Qua thời gian, teencode của thế hệ 8x, đầu 9x tưởng chừng đã đi vào dĩ vãng, nhưng gần đây, việc sử dụng ngôn ngữ “hơi kỳ lạ” của Gen Z đang trở thành một trào lưu và khiến người ta hình dung đến “huyền thoại teencode" một thời.
Teencode là loại ký tự riêng của giới trẻ, được mã hóa bằng những quy luật do họ tự quy ước. Nhiều người sử dụng teencode để thể hiện "bản sắc" riêng và ngược lại, teencode giúp họ dễ dàng hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa. Ngoài ra, loại mật mã này khiến các bạn trẻ cảm thấy tự do, tránh sự kiểm soát của phụ huynh, nhất là trong độ tuổi “nổi loạn”.
Thế hệ Millennials (8x, đầu 9x) chắc vẫn còn nhớ những ngày tháng nhắn tin xuyên đêm với nhau bằng điện thoại Nokia 1280, gọi vui là “cục gạch”. Thứ mật mã teencode được giới trẻ quy ước là trend lúc bấy giờ tưởng như đã đi vào dĩ vãng, nhưng gần đây, việc sử dụng ngôn ngữ “hơi kỳ lạ” của Gen Z đang trở thành một trào lưu và khiến người ta hình dung đến "huyền thoại teencode" một thời. Vậy liệu Gen Z có đang mang teencode quay trở lại?
Thế hệ Z (Gen Z) là từ dùng để chỉ những bạn trẻ có năm sinh trong giai đoạn từ 1995-2012. Ngoài Gen Z thì thế hệ này còn được gọi bằng nhiều tên khác như Gen Tech, Net Gen, Plurals, Zoomers, thế hệ Internet, Generation Z, iGen, iGeneration, Gen Wii, Digital Natives, Neo-Digital Natives, Founders, Homeland Generation, Post millennials, hay hậu Millennials…
Gen Z được xem là thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên trọn vẹn trong thời đại công nghệ số. Họ được mệnh danh là những công dân của thời đại số hoá, có tư duy về tiền tệ, kinh tế, được hy vọng là “thuyền trưởng” trong công cuộc thay đổi và xây dựng thế giới phát triển trong tương lai.
Xuất hiện lần đầu ở Việt Nam từ trước năm 2000, teencode được sử dụng dưới dạng mã hóa chữ thành con số. Tuy nhiên, teencode chỉ thực sự bùng nổ sau năm 2000 khi ngày càng nhiều bạn trẻ sở hữu những chiếc điện thoại “cục gạch”, đặc biệt là điện thoại Nokia 1280 với bàn phím T9 (Text on 9 keys). Họ dùng teencode trong mọi cuộc trò chuyện, nhắn tin mỗi ngày.
Ví dụ: để thay thế chữ “i”, người dùng sẽ sử dụng chữ “j", hoặc chữ “yêu” được rút gọn thành “êu”, “nhắn tin” thành “nt”, “vợ/chồng” thành “vk/ck”...
Đến khi Internet trở nên phổ biến ở Việt Nam, teencode chiếm sóng trên hầu hết tất cả các mạng xã hội. Tới khoảng năm 2018, cơn sốt teencode cũng bắt đầu hạ nhiệt khi thế hệ Millennials dần trưởng thành, lúc này kiểu soạn văn bản chuẩn mực lại lên ngôi.
Những “cảnh sát chính tả” bắt đầu xuất hiện và trở thành xu hướng vào thời điểm này. Đây là nhóm người tuân theo tất cả các quy tắc viết, đến mức trở thành kỹ tính và thường đi bắt lỗi chính tả, ngữ pháp của người khác.
Mạng xã hội xuất hiện những tuyên ngôn như "Cãi nhau mà sai chính tả, lý lẽ cỡ nào cũng trở nên vô nghĩa". Cùng lúc này, các hội, nhóm sửa lỗi cũng xuất hiện, điển hình như fanpage "Cảnh sát chính tả" với hơn 79.000 người thích và hơn 83.000 người theo dõi.
Gần một năm trở lại đây, teencode đã trở nên thịnh hành. Sự trở lại của teencode đều nhờ vào Gen Z. Tuy nhiên, teencode kiểu Gen Z lại có diện mạo hoàn toàn khác với teencode thời trước.
Thay vì đặt ra quy ước chung giữa chữ cái với con số, ký tự, teencode thế hệ Z lại vận dụng cách nói trại, nói ngọng hoặc cách phát âm tiếng nước ngoài như Anh, Hàn, Thái, Trung… để viết thành từ tiếng Việt.
Ví dụ: “thơ” sẽ được viết thành “ther”, “không” là “khum”, “cuộc sống” trở thành “cột sống”, "chếc gồi" (chết rồi), "gòi song" (rồi xong),...
Cũng như thế hệ trước, bộ teencode của những người trẻ ngày nay thể hiện bản sắc riêng của họ, hài hước, sáng tạo, độc nhất, không bị gò bó bởi nguyên tắc, tiêu chuẩn nào. Nhờ vào mạng xã hội, ngôn ngữ riêng của Gen Z cũng được lan tỏa rộng khắp.
Nói thế không có nghĩa là Gen Z bỏ qua các quy tắc chính tả. Họ vẫn rất chuẩn chỉnh trong văn phong, ngôn từ, nhưng ở trên các nền tảng mạng xã hội, họ đã tạo ra một "ngôn ngữ" cho riêng mình, phần lớn cho mục đích giải trí.
Vậy teencode có xấu không?
Việc sử dụng teencode của giới trẻ từ "ngày xưa" đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, teencode nên được đánh giá dưới nhiều góc nhìn khác nhau.
Thực tế, nhiều người lớn tuổi thường có phần gay gắt hơn với việc sử dụng teencode của các bạn trẻ.
Họ cho rằng ngôn ngữ tuổi teen làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt: "Buồn cho tiếng Việt của thế hệ học sinh, sinh viên bây giờ. Nhắn tin mà người nhận không hiểu là một thất bại trong giao tiếp". (Anh P.N chia sẻ)
Hoặc họ đánh giá việc giới trẻ dùng teencode với người lớn là một sự thiếu tôn trọng: "Nếu chỉ giao tiếp chơi giữa bạn bè vui vui thì cũng không sao. Nhưng vấn đề là nếu đem giao tiếp với những người thuộc thế hệ trên thì lại là sự không tôn trọng (bởi phần lớn họ đều khó có thể hiểu được ngôn ngữ này)". (Anh M. chia sẻ)
Mặt khác, không ít người lại cho rằng teencode là một sự sáng tạo của giới trẻ và nên được nhìn nhận, đánh giá công bằng.
"Nhiều người người rất bảo thủ và giáo điều. Giới trẻ họ sáng tạo thì phải động viên khuyến khích, đằng này cứ khư khư bảo vệ cái cũ. Tôi có cảm giác người Việt rất sợ thay đổi và luôn luôn an phận thủ thường". (chia sẻ từ bạn L.V.H)
Bạn T.A chia sẻ: "Tuổi trẻ mà cứ làm những điều mình thích nhưng lưu ý đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc, không ảnh hưởng tới ai là được".
Từ góc độ nghiên cứu ngôn ngữ, PGS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam nhận định: "Trong chừng mực nào đó, teencode có ý nghĩa tích cực. Cách viết lạ tạo ra sự thích thú, đáng yêu, hài hước khi giao tiếp, giúp tiếng Việt đa dạng hơn".
Thực tế, teencode còn là một dạng biệt ngữ khiến người trẻ dễ giao lưu, dễ thể hiện suy nghĩ, cảm xúc và thậm chí giúp giải tỏa căng thẳng, cuộc sống vì thế mà sinh động hơn. Tuy nhiên, PGS đưa ra lời khuyên cho những người trẻ khi giao tiếp không nên quá lạm dụng teencode, nhất là với người lớn tuổi, trong công việc hay những cuộc nói chuyện nghiêm túc.
Còn với những ai đã có “kinh nghiệm” dùng teencode cách đây chục năm, đọc “từ điển” Gen Z chắc hẳn sẽ giật mình vì sự biến hóa khôn lường của ngôn ngữ. Họ sẽ phần nào cảm nhận được "mình của ngày xưa" trong thứ ngôn ngữ này. Họ hiểu teencode chỉ mang lại cảm giác thỏa mãn nhất thời, nó sẽ mất đi theo thời gian nhưng lại là minh chứng không thể chối bỏ cho tuổi nổi loạn.
Và chắc chắn có một điều sau này khi Gen Z trưởng thành, họ sẽ có nhiều câu chuyện vui để kể, nhờ đó mà họ hiểu mình đã lớn nên từ sự nông nổi như thế nào - giống như cách mà những thế hệ Millenials đã và đang trải qua.