Trong quan niệm của người Thái Trắng, khi hết một năm cũ, chuẩn bị bước vào năm mới, mọi người trong thôn bản đều phải gội đầu để rửa trôi những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn, xui xẻo của năm cũ, tống tiễn tai ương, bệnh tật xuôi theo dòng nước (dòng suối) đi mãi không lặp lại đồng thời cầu mong năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.
Lễ hội Gội đầu được tổ chức vào buổi trưa ngày 30 Tết (ngày cuối của năm cũ). Người Thái Trắng cho rằng cứ hết chiều 30 Tết là bước sang năm mới, vì thế trước khi làm nghi lễ cúng Tết, ở nhà mọi người đều phải ra sông, ra suối tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới thì mới được làm lễ.
Nguồn gốc của lễ hội bắt nguồn từ truyền thuyết về nữ tướng Nàng Han - người có công dẹp giặc phương Bắc. Truyền thuyết kể rằng Nàng Han là một người con gái đóng giả trai để tập hợp binh mã, cầm quân đánh đuổi giặc ngoại xâm, đoàn quân của nữ tướng đuổi giặc ra khỏi bờ cõi nước ta thuộc huyện Phong thổ, tỉnh Lai Châu bây giờ thì đánh tan quân giặc. Sau khi đánh thắng giặc trở về, đúng vào ngày 30 Tết âm lịch, buổi chiểu hôm đó, Nàng Han ra lệnh cho quân sĩ dừng lại bên bờ suối nghỉ ngơi, tắm gội, ăn mừng chiến thắng và đón chào năm mới. Kể từ đó để tưởng nhớ đến nữ tướng Nàng Han, cứ chiều 30 Tết, bà con dân tộc Thái trắng lại tổ chức lễ gội đầu để cúng mừng năm mới.
Để lễ Gội đầu diễn ra tốt đẹp thì trước đó hàng tuần, người con gái Thái đã vo gạo nếp để lấy nước, nước gạo được để trong chum hoặc nồi cất giữ cả tuần hoặc lâu hơn, để càng chua càng tốt. Đôi lúc, nước gội đầu là những hương liệu dầu quả bồ kết pha lẫn nước vo gạo, cánh hoa rừng. Đó là nước gội dành cho đàn bà, con gái. Có thể những người khác không biết đến sẽ cho rằng đây là một điều kỳ quặc, kinh tởm khi loại nước vo gạo để hàng tuần lên men, bốc mùi chua lại cho lên đầu để gội, nhưng mấy ai biết được rằng chính loại nước này lại là một bí kíp để giúp cho mái tóc người con gái Thái đen dài, mượt mà, óng ả mà không chút gầu dính đầu. Còn nước tắm của người con gái thường là nước thơm của cây mùi già. Đàn ông thì nước gội thường là bồ kết, người ta nướng bồ kết rồi bẻ ra ngâm vào nước đun sôi. Mọi người đều mặc áo váy đen, phụ nữ bên trong mặc áo áo ngắn theo tiếng Thái còn gọi là “sửa nọi”, bên ngoài khoác áo dài Thái gọi là “sửa luông”, “sửa luông” được thiết kế theo phong cách riêng của người Thái, chủ yếu làm từ vải đen, 2 bên vai có 2 dải màu buông xuống trước ngực trông rất điệu đà. Ngày nay, theo sự phát triển của thị trường, thì “Sửa luông” cũng được may cải tiến, thắt đáy ở eo lưng, không thẳng vạt như áo cổ xưa. Đàn ông thì mặc giản dị hơn, áo mới vải đen, đầu cuốn khăn màu tối.
Thầy mo chuẩn bị bao kiếm của tổ tiên, vai vác theo sung kíp và 1 chiếc túi nhỏ có trang trí hoa văn bằng chỉ ngũ sắc, tiếng Thái gọi là “thung xanh”, trong túi đựng bảo bối mà ông cha để lại, gọi là bảo bối nhưng thực chất chủ yếu là những đồ vật như: móng vuốt hổ, vuốt gấu, đoạn sừng tê giác, châu ngọc hoặc của hồi môn như nhẫn vàng và bạc. Cách thức tổ chức lễ Gội đầu gồm các hoạt động như: trước khi đi ra bờ sông, bờ suối để gội đầu, người đứng đầu bản hoặc thầy mo sẽ thắp hương trước bàn thờ tổ tiên để mời họ đi gội đầu cùng con cháu trước khi đón năm mới. Thầy mo hoặc trưởng bản là người đi đầu đoàn, theo sau là dân bản, những nam thanh nữ tú khiêng trống chiêng vừa đi vừa đánh, trống đánh nhịp 3 và đệm 1 nhịp chiêng. Đoàn người làm lễ gội đầu lặng lẽ theo hàng một đi ra bờ sông như một đám rước, họ rước theo báng nước gội, tay cầm 1 cành lá dùng trong nghi thức gội đầu.
Đến bờ sông, đàn ông và các bé trai đi ngược lên thượng nguồn chừng dăm chục mét, đàn bà và các bé gái ở phía dưới dòng, lúc này người chủ lễ mới hát lên lời khấn thần linh, đại ý lời khấn như sau:
“Năm hết tết đến, tết đến tiễn cái cũ đi, cái tốt thì ta mang về
Cầu cho năm mới làm ăn phát đạt
Cái xấu, cái cũ hãy đi xa, đi xa mãi, đừng bao giờ quay về nữa
Cái mới cho mọi người thêm nhiều may mắn.”
Sau lời hát tiễn đưa, nếu như trước đây chủ lễ giương súng chĩa lên trời nổ phát đạn làm hiệu lệnh để bắt đầu vào gội đầu, nhưng do bây giờ không được sử dụng súng nữa nên thao tác này không được thực hiện. Ông chủ lễ khấn xong lời khấn thần linh là mọi người gội đầu. Phụ nữ cởi áo yếm từ từ bước xuống dòng sông, nước ngập đến đâu thì vén váy đến đó. Họ từ từ cúi đầu, xõa tóc xuống dòng sông, tay cầm cành lá xanh nhúng xuống nước rồi đập nhẹ lên tóc nhiều lần cho ướt đẫm. Hành động này được cho là xua đi những gì không may mắn trong năm cũ và giờ đây không còn bận long gì thêm nữa. Sau đó họ vứt cành lá xuôi theo dòng nước chảy đi, những bát nước vo gạo đã được ngâm cho chua được xối từ từ gợi lên mọi điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới thật tinh khôi. Việc sau cùng diễn ra bên dòng sông là giặt giũ tất cả quần áo, váy cho sạch sẽ trước khi ra về để hoàn tất lễ gội đầu tất niên. Hình ảnh người con gái Thái từ từ bước xuống dòng nước, cúi đầu xõa tóc tạo nên một nét đẹp mộc mạc, trong sáng, hồn nhiên trước cảnh thiên nhiên sông nước, phẳng lặng, một vẻ đẹp chân chất, trong sáng đến mức thánh thiện.
Ngày nay, theo thời gian, xu hướng phát triển của thời đại, lễ hội Gội đầu cũng có sự cải tiến và mai một. Để bảo tồn và phát huy nét đẹp và những giá trị truyền thống cũng như đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Sau khi thực hiện di dân tái định cư, nhường chỗ cho công trình thủy điện Sơn La đến nơi ở mới tại Phiêng Lanh, bà con nhân dân cũng như huyện Quỳnh Nhai, đã tổ chức, phục hưng lễ hội Gội đầu để tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc Thái huyện Quỳnh Nhai, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho người dân. Lễ hội cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch, con người Quỳnh Nhai./.