Đi đến đâu, Việt cũng tìm quán bán phở để thưởng thức, rồi bổ sung thông tin vào một "bản đồ phở" của riêng anh.
Đặt chân đến Madagascar ngày 25/11, Đoàn Quốc Việt (Quảng Ninh) không quên tìm ngay đến quán phở ở địa phương. Theo anh tìm hiểu, ở đây chỉ có một quán phở và không phải người Việt nấu, giá một bát gần 100.000 đồng (4,4 USD) trong khi "thu nhập của người dân trung bình khoảng 50 USD mỗi tháng".
Như nhiều quán phở không chuyên ở nước ngoài, nước dùng trong bát phở Việt ăn ở Madagascar không khác gì nước sôi. Nhưng đó sẽ không bao giờ là bát phở cuối cùng Việt thử trên hành trình vòng quanh thế giới, được anh thực hiện từ tháng 6.
"Ở Việt Nam, mình thường xuyên ăn phở buổi sáng. Đây cũng là món mình thích nhất. Đi du lịch nước ngoài mình chọn ăn phở một phần vì dễ ăn, đảm bảo sức khỏe do nhiều nơi đồ ăn hơi khó", anh nói.
Đi đến đâu, việc đầu tiên của của anh cũng là tìm các từ khóa như "pho, vietnamese food, vietnam restaurant"... để tìm các quán ăn Việt. Thưởng thức phở ở rất nhiều quán nhưng Việt không có thói quen chụp ảnh món ăn, mà luôn nhớ về hương vị.
"Mình ấn tượng với quán phở ở Hungary nhất. Quán khá xa trung tâm thành phố, mình di chuyển mấy chặng tàu điện mới tới. Cô chủ lâu lắm mới thấy người Việt Nam nên nhiệt tình, chuẩn bị một bát phở to đầy và rất ngon. Còn vài quán khá tệ, có lẽ do đầu bếp hoặc chủ không phải người Việt. Nhiều quán chế biến lạ, cho phở khô vào", chàng trai 28 tuổi đi qua 45 nước và vùng lãnh thổ kể lại.
Không chỉ ăn phở, chàng trai Quảng Ninh còn thống kê giá món ăn này và lập bảng giá mà mọi người gọi vui là bản đồ phở Việt trên thế giới. Là thầy giáo tiếng Anh, Việt cho biết lập bảng này để dạy học sinh về cờ các quốc gia và giá cả từng nước.
"Bản này mình tạo ra chỉ tương đối, vì trong một nước, giá phở ở một thành phố có thể đắt hơn thị trấn nhỏ, hoặc thành phố khác. Ngay đến các quán cạnh nhau giá cũng có thể khác, nhưng chênh lệch không nhiều. Thường những nơi có nhiều người Việt sinh sống như Pháp, Đức, Ba Lan, Mỹ thì gần như ngày nào mình cũng có một bữa phở".
Ngoài phở, khi đặt chân đến vùng đất mới chàng trai này đều thử những món truyền thống. Với những nước có đồ khó ăn hơn, anh tìm các quán Trung Quốc, Nhật hoặc Hàn vì khẩu vị tương đối gần các món Việt.
Đi nhiều và ăn nhiều, thầy giáo Quảng Ninh nhận được nhiều lời khen của bạn bè quốc tế về ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là phở và bánh mì. Quán ăn Việt tại nước ngoài cũng đa phần được đánh giá cao, tuy nhiên cơm hay phở cũng thay đổi nhiều để phù hợp với khẩu vị người dân nơi đó.
Trước đó Việt đã đi hơn 20 nước nên lần này, vài nơi anh chỉ dành hai đến ba ngày như Australia, New Zealand, Canada, Mỹ, Pháp... để gặp bạn bè.
"Thực sự mình không chuẩn bị hay lên kế hoạch gì, nên những nơi mình tới ngắn nhất chỉ trong vòng 24h như Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Panama... vì chủ yếu transit và từng đi khá nhiều lần. Còn những nước trên đường thấy đẹp, lạ thì mình ở lâu hơn. Tới giờ lâu nhất có lẽ là Chile, Cuba, Iceland, Anh, Croatia... những nơi này mình dành khoảng 5-7 ngày", anh nhớ lại.
Trong chuyến đi vòng quanh thế giới lần này, Việt dự định tham gia vài khóa học ngắn hạn tại Đại học Cambridge, Oxford và Harvard về tâm lý xã hội học, phương pháp giảng dạy tiếng Anh và các buổi đàm luận Ted Talks một đến hai ngày. Đây là cách anh trau dồi để phục vụ tốt hơn trong việc giảng dạy tiếng Anh và giúp phụ huynh, học sinh hiểu được tầm quan trọng của ngôn ngữ này trong thời buổi quốc tế hóa.