Vì Sao Có Nơi Biển đẹp Có Nơi Biển Xấu? Vì Sao Màu Biển Khác Nhau?

Vì sao biển Nha Trang, Đà Nẵng lại đẹp hơn biển Vũng Tàu? Vì sao một số khu vực ngoài đảo biển lại có màu xanh đẹp hơn những bãi tắm gần đất liền? Với một người thích biển như mình thì câu hỏi này đã xuất hiện trong đầu từ lâu nhưng đến nay mới có câu trả lời, chia sẻ với các bạn những gì mình nghiên cứu được từ website của NASA.

Tất cả đều xoay quanh một câu hỏi lớn: có gì trong nước biển?

Nước biển có màu gì?

Nếu có ai đó hỏi bạn câu này, khả năng cao là bạn sẽ trả lời là xanh dương, hoặc xanh nước biển như được dạy hời nhỏ.

Với đa số biển trên thế giới thì đây là câu trả lời đúng. Bản thân nước biển không có màu, nó trong suốt, nhưng khi có rất nhiều nước biển và độ sâu tăng lên đến một mức có thể bạn sẽ không còn nhìn thấy đáy được nữa, lúc đó biển chuyển thành màu xanh đậm (xanh navy).

Lý do nước biển có màu xanh đó là vì sự hấp thụ và tán xạ ánh sáng. Bạn cũng biết rằng ánh sáng được cấu tạo từ nhiều màu khác nhau, khi tổng hợp lại thì nó trở thành ánh sáng không màu. Lúc ánh sáng chiếu xuốn biển, tia sáng màu đỏ, vàng, xanh lá... được hấp thụ bởi các phân tử nước biển, riêng tia sáng màu xanh và tím sẽ tán xạ ra và đây là thứ mà chúng ta nhìn thấy.

Đây cũng là một trong những lý do vì sao trời càng xanh thì bạn thấy biển càng xanh càng đẹp. Tới đây thì bạn đã biết được màu xanh của biển mà chúng ta thấy thật ra là một sự tổng hợp của ánh sáng màu xanh dương và tím.

Đang tải bien_mau_xanh_hon_thom_phu_quoc.jpg… Nước biển có màu xanh ngọc, chuyển dần sang xanh đậm ở khu vực cảng An Thới - Phú Quốc, nhìn từ trạm cáp treo

Vì sao một số khu vực biển lại có màu không phải xanh dương?

Ở các vùng bờ biển, dòng nước đổ ra từ sông, bản chất, màu và độ nén của cát, lượng phù sa ở đáy biển bị khuấy lên bởi thủy triều, sóng, bão... là những nguyên nhân khiến nước biển không chỉ có... nước biển mà còn lẫn thêm nhiều chất khác nữa. Những thứ này làm thay đổi màu sắc của nước biển tại khu vực gần bờ do chúng làm tăng hiện tượng tán xạ, và có thể thay đổi cả lượng ánh sáng bị tán xạ. Ví dụ, cát ở khu vực biển Vũng Tàu có màu nâu đậm hơn so với cát ở Nha Trang và Đà Nẵng, nên nước biển Vũng Tàu cũng có màu đậm hơn và bạn có cảm giác là nó "dơ" hơn (nói về mặt màu sắc). Trong khi đó, ở Morocco có những bải biển màu cam, hay những khu vực biển Maldives, biển Carribean, biển ở Úc thì có cát trắng nên màu biển cũng nhìn rất đẹp.

Đang tải bien_mau_xanh_duong_con_dao.jpg… Biển màu xanh dương nhạt tại khu vực Mũi Cá Mập - Côn Đảo​
Trong nước biển còn có những loài nhuyễn thể siêu nhỏ, nhỏ hơn cả đầu kim, chúng mang trong mình màu xanh của diệp lục tố (chlorophyll). Tất cả mọi loài cây, cả trên đất liền lẫn dưới biển, đều dùng diệp lục để thu nhận năng lượng từ mặt trời và chuyển hóa nó thành các chất khác (kèm theo Oxy). Khi một lượng rất lớn nhuyễn thể kiểu này tập trung lại gần nhau, nước biển khu vực đó có thể chuyển sang màu xanh lá chứ không còn xanh dương nữa - và chlorophyll cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định tới màu biển. Có những trường hợp sự thay đổi màu nước biển lớn tới mức bạn có thể đo đạc được hiện tượng đó từ không gian, và việc này giúp các nhà khoa học nghiên cứu sự phát triển của nhuyễn thể. Trên thế giới có hẳn những tổ chức chuyên nghiên cứu về việc quan sát, chụp ảnh màu biển từ vệ tinh dùng cho mục đích khoa học, ví dụ như dự báo khi nào thì nhuyễn thể quá nhiều khiến khu vực biển đó bị nhiễm độc chẳng hạn. Ngoài ra còn có những nơi có rạng san hô ở khu vực nước cạn, chúng cũng là một trong những lý do khiến ánh sáng tán xạ theo cách khác nhau để tạo ra những màu sắc khác nhau cho nước biển.
Đang tải bien_mau_xanh_do_nhuyen_the.jpg… Nhuyễn thể kết hợp với dòng chảy đại dương tạo nên các vệt màu ở khu vực biển nam Iceland, ảnh chụp từ trên cao​
Đừng quên độ sâu của biển cũng ảnh hưởng tới màu mà bạn thấy. Thường thì những khu vực gần bờ sẽ có màu nhạt hơn khu vực sâu, và nếu đi dọc khu vực biển miền Trung Việt Nam thì bạn sẽ thấy có những bãi biển mà nước màu xanh ngọc chuyển dần sang xanh dương đậm rất đẹp, ví dụ như khu vực Cam Ranh, Vĩnh Hy, Bình Hưng - Bình Ba...

Thêm thông tin về cát và ảnh hưởng tới màu nước biển gần bờ

Mình coi blog Upvoted thì thấy thêm thông tin này hay, đăng bởi một nhà địa lý học chuyên về trầm tích. Xin chào, tôi là một một nhà địa lý học chuyên về trầm tích. Cát thực ra là một định nghĩa rất cụ thể, nó chỉ dùng để chỉ các hạt có kích thước từ 0.0625mm đến 2mm. Dưới ngưỡng này, chúng trở thành phù sa và lại có những định nghĩa khác nữa. Ví dụ như trong ảnh bên dưới, bạn sẽ thấy được một bãi biển màu đen ở Hawaii. Nó có màu đen là vì cát được cấu thành từ đá núi lửa, theo thời gian nó bị ô xi hóa trở thành đen hoặc đỏ như kiểu rỉ sét. Ví dụ như lượng cát và đá này được thu thập từ đảo Maui ở Hawaii.

Đang tải da_nui_lua_bo_bien_mau_den.jpg… 
Trong khi đây là cát trắng thu thập từ biển Bermuda, nó làm cho bờ biển ở khu vực này có màu xanh lục đến xanh dương. Ngoài ra trong cát còn có lẫn thêm xác và vỏ của các sinh vật biển nữa.
Đang tải cat_trang_tu_Bermuda.jpg… 
Cuối cùng là cát thu từ bãi biển gần Casablanca, nó có nhiều vỏ ốc nên có màu cam khiến bãi biển cũng có màu cam.
Đang tải bai_bien_casablanca_mau_cam.jpeg… 
Tham khảo: NASA, Upvoted