PHỐ CỔ HỘI AN: CÓ KHI NÀO CŨ ĐÂU EM

Dù đã đến Hội An đủ để đếm kín một bàn tay nhưng phố cổ này chưa từng làm tôi thất vọng bởi những trải nghiệm mới mẻ.

Bất kể mùa nào trong năm, Hội An đều tấp nập bóng người, giữ y cái sự sôi nổi của bến cảng phồn hoa cách đây từ 5 thế kỷ. Còn nhớ lần đầu tiên đến đây, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi dẫu có trót đi lạc vào bất cứ con hẻm nào hay chỉ đứng bâng quơ ở góc nào trên phố cũng sẽ chụp ra được vài (trăm) chiếc ảnh đẹp. Cái nét nên thơ từ các bức tường sơn vàng, giàn hoa giấy nở rộ, đèn lồng treo cao đến những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm trở thành đặc trưng của Hội An.

Nếu trước đây, bạn đã đi bộ mòn gót giày hết các ngõ ngách, thử món trà mót mộc mạc, ăn chán chê cao lầu, thả hoa đăng trên sông, mỏi mệt sau một ngày làm nông dân ở làng rau Trà Quế,… thì Hội An vẫn còn dư dả nhiều thứ để bạn trải nghiệm.

Học làm lồng đèn

Hội An những ngày tháng 7 trời khá nóng, khách du lịch hầu như chỉ ló mặt lên phố trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. May mắn là lần này tôi ở Anantara – resort 5 sao duy nhất ở phố cổ nên chẳng cần lao ra đường dưới cái nắng oi ả cũng có nhiều hoạt động thú vị ngay tại resort. Tôi quyết định chọn lớp dạy làm lồng đèn – nghề truyền thống của Hội An.

Giai đoạn làm khung tre là khó nhất nên người dạy sẽ chuẩn bị sẵn khung lồng đèn, lụa, tua rua, kéo và keo dán (keo con chó được sử dụng chủ yếu bởi độ dính khá bền). Ở các xưởng làm lồng đèn, người ta cũng sẽ phân rõ người này chuyên làm khung, người kia chỉ lo việc dán vải.
Đầu tiên là lần lượt phết keo lên các cạnh của lồng đèn rồi kéo căng lớp vải ra. Lúc này, giá trị của lụa được phát huy tác dụng, vì nếu dùng loại vải khác khả năng bị rách sẽ rất cao. Nếu kéo không đủ mạnh, tấm vải sẽ bị chùng. Hậu quả là cái lồng đèn bạn làm sẽ na ná như quả mướp khía. Mất khoảng 20 phút tỉ mỉ thì tôi cũng hoàn thành chiếc lồng đèn đầu tiên.

Tự tay nấu bữa trưa 

Chỉ cần nhóm hai người là bạn có thể đăng ký lớp nấu món Việt của Anantara. Tôi chọn thực đơn đơn giản nhưng đậm chất Việt gồm gỏi cuốn thịt heo xá xíu, cari gà và phở.

Các nguyên liệu phần lớn đều được đầu bếp sơ chế sẵn.
Đối với những bạn ít khi vào bếp giống tôi thì đây là một hoạt động khá hay ho. Cảm giác đeo tạp dề, đứng trong gian bếp màu lam cặm cụi nấu ăn vừa có sự tất bật lại vừa thấy thảnh thơi.
Cách mấy bước chân là hồ bơi, nhiều khách nước ngoài vừa nằm phơi nắng vừa chơi sudoku. Đây hẳn là buổi trưa bình yên nhất của mùa hè.
Lớp học với tiêu chí “Nấu gì ăn đó” nên thành phẩm cũng là bữa trưa, tuyệt nhiên không thấy ai lên tiếng bình luận món ăn như thường khi.

Đi thuyền trên sông Thu Bồn

Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của chuyến đi lần này hẳn là lúc tôi ngồi trên chiếc thuyền gỗ cứ chầm chậm trôi trên sông Thu Bồn xuôi ra Cửa Đại. Gió cứ thổi ngược chiều còn nắng cứ tắt dần trên sông, bầu trời bắt đầu ửng màu đỏ cam.

Thật lòng, nếu đã đến đây, bạn đừng bỏ qua trải nghiệm đáng giá này. Bạn sẽ được nhìn Hội An ở một góc rất khác, không chỉ có phố cổ tấp nập mà còn những cù lao vẫn còn giữ nguyên màu xanh bình dị. Thi thoảng những ngư dân chèo thuyền xuôi qua lại vẫy tay chào với nụ cười hồn hậu.
Ngay cả cặp đôi travel blogger nổi tiếng Zach và Tara còn lặn lội từ Mỹ đến đây chỉ để một lần ngắm hoàng hôn trên dòng sông chảy qua hai miền di sản Thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, đủ để thấy bạn không thể nói không với trải nghiệm này. 

Ký ức Hội An – “miền ký ức” ai cũng muốn lưu giữ 

Show diễn Ký ức Hội An được tổ chức ở Công viên Ấn tượng Hội An – nằm ở cồn Hến nơi được mệnh danh là “Kỳ quan trên di sản sông Hoài”. Khi tìm hiểu về show diễn này tôi không mấy hào hứng trước lời giới thiệu sẽ tái hiện lại lịch sử hình thành và phát triển Hội An. Riêng đoạn sân khấu ngoài trời, dài 1km, rộng 25000 ha với sự diễn xuất của 500 diễn viên thì khiến tôi tò mò thật sự.

1 tiếng 45 phút xem “Ký ức Hội An” là khoảng thời gian tôi choáng ngợp và xúc động trước những gì mắt thấy tai nghe. Những ngôi nhà cổ kính, chùa Cầu, thuyền buôn tấp nập,… tất cả đều được dàn dựng đầy sống động với sự kết hợp nhuần nhuyễn hiệu ứng của âm thanh và ánh sáng.
Thậm chí, tôi tưởng đâu mình trở lại thế kỷ 14, lẫn vào đám đông thường dân đầy u buồn vào cái ngày vua Trần gả Huyền Trân Công chúa cho vua Chămpa Chế Bân. Cuộc hôn nhân nhằm mở mang bờ cõi đất nước thêm hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên – Huế đến phía bắc Quảng Trị ngày nay).
Khi trở về tìm hiểu thêm, tôi mới biết chương trình được dàn dựng bởi cha đẻ của ngành biểu diễn thực cảnh Mai Soái Nguyên với sự cố vấn của các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật gạo cội của Việt Nam.
Show diễn được bắt đầu vào lúc 7 giờ 30 phút tối các ngày trong tuần (trừ thứ ba). Tùy vào chỗ ngồi mà giá vé từ 600.000 VNĐ – 900.000 VNĐ. Khi mua qua trang web của show diễn hoặc một số trang thương mại điện tử như Tiki, Klook, Traveloka,… thì được giảm giá khá nhiều.
Nếu có thời gian bạn nên đến Công viên ấn tượng Hội An vào lúc 4 giờ chiều để tham quan và chụp ảnh. Từ 5 giờ đến trước giờ diễn của “Ký ức Hội An”, bạn sẽ liên tục được xem các show diễn mini như “Chuyện tình Bà Chúa Tằm Tang”, “Đám cưới Công chúa Ngọc Hoa”, “Xiếc tung hứng”,