Do thềm lục địa nằm hoàn toàn trong vịnh Bái Tử Long nên huyện đảo Vân Đồn có cấu trúc địa hình và hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài thực vật phù du sinh sống. Đây là nguồn thức ăn chính của sá sùng. Tuyến 2 xã đảo Minh Châu, Quan Lạn là khu vực bãi triều có nhiều sá sùng cư trú, sinh sản nhất. Sá sùng ở đây to, dày mình và khi chế biến thành các món ăn cũng thơm, ngon hơn ở mọi khu vực khác.
Sáng sớm, tôi theo nhóm chị Hương (thôn Vân Hải, xã Quan Lạn) đi săn sá sùng ngoài bãi. Loài hải sản này chỉ sống trong môi trường bãi cát pha, có nước triều lên xuống và khi đêm về, hàng triệu con ngoi lên từ lỗ sâu tăm tối bơi dạo trong làn nước biển mặn mòi làm cuộc giao hoan bảo toàn nòi giống. Những người đi săn sá sùng như chị Hương mang theo một chiếc mai to, gần giống như chiếc thuổng, nhưng lưỡi dài và bằng, được thiết kế riêng. Do được dùng thường xuyên nên cát mài những chiếc mai này sáng loáng.
Trời càng nắng, các nữ "ninja" săn sá sùng bịt càng kín. Dò dẫm đi trên cát, mắt họ đăm đăm nhìn xuống, rồi nhanh và cực kỳ chuẩn xác, thục mạnh lưỡi mai xuống cát, cong người vít cán mai xuống để bẩy cát. Một con sá sùng to bằng ngón tay, ngắn hơn con giun đất, mềm mềm như nhộng khoai lang, nằm cuộn tròn dưới ánh nắng mặt trời. Từ sáng sớm tới trưa, mỗi nữ "ninja" đi săn có thể bắt được 1 - 2kg sá sùng, giá "mua tại trận" khoảng 1.500.000 đồng/kg. Khi sơ chế thành sản phẩm khô, sá sùng bán sẽ có giá cao hơn, khoảng 4 - 4,5 triệu đồng/kg tùy từng thời điểm, tương đương cả chỉ vàng 9999.
Thời cao điểm, một “tay mai” có thể nuôi sống cả gia đình nhưng đây là công việc được coi là vất vả đối với những người phụ nữ xã đảo bởi cả ngày dầm mưa, dãi nắng trên bãi triều. Để đào được 1kg sá sùng tươi, mỗi ngày họ trung bình phải đi bộ trên bãi triều hơn chục ki-lô-mét. Bữa trưa chính ngọ hôm ấy, lầm lũi vác dàn máy, theo chân các nữ "ninja" đi săn sá sùng trong cái nắng nóng của mùa hè, quả thực tôi thấy săn được đặc sản giá trị ví như “vàng biển” của Vân Đồn là hoàn toàn xứng đáng.