BẢO TÀNG HÀ NỘI

Nằm trên đường Phạm Hùng, ngay cạnh Trung tâm Hội nghị quốc gia, công trình Bảo tàng Hà Nội được khởi công xây dựng ngày 19/5/2008 và hoàn thành đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Nhìn từ xa, bảo tàng Hà Nội gây ấn tượng mạnh với kiến trúc hiện đại, độc đáo, có hình giật cấp từ thấp lên cao, gồm bốn tầng nổi và hai tầng hầm, chiều cao 30,7m, diện tích xây dựng 11.952m2, diện tích sàn xây dựng 30.208m2, tọa lạc trên khu đất rộng 53.923m2.

Đến với bảo tàng, du khách có thể lên các tầng tham quan bằng thang máy hoặc bằng cầu thang bộ được thiết kế thành một vòng xoáy tròn nối liền cả bốn tầng nổi. Thiết kế này không chỉ mang lại sự thuận tiện cho khách tham quan mà còn thể hiện ý tưởng về Hà Nội: thành phố được bao bọc bởi những con sông và liên tưởng về thành Cổ Loa năm xưa cũng như hình tượng Thăng Long- rồng bay lên.

Từ năm 2010 đến nay, trong khi triển khai thiết kế trưng bày tổng thể nội dung trưng bày chính thức, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức trưng bày các chuyên đề ngắn hạn nhằm giới thiệu với khách tham quan những tài liệu, hiện vật điển hình có trong kho của bảo tàng cùng với sự góp mặt những sưu tập có giá trị của các nhà sưu tập tư nhân.

Ngay khi bước chân vào bảo tàng, tại tầng một, khách tham quan đến với trưng bày chuyên đề “Cổ vật tiêu biểu bảo tàng Hà Nội”, trong đó các hiện vật chất liệu gốm sứ và chất liệu đồng. Đặc biệt, tại đây trưng bày các hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia: Chuông Thanh Mai- bảo vật quốc gia đầu tiên của bảo tàng Hà Nội; Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn; Chân đèn gốm men lam xám có minh văn của Đặng Huyền Thông niên hiệu Diên Thành 5 ( tức năm1582); Long đình gốm Bát Tràng thế kỷ XVII. Đây là các hiện vật có giá trị trong việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hóa xã hội qua các thời kỳ khác nhau của Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra còn có phần trưng bày hình ảnh về Đình làng xứ Đoài và Lễ hội tiêu biểu của Hà Nội. Khu trưng bày tại tầng 2 của Bảo tàng Hà Nội gồm 2 phần: chuyên đề “Đặc điểm tài nguyên và thiên nhiên Hà Nội”- giới thiệu nhiều mẫu động vật, thực vật đa dạng, trong đó có bộ xương rùa Hồ Gươm nổi tiếng. Phần trưng bày chuyên đề “Hà Nội- thời tiền sử, sơ sử” giới thiệu nhiều hiện vật quý hiếm của lịch sử Hà Nội từ những lớp cư dân đầu tiên đến buổi đầu dựng nước, giữ nước.

Tại tầng 3, khách tham quan sẽ được thưởng ngoạn những cổ vật có giá trị của Việt Nam thông qua những bộ sưu tập của nhà sưu tập Vũ Tấn, các hiện vật do các tổ chức và cá nhân hiến tặng bảo tàng Hà Nội. Đặc biệt, tại gian trưng bày “Hà Nội- ký ức tháng mười”,khách tham quan một lần nữa được trở về những năm tháng đấu tranh hào hùng của dân tộc và niềm vui mừng hạnh phúc khi Thủ đô hoàn toàn được giải phóng năm 1954.

Tầng 4 là không gian trưng bày cuối cùng của tuyến thăm quan trong nhà bảo tàng. Tại đây, khách tham quan tiếp tục được thưởng ngoạn tài khéo của các nghệ nhân xưa qua các chuyên đề trưng bày hiện vật đồ đồng, đồ gỗ được sản sinh từ những làng nghề, phố nghề nổi tiếng của đất Kinh Kỳ- Kẻ Chợ.

Khách tham quan cũng được tìm hiểu về những cổ vật của nước ngoài (Trung Quốc, Nhật Bản) thể hiện mối giao lưu văn hóa các nước láng giềng đồng thời có những phút giây hoài niệm về một Hà Nội cổ kính qua những bức ảnh lịch sử hiếm hoi được trưng bày trong triển lãm “Hà Nội xưa và nay”.

Hiện nay, Bảo tàng Hà Nội đang đẩy nhanh thiết kế trưng bày chính thức với sự giúp đỡ của các chuyên gia trong và ngoài nước và hy vọng trong tương lai Bảo tàng Hà Nội sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa tiêu biểu của Thủ đô.