Tận cùng của “Địa ngục trần gian”
Mở đầu cuốn tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo”, Phùng Quán viết: “Tất cả tù Côn Đảo đều gọi Côn Đảo là địa ngục trần gian. Nghe người ta nói ở địa ngục trên có Diêm Vương hung ác, dưới có bọn quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa. Để hành hạ người chết có vạc dầu nấu sôi, sông lúc nhúc mãng xà rắn rết, có chỗ cưa chân xẻ tay… Không biết có địa ngục và địa ngục có cảnh đó không, nhưng ở Côn Đảo, những cảnh đó không thiếu và còn gấp trăm, gấp nghìn thế là khác…”
Đoàn cán bộ Công đoàn Thủ đô đặt vòng hoa kính viếng các Anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương. |
Tôi mới chỉ biết về Côn Đảo qua sách vở như thế, để ngay từ thời thơ ấu đã vô cùng cảm phục những chiến sĩ cách mạng quả cảm, anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của đất nước. Và khi được đặt chân tới mảnh đất Côn Đảo, tận mắt nhìn thấy những chuồng cọp, chuồng bò, những công cụ và hình ảnh mà bọn cai ngục tra tấn tù nhân, trong tôi lại càng cảm phục các chiến sĩ cách mạng.
Dẫn chúng tôi đi thăm Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo, anh Nguyễn Văn Tính, vốn là người con của Hà Đông, Hà Nội, hướng dẫn viên khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo, với giọng trầm ấm, nghiêm trang, kể rằng: Trong suốt thời gian xây dựng và tồn tại hơn 100 năm, tại nhà tù Côn Đảo, bọn thực dân – đế quốc và tay sai đã giam cầm hàng chục ngàn chiến sỹ yêu nước với những chính sách tra tấn tàn bạo đã khiến khoảng 2 vạn chiến sỹ đã nằm xuống, vì vậy người ta vẫn nói Côn Đảo là “ Địa Ngục Trần Gian ” trong số đó có những nhà cách mạng yêu nước nổi tiếng như: Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng... và nhiều sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh...
Nữ tù nhân Côn đảo Nguyễn Thị Ny hồi ức lại những năm tháng bị tù đày tại Côn Đảo với tác giả. |
Cùng với nhà tù Phú Quốc, đây là một trong những địa điểm giam giữ các chiến sĩ cộng sản. Tại mỗi phòng giam, lúc cao điểm có đến hàng trăm người bị gông cùm, xiềng xích. Cai ngục thực dân dùng nhiều hình thức tra tấn từ thể xác đến tinh thần đối với các chiến sĩ.
Đến thăm Khu biệt giam phủ đầy rêu phong với 20 hầm đá khiến tất cả những người trong đoàn chúng tôi đều có cảm giác rợn người và càng thêm kính phục những chiến sĩ cách mạng bởi sức chịu đựng phi thường và lòng kiên trung đối với Tổ quốc. Trại giam Phú Tường, nơi nổi tiếng với "chuồng cọp", được xây dựng năm 1940, với diện tích hơn 5.000 m2 gồm 120 phòng giam có chấn song sắt phía trên, 60 phòng "tắm nắng" không có mái che.
Với 120 phòng giam kiểu này, hàng nghìn tù nhân cách mạng đã bị giam giữ từ suốt năm 1940. Cao điểm, mỗi phòng có đến chục người. Nhiều người trong chúng tôi không giấu được nước mắt khi nghe anh Tính nói về những đòn tra tấn dã man mà bọn cai ngục hằng ngày dành cho các chiến sĩ, khiến nhiều người đến chết. Khu biệt giam này bị giấu kín hoàn toàn và đến năm 1970, khi được phát hiện và phơi bày đã gây chấn động và bàng hoàng dư luận quốc tế.
Ở mảnh đất huyền thoại này hầu như câu chuyện nào cũng trở nên thiêng liêng, mang dấu ấn lịch sử. Câu chuyện phát hiện và phơi bày khu biệt giam trước dư luận quốc tế là một minh chứng. Đó là đầu năm 1970, tại Sài Gòn liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình của Hội sinh viên yêu cầu chính quyền trả tự do cho những học sinh, sinh viên đang bị giam ở Côn Đảo.
Trước áp lực này, sáng 25/5/1970, nhà cầm quyền buộc phải thả 5 học sinh, sinh viên đang bị giam tại chuồng cọp là: Cao Nguyên Lợi, Nguyễn Minh Trí, Trần Văn Long, Nguyễn Thanh Tòng và Nguyễn Tuấn Kiệt. Bí mật sẽ không bị phát hiện nếu sáng hôm đó không có cơn mưa rào bất ngờ ập đến khi 5 sinh viên vừa bước ra khỏi cổng nhà giam. Họ được đưa đến trú mưa ở mái hiên đối diện.
Một giờ trú mưa cơ hội quan sát lý tưởng đã được các sinh viên ghi nhớ toàn bộ vị trí, lối vào chuồng cọp. Vậy là sơ đồ dẫn đến cánh cửa bí mật nơi "địa ngục trần gian" đã được các sinh viên ghi nhớ và in hằn trong đầu.Tới Sài Gòn, 5 sinh viên không về nhà mà tới ngay Hạ nghị viện của chính quyền cũ để làm tường trình tố cáo tội ác của Nhà tù Côn Đảo.
Don Luce, một nhà báo Mỹ làm việc 12 năm tại Việt Nam đã đưa toàn bộ thông tin được tiết lộ về khu biệt giam bí mật này lên tạp chí Life (Mỹ), gây sửng sốt và chấn động dư luận trên toàn thế giới. Cả thế giới rung động trước tội ác tột cùng mà nhà cầm quyền đối với tù nhân cộng sản ở nơi “địa ngục trần gian” này.
Linh thiêng Nghĩa trang Hàng Dương
Thay mặt các thành viên trong đoàn, đồng chí Phạm Bá Vĩnh đã báo cáo với các anh hùng, liệt sĩ những kết quả mà tổ chức Công đoàn Thủ đô đã làm được, nhất là việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động, với tinh thần tất cả vì lợi ích đoàn viên; những hoạt động xã hội mang tính nhân văn cao của Công đoàn Thủ đô, nhất là việc thường xuyên thăm hỏi, trợ giúp các gia đình thương binh, liệt sĩ, nêu cao tinh thần “uống nước nhớ nguồn”. Đồng chí cũng hứa với Anh linh các anh hùng, liệt sĩ, mỗi thành viên của tổ chức Công đoàn Thủ đô nguyện sống và làm việc tốt hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc, góp phần xây dựng đất nước và Thủ đô ngày càng giàu đẹp. |
Côn Đảo là nơi ghi dấu bao đau thương của người dân Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, khi đến Côn Đảo ai cũng muốn đến viếng nghĩa trang Hàng Dương, nơi chôn cất hàng nghìn chiến sĩ yêu nước đã ngã xuống trên mảnh đất này để có thể thắp một nén tâm hương tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng, liệt sĩ, kiên cường trước những đòn tra tấn tàn bạo, dã man của kẻ thù tại nơi được gọi là “địa ngục trần gian” trong suốt 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo (1862-1975).
Chính vì lẽ đó, ngay sau khi đặt chân đến Côn Đảo, đoàn cán bộ Công đoàn Thủ đô do đồng chí Phạm Bá Vĩnh, Phó chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã đến đặt vòng hoa kính viếng anh linh các anh hùng, liệt sĩ đang được an táng tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Thay mặt các thành viên trong đoàn, đồng chí Phạm Bá Vĩnh đã báo cáo với các anh hùng, liệt sĩ những kết quả mà tổ chức Công đoàn Thủ đô đã làm được, nhất là việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động, với tinh thần tất cả vì lợi ích đoàn viên; những hoạt động xã hội mang tính nhân văn cao của Công đoàn Thủ đô, nhất là việc thường xuyên thăm hỏi, trợ giúp các gia đình thương binh, liệt sĩ, nêu cao tinh thần “uống nước nhớ nguồn”.
Đồng chí cũng hứa với Anh linh các anh hùng, liệt sĩ, mỗi thành viên của tổ chức Công đoàn Thủ đô nguyện sống và làm việc tốt hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc, góp phần xây dựng đất nước và Thủ đô ngày càng giàu đẹp.
Vẫn giọng trầm ấm, trang nghiêm, anh Nguyễn Văn Tình, giới thiệu: Ngày 19/12/1992, nghĩa trang Hàng Dương đã được khởi công xây dựng, cải tạo khuôn viên khoảng 20 ha và có tu bổ hàng năm. Có 1.913 ngôi mộ chia thành 4 khu A, B, C, D. Trong đó khu vực A, B, C là các nghĩa trang cũ, và D là diện tích khu mộ mới được thiết lập. Trong số 1.913 ngôi mộ trong nghĩa trang chỉ 793 có tên địa chỉ cụ thể, số còn lại là những ngôi mộ vô danh. Đây cũng là nơi an nghỉ của nhiều nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, đặc biệt là mộ của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu …
Một điều đặc biệt của nghĩa trang Hàng Dương là mọi người thường đến viếng mộ về đêm. Đèn chiếu sáng ở khắp mọi nơi và trước mỗi ngôi mộ có một ngọn đèn nhỏ như nến đã khiến cho nghĩa trang Hàng Dương trở nên thực sự linh thiêng, lấp lánh. Âm nhạc nhẹ nhàng phát ra từ chiếc loa nhỏ nằm rải rác khắp nghĩa trang, như một bản giao hưởng ru giấc ngủ ngàn đời cho các anh hùng, liệt sĩ, những người yêu nước đã hy sinh.
Đến thăm nghĩa trang Hàng Dương thiêng liêng về đêm được xem là hoạt động tồn tại lâu đời ở Côn Đảo do gắn liền với ngôi mộ của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, người con gái Đất Đỏ không sợ hy sinh, hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù, chỉ với một mong ước duy nhất là đánh đổ lũ đế quốc, tay sai giành lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
Kính cẩn nghiêng mình trước Anh linh liệt nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, trong chúng tôi cứ vang lên âm hưởng thiết tha, oai hùng: “Người thiếu nữ ấy như mùa xuân/ Chị đã dâng trọn cuộc đời/ Để chiến đấu với bao niềm tin/ Dù chết vẫn không lùi bước/ Chị Sáu đã hy sinh rồi/ Giọng hát vẫn như còn vang dội/ Vào trái tim những người đang sống/ Giục đi lên không bao giờ lui”…
Nữ tù Côn Đảo duy nhất hiện còn sống ở Côn Đảo
Tới thăm Côn Đảo lần này, cá nhân tôi còn may mắn hơn khi được gặp lại người nữ tù Côn Đảo duy nhất hiện còn sống ở Côn Đảo. Nói là gặp lại, bởi cách đây 5 năm, trong một chuyến công tác tại Côn Đảo, tôi đã rất may mắn khi được gặp bà qua lời giới thiệu của một anh xe ôm, quê Hải Dương đã vào sinh sống tại Côn Đảo hơn 10 năm.
Lần này cũng vậy, khi biết được nguyện vọng của tôi, một anh xe ôm khác, quê ở Phú Thọ chỉ mất có 5 phút đã đưa tôi đến căn tạp hóa nhỏ tại 12 Đường Võ Thị Sáu, nơi sinh sống của vợ chồng bà Nguyễn Thị Ny, người nữ tù Côn Đảo duy nhất hiện sống ở Côn Đảo. Bà mời tôi vào nhà vẫn với dáng vẻ nhanh nhẹn của 5 năm trước, cũng thật dễ hiểu khi bà không nhận ra tôi, bởi với một nhân chứng lịch sử như bà, bà đã gặp biết bao nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử, các đoàn thể, tổ chức…
Về cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của bà, đặc biệt là những năm tháng bị tù đày ở Côn Đảo (từ 10/1972 đến 5/1974), tôi đã được biết và viết tận tường trong bài “Nữ tù Côn đảo duy nhất hiện sống ở Côn Đảo” cách đây 5 năm. Lần này được gặp lại bà, mừng vì bà vẫn khỏe, vẫn minh mẫn ở cái tuổi gần 80, bà vẫn là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo.
Mặc dù vậy, từ ngày ấy đến hôm nay gặp lại bà, tôi vẫn cứ băn khoăn: Bà bị tra tấn, đánh đập, lại xây đựng gia đình muộn, bà không có cái hạnh phúc được làm mẹ. Hơn 30 năm chung sống, hai ông bà dựa vào nhau với những vui buồn. Khi trái nắng trở trời, những vết thương cũ lại đau, bà vẫn nén đau để sống lạc quan, tiếp tục làm những việc có ích cho xã hội. Với cương vị là Phó cựu tù chính trị Côn Đảo, bà vẫn luôn là tấm gương sáng cho mọi thế hệ về tinh thần quả cảm, hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Bà không nói, nhưng chúng tôi biết, ngoài khoản lương hưu ít ỏi, cuộc sống của ông bà không tránh khỏi những khó khăn. Song trò chuyện với bà, chúng tôi thấy bà rất thanh thản, chúng tôi hiểu, đằng sau sự thanh thản ấy không thể tránh được những giây phút buồn. Băn khoăn như vậy để thấy cảm phục bà hơn.
Hơn 30 năm lấy chồng là hơn 30 năm gắn bó với Côn Đảo, chẳng phải vì cuộc sống ở đây hơn gì nơi quê bà, mà bà gắn bó với Côn Đảo vì nơi đây đối với bà đã trở nên quá thiêng liêng, bà muốn được thường xuyên ra nghĩa trang Hàng Dương thăm viếng, thắp nén tâm nhang lên những ngôi mộ của hàng ngàn đồng chí, đồng đội của bà. Và mỗi khi đứng trước những ngôi mộ này, bà lại tự nhủ, mình là người may mắn khi còn được chứng kiến quê hương, đất nước và mảnh đất Côn Đảo này đang thay đổi, phát triển từng ngày. Và phải sống sao cho xứng với những người đã anh dũng hy sinh cho sự tồn vong của dân tộc.
Ý nguyện ấy của bà cũng là ý nguyện của mỗi chúng ta, những người yêu nước, yêu hòa bình. Nhất là trong những ngày tháng Bảy này tại Côn Đảo, nơi mà sự bất khuất, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng trước đòn roi tra tấn tàn khốc của kẻ thù đã trở nên huyền thoại.
Ghi chép của Nguyễn Mẫn