Hạnh phúc của cô gái gốc Hà Nội là được sống và cống hiến mỗi ngày cho xã hội.
Xa nhà từ năm 17 tuổi, Ngân sang Mỹ theo diện nhận học bổng. Cuộc sống ban đầu ở đất nước cách Việt Nam 12 giờ đồng hồ tuy có gặp chút khó khăn nhưng trong mắt Ngân, đến bây giờ, nước Mỹ vẫn luôn là một quốc gia tạo điều kiện sống thoải mái và tiện lợi cho cô.
VALI 7KG VÀ LỐI SỐNG TỐI GIẢN
Mỗi kì nghỉ, Ngân đều dành dụm tiền để đi du lịch, khám phá những đất nước khác. Khi còn đi học, cô nàng vẫn giữ thói quen mua sắm, tích cóp nhiều đồ nên mỗi lần đi du lịch đều là một lần Ngân mang theo khá nhiều đồ lỉnh kỉnh bên người mà đôi khi không cần thiết lắm cho chuyến đi. Sau 4 năm đại học, Ngân nhận thấy mình càng mua nhiều đồ, bản thân càng cảm thấy nặng nề, thậm chí chậm chạp, ì trệ nhiều hơn.
Lần đầu tiên, Ngân cảm thấy được việc dư thừa vật chất khiến cho mình bị áp lực lớn đến thế nào. Bởi thế, khi được biết tới phong cách sống tối giản của Marie Kondo, Ngân vui mừng như "cá gặp nước". Cô nàng lựa chọn từ bỏ nhiều món đồ không cần thiết để ủng hộ và làm từ thiện cho những hoàn cảnh không may mắn.
"Và đó cũng là lý do vali chỉ nặng 7kg của mình xuất hiện", Ngân không ngần ngại chia sẻ. Trang phục luôn chiếm diện tích lớn trong vali một cô gái khi đi xa nhưng với Ngân, cô nàng luôn mang đúng số lượng quần áo với tôn chỉ "chỉ mang đúng đủ, không mang thừa, cùng lắm là giặt đi mặc lại". Trong vali của Ngân thường có một bộ đồ tập thể dục tiện cho cả việc hoạt động di chuyển bình thường, số bộ vest phù hợp với số ngày hội thảo, một đôi giày đi bộ.
Lần tham gia vào một khoá học để trở thành giáo viên yoga, Ngân đã mê tít chiếc vòng này khi thấy một nhóm bạn gái cứ giờ giải lao mang vòng ra và nhảy. Nhìn họ bật nhạc và nhảy trên thảm cỏ xanh, cô nàng cũng cảm thấy "lây" sự tự nhiên và vui vẻ ấy. Ngân nhớ lại: "Mình cứ đứng ngoài xem mãi mà không đủ can đảm vào nhảy cùng nên một bạn đã kéo tay mình và đưa cho mình chiếc vòng. Nhưng khi ấy, mình vẫn cảm thấy gượng gạo, chưa thoải mái với cơ thể mình." Từ khoảng thời gian ấy, Ngân nhận ra mình cần dành nhiều thời gian cho bản thân thư giãn nên cô nàng đã đặt mua luôn một chiếc vòng.
Với một cô gái theo đuổi lối sống tối giản như Ngân, mỹ phẩm cũng được sử dụng "tiết kiệm" và hoàn toàn là đồ thiên nhiên: sữa rửa mặt được chiết xuất chủ yếu từ tinh dầu bơ, sữa dưỡng da ban đêm từ chanh và trà... Ngoài ra, đồ makeup của cô nàng cũng đơn giản, bao gồm: 1 son, 1 má hồng, 1 foundation, 1 kẻ mày. Ngân xác định mình chỉ mua một cái mà dùng nhiều lần hơn mua nhiều loại nhưng không dùng đến.
Cô còn chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, cô áp dụng quy tắc 3 ngày đối với thói quen mua sắm "dễ tính" của mình. Cô sẽ cho phép mình có 3 ngày để suy nghĩ xem bản thân có thực sự muốn sở hữu món đồ nhìn-một-lần-là-muốn-mua không. Thời gian 3 ngày không quá dài và cũng không quá ít nhưng đủ để khiến cô nàng nhận ra đâu là quyết định đúng đắn sau khi đã suy nghĩ chín chắn và đâu là quyết định của cảm xúc bốc đồng.
ƯỚC MƠ LỚN CỦA CÔ GÁI VIỆT NHỎ BÉ
Sau 4 năm học tại Mỹ, ấp ủ ý định đi vòng quanh thế giới với mục đích tìm hiểu các doanh nghiệp xã hội, các doanh nhân xã hội, mô hình hoạt động kinh doanh xã hội trên toàn thế giới, Ngân đã nộp hồ sơ vào quỹ học bổng Wharton Scholarship do ông Thomas Wharton sáng lập ra. Vượt qua nhiều vòng loại để thuyết trình về dự án của mình cũng như ước mơ hoài bão, Ngân là 1 trong 2 người Việt Nam duy nhất được nhận học bổng này tính kể từ khi thành lập quỹ Wharton Scholarship.
Nói qua về chương trình này, vị tỷ phú Thomas Wharton, trước khi qua đời, cùng với gia đình đã lập nên một quỹ đầu tư để giúp đỡ những nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc nhất có nhiều hoài bão. Quy định trong suốt 50 năm thành lập quỹ không hề thay đổi: mỗi năm, chỉ có 50 cá nhân xuất sắc nhất trên toàn nước Mỹ được đầu tư thực hiện ước mơ mà thôi. Dự án của ứng viên phải có ý nghĩa nhất định, không chỉ mang danh khám phá văn hoá đơn thuần; bạn sẽ có nhiệm vụ và sứ mệnh cụ thể. Khi thực hiện chuyến đi, điều kiện tiên quyết là bạn phải đi một mình, làm mọi thứ một mình. Sau 1 năm đi vòng quanh thế giới, 50 cá nhân sẽ có cơ hội quay trở lại Mỹ và hội tụ trong 3 ngày để cùng ngồi với nhau chia sẻ những kinh nghiệm, những trải nghiệm...
Trong 1 năm, Ngân đã đi qua 8 nước ở 4 châu lục: châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Vốn dĩ là người đã lãnh đạo nhiều dự án cộng đồng từ khi còn đi học, Ngân nhận thấy gần như các dự án của mình đều "chết non" do quỹ hết tiền hoặc do các nhà tài trợ không tiếp tục ủng hộ. Từ đó, trong cô gái này luôn khao khát tìm một mô hình để làm dự án xã hội bền vững hơn. Ngân cho biết:
"Một năm đi vòng quanh thế giới, mình đã đi đến nhiều điểm trường tham quan và thấy họ đã dạy học sinh lứa tuổi còn nhỏ làm cách nào để có thể dùng doanh nghiệp giải quyết các bài toán xã hội. Mình cũng đi theo những chương trình ươm mầm dành cho các doanh nghiệp xã hội, hỗ trợ từ ý tưởng đến hiện thực. Mình đã nói chuyện với nhiều người làm trong nghề này và cảm nhận được nỗi đắng cay, chua xót của họ. Tỷ lệ thất bại vẫn chiếm đến 99%."
Làm việc với rất nhiều đối tượng trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo từ những người doanh nhân, những người ươm mầm, những nhà đầu tư, những người làm chính sách trong 1 năm, Ngân biết áp dụng những trải nghiệm đa dạng và phong phú vào công việc hiện tại. Cô nàng quay trở về với niềm đam mê của mình là khuyến khích người trẻ khởi nghiệp sáng tạo.
"Khi về Việt Nam, mình nhìn thấy nhiều cơ hội, đặc biệt điều mà mình hứng thú nhất là năng lượng của các bạn trẻ. Đặc biệt là trong công việc của mình, mình tiếp xúc hằng ngày với những bạn trẻ rất nhiều năng lượng, rất muốn cống hiến và cũng cần những người định hướng dẫn dắt. Trong công việc hiện tại, mình cũng cảm thấy mình được đóng góp nhiều hơn so với khi mình làm ở Mỹ mặc dù lương cao và cuộc sống ổn định", Ngân bày tỏ.
NHỮNG KỈ NIỆM TUỔI TRẺ ĐỂ LẠI NƠI ĐẤT KHÁCH QUÊ NGƯỜI
Ngân nói mình chẳng mấy khi chụp lại cảnh đẹp các nước mình đã đi qua, bởi với cô, những điều khó phai nhất chính là lòng người mà chẳng bức ảnh nào có thể mô tả được "nét quyến rũ" ấy. Ấn tượng về đất nước Bangladesh gây cho Ngân những xúc động mạnh khi nhớ lại. Vì visa rất khó xin nên sự xuất hiện của người nước ngoài ở đất nước này khá hạn chế. Do vậy, Ngân cảm thấy khi mình đến, cô nàng được chào đón nồng nhiệt: người dân mời đến nhà ở, chăm sóc tận tình, rất xởi lởi dù là người lạ đi trên đường...
Về thăm nhà bạn ở Bangladesh đúng lễ hội năm mới lớn nhất và quan trọng nhất vào tháng 4 hằng năm, Ngân vô cùng hứng khởi. Tuy nhiên, sau khi ăn trưa xong lại thấy đau bụng, nôn thốc nôn tháo nên cô nàng nằm bẹp một chỗ. Mẹ của bạn Ngân vẫn tận tình chu đáo dành thời gian chăm sóc cô nàng, giúp uống thuốc, uống nước, ăn thêm dù lễ hội đó rất quan trọng với họ.
Ngân bật cười khi kể lại một lần dự hội thảo lớn về doanh nghiệp xã hội ở Oxford, Anh. Vào bữa trưa ngày đầu tiên, cô gặp một anh chàng mắt xanh đẹp trai lại nói chuyện rất hợp nhau. Sau nhiều cuộc nói chuyện thêm nữa và bây giờ chàng trai ấy đã chấp nhận về Việt Nam cùng với Ngân.
Một kỉ niệm khác, khi Ngân đi gần hết chặng đường của mình vòng quanh thế giới, ở đất nước Chi Lê tận cùng của Nam Mỹ, cô nàng có đến thăm một thành phố cảng. Khi đứng chụp ảnh cảng, bỗng nhiên một cơn gió to lướt qua khiến cô nàng lỡ tay làm rơi điện thoại xuống biển. Nhưng đó là cảng biển, nhiều tàu đi lại, không ai có thể xuống lặn giúp mò điện thoại nên Ngân cũng đành chịu.
24 tuổi đi qua 24 quốc gia, Ngân càng nhận ra mình rất muốn được cống hiến dù ở bất cứ đâu chứ không chỉ mỗi ở Mỹ. Hơn nữa, lối sống tối giản cũng giúp cô bạn tiết kiệm được tiền bạc và thời gian để đầu tư nhiều hơn cho bản thân. Ngân trân trọng và tận dụng mọi khoảnh khắc để được sống có ích với xã hội.