07 Tháng 1, 2021
blueJune from Tinhte.vn
Những lễ hội Tết là dịp để tìm hiểu thêm về những văn hoá đặc sắc của các vùng miền khác nhau trên khắp cả nước. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, hi vọng với những gợi ý dưới đây, quý bạn có thể chọn cho mình một địa điểm để vừa du xuân, vừa chụp ảnh.
Lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội)
Lễ hội Chùa Hương diễn ra từ mùng 6 tháng Giêng tới tháng 3 âm lịch. Đây là một lễ hội lớn về số lượng phật tử tham gia hành hương. Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng Giêng tới 18 tháng 2 âm lịch. Tham gia lễ hội, ngoài việc được tham gia vào hành trình về cõi Phật, anh em sẽ được ngồi thuyền ngắm cảnh núi non sông nước hiền hoà. Chùa Hương là một nơi đặc biệt vì nơi đây tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng - một quần thể thắng cảnh rộng lớn để chúng ta có thể đắm mình trong thiên nhiên song song với việc xem lễ hội.
Lễ hội rước pháo tại làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh)
Ngày mùng 4 Tết hàng năm, người dân làng Đồng Kỵ mở hội rước pháo. Hai quả pháo dài, to sẽ được những người đàn ông to khoẻ rước quanh làng rồi rước về đình. Lễ hội thu hút hàng nghìn người xem cả người dân địa phương lẫn người dân thập phương trong niềm hân hoan. Xưa kia, nơi đây vốn có một hội thi làm pháo, đốt pháo từ thời xưa để tưởng nhớ, tái hiện ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm Thành hoàng làng) ra lệnh xuất quân đánh giặc. Trước đây, hai quả pháo khổng lồ là pháo thật nhưng từ khi có lệnh cấm đốt pháo thì chúng được làm bằng gỗ, chỉ mang tính chất tượng trưng.
Tìm hiểu thêm về lễ hội rước pháo Đồng Kỵ.
Hội rước pháo Đồng Kỵ. Ảnh: Zing.vn
Hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh)
Hội Lim là mỗi lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh được tổ chức vào ngày 12, 13 tháng Giêng hàng năm. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc. Đây là một sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ. Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần km. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng. Về phần hội, có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội - Là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim.
Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng.
Tìm hiểu thêm về Hội Lim
Đoàn rước ngựa. Ảnh: baoquocte.vn
Phần hát hội của các liền anh, liền chị. Ảnh: nguoiduatin.vn
Lễ hội làng Sình (Thừa Thiên - Huế)
Đây là lễ hội nổi tiếng ở cố đô Huế nói riêng và cả miền Trung nói chung. Lễ hội này được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại khu vực đình làng Lại Ân còn gọi là làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Huế. Đây là một hoạt động văn hóa truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người dân nơi đây. Tại lễ hội, những đô vật sẽ thi đấu theo hình thức vòng tròn. Theo các vị cao niên trong làng, trải qua hơn 400 trăm năm tồn tại và phát triển, sới vật làng Sình đã trở thành một trong những hoạt động văn hóa mang đậm tinh thần thượng võ của người dân xứ Huế.Tìm hiểu thêm về hội vật làng Sình
Ảnh: Anh Dũng
Lễ hội Đền Vua Mai (Nam Đàn, Nghệ An)
Lễ hội Đền Vua Mai diễn ra từ ngày 13 đến 17 tháng Giêng hàng năm để tưởng nhớ công tích của Mai Thúc Loan. Những hoạt động trong lễ hội có các trò chơi dân gian xưa như: Hát văn, hát đối, đấu vật, đánh đu, leo cột mỡ, đi cà kheo, đánh cờ… Ngoài ra, lễ hội còn tổ chức những hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể thao như: Múa, hát, triển lãm, phim về các chuyên đề lưu động, bóng đá, bóng chuyền hoặc tổ chức những chuyến tham quan ở những khu vực lễ hội như di tích tưởng niệm cụ Phan Bội Châu, mộ đồng chí Lê Hồng Phong, Bên Sa Nam…
Ảnh: baonghean.vn
Lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh)
Lễ hội xuân núi Bà Đen được khai mạc đúng mùng 4 Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng Giêng nhưng lễ hội chính diễn ra từ 15 đến 18/1 Âm lịch. Theo truyền thuyết, có một người con gái tên là Đênh (sau gọi là Đen) sùng đạo phật và là con của một vị quan lớn. Khi trưởng thành, cô bị ép duyên với con một vị quan khác, nàng bỏ nhà lên núi xuất gia và chết ở đó. Sau này, triều đình nhà Nguyễn cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”. Sau khi vào cúng bà Đen, anh em có thể leo lên miếu Sơn Thần để ngắm toàn cảnh hồ nước Dầu Tiếng cũng như cảm nhận được bầu không khí trong lành, sảng khoái.
Ảnh: Internet
Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương)
Lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng. Đây là một lễ hội dân gian mang những nét văn hóa độc đáo riêng của vùng Ðông Nam Bộ. Theo tín ngưỡng của người Hoa, bà Thiên Hậu là một vị thần phò trợ cho họ trong những chuyến đi dài trên biển, tiếp đến là che chở cho họ ở những vùng đất mới. Tương truyền bà là người có thật, tên gọi Lâm Mị Châu người Phúc Kiến, đời Tống với những biệt tài rất đặc biệt từ lúc còn nhỏ như nghe và nhìn thấy một sự vật cách xa hàng vạn dặm. Điểm nhấn của ngày chính lễ là nghi thức rước kiệu bà đi một vòng quanh thành phố. Sau đó, mọi người có thể vào viếng Bà, thắp nén hương thơm để tưởng nhớ tới công đức của Bà.
Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu. Ảnh: Zing.vn
Anh em giới thiệu thêm những lễ hội ngày Tết ở khu vực anh em ở để mọi người được biết nhé! Chúc anh em một mùa Tết đi hội vui và săn được nhiều ảnh đẹp 😁
___________
ahalong .com 2021