Đỉnh Cao Xiêm hay còn gọi là Khau Khoang, Đỉnh Cột Cờ, núi cắm cờ, tiếng Sán Chỉ là “Kèo Kăm Khây”, tiếng Tày là “Khau Cẳm Cờ” là điểm du lịch chưa được biết đến nhiều do địa hình hiểm trở, phức tạp. Với độ cao 1.429 mét so với mực nước biển, ở bất cứ bản làng nào của huyện Bình Liêu đều có thể quan sát được đỉnh Cao Xiêm hùng vĩ này. Do vậy, vào những ngày mùa vụ, người dân địa phương thường nhìn lên đỉnh Cao Xiêm để theo dõi thời tiết mà có biện pháp chủ động phơi phóng, thu cất thóc, ngô. Cao Xiêm gần gũi với đời sống là thế, tuy nhiên, số người đã từng đặt chân lên đỉnh núi này thì chưa nhiều. Có lẽ vì vậy mà Cao Xiêm còn khá xa lạ và kỳ bí, chủ yếu là đường mòn men theo các sườn núi với rất nhiều núi đá mấp mô quanh năm mây mù bao phủ và băng qua những đồi cỏ bao la, ngút ngàn.
Trên sườn núi Cao xiêm
Chóp Cao Xiêm do cộng đồng mạng góp phí xây dựng mới đây.
Từ trung tâm thị trấn Bình Liêu, du khách có thể đi lên bản Ngàn Mèo, gửi xe máy rồi đi bộ. Đường lên Cao Xiêm đi qua cánh rừng hồi, rừng thông, những bãi cỏ rộng lớn có những bụi cây mâm xôi có quả màu đỏ vốn được dân phượt ưa thích thường hái để ăn và làm quà. Càng đi lên cao mới thấy hết được sự hùng vĩ của núi rừng, thiên nhiên. Những ngày trời mù sương, Cao Xiêm bị bao phủ bởi lớp sương mù tạo cảm giác như lạc vào chốn bồng lai, còn những ngày trời trong xanh, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang như sóng lượn bên dưới.
Hòn đôi trên đỉnh núi Cao Xiêm
Những đoạn tường đá ẩn chứa những câu truyện truyền thuyết.
Lên đến độ cao khoảng 1.000m, du khách sẽ cảm nhận rõ nét sự thay đổi của nhiệt độ, độ ẩm. Phong cảnh thiên nhiên càng hùng vĩ hơn với những dãy “tường thành” tựa như “Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ”, nối tiếp nhau chạy dài như vô tận. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ có những bức tường đá này do người dân Lục Hồn và Húc Động tạo ra để phân chia lãnh thổ và ngăn không cho gia súc của mình sang địa phận khác. Lại có sự tích rằng, thuở xưa xã Húc Động và xã Lục Hồn có đôi trai gái yêu nhau, họ thường lén lút lên núi hò hẹn. Cả hai đã bị bố mẹ và dân bản phát hiện ngăn cấm không cho qua lại với nhau. Để tránh điều tiếng và chuyện xấu xảy ra người dân hai xã đã dựng lên hàng rào đá này. Những thành đá này được dựng lên từ năm nào thì không ai rõ, chỉ biết là xa xưa lắm...
Thị trấn Bình Liêu nhìn từ đỉnh Cao Xiêm
Những tảng đá có hình thù lạ trên đình Cao Xiêm
Tiếp tục hành trình, du khách sẽ phải mất thêm khoảng 30 phút leo dốc cao dựng đứng tựa lên đến bầu trời, một cảm giác thú vị: Ngẩng đầu lên là biển mây trôi lơ lửng, cúi xuống là thung lũng với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Bên tai tiếng gió vi vu không ngừng thổi. Lên đến đỉnh, khoảnh khắc chạm tay vào đỉnh chóp Cao Xiêm, mọi mệt nhọc suốt 2 giờ leo núi như tan biến, thay vào đó là sự thư thái, bình yên, là niềm vui của người chiến thắng...
Cao Xiêm với nét hoang sơ với mây, gió, đất trời, cỏ cây, khối đá đang đón chờ du khách đến khám phá và trải nghiệm. Hãy lên kế hoạch và đến ngay những điểm đến hấp dẫn tại Quảng Ninh.
XEM THÊM:
6 ĐIỂM TUYỆT VỜI CỦA VÙNG ĐẤT BÌNH LIÊU
Tour Bình Liêu Ghép Đoàn 2 Ngày 1 Đêm Mùa Vàng 2020
Du lịch Bình Liêu và những điều bạn cần biết