Hòn đảo rộng gần 50 km2 đang nổi lên như một thiên đường du lịch vùng Đông bắc.
Nhờ du lịch, huyện đảo với gần 7.000 dân này đã thu gần 500 tỉ đồng/năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 70 triệu đồng/người/năm (3.500 USD), trong đó đóng góp từ dịch vụ du lịch chiếm trên 60%.
Trung tâm thị trấn giờ rất nhiều nhà cao tầng, các khách sạn lớn cỡ 2-3 sao. Huyện đảo giờ có hẳn một trung tâm thương mại khá qui mô. Quán bar, nhà hàng, quán karaoke, quán café… nhiều vô kể.
Ở đây có nhiều bãi tắm nổi tiếng như bãi Tàu Đắm, Hồng Vàn, Vàn Chải, Bắc Vàn, Tình Yêu, có nhiều sao biển, những vách núi lạ, đẹp độc đáo.
Vào mùa du lịch, cả Cô Tô rộn ràng, náo nhiệt bởi các hoạt động du lịch. Có thể nói 3 tháng hè, người người, nhà nhà làm du lịch, và trong quá trình hoạt động, Hội du lịch Cô Tô cũng được thành lập và chính Hội này đã giúp hình thành những "làng du lịch", và nhiều loại hình du lịch ở khắp huyện đảo.
Tại "làng du lịch" thôn Hoàng Hải, xã Đồng Tiến, gia đình ông Lường Văn Thạo (53 tuổi, quê Hậu Lộc - Thanh Hóa) có kinh doanh cơ sở lưu trú. Ông cho biết làm du lịch, kinh doanh lưu trú hơn hẳn đi đánh lưới.
"Cả thôn có 24 hộ gia đình thì có đến 22 hộ gia đình xây dựng phòng nghỉ, mở nhà hàng, quán ăn để kinh doanh du lịch. Ban đầu, khách của ai người đó khai thác, không có sự liên kết hợp tác gì, nên cũng xảy ra những tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhà nọ nói xấu nhà kia. Khách đông, rác thải nhiều, và nếu mạnh ai nấy lo thì cái làng này chả mấy mà thành bãi rác. Khi anh Minh và Hội du lịch huyện xây dựng mô hình làng du lịch, chúng tôi thấy quá hay, tham gia hết" - ông Thạo tâm sự.
Mô hình "làng du lịch" phải thống nhất về giá cả lưu trú, chỉ cạnh tranh về chất lượng phòng, dịch vụ và cung cách phục vụ, môi trường sạch đẹp, an toàn trong cả lưu trú lẫn ăn uống. Rác thải ở mỗi nhà đều được thu gom đúng chỗ. Nhà nào khách đông thì điều phối sang các nhà xung quanh. Mọi nhà đều có trách nhiệm trong giữ gìn vệ sinh chung cũng như xây dựng, tôn tạo để làm đẹp cảnh quan chung…
Nhờ mô hình này, công việc và thu nhập của các hộ dân rất ổn định. Mùa du lịch kéo dài hơn 2 tháng, những hộ gia đình như ông Thạo, bà Tâm có 5 phòng nghỉ, cộng với phục vụ ăn uống cho khách thì mỗi mùa cũng thu nhập khoảng 200 triệu đồng (đã trừ mọi chi phí).
Từ năm 2013, có điện lưới quốc gia, mọi thứ ở Cô Tô đều thay đổi, khách sạn, nhà hàng thi nhau mọc lên. Các tuyến đường liên tục được mở mang, nâng cấp. Hàng loạt các hồ chứa nước ngọt được xây dựng khắp đảo.
Bộ mặt của đảo khang trang, hiện đại dần lên, du khách cũng bắt đầu đến Cô Tô nhiều hơn khi huyện đảo dần đáp ứng được hết những nhu cầu của khách. Từ chỗ chỉ có một tàu gỗ nhỏ với 3 chuyến/tuần chạy 5-7 tiếng/chuyến, nay Cô Tô có 29 tàu cao tốc cỡ lớn có thể chở 150-300 khách/tàu hoạt động mỗi ngày, chưa kể những thuyền máy lớn, ca nô của huyện và ngư dân sẵn sàng được huy động. Chỉ mất 1 giờ đồng hồ, du khách có thể từ đất liền đặt chân lên đảo.
Cô Tô xa nhưng giờ đã thực sự gần với đất liền.
Ảnh tư liệu huyện đảo Cô Tô
Trên bãi biển Hồng Vàn, Minh mình trần, quần lửng cùng 5-6 thanh niên ngoại quốc gom nhặt chai, lọ, mảnh xốp vào các bao tải. Minh vừa bê bao rác vừa giới thiệu: "Mấy bạn khách này đến từ Hà Lan, Pháp, Đức. Họ đặt phòng từ nước họ để nghỉ 3 ngày chỗ mình. Mấy hôm cuối mùa, vắng khách, mình khuyến mãi chỉ lấy một nửa giá phòng, mấy bạn thích quá xin ở tiếp 3 hôm. Mình rất vui khi khách hết tour mà không muốn về, ở lại thêm, họ thích thú thì mình cũng vui lây. Thấy bọn mình đầu tuần đi nhặt rác, hôm nay các bạn ấy tình nguyện theo".
Minh sinh ra, lớn lên tại TP.Hạ Long. Năm 2008, 27 tuổi, Minh chuyển hẳn ra đảo để ngày ngày được khám phá hòn đảo này. Tất cả đảo lớn nhỏ thuộc huyện đảo, từng mỏm đá, bãi biển, hang động đều đã có dấu chân anh. Khi những nhóm khách nước ngoài và trong nước đến Cô Tô muốn khám phá, Minh là một trong những người đầu tiên nhận đưa khách.
Cũng những năm đó, khi người Cô Tô chưa biết gì về du lịch, Minh đã bắt tay vào làm. Suốt 5 năm, Minh chỉ làm nghề hướng dẫn viên du lịch trên đảo, và khi đã tích lũy được số vốn kha khá, năm 2013, khi nghe tin sắp có điện lưới , anh là một trong những người đầu tiên "đi tắt, đón đầu" đầu tư, xây khách sạn trên đảo.
"Muốn khách lưu trú lâu, để khách tự nguyện rút tiền trả mình, mình phải tìm tòi, nghĩ ra nhiều loại hình du lịch để khách ở lại lâu hơn. Mình xây dựng các mô hình du lịch có tính bền vững, các tour đi thuyền, tàu nhỏ đến các đảo nhỏ hoang vu, tổ chức cắm trại ở các đảo nhỏ, tour đi vịnh câu cá, lặn biển, trải nghiệm đánh bắt hải sản, đi thuyền kayak... Đây là những tour mà khách nước ngoài cực kì thích thú.
Đến năm 2015, khi điện lưới ổn định rồi, mình mở rộng sang mô hình homestay để du khách có thể cùng người dân bản địa tham gia vào mọi hoạt động, từ đánh bắt hải sản, tự nấu nướng, thu dọn rác bãi biển…".
Ông Hoàng Nguyên Vĩnh (73 tuổi, khu 2 thị trấn Cô Tô) là một trong những người ra Cô Tô từ rất sớm và ở lại cho đến hôm nay. Ông là người cảm nhận rõ nhất những thay đổi của huyện đảo.
Đất có khả năng làm nông nghiệp ở Cô Tô rất ít, nên chỉ một số ít dân trồng lúa, còn lại chủ yếu làm nghề đánh bắt hải hải, làm muối, nước mắm, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
"Mấy nghề đó phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên nay được mai thua. Nhưng từ khi du lịch phát triển, đời sống người dân khấm khá hơn, ổn định hơn. Giờ vào mùa du lịch, hầu như gia đình nào cũng làm du lịch, tham gia các dịch vụ, phục vụ du khách" - ông Vĩnh nói.
Nhà có một cơ sở homestay với 7 phòng nghỉ ở gần bãi biển Vàn Chảy, lại đang công tác ở Phòng Văn hóa, thể thao, du lịch của huyện, Nguyễn Hải Linh (31 tuổi, thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến) cũng tất bật hơn mỗi ngày, bởi cứ hết giờ ở cơ quan, anh về nhà, tranh thủ phụ vợ.
Linh kể, 6 năm trước, gia đình đã bắt đầu mở loại hình kinh doanh lưu trú với mô hình homestay. Ban đầu chỉ có 2 phòng sơ sài, nhưng rồi cứ tích lũy sau mỗi năm, bằng chính tiền thu từ dịch vụ du lịch, vợ chồng Linh lại dồn phần lớn tiền để nâng cấp phòng, xây mới thêm phòng, sắm xe điện, xe máy để phục vụ nhu cầu đi lại của khách. Năm 2018 thu được hơn tỉ đồng thì năm nay tiếp tục đầu tư nâng cấp tiện nghi, chuẩn bị xây dựng bể chứa nước ngọt, khu sinh hoạt động đồng rộng 300 m2...
Để tập trung phục vụ khách (nấu nướng, đưa đón khách, dọn phòng…), 2 năm trước vợ Linh là Nguyễn Minh Huệ đang là giáo viên dạy ở trường THPT Cô Tô cũng xin nghỉ để ở nhà làm du lịch.
Ông Vũ Văn Hiển, Phó chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cho biết chỉ tính từ khi có điện lưới quốc gia (10-2013) đến nay, tổng số khách du lịch đến huyện đảo này đã đạt gần 1,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch dịch vụ đạt gần 1.800 tỉ đồng, thu ngân sách trên 8 tỉ đồng. Hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động trực tiếp và khoảng 2.000 lao động gián tiếp.
"Riêng năm 2018, huyện đảo đã đón 240.000 lượt khách, doanh thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ đạt gần 500 tỉ đồng. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt nhờ chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp, thủy sản ven bờ sang làm dịch vụ du lịch", ông Vũ Văn Hiển nói.
Miền Bắc: Bạch Long Vĩ, Cát Hải (Hải Phòng), Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh)
Miền Trung: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa)
Miền Nam: Côn Đảo (Vũng Tàu), Kiên Hải (Kiên Giang), Phú Quốc (Kiên Giang)
Theo Du lịch báo tuổi trẻ
Liên hệ tour du lịch biển đảo
HaloTour Du lịch Hạ Long
Alo/Zalo : 090 222 1886
email : xinhcao@ahalong.com
Đang online:
today:
yesterday:
total:
avg: