Đầu tháng 12-2019, đoàn xe hơi hơn trăm chiếc chinh phục cao nguyên đá Hà Giang và cung đường Hạnh Phúc. Nhìn từ góc quay của flycam, đoàn xe sang trọng và hiện đại nối nhau giữa điệp trùng núi đá, chúng tôi không khỏi liên tưởng đến một tấm ảnh tương tự - cũng một đoàn xe như thế, chiếc xe ca đi đầu, sau là một đoàn xe commanca.
Bức ảnh tư liệu ấy được chụp vào tháng 3-1965 trong lễ khánh thành cung đường Hà Giang đi Đồng Văn. Tấm ảnh đen trắng cũ mờ, những chiếc xe cũ kỹ, rồi nhìn đoàn xe đang hăm hở chinh phục con đường hùng vĩ nhất Việt Nam hôm nay, giữa hai bức ảnh ấy là hơn nửa thế kỷ.
... Là bao nhiêu tuổi xuân đã dành cho con đường.
... Là những liệt sĩ thanh niên xung phong đã nằm lại trong nghĩa trang ở huyện Yên Minh.
... Là bao nhiêu phố xá đã mọc lên thay đổi hẳn bộ mặt của cả vùng biên trập trùng đá núi, là bao nhiêu đời dân đã rạng rỡ mặt người.
Năm 2015, ở Hà Giang diễn ra cuộc họp mặt nửa thế kỷ của hàng ngàn thanh niên xung phong đã tham gia mở con đường Hạnh Phúc. Những chàng trai cô gái mười tám đôi mươi từ nửa thế kỷ trước, nay mừng tủi gặp lại nhau là những cụ ông cụ bà da mồi tóc bạc.
Điều cảm động nhất trong cuộc gặp ấy không chỉ là cuộc đoàn viên sau nửa thế kỷ của những thanh niên xung phong mở đường, mà những anh chị em hy sinh trên cung đường ấy, trừ liệt sĩ Đào Bá Phẩm, 13 anh chị em khác hy sinh từ những năm 1959 đến 1965 đã được Nhà nước truy tặng bằng Tổ quốc ghi công và công nhận liệt sĩ.
Hôm ấy, trong căn phòng của Hội cựu thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Mạnh Thùy, phó chủ tịch Hội, kể về hành trình đi tìm lại thân nhân của từng liệt sĩ thanh niên xung phong, chuyện ngược xuôi làm hồ sơ công nhận liệt sĩ, sao cho kịp đúng dịp kỷ niệm nửa thế kỷ con đường Hạnh Phúc, những thân nhân của họ sẽ về để được nâng trên tay tấm bằng “Tổ Quốc ghi công” thiêng liêng.
Người cán bộ phụ trách buổi lễ cứ chạy vào chạy ra căn phòng trụ sở Hội cựu thanh niên xung phong băn khoăn nói với ông Thùy: “Bác ơi, tất cả 13 trường hợp kia đã ổn, chỉ riêng liệt sĩ Giàng Mí Nô này tính sao đây bác? Không có thân nhân nhận bằng về thờ cúng thì sẽ đặt tấm bằng này ở đâu? Ai sẽ nhận chế độ chính sách sau này?”.
Ông Thùy lại nhấc điện thoại gọi cho những nơi nào đó rồi quay lại nói với chúng tôi: “Chúng tôi đã huy động hết các anh em đồng đội cựu thanh niên xung phong ở Mèo Vạc vào cuộc tìm kiếm thân nhân của Giàng Mí Nô cả năm nay mà vẫn chưa có tăm tích gì”.
Nếu sinh mạng con người là điều quý nhất, thì sự hy sinh tính mạng cho Tổ quốc là sự hy sinh cao cả nhất. Nhưng hy sinh đến mức giờ đây tấm bằng thiêng liêng ấy không tìm được gia đình để trao lại thì sự hy sinh ấy bội phần vĩ đại.
Trong hồ sơ liệt sĩ, lý lịch và sự hy sinh của Giàng Mí Nô được ghi rất rõ ràng: “Liệt sĩ Giàng Mí Nô, sinh năm 1944, gia nhập thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc vào tháng 10-1959, hy sinh ngày 16-5-1961, thuộc đại đội 1 Đồng Văn. Giàng Mí Nô chết vì sốt rét ác tính tại bệnh xá H100 xã Na Khê huyện Yên Minh (Hà Giang). Công việc: thanh niên xung phong trực tiếp mở đường. Nơi chôn cất: Nghĩa trang thanh niên xung phong huyện Yên Minh.
Chỉ dòng đề tên tuổi thân nhân của Nô vẫn để trống trong khi những liệt sĩ khác, phần ghi tên người đại diện gia đình nhận thờ phụng liệt sĩ đều có tuổi tên của con cháu, anh em.
Ấn tượng câu chuyện này, mỗi chuyến công tác lên Hà Giang, đi qua cung đường Hạnh Phúc ở Yên Minh, tôi đều ghé vào nghĩa trang liệt sĩ thanh niên xung phong ở đây để đốt cho anh và đồng đội một nén nhang tri ân và tưởng tiếc. Khu mộ được an táng 14 ngôi gọn gàng, mộ của liệt sĩ Giàng Mí Nô nằm ở hàng đầu tiên bên phải khuôn viên.
Chuyến đi đầu tiên của chúng tôi lên Hà Giang cách nay gần hai mươi năm. Hai mươi năm qua, những chuyến đi đi về chúng tôi chưa khi nào thấy cung đường Hạnh Phúc vắng sự duy tu, mở rộng. Một hành trình đầy miệt mài với con đường cho dù giờ đây việc thi công không còn nguy hiểm như khi xưa anh em thanh niên xung phong mở đường.
Đường Hà Giang đi Đồng Văn được khánh thành thông tuyến năm 1963, còn để nối thông sang Mèo Vạc phải mất thêm hai năm nữa. Thử thách lớn nhất khi mở thêm 20 km này là phải thông được tuyến qua Mã Pì Lèng, con đèo nguy hiểm nhất trên tuyến. Ban chỉ huy công trường đã thành lập một đội cảm tử gọi là đội Cơ Dũng, với 17 người ban đầu, sau tăng lên 30 người. Sẽ rất thiếu sót nếu nhắc về con đường Hạnh Phúc mà thiếu đi đội Cơ Dũng.
Mấy tháng trước, câu chuyện nhà hàng Panorama trên Mã Pì Lèng ồn ào và giờ đây vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Chuyện cái nhà hàng phá vỡ cảnh quan thiên nhiên kì vĩ của con đèo đã đành, nhưng cũng từ vị trí này, khi du khách đứng ở bao lơn nhìn xuống sông Nho Quế, hay ngước lên vách đá vút cao sẽ thấy rợn ngợp.
Thế nhưng từ tháng 9-1963, những thanh niên xung phong của đội Cơ Dũng phải treo mình trên cheo leo vách đá, rồi dùng búa và xà beng mở một con đường rộng 0,4 mét, vừa đủ để đặt bàn chân lên đó, có chỗ đặt chân rồi mới tính đến chuyện đục lỗ tra thuốc nổ đặt mìn phá đá.
Ngày nào cũng như ngày nào, họ phải treo mình suốt 11 tháng trời ròng rã trên vách đá Mã Pì Lèng như thế. Ông Nguyễn Mạnh Thùy, phó chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong tỉnh, kể khi thành lập đội Cơ Dũng này, ban chỉ huy công trường cũng đã đóng 11 cái… quan tài, giấu ở cách quãng đường đang mở chừng hai cây số phòng khi hữu sự sẽ kịp lo cho anh em. Mỗi ngày, trước khi leo lên vách núi, anh em đều đứng tuyên thệ.
Dù biết hy sinh là chuyện gang tấc, ban chỉ huy công trường tìm mọi cách để có thể đảm bảo an toàn cho anh em trong khả năng có thể. Hơn hai tấn dây thừng được bao phủ như mạng nhện trên vách đá, dây này níu dây kia, nhỡ anh em có sa chân có nơi bám víu. Dụng cụ là chiếc búa và mũi đục, một sợi dây bảo hộ níu mình vào đá.
Từ sáng sớm đến tối mịt, đục khoét cho được một lỗ sâu để nhồi thuốc nổ và đặt kíp sau đó kích nổ. Mười một cái quan tài gỗ tạp đóng “dự phòng” cho anh em đội cảm tử mở đường công vụ qua đỉnh Mã Pì Lèng may mắn suốt cả năm không phải dùng đến. Vậy mà khi con đường chỉ còn một tuần nữa thông tuyến thì tai nạn xảy ra.
Ngày 4-3-1965, chừng một tuần nữa sẽ thông xe toàn tuyến, chuẩn bị khánh thành thì anh Đào Ngọc Phẩm ở đại đội 4 thanh niên xung phong Thái Nguyên hy sinh. Khi đi kiểm tra lại đoạn 56-57 (gọi như thế căn cứ trên độ cao của vách đá), thấy một tảng đá có nguy cơ rơi xuống đè chết hai bố con người Mông, anh Phẩm lao đến xô họ ra. Hai bố con người Mông thoát chết, nhưng anh Phẩm mất đà rơi xuống vực Mã Pì Lèng hy sinh!
Trước đó, anh Dương Đình Sản cũng bị đá rơi vào đầu và hy sinh khi thi công đoạn qua xã Na Khê ( huyện Yên Minh). Cũng trên đoạn đường Đồng Văn - Mèo Vạc, anh Vũ Cao Vân, thanh niên xung phong thuộc đại đội Nam Định cũng hy sinh ở Pải Lũng (Mèo Vạc).
Lần trở lại cung đường này, khi dừng chân ở Pải Lủng, nơi liệt sĩ Vũ Cao Vân hy sinh, chúng tôi xúc động khi thấy khu tưởng niệm các thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc với tượng đài bề thế và nhà bảo tàng đã hiện diện ở đó, trên trập trùng của những ngọn đá tai mèo. Lịch sử luôn công bằng, và sự hy sinh nào cho Tổ quốc cũng luôn được tưởng vọng xứng đáng.
Tượng đài là sự gợi nhớ với hình ảnh những thanh niên xung phong đang cầm trên tay búa, trong trang phục dân tộc bản địa, những người đã dâng hiến cả tuổi xuân cho con đường để rồi con đường này đổi thay hẳn cả một vùng đá mênh mông nơi cực Bắc đất nước.
Giờ đây, từ thành phố Hà Giang vào Mèo Vạc, qua những thị trấn huyện lỵ dọc tuyến đường có thể hình dung rõ nhất những gì mà cung đường Hạnh Phúc đã mang lại. Những địa danh thiêng liêng, những kỳ quan danh thắng, những di tích lịch sử văn hóa, những vẻ đẹp riêng có của cuộc sống trên cao nguyên đá… tất cả đã được con đường “đánh thức” .
Có lẽ ở Việt Nam không có tuyến đường nào mang lại nhiều cảm xúc cho những người mê “phượt” như cung đường này. Điểm cực Bắc Lũng Cú của huyện Đồng Văn không nằm trên cung đường, nhưng chính nhờ đường Hạnh Phúc này mới có thể kết nối được những bước chân mọi miền về với địa chỉ thiêng của miền cực Bắc.
Rồi Quản Bạ với Núi Đôi kỳ vĩ mà gợi cảm, Yên Minh với những rừng trúc, rừng sa mộc đẹp như những thước phim cổ trang, Đồng Văn với di tích nhà Vương, phố cổ, những phiên chợ, Mèo Vạc với Mã Pì Lèng, hẻm Tu Sản, sông Nho Quế..
Tình yêu của những người dân “sống trên đá chết vùi trong đá” với miền đất chôn nhau cắt rốn đã là chuyện hiển nhiên. Nhưng nếu không có con đường này sẽ không có những đoàn người nối nhau về đây quanh năm suốt tháng. Và khi du khách vì cảm mến Hà Giang, yêu thiên nhiên hùng vĩ và con người thuần hậu lên ngày càng nhiều, bài toán phát triển của Hà Giang ngày càng thách thức.
Những câu chuyện về nhà hàng phá vỡ cảnh quan ở đèo Mã Pì Lèng, chuyện khu resort xây ngay đỉnh Đồn Cao - một di tích lịch sử ngay trung tâm chợ Đồng Văn với thang máy bằng sắt áp vào thân núi, chuyện san phẳng núi xây chùa ở Lũng Cú… thực sự khiến những người yêu mến Hà Giang đau lòng, nhưng trong quá trình phát triển, xung đột như thế không hiếm hoi.
Và để dung hòa được điều đó, biến cung đường thành một con đường của phát triển hài hòa, vừa gìn giữ bảo tồn, vừa phát huy được những giá trị riêng có, ít ra đã manh nha xuất hiện như những mô hình gợi mở.
Tượng đài tưởng niệm các thanh niên xung phong xây dựng tuyến đường là hình ảnh những chàng trai cô gái ngẩng cao đầu hướng về tương lai. Con đường Hạnh Phúc cũng thế, không thể chỉ cúi mình soi vào quá khứ. Những cỏ cây hoa lá bao đời im lặng trên miền đá này đã thức dậy với một sức sống mới. Câu chuyện lễ hội hoa tam giác mạch được khởi đầu ở Đồng Văn là một thực tiễn sinh động.
Chừng 5 năm trở lại đây, mùa hoa tam giác mạch của Hà Giang nở trở thành “cơn sốt” của du khách. Không ai nghĩ có một ngày loài hoa tam giác mạch lại tôn sự quyến rũ và mê hoặc của con đường Hạnh Phúc đến vậy.
Dịp khởi động lễ hội hoa tam giác mạch, chủ tịch huyện Đồng Văn, ông Hoàng Văn Thịnh, nói: “Muốn làm lễ hội hoa, chúng tôi phải chuẩn bị diện tích hoa vài trăm hecta. Mà không thể coi như cuộc chơi hoa, tàn hoa là vứt bỏ, bởi tam giác mạch là loại cây lương thực thuộc nhóm “kiều mạch”, chúng tôi muốn biến nó thành cây chiến lược vụ đông cho Đồng Văn”.
Ông chủ tịch huyện cùng các thành viên của ban này về tận từng xã của 11 xã nằm dọc theo tuyến đường Hạnh Phúc là Vần Chải, Phố Cáo, Sủng Là, Thài Phìn Tủng, Lũng Phìn, Lũng Táo, Lũng Cú, Ma Lé, Sủng Trái, Phố Là và thị trấn Đồng Văn, mời các hộ dân ký cam kết: Huyện sẽ đảm bảo thu mua hết sản lượng hạt sau khi thu hoạch với giá như giá thị trường, còn trong thời gian trồng hoa, bà con có quyền cho du khách vào ruộng hoa mình chụp ảnh để thu tiền. Kinh nghiệm từ những mùa hoa trước, nguồn thu từ chụp ảnh của du khách này không hề nhỏ.
Chưa hết, để bà con an tâm hơn, huyện quyết định hỗ trợ cho bà con mỗi hecta 3 triệu đồng để mua giống, chăm sóc nương hoa. Người Mông trên núi cao chỉ tin vào những gì được nhìn thấy và cam kết. Thấy cán bộ xã đưa hạt giống, đưa phân bón về, lại có cái dấu đỏ ký dưới tờ giấy cam kết sẽ mua hết hạt thì tin ngay.
Từ lễ hội hoa, từ nguồn lương thực là hàng trăm tấn hạt mạch sau thu hoạch, Đồng Văn giờ đây có thêm nhiều đặc sản cho du khách khi đến đây, nhiều loại bánh làm từ tam giác mạch. Lò rượu ở thôn Thiên Hương lâu nay nổi tiếng với rượu ngô nay nấu thêm rượu từ tam giác mạch, với hương thơm đặc trưng.
Và không chỉ dọc theo con đường Hạnh Phúc mới có tam giác mạch, giờ đây mùa hoa này như một thương hiệu đặc trưng của cao nguyên đá, và từ câu chuyện hoa tam giác mạch đã gợi mở những hướng đi mới bất ngờ và thú vị. Nó như chiếc chìa khóa cho Hà Giang tìm những lối đi mới cho tương lai. Câu chuyện về một ngôi làng du lịch mới xây dựng ở Mèo Vạc cũng thế.
Mấy tháng trước, khi truyền thông cả nước xôn xao vụ nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama làm ảnh hưởng cảnh quan trên con đèo trứ danh trên quốc lộ 4C, thì chỉ cách vị trí quán cà phê nói trên vài cây số về phía thị trấn Mèo Vạc có một ngôi làng Mông đẹp như cổ tích vừa đi vào hoạt động. Ngôi làng Mông ở thôn Pả Vi Hạ (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc - Hà Giang) khiến người ta sửng sốt. Đó là một ngôi làng Mông đạt đến độ điển hình về kiến trúc, không gian và mối giao hòa cộng cảm cùng thiên nhiên hùng vĩ.
Cũng kiến trúc Mông, nhưng những ngôi nhà trong làng đã thoát ra khỏi vẻ u uẩn cô tịch cố hữu của những nếp nhà trên rừng đá mà thay vào đó, mỗi ngôi nhà ở đây đều bừng sáng rạng rỡ như gương mặt của các chủ nhân.
Với 20 ngôi nhà, các chủ nhân để được trở thành thành viên của làng du lịch văn hóa cộng đồng này phải chấp nhận một số điều khoản nhất định, trong đó có việc tuân thủ việc xây dựng đúng theo kiến trúc truyền thống, tuy nhiên trong nhà lại đáp ứng nhu cầu của một homestay hiện đại, có bếp, toilet sạch sẽ, phòng ngủ đạt tiêu chuẩn, và nhất là không gian của ngôi làng thực sự thân thiện với thiên nhiên chung quanh. Những ngôi nhà của Pả Vi Hạ nhen nhóm trong lòng du khách chút hy vọng về tương lai miền đá này, khi mà những ngôi nhà như ở làng sẽ thay thế cho những ngôi nhà bê tông trong tương lai.
Hồng Mí Sinh, chủ nhân của khu homestay đầu tiên của làng, với khu nhà nghỉ, bếp ăn, sân trời cho du khách tận hưởng trọn vẹn cảm giác không gian của làng Mông, cho biết chỉ sau mấy tháng đưa vào hoạt động, khu homestay của anh luôn được khách đặt phòng từ rất sớm, và dường như tất cả du khách đều thấy hài lòng khi được sống trong một không gian đậm màu văn hóa bản địa nhưng lại có được tiện nghi sinh hoạt, lưu trú vô cùng hiện đại.
Từ mô hình Pả Vi Hạ, du lịch Hà Giang có thể nhân rộng ra hàng chục Pả Vi Hạ trên cung đường này. Làm được như thế, Hà Giang sẽ không còn là miền đất xa xôi cách trở nữa. Bởi với những gì được tận hưởng ở Pả Vi Hạ, du khách cảm thấy họ xứng đáng trả giá cho những cung đường hiểm trở để ngồi đây, giữa bốn bề núi đá, nghe điệu khèn Mông trong sương núi, nhấp ngụm rượu ngô thơm nồng trên môi, để cảm thấy như đang được sống giữa khung trời Mông, của một thiên đường ngàn xưa tưởng như đã mất…
Chủ tịch huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường nói về chuyện biến những bất lợi thành lợi thế cho miền đá nằm cuối cùng của con đường Hạnh Phúc. Đó là ngoài việc xây dựng thêm những ngôi làng đặc trưng như Pả Vi Hạ thấm đẫm văn hóa dân tộc Mông thì cũng tính đến các ngôi làng với đặc trưng của dân tộc Lô Lô, dân tộc Giáy, dân tộc Dao... Cùng với đó là việc bảo tồn các giống cây, con bản địa với chất lượng đặc biệt mang thương hiệu địa phương chỉ Mèo Vạc mới có như lợn đen Lũng Pù, rượu ngô Chí Sán.
Từ trụ sở UBND huyện trông ra công viên trước mặt có thể nhìn thấy tấm biển đá được tôn tạo thay cho tấm biển gốc đã được đưa về bảo tàng Hà Giang. Trên tấm bia đá ấy, những dòng chữ ghi những thông tin, dù đơn sơ như nét chữ đục mờ trên đá nhưng trĩu nặng mồ hôi và máu của bao thế hệ:
“ Tổng số ngày công sử dụng: 2.246.321
…
Khối lượng đào đắp: 2.899.638 m3
Chiều dài cầu 5m - 5,4m: 42 cái
Cống 0,5m đến 2m: 392 cái
Tổng số tiền đã chi: 5.549.201 đồng (Theo thời giá năm 1965)
Ngày khởi công: 10-9-1959
Ngày hoàn thành: 15-3-1965”
Đang online:
today:
yesterday:
total:
avg: