Dark tourism là gì?
Dark tourism (tạm dịch: du lịch tưởng niệm) là loại hình du lịch trong đó du khách sẽ đến thăm những địa điểm nơi từng diễn ra một số sự kiện đen tối, thường liên quan đến chết chóc và bi kịch của lịch sử nhân loại. Thông thường, các sự kiện đen tối này có thể bắt nguồn từ nguyên nhân tự nhiên như thảm họa động đất, sóng thần, hoặc bắt nguồn từ con người như nạn diệt chủng, ám sát, hoặc có thể là nhà tù, hiện trường chiến tranh, khủng bố, v.v.
Dark tourism còn có thể được biết đến với cái tên thana tourism, morbid tourism, black tourism hoặc grief tourism.
Lý do nào khiến dark tourism ngày càng thu hút được sự chú ý trong thời gian gần đây?
- Các phim tài liệu và phim ảnh:
Các phim tài liệu đa số đề cập đến các vấn đề lịch sử, địa lý hay văn hóa chứ không khai thác điểm đến dựa trên khía cạnh du lịch. Tuy nhiên, điều này cũng góp phần khơi gợi sự hứng thú của khán giả đối với địa điểm trên màn ảnh và góp phần thúc đẩy họ trở thành một du khách đến nơi này.
Một trong những bộ phim tài liệu trực tiếp đề cập đến du lịch tưởng niệm có thể kể đến là Dark Tourism của nhà sản xuất phim người Đức Manfred Becker, sản xuất tại Canada và phát sóng trong khoảng thời gian 2007-2008. Nhìn chung, bộ phim nêu lên được các giá trị mà địa điểm truyền tải, khơi gợi được sự say mê quan sát của người xem, đồng thời chỉ ra một số khía cạnh có vấn đề của loại hình du lịch này như tâm thế của du khách chưa phù hợp và các loại hình dịch vụ mang tính trục lợi.
Loạt phim Dark Tourists của Netflix phát sóng trong năm 2018 với bối cảnh một nhà báo đi khám phá các điểm đến du lịch “kỳ lạ” và có phần rùng rợn cũng đã thu hút được lượng lớn khán giả với đề tài độc đáo này. Series được đánh giá khá cao trên IMDb với điểm số 7.6/10 nhờ không chỉ nội dung mà còn nhờ nghệ thuật dựng phim đã giúp tái hiện lại trải nghiệm của nhân vật tại các địa điểm trên một cách chân thực và lôi cuốn.
- Hiện tượng Vũ Hán:
Vũ Hán là thành phố ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên mang tên virus corona trước khi nó trở thành đại dịch toàn cầu khiến cho việc đi lại và nhiều ngành kinh tế của đa số mọi quốc gia trên thế giới gặp khủng hoảng lớn. Vì lẽ này, cái tên Vũ Hán trở nên quen thuộc với mọi người trong năm 2020 vừa qua, và trong số đó, có nhiều người không ngần ngại bày tỏ sự quan tâm muốn được tham quan địa danh này để xem thành phố đã vực dậy ra sao sau thời gian dài chiến đấu với dịch bệnh.
Cụ thể, vào tháng 10/2020, chính quyền địa phương đã tổ chức một chuyến du lịch dành cho những công dân nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc đến Vũ Hán. Bên cạnh những địa điểm tham quan du lịch thông thường, những du khách này sẽ được tham quan Bệnh viện Lôi Thần Sơn (Leishenshan Hospital) - bệnh viện dã chiến được xây dựng để tiếp nhận nhiều ca nhiễm trong thời điểm dịch bùng phát và lây lan với tốc độ chóng mặt, cũng như được tham quan triển lãm do chính quyền Vũ Hán tổ chức nhằm giới thiệu về thành phố cũng như thành công của đất nước trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Tiếp đó, vào ngày 13/11/2020, Cục Văn hóa và Du lịch Vũ Hán (Wuhan Culture and Tourism Bureau) đã tung ra chiến dịch “Let’s Meet In Wuhan” để quảng bá hình ảnh của một điểm đến an toàn và bình phục sau dịch nhằm thu hút du khách quay trở lại đây.
Tiềm năng phát triển dark tourism của Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có bề dày lịch sử khá phong phú với nhiều địa điểm vẫn còn những dấu ấn từ cuộc chiến chống Pháp và Mỹ. Một số địa điểm tiêu biểu có thể khai thác dark tourism có thể kể đến như Nhà ngục Hỏa Lò (Hà Nội), Địa đạo Củ Chi và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (thành phố Hồ Chí Minh) hay Nhà tù Côn Đảo (Phú Quốc).
Các nơi có thể khai thác dark tourism kể trên đều là những địa danh mang các giá trị lịch sử, văn hóa và có tính giáo dục cao trong việc giúp du khách hiểu thêm về điểm đến và con người Việt Nam sau quá trình vực dậy và phát triển từ những bi kịch trong quá khứ. Tuy nhiên, để khai thác những địa điểm này, các cơ quan quản lý điểm đến cần có các kế hoạch chi tiết và bộ hướng dẫn kỹ lưỡng, tránh tình trạng khai thác hay thương mại hóa quá mức làm mất đi các giá trị lịch sử hay nhân văn vốn có.
Nguồn: Destination Review