Mobile Money Là Gì, Nó Khác Gì Ví điện Tử Kiểu Zalopay Nhỉ ?

Nạp tiền và rút tiền cho Mobile Money bằng cách nào?

Dùng Mobile Money để mua sắm cái gì?

Mobile Money khác gì so với ví điện tử

Tầm quan trọng của Mobile Money

_____________________________

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thử nghiệm Mobile Money trong vòng 2 năm theo Quyết định 316. Vậy Mobile Money là gì? Chúng ta sẽ dùng nó ra sao? Và nó có lợi ích gì, cũng như sự khác biệt so với ví điện tử ?

mobile money

Mobile Money là một tài khoản tiền gắn với thuê bao di động của bạn. Ví dụ, mình dùng 1 SIM Viettel và 1 SIM Mobifone, vậy là mình sẽ có 2 tài khoản Mobile Money tại hai nhà mạng. Trước mắt, một thuê bao chỉ được phép có 1 tài khoản Mobile Money mà thôi. Thuê bao đó phải được đăng kí, sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng thì mới được dùng Mobile Money.

Điểm quan trọng mà bạn cần để ý đó là tài khoản Mobile Money tuy gắn vào số điện thoại của bạn nhưng số tiền của nó sẽ riêng biệt với số tiền bạn có trong tài khoản di động. Lý do là tài khoản di động còn có các khoản tiền khuyến mãi nữa. Thêm nữa, tiền để trong tài khoản Mobile Money sẽ theo tỉ lệ 1:1, tức là bạn nạp vô bao nhiêu thì được sử dụng đúng bấy nhiêu. Nơi chứa tiền của bạn thay vì là những tờ tiền giấy thì giờ chứ vào tài khoản Mobile Money.

Các công ty vận hành Mobile Money hiện không được phép trả lãi cho số tiền bạn để trong này, trong khi một số ví điện tử sẽ trả lãi cho bạn (ví dụ mình từng dùng ViettelPay thì thấy họ có trả lãi). Nhà cung cấp Mobile Money cũng không được phép cung cấp dịch vụ ngân hàng như cho vay, huy động vốn.

Ngoài ra, Mobile Money không yêu cầu bạn phải có tài khoản ngân hàng, khác với ví điện tử hiện nay bắt buộc phải đính kèm tài khoản ngân hàng vào. Ngoài nhà mạng, các công ty có giấy phép “trung gian thanh toán ví điện tử” cũng sẽ được cung cấp dịch vụ Mobile Money.

Các công ty cung cấp Mobile Money sẽ cho phép người dùng nạp tiền vào tài khoản tại các điểm kinh doanh, các cửa hàng của mình. Ngoài ra bạn cũng có thể nạp tiền từ tài khoản ngân hàng và các ví điện tử nữa. Với các bạn ở thành phố thì việc nạp tiền từ tài khoản ngân hàng là chuyện rất dễ dàng, nhưng ở vùng sâu vùng xa, nơi hải đảo… thì tài khoản ngân hàng không phải là thứ quen thuộc. Người dân tại những vùng này vẫn còn sử dụng nhiều tiền mặt, nên cho nạp tiền trực tiếp là nước đi hợp lý.

Bạn cũng có thể rút tiền từ Mobile Money ra thành tiền, với cùng phương thức như trên: rút tiền mặt tại các điểm kinh doanh, rút tiền từ Mobile Money về tài khoản ngân hàng, hoặc rút về ví điện tử. Hiện tại không cho phép nạp tiền, rút tiền bằng thẻ cào điện thoại.

Việc thử nghiệm Mobile Money trước mắt sẽ dùng để thanh toán các món hàng nhỏ, đồ ăn thức uống, và những dịch vụ mà người ta sẽ dùng trong cuộc sống. Hình hài của Mobile Money khi đến tay người dùng hiện vẫn chưa rõ ràng, có thể là một app, có thể là một cơ chế nhắn tin, cái này phải đợi những công ty triển khai thì chúng ta mới rõ được.

Bạn cũng có thể chuyển tiền cho người dùng Mobile Money khác, hoặc chuyển tiền sang tài khoản ngân hàng / ví điện tử khác cũng được. Chính phủ quy định hạn mức giao dịch Mobile Money là 10 triệu đồng / tháng, ít nhất là trong 2 năm thử nghiệm dịch vụ này. Số tiền 10 triệu nói trên áp dụng cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.

mobile_money_an_uong.jpg

Ví điện tử cơ bản là một tài khoản riêng, tuy rằng bạn đăng nhập bằng số điện thoại hay email gì đó thì nó vẫn là một tài khoản độc lập, số điện thoại chỉ có tác dụng định danh. Ví điện tử được sử dụng để thanh toán tại các cửa hàng, quán ăn offline, cũng như thanh toán trên các dịch vụ bán hàng online. Ví điện tử buộc bạn phải có tài khoản ngân hàng (để liên kết vào ví) thì mới dùng được.

Mobile Money là tài khoản dựa vào thuê bao di động. Bạn cũng có thể thanh toán nó cho những dịch vụ, hàng hóa giống như những gì bạn có thể làm với ví điện tử. Nhưng Mobile Money không yêu cầu tài khoản ngân hàng. Việc xác minh danh tính đã được thực hiện từ khâu đăng kí thuê bao. Hiện tại hạn mức giao dịch tối đa của ví điện tử lên đến 100 triệu đồng / tháng, còn Mobile Money chỉ là 10 triệu / tháng (ít nhất là trong 2 năm thử nghiệm).

Lợi thế của Mobile Money đó là có thể phổ cập rất nhanh. Bạn làm tài khoản ngân hàng thì bạn phải ra ngân hàng, phải làm thủ tục, giấy tờ này kia, trong khi số điện thoại thì gần như ai cũng có ít nhất 1 thuê bao. Như vậy bạn có thể giao dịch ngay, người nhận tiền (là các cửa hàng, những người bán lẻ…) cũng có thể nhận tiền một cách tiện lợi nên họ dễ chấp nhận hình thức thanh toán này.

Điều này đặc biệt hữu ích cho những vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn, miền núi… Nỗ lực thanh toán phi tiền mặt sẽ dễ dàng đạt được hơn. Tưởng tượng tới 1 ngày bạn có thể đi ra ăn vặt ở cô bán hàng rong đầu ngõ và thanh toán bằng Mobile Money, bạn không cần phải đem tiền mặt theo. Ra vá xe ở chú gần nhà cũng không cần tiền mặt. Hoặc bạn đi vào mua quần áo, giày dép cũng chẳng cần tiền mặt dù là shop đó nhỏ xíu, ở rất xa các khu đô thị.

Ngoài ra, Mobile Money cũng được thiết kế để đơn giản, dễ dùng và không liên quan đến các hoạt động tài chính ngân hàng, dễ tiếp cận với người dùng cuối bất kể bạn là một người nông dân, một cô bán hàng tạp hóa hay bạn là một cô nàng công sở hiện đại.

________________

ahalong 2021