ĐỆ NHỊ TỔ PHÁP LOA VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CHO PHẬT GIÁO TRÚC LÂM!
Cập nhật : 17 Tháng 4, 2021
hiền sư Pháp Loa (1284 – 1330) tên thật là Đồng Kiên Cương, quê quán tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Là đệ tử xuất sắc được chính Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (Sơ Tổ Trúc Lâm) lựa chọn, đào tạo và truyền thừa, Ngài trở thành Đệ Nhị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm, cùng Sơ Tổ và Đệ Tam Tổ Huyền Quang hợp thành Tam Tổ Trúc Lâm huyền thoại trong Phật giáo Việt Nam.
Năm 1304, khi 20 tuổi, Ngài có đủ duyên được gặp và xin xuất gia với Sơ Tổ khi ấy đang du hành thuyết pháp ở các miền thôn quê. Sơ Tổ trông thấy Ngài đã bảo ngay: "Đứa bé này có đạo nhãn, sau này hẳn là pháp khí", cho theo về thụ giới Sa-di và gửi tới tham học với hòa thượng Tính Giác ở Quỳnh Quán (chùa Quỳnh Lâm ngày nay). Một năm sau, Sơ Tổ lại cho Ngài thụ giới Tỳ Kheo và Bồ tát, cho theo bên mình và ban hiệu Pháp Loa.
Ngài từng được thọ giáo bài giảng của Sơ Tổ về truyền đăng lục tại am Tử Tiêu (nay là chùa Vân Tiêu), và sau này từng trụ trì chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử.
Năm 1308, khi 24 tuổi, tại chùa Siêu Loại, Ngài được Sơ Tổ truyền thừa ngôi vị Tổ của thiền phái với sự chứng kiến của vua Anh Tông, được trao Pháp y cùng một trăm hộp kinh sử ngoại điển và hai mươi hộp Đại Tạng để mở mang sự học.
Đệ nhị tổ Pháp Loa có những đóng góp lớn lao cho sự phát triển hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm về tất cả các phương diện hoằng pháp, xây dựng hệ thống tổ chức, giảng dạy kinh điển, đào tạo tăng tài, phát triển tự viện, ấn tống kinh sách, góp phần làm nên đỉnh cao Phật giáo Đại Việt thời Trần. Cuộc đời và sự nghiệp chân tu sống động của Ngài luôn được các thế hệ sau soi chiếu và kính trọng.
Ngày 3/3 năm Tân Sửu (tức 13/4/2021 dương lịch), nhân kỷ niệm 691 năm Đệ Nhị Tổ Pháp Loa viên tịch, tại Cung Trúc Lâm, Yên Tử sẽ diễn ra lễ giỗ Đệ Nhị Tổ Pháp Loa. Các Tăng ni, Phật tử sẽ dâng hương, tưởng niệm Thiền sư, cùng tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo và trồng cây để lan tỏa lời dạy của Ngài.
Buổi lễ sẽ được phát trực tiếp trên trang Facebook Yên Tử Mountain.
Hình ảnh có sử dụng tư liệu từ Tam Tổ Thực Lục, bản khắc ở chùa Pháp Vũ