mùa xuân trên những mái nhà
Lào Cai, trọng điểm của du lịch Tây Bắc với Sapa, núi Fansipan, núi Hàm Rồng, Thác Bạc, bản Cát Cát, chợ phiên Bắc Hà, ruộng bậc thang Y Tý ... Ít ai biết Lào Cai là thành phố ngã 3 sông thơ mộng, chứng nhân lịch sử của bao dâu bể thăng trầm, gắn liền mối quan hệ hai nước Việt - Trung.
Chẳng biết từ lúc nào, khi chờ khách đi chợ Cốc Lếu hoặc đợi tàu xuôi về Hà Nội, tôi thường tha thẩn dọc ngã ba sông, ngắm bên này Lào Cai, bên kia Hà Khẩu (Trung Quốc). Thích nhất là vào quán Nắng, nhâm nhi cafe nghe dòng sông thầm thì kể chuyện và gió xuân về ríu rít đùa vui. Sông Hồng mùa này trong xanh tĩnh lặng, êm đềm như tiếng mẹ ru. Sông Nậm Thi thì xanh hơn nhưng cũng điệu đàng nắng sớm.
Dòng người cứ hối hả ngược xuôi, tất bật đón tết, chẳng phân biệt được Việt hay Hoa. Ngoài hoa kiểng, trái cây, thịt các, bao lì xì, đi chùa ... người Việt có thêm bánh chưng; người Hoa thêm tục đốt pháo. Trung quốc chỉ cấm đốt pháo tại các thành phố lớn, còn vùng quê thì tha hồ. Gần chục năm nay, việc cấm đốt pháo ở Việt Nam là nét văn hoá mới, vừa tiết kiệm lại an toàn. Nhưng nhiều người nghiền màu đỏ, mê mùi thuốc súng đến giao thừa là lại qua Hà Khẩu mua pháo đốt xả láng cho bõ tức. Múi giờ Trung quốc trước Việt Nam 1 tiếng nên dân 2 nước cùng được đón giao thừa của nhau.
Giao thừa Hà Khẩu thì trên trời rực rỡ pháo hoa, dưới đất đinh tai trái pháo. Thi nhau "đốt tiền", càng nhiều càng tốt. Chỉ khổ người già và trẻ con, no tai vì tiếng nổ nhức óc, ngập phổi vì khói thuốc pháo và bụi đường. Giờ giao thừa Lào Cai thì pháo hoa khoe sắc trên trời, dưới đất người người trẩy hội.
Người Việt, người Hoa đều có thói quen viếng đền chùa đầu năm mới. Ở Lào Cai, khi giao thừa vừa sang là dòng người lũ lượt đổ về đền Thượng và đền Mẫu, bên cạnh dòng Nậm Thi, cầu quốc thái dân an, gia canh hạnh phúc, non sông ững bền. Đề Thờ Mẫu bà chúa Liễu Hạnh, xây dựng từ cuối thế kỷ XVII trên gò Mai Lĩnh, còn gọi la núi Hoả Hiệu. Đây là vị trí chiến lược, dân quân nước Việt dùng lửa làm hiệu lệnh chống giặc. Tương truyền Đức Thánh Trần từng đến đây thị sát phòng tuyến chống quân Mông Cổ vào cuối thế kỷ XIII.
Ngã ba sông bình yên và xinh đẹp này từng chứng kiến bao cuộc chiến tranh giữ nước oai hùng, khốc liệt và bi tráng chống lại những kẻ thù từ bên kia sông. Không phải tự nhiên mà cha ông ta lại xây đền Thượng, thờ Quốc công tiết chế, biểu tượng cho ý chí vệ quốc ngay cửa ngõ biên giới. Để con cháu, cứ mỗi dịp xuân về là "Ôn cố tri tân", cầu cho giang sơn xã tắc bền vững.
"Đứng trước đền Quốc Công tôi hỏi các cụ già:
Sao cổng đền thường quay về hướng Bắc ?"
Các cụ cười - rung chòm râu bạc
Phía ấy - ngày xưa - thường - có giặc !"
35 năm trước, thành phố Lào Cai từng bị san bằng, đền Thượng bị phá huỷ. " Sau cơm mưa, trời lại sáng"; thành phố và cả đền Thượng được xây dựng lại "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Người Việt nhắc lại chuyện xưa để đề cao cảnh giác, hành xử đúng mực và trân trọng hoà bình.
Nói như anh Hoàng Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Lào Cai :"Mỗi người dân vùng biên ải đều là một chiến sĩ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh thổ, vun đắt tình hữu nghị".
Gặp những người dân Hà Khẩu, họ ngại nhắc lại chuyện xưa. Ai cũng mong muốn hoà bình để yên ổn làm ăn. Xảy ra xung đột thì bên nào cũng thiệt và người dân đều khổ. Người Việt, người Hoa đều có niềm tin và ước mơ tương tự.
Lễ hội đề Thượng thờ Trần Hưng Đạo đại vương ở Lào Cai được tổ chức vào dịp đầu xuân thay vì tháng 8 là nét văn hoá độc đáo. Trong dòng người lũ lượt về dự, có nhiều người Hoa. Quốc công là vị thần chung của vùng biên ải. Người xưa thường truyền tụng "Nếu dân tộc Việt Nam sinh ra ở phương Bắc, thì vó ngựa quân Mông Cổ không thể dẫm nát châu Âu. Nếu Trần Quốc Tuấn sinh ra vào đời Tống thì người Trung Quốc không bị quân Nguyên đô hộ cả trăm năm !"
Chỉ có Lào Cai, thành phố duy nhất ở Việt Nam có thể ngồi một chỗ đón giao thừa lần lượt của hai nước.
Tản bộ dọc sông Hồng hay sông Nậm Thi, hoặc ngồi quán Nắng, để chứng kiến sự giao thoa trời đất giữa năm cũ - mới để suy ngẫm chuyện đời, sẽ thấy cuộc sống thật thú vị và đáng yêu.
Nguyễn Văn Mỹ