Tốt nghiệp đại học năm 1987, chị Lê An khi đó mới 22 tuổi, theo chồng về Hòn Gai công tác. Chị kể, ngày đó xe đi từ Hà Nội về Hòn Gai mất gần 1 ngày, phải qua mấy con phà, thời gian chờ phà có khi mất hàng tiếng đồng hồ. Ấn tượng đầu tiên của chị về Hòn Gai thật đặc biệt, đó là lần đầu tiên chị nhìn thấy biển gần đến thế. Trời nhá nhem tối mới đến bến phà Bãi Cháy, mệt mỏi vì đi đường xa nhìn thấy nước mấp mé chị chạy ào xuống vốc nước rửa mặt. “Ối sao nước sông ở đây lại mặn thế nhỉ?”. Một anh thanh niên đi cùng phà bật cười: "Không phải nước sông đâu đó là nước biển Vịnh Hạ Long em ơi". Chị đã làm quen với Vịnh Hạ Long như thế.
Chị An nhớ, thị xã gì mà bé xíu, chỉ có một con đường chính lầy lội bụi than chạy suốt từ Bến phà Bãi Cháy đến Cẩm Phả. Những ngày thuỷ triều dâng cao nước mấp mé đường tàu chở than từ các mỏ về bãi than của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai. Tiếng là phố mà như một công trường than, than ở ngay giữa lòng phố, bao quanh phố. Khu vực đường 25/4 phường Hồng Gai bây giờ, trước là khu sàng tuyển của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai; còn đại lộ Trần Hưng Đạo bây giờ trước đây là kho than. Cả thị xã khi đó chỉ lèo tèo vài góc phố, nơi “oách nhất” là khu vực chợ Hạ Long I, phố Hàng Nồi (phường Hồng Gai), phố Cây Bàng (phường Bạch Đằng) bây giờ; lác đác có nhà mái bằng.Hạ Long 30 năm trước được mệnh danh là thị xã than. Nhắc đến Hòn Gai người ta chỉ biết đến than, các ngành nghề khác hầu như không có gì nổi bật. Bụi than hiện hữu ở mọi nơi, phủ đen những mái nhà, đường phố. Khách đến nhà chơi, chủ nhà vừa rót cốc nước, khách chưa kịp uống đã thấy bụi than đọng dưới đáy cốc.
Phố xá ngày đó vắng vẻ và nhuốm màu bụi than, ban đêm chỉ nghe tiếng còi của tàu chở than, chưa đến 8 giờ tối phố xá đã im lìm, điện đường lúc có, lúc không. Phương tiện đi lại của người dân khi đó chủ yếu bằng xe đạp, nhà giàu lắm mới có xe máy. Các công trình văn hoá phục vụ nhu cầu giải trí của người dân giá trị nhất thời đó là 2 rạp chiếu phim Hạ Long, Bạch Đằng,ì cơ sở vật chất cũ kỹ, máy móc lạc hậu; còn Thư viện trung tâm của tỉnh chỉ có một ngôi nhà bát mái cũ kỹ, sách vở phủ đầy bụi than.
Là thị xã thủ phủ của tỉnh, nhưng ngày đó giao thông đi lại của Hòn Gai vô cùng khó khăn. Một ngày chỉ có vài chuyến xe đi ra tỉnh ngoài và nội tỉnh, nếu không xếp hàng từ sớm thì khó có thể mua được vé. Chính vì giao thông không thuận lợi, nên dù có nhiều tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nhiều năm trước Hòn Gai là một thị xã nghèo, lạc hậu. Có phải vì thế mà mảnh đất này đã không giữ được chân chị Lê An, về Hòn Gai được mấy năm, gia đình chị chuyển về Sài Gòn công tác, sinh sống.Khu vực Hà Lầm, Cao Xanh, Hà Khánh ngày đó còn hoang vu, dân cư thưa thớt, cả thị xã chỉ có khoảng vài nghìn dân, chủ yếu là các gia đình công nhân mỏ. Theo lời kể của các cụ cao niên trước đó mấy năm, xung quanh các ngọn núi ở Hà Lầm, Cột 8 vẫn còn có khỉ, thậm chí là trăn, hổ…
Một điều rất đặc biệt nữa về vùng đất này là dường như mỗi con đường, ngõ phố đều do chính cuộc sống đặt tên, nó mang hồn cốt về một thời gian khó, lam lũ của ông cha, khiến cho không chỉ những người sinh ra ở đây nhớ nhung, mà những người ngụ cư cũng không thể quên. Nhà báo Ngô Mai Phong (Báo Lao động) viết “Hòn Gai nhiều tên phố, nhiều địa danh luôn gắn liền với những biến cố thời gian, mưu sinh… như Lán Bè, Lán Đạo, Bến Tàu, Bến Đoan, Lò Vôi, Lò Bát, Thư Ký, Thương Mại, Loong Toòng, Mắm Tôm, Ca - rô”. Rồi những cái tên như Bãi Cháy, Kênh Liêm, Cột 3, Cột 5, Cột 8... nghe mộc mạc mà thương da diết như chính những người thợ mỏ chất phác, người dân chài lam lũ bươn chải năm xưa.Nhưng có một điều mà những người đã đến với Hòn Gai đều không thể quên, đó là cốt cách hay khí chất của người dân Vùng mỏ, chất phác, thật thà, tốt bụng. Cũng như chị Lê An, tôi về Hòn Gai làm việc từ những năm đầu của thập kỷ 90. Ấn tượng khiến tôi có cảm tình ngay với người dân ở đây chính là bác lái xe lam chở khách từ bến đò Hòn Gai đi vào phố. Hồi đó xe ôm chưa có, dịch vụ vận tải hành khách tư nhân chỉ có xe lam. Cứ 1 cuốc xe lam từ bến phà vào phố là 200 đồng, do tôi không biết rõ địa chỉ nơi mình xuống, nên bác xe lam bảo tôi "Cô cứ ngồi yên trên xe, bao giờ tìm được thì thôi. Cô ở xa về đây làm việc là quý rồi, tôi chỉ lấy tiền một lượt đi thôi".
Với sự kiên quyết, sáng tạo, đột phá trong chỉ đạo điều hành của Đảng bộ, chính quyền thành phố, quyết tâm đồng lòng của toàn dân, sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, TP Hạ Long đã vươn lên phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, xứng đáng là trung tâm kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh. Chỉ sau 10 năm thành lập, TP Hạ Long từ đô thị loại 3 đã được nâng cấp lên đô thị loại 2 và nay là đô thị loại 1.Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, Quảng Ninh và TX Hòn Gai xưa đã không ngừng phát triển, đổi thay mạnh mẽ. Sự phát triển đó được bắt đầu vào năm 1993 khi Chính phủ ban hành Nghị định số 102-CP về việc thành lập TP Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh (diện tích của Hạ Long là 271,95km2, chiều dài bờ biển gần 50km).
Nhiều dự án đầu tư quy mô lớn được thực hiện, như hạ tầng giao thông đường bộ, du lịch dịch vụ, thoát nước và vệ sinh môi trường. Kết cấu hạ tầng thành phố được phát triển đồng bộ, tăng cường khả năng kết nối vùng, thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, đô thị, thương mại, dịch vụ du lịch đến với Hạ Long.Việc trở thành đô thị loại I năm 2013 đã tạo ra bước đà vững chắc để tạo sức bật lớn cho TP Hạ Long trong quá trình phát triển. Tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn đạt mức cao, bình quân giai đoạn 2015-2019 là 15,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng khu vực dịch vụ đến nay đạt 59,9%. Hằng năm, thành phố hoàn thành dự toán thu ngân sách tỉnh giao và kế hoạch của thành phố, tăng bình quân 21,2%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn từ năm 2015 đến nay đạt gần 59.000 tỷ đồng, trong đó các chỉ tiêu do thành phố thực hiện đạt trên 13.500 tỷ đồng, bằng 30% so với tổng thu ngân sách nhiệm kỳ 2011-2015. Thu nhập đầu người bình quân các năm gần đây trên 9.000 USD/năm.
Cùng với đó, các công trình văn hóa, trung tâm thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí hiện đại mang đẳng cấp quốc tế, không gian du lịch được mở rộng từ phía đông sang phía tây của thành phố, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược tạo ra chuỗi các công trình, khu dịch vụ du lịch độc đáo, như: Khu vui chơi, giải trí Sun World Hạ Long Park, Công viên hoa Hạ Long, trung tâm thương mại Vincom, Big C Hạ Long, tổ hợp nghỉ dưỡng FLC..., góp phần thu hút lượng lớn khách du lịch đến Hạ Long, đồng thời tạo tiền đề vững chắc để Hạ Long vươn mình thành thành phố du lịch, trung tâm tổ chức các sự kiện quốc tế.
Nhiều người dân Hòn Gai xa xứ, khi trở về thăm quê đã không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay này. Một lần ở khu đô thị Vinhome Hạ Long, tôi bắt gặp một nhóm người say sưa chụp ảnh. Một người đàn ông luống tuổi kể với tôi, gia đình ông định cư ở Canada vừa về thăm quê, vì nhiều thành viên tuổi cao không về được, nên ông chụp nhiều ảnh Hạ Long để mang sang cho mọi người ngắm.Không gian đô thị Hạ Long được mở rộng, hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, nhiều tuyến đường được mở rộng, kết nối các khu vực nội thị và các địa phương khác. Đặc biệt việc khánh thành cầu Bãi Cháy và mở rộng QL18A; đường cao tốc nối TP Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, tuyến đường 10 làn xe Hoàng Quốc Việt, sắp tới sẽ là tuyến đường bao biển đẹp nhất tỉnh, đã mở ra dấu ấn đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của hạ tầng giao thông của tỉnh, của Hạ Long.
Bạn tôi cũng gần 20 năm chưa trở lại quê nhà, lần này về ngỡ mình đi nhầm. Xe đi qua Tuần Châu, Bãi Cháy, bạn tôi cứ ngỡ đi lạc. Mấy ngày nay bạn tôi đi khắp Hạ Long, tìm lại những ngõ phố xưa mà chẳng thể nhận ra nữa, không còn dấu vết của một thị xã bụi bặm, buồn tẻ, Hạ Long giờ quá đông vui, sầm uất, sạch đẹp.Ông kể lần gần đây nhất ông có về, nhưng Hòn Gai chưa thay đổi như thế này. Chỉ tay về dãy nhà tầng cao vút bên kia đường ông nói, xưa nhà ông ở dưới chân núi, dân cư khu vực này chủ yếu sống bằng nghề buôn hàng cáy (hàng seconhand) và chở đò thuê cho thuỷ thủ ra tàu. "Nơi tôi và cô đang đứng đây ngày xưa là biển, còn phía khu chung cư lộng lẫy kia trước là mấy dãy nhà lụp xụp của cảng Hòn Gai. Còn nơi Trung tâm thương mại Vincom, tôi nhớ xưa là nơi thuyền chã neo đậu lên chợ Hòn Gai bán hàng" - ông nói.
Thật sự khó có thể hình dung nơi kho than lầy bụi xửa, giờ đã trở thành đại lộ Trần Hưng Đạo thênh thang, nhà cao tầng… Và có giàu tưởng tượng đến mấy, bạn tôi cũng không thể nghĩ nơi bạn tôi đang đứng đây trước kia nhiều con tàu đã thả neo ở đó.
Những khu phố nghèo nàn xưa như Hà Lầm, Ba Đèo, Yết Kiêu..., nay đã trở thành những khu vực dân cư đông đúc, nhà cao tầng đồ sộ. Điện, đường, nước máy, viễn thông, thương mại, dịch vụ tất cả đã phát triển mạnh mẽ, phục vụ cho đời sống của người dân ngày càng văn minh, hiện đại. Bạn tôi tính mấy năm nữa sẽ về hẳn đây sinh sống, bởi thấy không ở nơi đâu đẹp và tốt bằng quê nhà.
Có thể khẳng định rằng trong hơn ba thập kỷ qua, cùng với sự trưởng thành của tỉnh, TP Hạ Long đã vươn lên không ngừng để tạo nên vóc dáng của một thành phố hiện đại, văn minh, thành phố ven biển đáng sống bậc nhất hiện nay với một không gian đô thị được mở rộng từ việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.
Việc sáp nhập này sẽ tạo điều kiện phát triển TP Hạ Long thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh và là một trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế. TP Hạ Long tiếp tục bước sang một giai đoạn phát triển mới, với tầm nhìn mới và có tính chiến lược lâu dài. Sự sáp nhập và mở rộng sẽ đáp ứng mọi yêu cầu phát triển mới về đất đai, dân số và cơ sở hạ tầng, đồng thời xây dựng Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển, du lịch sinh thái rừng với không gian cảnh quan tự nhiên thân thiện; có dịch vụ du lịch với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.Ngày 17/12/2019 tại phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của một số tỉnh, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, đối với sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, Quảng Ninh sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, để mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ. Sau khi sáp nhập, không gian phát triển của TP Hạ Long mới sẽ là 1.119,12km2, gấp hơn 4 lần diện tích cũ, Hạ Long trở thành đô thị lớn nhất cả nước.
Để hoàn thành được sứ mệnh này đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh, nội lực của chính quyền tp{ Hạ Long, sự đồng thuận quyết tâm của mọi người dân Hạ Long. Hạ Long sẽ là thành phố phát triển ngang tầm quốc gia và quốc tế, xứng đáng với truyền thống của Vùng Mỏ bất khuất, kiên trung.Một thành phố phát triển kinh tế theo hình thái đa ngành, phù hợp với chủ trương của Trung ương và định hướng phát triển đô thị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay, Hạ Long được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy quan trọng để tỉnh Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và của cả nước.
Những con đường hẹp ven núi đã biến mất, thay vào đó là những tuyến đường rộng thênh thang; những ngôi nhà lụp xụp nhuốm bụi than giờ đã trở thành những khu đô thị sầm uất; những con tàu trắng vươn mình giữa biển khơi thay cho những chiếc đò nan cũ. Những chuyến phà nặng nhọc rời bến giờ chỉ còn trong ký ức; cây cầu Bãi Cháy tựa như cây đàn giữa lưng chừng trời đang thả những nốt nhạc của cuộc sống không ngừng tiến lên phía trước.Chị Lê An kể, 10 năm ở Hòn Gai đã để lại trong chị quá nhiều những kỷ niệm không thể quên. Sau bao nhiêu năm trở lại, chị thấy lạ lẫm như chưa từng đến. Để thoả lòng ngắm lại những con đường xưa, chị An đã thuê một chuyến thuỷ phi cơ bay khắp Vịnh Hạ Long và thành phố. Đi qua chỗ nào chị cũng reo lên như một đứa trẻ: “Đây này, con đường phía dưới ngày xưa là Nhà máy cơ khí, chỗ Vòng quay mặt trời trước là núi Ba Đèo. Con đường ven biển Trần Quốc Nghiễn trước toàn là thuyền mủng dân chài đậu ken kí; bãi tắm Bãi Cháy xưa bé tí giờ mênh mông...”
Gió biển Hạ Long mặn mòi vẫn không ngừng hát về những khúc ca thăng trầm của mảnh đất này. Nếu bạn thả lòng theo gió và nhắm mắt lại sẽ nghe vang vọng tiếng còi tan tầm nhà máy năm xưa, tiếng tàu chở than xình xịch lăn bánh, tiếng người thợ mỏ hát khi tan ca. Bạn sẽ thấy Hạ Long quê tôi đã trưởng thành như thế nào và bạn sẽ nhớ sẽ yêu mãi mãi miền đất nên thơ này.
Đặng Nhung