn thuyền lương của quân Nguyên Mông do Trương Văn Hổ cầm đầu vào xâm lược Việt Namđã bị tướng nhà Trần là Trần Khánh Dư cùng quân dân nhà Trần thiêu cháy và bị dạt vào bờ. Do nhiều thuyền giặc bị cháy, gió mùaĐông Bắc lại thổi tạt lửa vào bờ phía tây Cửa Lục làm cháy luôn khu rừng đang hanh khô. Chính vì vậy mà khu rừng bị cháy đó có tên như ngày nay.
Đây chắc là nơi mà mọi người ít biết nhất. Ngõ Bu ru là con ngõ bên cạnh chùa Long Tiên thông ra với đường Lê Thánh Tông (đối diện rạp Bạch Đằng). Sở dĩ nó có tên gọi như vậy vì nằm ngay sát chân núi Bài Thơ, ngày trước còn nhiều khỉ (con bu ru) - chúng thường xuống dưới chân núi tìm thức ăn. Vì vậy nên có tên gọi là ngõ bu ru.