Sau bữa sáng nhẹ với một số món cá được dân đảo đánh bắt ở vùng biển quanh đảo, nhóm khách chúng tôi được trải nghiệm những cảm xúc mới. "Đi ngắm thiên đường thôi", Vĩnh cười bí ẩn.
Lê Văn Vĩnh ra định cư hơn 10 năm, đủ lâu để biết rõ từng ngóc ngách trên hòn đảo này. Chúng tôi biết đến anh cũng chỉ qua một tấm bảng nhỏ có ghi số điện thoại cắm ở âu thuyền khi cập vào đảo. Vĩnh có 3 phòng ngủ cho khách thuê theo kiểu homestay, là homestay duy nhất hiện có trên đảo.
Vừa cất xếp đồ đạc vào phòng, anh kéo nhóm khách ra Bến Tranh, một bãi tắm khoét sâu vào đảo. "Đảo còn hoang sơ, chúng ta sẽ du lịch theo kiểu hoang dã. Sẽ có rất nhiều điều bất ngờ", Vĩnh nói.
Trên tay Vĩnh là mấy cái kính lặn biển cùng một bao lưới. Khu nhà dân và mép biển chỉ cách nhau vài chục mét, nên chỉ trong thoáng chốc Vĩnh đã đưa nhóm khách nhảy ùm xuống vùng bọt biển trắng xoá sát bờ. Vĩnh lặn sâu xuống từng ngách đá. Sau một hơi lặn, anh có thêm mấy con ốc vào bao lưới.
Vùng biển quanh đảo Cồn Cỏ là các loại ốc, hàu. Những loài này chọn các bãi đá làm nơi trú ngụ ưa thích. Khoảng hai năm trước, khi đảo mới bắt đầu mở cửa đón khách du lịch, Vĩnh chỉ việc đi lặn, bắt ốc nón, ốc thổ, hàu lên đãi khách. Nhưng gần đây, Vĩnh đưa luôn khách đi cùng.
"Lúc đầu, một số người có hứng thú đi theo. Sau rồi mọi người truyền tai nhau, cuối cùng ai ra đảo cũng hứng thú với việc đi lặn ốc này. Điều thú vị nhất mà những người đi lặn muốn cảm nhận là vừa được nhìn thấy, vừa tự tay bắt ốc", Vĩnh kể.
Chiều muộn, mặt trời xuống dần sau những mõm đá, chúng tôi đã bắt được một bao đầy các loại ốc biển. Anh kéo nhóm khách đi về phía bãi đá cách đó hơn trăm mét. Vĩnh nói đây mới là lúc bắt đầu tận hưởng hương vị của đảo.
Một hốc đá được chọn để làm bếp. Lửa nổi lên cũng là lúc trời tối hẳn. Mỗi người chọn một mõm đá nhỏ quanh bếp lửa làm ghế. Đá ở đây tự nhiên nhưng xếp khá đều, nên khung cảnh không khác một bàn tiệc.
Ở Cồn Cỏ có đặc sản hàu "cố", những con hàu sống lâu năm, trú ở rãnh sâu dưới bãi đá, lớn gấp nhiều lần hàu thường. Dân đảo ví vỏ của loại hàu này như cái đĩa, nên chúng tôi dùng làm luôn vỉ nướng.
Giữa bãi đá trải dài ra đến chân sóng, nhóm khách bắt đầu tận hưởng cảm giác "đi hoang" như cách Vĩnh nói ban đầu.
Cồn Cỏ hoang sơ
Buổi sáng trên đảo cũng bắt đầu theo cách đặc biệt. Sau bữa sáng "nhẹ nhàng" với một số món cá được dân đảo đánh bắt ở vùng biển quanh đảo, chúng tôi lại được trải nghiệm những cảm xúc mới. "Đi ngắm thiên đường thôi", Vĩnh cười bí ẩn.
Chúng tôi đi xe máy ra phía sau đảo, tới nơi hoang vu được rừng nguyên sinh bao quanh. Luồn qua tán rừng chừng chục phút, chúng tôi dừng lại trước một lối mòn dẫn xuống biển. "Thiên đường ở dưới này", Vĩnh vừa nói vừa kéo kính lặn rồi ngụp xuống làn nước.
Mực nước chỉ khoảng dưới hai mét, đáy biển đẹp đến ngỡ ngàng. Trải ra trước mắt chúng tôi là cả một vùng san hô rộng lớn đủ màu sắc. Mặt trời chiếu xuyên qua làn nước càng làm thảm san hô lung linh hơn. "Không lặn xuống sẽ không thể hình dung được đáy biển lại đẹp đến thế", Vĩnh bảo.
San hô có ở quanh đảo. Nhưng ở bãi đá phía này là đẹp nhất, vì có nhiều loài, nhiều màu sắc, đặc biệt là san hô đen và san hô đỏ quý hiếm. Khu vực này cũng là nơi ít người đặt chân đến nên giữ được nét hoang sơ. Ở ngay Bến Tranh trước khu nhà dân ở cũng có san hô. Nhưng nơi đó không dành cho những người thích khám phá. "Phải ra đến bãi phía sau này và lặn xuống, du khách mới chạm đến những cảm xúc cao nhất", Vĩnh cười.
Vĩnh cũng là người tiên phong trên đảo sắm một chiếc thuyền thúng đáy bằng kính. Khi khách chỉ muốn ngắm san hô mà không cần lặn, Vĩnh phục vụ luôn việc chèo thuyền thúng cho khách ngắm san hô ở bãi Tranh. Du khách chỉ việc ngồi trên thuyền và nhìn xuyên qua đáy bằng kính để ngắm rạn san hô bên dưới đáy biển.
Ngắm san hô đã trở thành sản phẩm không thể thiếu từ khi đảo trở thành đảo du lịch.
Ông Nguyễn Văn Hoà, giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ (thuộc huyện đảo Cồn Cỏ - một trong 12 huyện đảo của Việt Nam ) cho biết chính vì còn khá hoang sơ nên những rạn san hô ở quanh đảo phong phú và đa dạng hơn những hòn đảo khác. Điều này đã được thợ lặn của khu bảo tồn đi lặn khảo sát ở nhiều nơi và có đối chiếu. Ông Hoà nói rạn san hô này đã được đưa vào diện bảo tồn đặc biệt.
Hai ngày trên đảo là vừa đủ để khám phá Cồn Cỏ. Nơi đây không có những bãi biển yêu kiều diễm lệ hay những khu nghĩ dưỡng sang trọng, nhưng có những điểm nhấn để mỗi du khách đến đều có cái để nhớ. Đó là sự hoang sơ.
Những rặng san hô kỳ ảo dưới đáy biển Cồn Cỏ
Đứng trên cao nhìn xuống, đảo như một con rùa khổng lồ hướng đầu về phía tây nam. Những ngày đẹp trời, từ Cửa Tùng có thể nhìn thấy đảo rất rõ với sự nhô lên 2 điểm cao làm nổi bật màu xanh sẫm của đảo trên nền trời trong nước biếc. Từ đó, người ta bắt đầu mường tượng về một hòn ngọc xanh giữa Biển Đông. Cái tên "đảo ngọc" từ đó cũng được nhiều người nhắc tới hơn đầy hy vọng.
Theo UBND huyện đảo Cồn Cỏ, việc đi lại ra đảo đã thuận lợi hơn rất nhiều kể từ khi đảo được cấp phép khai thác du lịch (2017). Mỗi tuần thường có 3 chuyến tàu cao tốc ra đảo vào mùa nắng, một chuyến mỗi tuần vào mùa mưa. Mỗi chuyến tàu ra đảo thường bắt đầu ở cảng Cửa Việt vào khoảng hơn 7h các ngày thứ 2-4-6, và trở về đất liền vào các ngày thứ 3-5-7 trong tuần. Thời gian tàu này chạy ra đảo khoảng hơn một giờ với giá vé khoảng 200.000 đồng/người.
Ông Võ Viết Cường, Bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết du khách sẽ không tìm thấy những khu nghỉ dưỡng sang trọng, hay những dịch vụ đa dạng trên đảo Cồn Cỏ. Nhưng cái hấp dẫn ở Cồn Cỏ chính là sự hoang sơ và yên bình. Ông Cường cũng nói định hướng phát triển của đảo trong tương lai là du lịch. Huyện sẽ biến "đảo thép" thành "đảo ngọc", gắn với bảo tồn những giá trị hoang sơ trên đảo.
Hiện số cơ sở lưu trú trên đảo còn ít, chỉ đáp ứng được cùng lúc cho khoảng gần 150 khách, với hai cơ sở lưu trú lớn là nhà khách của huyện và nhà khách quân sự, một số nhà dân kèm dịch vụ homestay. Hiện cũng đã có một số nhà hàng được người dân trên đảo mở ra ở sát bãi tắm để du khách có thể thưởng thức hải sản của đảo. Các hộ dân này cũng có thể nấu cơm cho khách nếu khách có nhu cầu.
12 huyện đảo Việt Nam
Miền Bắc: Bạch Long Vĩ, Cát Hải (Hải Phòng), Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh)
Miền Trung: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa)
Miền Nam: Côn Đảo (Vũng Tàu), Kiên Hải (Kiên Giang), Phú Quốc (Kiên Giang)
Một số đơn vị lữ hành đã tổ chức tour du lịch ra đảo Cồn Cỏ hai ngày một đêm, và thường trong mùa biển lặng (khoảng từ tháng 3 đến tháng 8).
Nếu không muốn đặt tour, du khách cũng có thể tự tổ chức theo hình thức "bụi" bằng cách tự mua vé tàu đi ra đảo khám phá. Tàu cao tốc chở khách du lịch Chính Nghĩa hiện là phương tiện duy nhất đưa khách ra Cồn Cỏ. Ngoài ra, trong những mùa cao điểm hoặc thời điểm cần thiết, huyện đảo sẽ tăng cường thêm tàu của UBND huyện đưa du khách ra đảo.
Cồn Cỏ là đảo hình thành do hoạt động kiến tạo từ phun trào của núi lửa cách đây trên 4 vạn năm, có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bải tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp, cát...
Nơi đây có khí hậu ôn hòa, có địa hình cảnh quan đẹp. Màu xanh là màu chủ đạo ở Cồn Cỏ bởi gần 74% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên. Mặc dù từng bị chiến tranh tàn phá, rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ vẫn còn gần như nguyên vẹn, và thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm với nhiều tầng cây cỏ làm cho Cồn Cỏ thực sự là hòn đảo xanh với thảm thực vật phong phú.
Cồn Cỏ nằm trong khu vực có tài nguyên thiên nhiên khá phong phú. Ngư trường Con Hổ quanh đảo rộng khoảng 9.000km2, gần nơi giao thoa của các dòng hải lưu, nơi hội tụ của các vùng hải sản Bắc Nam - vịnh Bắc Bộ và Biển Đông.
Cồn Cỏ có 267 loài cá của 120 giống thuộc 69 họ, với trữ lượng khoảng 60.000 tấn/năm. Ngoài ra còn có các loại giáp xác, nhuyển thể, cua, tôm hùm, ghẹ và cá thu, ngừ….. Đáy biển nơi đây là một trong những vùng biển có rặng san hô tốt nhất đã được khảo sát tại Việt Nam, có loài san hô đỏ rất quý hiếm với mật độ dày, hình khối rất đẹp, màu sắc hấp dẫn khác thường.
Từ năm 2002, đảo Cồn Cỏ được chuyển thành đảo dân sự. Tỉnh Đoàn Quảng Trị đã đưa 43 Thanh niên xung phong ra đảo lập nghiệp. Đến nay, trên đảo có 19 hộ dân.