Tôi thường gọi vùng cao nguyên đá Đồng Văn là vùng Mông. Ở 4 huyện vùng cao núi đá của Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc thì người Mông chiếm tỉ lệ lớn nhất. Sống trên núi, canh tác trên núi, sinh ra và mất đi đều gần trời xa đất hơn đồng bằng. Trong những phiên chợ miền núi, người Mông dễ nhận ra nhất vì trang phục rực rỡ bậc nhất.
Tôi mê dân ca Mông, vừa mê vì lời ca giai điệu, vừa mê vì cái cách nó tồn tại trong đời sống như hơi thở. Nó không cần biểu diễn, không cần phải đợi đến hội hè, chỉ cần có người nghe thì sẽ có người hát, mà hễ có người hát thì sẽ có người đi theo để nghe. Xưa thì cứ phải phiên chợ mới gặp được người mình thích để nghe cô ấy hát. Sau hiện đại hơn thì thu giọng hát của cô ấy vào cái cát-xét chạy pin. Và lúc nào, ở đâu, khắp các triền núi cũng có thể nhìn thấy một chàng trai Mông, mặc áo tà pủ, đội mũ nồi, chân đi giày vải xanh, cắp một chiếc cát-xét nhỏ, thủng thẳng đi trên đường mòn. Cát xét đang phát ra một khúc ca, được hát mộc bằng thứ giọng véo von trong veo, cao vút như quấn vào trong gió. Giờ hiện đại hơn nữa, các chàng trai ghi âm bằng điện thoại thông minh. Điện thoại thông minh bán đầy ở chợ huyện, bày cả sạp như bán dao bán cuốc. Cũng không đắt quá. Bán một vài con gà là mua được. Thế là có thể cất tiếng hát bạn gái vào trong túi áo, sáng trưa chiều tối muốn nghe lúc nào cũng được. Sáng tinh mơ đạp qua sương mù, vác cày lên nương cũng nghe được, trưa giở cơm nắm ra ăn cũng nghe được, tối muộn mịt mùng mới về đến nhà vẫn có tiếng hát bạn gái theo về tận cửa.
Hà Giang xưa khó đi, nhất là từ tỉnh lị lên các huyện vùng cao. Những chuyến xe khách cao ngất ngưởng, hàng hóa buộc đầy trên nóc, bò lổm ngổm như cua trên những cung đường tróc lở. Giờ thì đi bằng gì cũng được. Xe khách, ô tô tự lái, thuê xe máy tự chạy. Còn có những cung đường dành riêng cho những bạn trẻ chỉ thích thử sức, càng khó đi càng ham. Nhiều thứ mới mẻ xuất hiện, và một vài thứ đang mất đi, hao mòn đi, trong đó có cả việc những câu dân ca vắng dần đi trong đời sống người Mông. Vắng thôi, nhưng vẫn còn. Thảng hoặc, giữa những hoang vu vắng lặng, giữa những điệp trùng ngút ngàn đá tai mèo, bỗng nhiên một giọng hát lảnh lót cất lên. Dân ca Mông là thế, thường rất lảnh lót, cao vút. Nhất là những khúc ca dành cho người yêu. Nhưng thật ra, tôi bị ám ảnh nhiều hơn cả là những khúc ca buồn.
Trong cộng đồng nào thì rồi cũng có những điều khó nói, nhạy cảm, những điều khiến người ta khó xử, đau lòng, buồn phiền, trớ trêu. Có điều, có thể ở các tộc người khác, người ta không nói ra mà thường giấu kín trong lòng, cứ mặc nó chất chứa, đè nén tâm can; còn người Mông thì có thể bộc lộ một cách vừa tha thiết vừa xót xa qua từng lời hát. Dân ca Mông có rất nhiều bài bộc lộ tâm trạng của người con gái đi làm dâu, một bức tranh buồn bã, tuyệt vọng, bế tắc, ưu phiền về thân phận người phụ nữ được gả đi làm vợ người ta mà không được chọn lựa.
Đrâu Mông rằng gầu Mông Đường làm dâu con đường như ống đũa Đường làm dâu đường nước mắt giàn giụa Đường làm dâu con đường như ống tre Đường làm dâu con đường nước mắt rơi…
Trong đời sống cũng thường có chuyện yêu nhau mà không lấy được nhau, vì thế mà về nhà chồng rồi hay lấy vợ mới rồi mà vẫn nhớ thương nhau. Nhớ thương đến như thế này:
Đrâu Mông rằng gầu Mông Nếu em chết đi Bố mẹ em Đem em đi chôn trên đồi cỏ thưa Từ đây mãi mãi em sẽ nhịn ăn trưa Bố mẹ em đi chôn lên núi cằn cỗi Từ đây em sẽ mãi mãi nhịn ăn đói…
Người Mông dùng dân ca như một cách giao tiếp, vừa tinh tế vừa kín đáo nhưng cũng mạnh mẽ, quyết liệt. Đời sống khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, thiên nhiên triền miên thử thách, sống là một nỗ lực. Có lẽ vì thế mà tình yêu thương giữa người với người càng quý giá, càng như một điểm tựa tinh thần để có thể đi suốt một cuộc đời dài và kiếm tìm hạnh phúc. Hạnh phúc với người Mông bình dị, nhỏ nhoi như những đóa hoa nở ra từ đá, và sẵn sàng úa tàn đi trên đá.
ĐI NÀO BẠN!
Đi để đối thoại với bản thể của chính mình.
Đi để kích hoạt tất cả các giác quan.
Đi để tới những nơi mình chưa từng đến, thử những điều mình chưa từng làm, quan sát vạn vật dưới một con mắt khác.
Đi để tham gia bữa tiệc thị giác, nghe những khúc ca gieo trên vách đá, định nghĩa lại hạnh phúc đôi khi chỉ là một miếng ngon vừa đủ.
Đi còn để “Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu” hơn con người, kiến trúc, thanh âm, mùi vị, tất thảy mọi chất thơ trong đời sống… trước khi chúng chỉ còn hiện diện trong những tấm ảnh bạc màu.
Mời bạn bước vào một chuyến du lịch lý thú mà “người dẫn đường” ở đây, không gì khác, chính là tất cả các giác quan của bạn.
See
• Bữa tiệc thị giác trong thành phố
• Đi tìm những bức tường nở hoa ở Sài Gòn
Hear
• Về vùng Mông nghe khúc ca gieo trên vách đá
• “loang thoang” xứ Quảng: Đã có bèn B tiếng Quảng chưa?
• Ngô Hồng Quang & tấm hộ chiếu được vẽ bằng âm thanh các vùng miền
Taste •
Hạnh phúc là một miếng ngon vừa đủ
Smell
• Hương Tà Xùa trong chén trà của Tân
• Nghe mùi trầm hương nhớ thương phố Hội
Touch
• Khi tay “nhúng chàm”: Học nhuộm chàm của người Nùng An
• Khi tay “nhúng chàm”: Đi Cát Cát học người H’Mông cách nhuộm chàm
Feel