Khi đến Myanmar lần đầu tiên cách đây 6 năm trong một chuyến công tác, tôi cảm thấy như đang du hành về quá khứ: mọi thứ đều chầm chậm, khoan thai, đến độ suốt ruột.
Tài xế taxi thường đón chúng tôi sau nửa tiếng gọi điện đặt xe. Yêu cầu được sửa wifi trong khách sạn để có thể gửi 1 đoạn video gấp về cơ quan xử lý được giải quyết sau ... 2 tiếng.
Hàng ăn đa số đóng cửa sớm, thậm chí 8 giờ tối, nhưng sáng hôm sau có thể 10 giờ mới mở trở lại. Cao ốc thưa thớt. McDonalds và KFC ở Yangon có đâu đó chỉ 1-2 cái, dù đây là đô thị sầm uất nhất của Myanmar. Hầu hết đàn ông vẫn mặc longyi (loại váy quấn quanh người của Myanmar), nhai trầu bỏm bẻm, còn phụ nữ đều xoa trắng lên má thanaka ( một loại bột chăm sóc da mặt truyền thống được làm từ gỗ cây), kể cả lái xe taxi và lễ tân trong những khách sạn lớn nhất.
Khi chuyện phiếm, những người bạn Việt Nam đi công tác cùng tôi đều nhìn Myanmar như một bàn đạp cho ký ức của họ vận động: những gì diễn ra ở đây giống Việt nam cách đây khoảng 30 năm, thời điểm khi "tăng trưởng" không còn được coi là khái niệm xa vời.
Ở MẶT BIÊN KIA
Trong khi ấy, một đất nước cùng khu vực ASEAN là Singapore đem đến ấn tượng ngược lại: đến đây như là viếng thăm tương lai. Đô thị hiện đại, được quy hoạch cực tốt, sạch sẽ, không tì vết.
Khi quốc đảo nhỏ bé này tách khỏi Malaysia và tuyên bố độc lập vào năm 1965, một tỷ lệ khá lớn dân số còn mù chữ, dân cư thưa thớt, nghèo đói. Từ đó đến nay, Chính phủ Singapore đã tạo dựng những nền tảng thuận lợi cho tăng trưởng, biến nơi đây thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới.
Nhưng sau khi bị choáng ngợp bởi thịnh vượng và giàu có, bạn sẽ nhận ra một sự thật khác: xét trên góc độ lịch sử văn hoá, đây chưa hẳn là điểm đến lý tưởng. Có rất ít di tích có thể viếng thăm, và khó thoả mãn được những tâm hồn phong phú. Đa số du khách đến đây cũng thường chụp ảnh khu Marina Bay Sands hoặc tượng Sư tử Merlion, thay vì thăm Thian Hock Keng, ngôi đền lớn bậc nhất ở quốc đảo này (xây vào năm 1821, một trong những công trình tôn giáo hiếm hoi ở Singapore).
Nếu bạn thích mua sắm, tiêu tiền và hưởng thụ bầu không khí văn minh tuyệt vời, Singapore là nơi thiết kế chính xác cho nhu cầu đó. Nhưng ở mặt bên kia của quá trình tăng trưởng, là sự chấp nhận hy sinh chiều sâu về bản sắc văn hoá. Sau tất cả những hưởng thụ, là một khoảng trống phảng phất điều gì đó vô hồn.
Myanmar thì lại là nơi lý tưởng lấp đầy khoảng trống đó, dù như đã nói, những người ủng hộ cho tăng trưởng quốc gia và chủ nghĩa tiêu dùng sẽ cảm thấy phấn khích ở đây.
Khuất sau bộ mặt khá ủ ê của đô thị Myanmar khi đó, là những khoảng khắc sởn da gà khi bạn được chứng kiến những điều khó tin của đất nước này: bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp ở Bagan; ngôi chùa Shwedagon ở Yangon có tuổi thọ 2.500 năm với ngọn tháp chính được bao phủ bởi 30 tấn vàng; hay chùa Hòn Đá Vàng (Kyaikhtiyo) nằm trên một tảng đá khổng lồ cũng dát vàng, chỉ tiếp xúc với sườn núi một tiết diện 78 cm2 mà không rơi suốt hàng nghìn năm, dù cheo leo ở độ cao hơn 1000 mét so với mặt nước biển !
Người Myanmar không sốt sắng và chuyên nghiệp với tư cách người làm dịch vụ, nhưng họ chân thành và dễ thương như những người bạn. Khách sạn tiếp nhận yêu cầu sửa wifi cho tôi với tốc độ rùa bò, cũng là nơi có một anh chàng lễ tân nhiệt tình đến nỗi, xách hộ chân máy quay phim cho đoàn tôi đến một buổi họp báo cách đó gần 1 cây số.
Đấy dường như là điều trớ trêu ở bất kỳ điểm đến nào trong cuộc đời chúng ta: những gì ấn tượng và đáng ngưỡng mộ nhất cũng có thể chứa đựng luôn những gì đáng thất vọng nhất và ngược lại.
Mỗi lựa chọn thích nghi, vì thế đều ẩn chứa một lựa chọn đánh đổi.
Cô bạn tôi cưới một người Đức ban đầu cũng choáng ngợp và tất nhiên ngưỡng mộ kỷ luật giờ giấc ở đất nước này: mọi hàng quán sẽ chỉ được hoạt động trong khung giờ nhất định (ví dụ siêu thị sẽ chỉ hoạt động đến 8 giờ tối, còn hàng ăn có thể mở đến 10 giờ). Sự ngăn nắp giúp người Đức giảm giờ làm mà vẫn tăng năng suất lao động, điều giải thích cho việc họ đang là một trong những đất nước giàu có và có phúc lợi tốt nhất thế giới hiện nay.
Nhưng, mặt trái của tính cách độc lập, kỷ luật và có phần lạnh lùnglùng là sự cô đơn. Một cuộc khảo sát vào đầu năm ngoái của kênh truyền hình hàng đầu của Đức ARD với hơn 1000 người dân đã cho ra kết quả: 51% cảm thấy cô đơn là "vấn đề nghiêm trọng", còn 17% nói rằng "rất nghiêm trọng". Hơn 3 triệu người Đức cao tuổi đang sống trong các viện dưỡng lão, thay vì vui vầy bên con cháu như đa số các gia đình phương Đông.
Cô bạn tôi thậm chí đã thuyết phục được chồng cùng tham gia vào kế hoạch chuyển cả gia đình từ Đức trở lại Việt Nam trong một vài năm tới. Đời sống cao và phúc lợi ở Đức là đáng mơ ước, nhưng vẫn có mặt bên kia của bất kỳ điều tốt đẹp nào.
"TA LÀ AI MÀ ĐÒI PHÁN XÉT"
Điều tương tự xảy ra ở khắp nơi, với chủ nghĩa tiêu dùng của người Mỹ, lễ nghi khắt khe ở Nhật Bản, hay mối liên hệ giữa văn hoá ngẫu hứng hào sảng của Nam Mỹ và xã hội lộn xộn, thiếu trật tự, với tỷ lệ tội phạm cao ở Brazil, Mexico ...
Tôi cũng tưng bối rối với lựa chọn ứng xử khi đối mặt với sự đa dạng của thế giới này: tôi không thích cách người Malaysia gốc Ấn ăn bốc; cũng không thích khi người Singapore có phần lạnh lùng, xa cách; không thích cả việc lái xe taxi Myanmar cứ vừa vần vô lăng vừa nhai trầu bỏm bẻm. Tôi lên Hà Giang và thậm chí từ chối uống rượu với nhiều người yêu quý mình chỉ vì ác cảm sau khi xem một phóng sự về một bản làng mà người dân ở đây chỉ ngập trong rượu, và phong tục thường thấy của họ là "cốc rượu làm đầu câu chuyện".
Nhưng suy cho cùng, thì như một câu nói nổi tiếng của Giáo hoàng Francis :
"Ta là ai mà đòi phán xét ? "
Những người Malaysia không nghĩ về phép vệ sinh như tôi, mà thậm chí coi việc dùng tay trần đón nhận thức ăn từ Đấng tối cao là nghi thức thiêng liêng.
Những người Singapore không phải thiếu đi sự nồng ấm, nhưng bề ngoài của họ là sự diễn đạt của tác phong nghiêm túc, sự chỉnh chu và đầy ý chí trong công việc. Người Myanmar gắn bó với những điều truyền thống đến nỗi hoàn toàn không quan tâm đến việc người ngoài nghĩ gì. Còn ở vùng cao Việt Nam, khi ngồi uống rượu với bạn, là họ đã yêu quý và cọi bạn như một thành viên trong gia đình... Ta hầu như không đủ dữ liệu để phán xét bất kỳ điều gì.
Việc hiểu và chấp nhận tính 2 mặt này có lẽ chính là món quà cho bất kỳ ai thích xê dịch: sẽ không có đích đến nào là "tốt hơn", mà chỉ có nơi "phù hợp hơn". Khi bạn đến bất cứ đâu, và vấp pảhi một điều tốt nhất hoặc tệ nhất dưới lăng kính của bạn, thì có thể điều bạn cần làm, là tự nhủ rằng mình vẫn chưa sống đủ lâu ở đây, để nhìn ra mặt bên kia của nó.
Bạn sẽ không thể cực đoan, nếu hiểu rằng mỗi một nét hấp dẫn cực đoan nào đó của một nền văn hoá bất kỳ, cũng có thể kéo theo một điều có thể khiến bạn thất vọng, và ngược lại.
Khi vẫn còn ưa phán xét, thì điều đáng buồn là càng đi nhiều, có thể bạn sẽ càng thất vọng, bất chấp việc có check-in bao nhiêu điểm đến, chụp bao nhiêu bức ảnh, và đăng bao nhiêu clip lên mạng xã hội.
Kết thúc chuyến đi Myanmar 6 năm về trước, tôi trở về Việt Nam với trạng thái mông lung. Tôi không còn đủ can đảm để nói về sự kém hào nhoáng của đô thị Myanmar, hay chê bai một cách dễ dãi trạng thái kém tăng trưởng của họ, sau khi đã choáng ngợp vì lịch sử và nội lực văn hoá mạnh mẽ của đất nước này. Cảm giác tương tự đến khi tôi đặt chân xuống Campuchia, vượt qua những con đường bụi bặm và nhếch nhác, để rồi ngỡ ngàng trước những di tích đồ sộ, cảm khái trước một lịch sử bi thương nhưng không kém hoành tráng, của nơi là quê hương nền văn minh Angkor lừng lẫy một thời, hay đi cả ngày không nghe một tiếng còi xe ở Lào, cách người ta nhường nhau khi tham gia giao thông và sang đường ở Viên Chăn nếu đem so với Hà nội thì thật ngán.
Khi đã chấp nhận rụt rè hơn với những góc nhìn cá nhân vội vã, tôi cảm thấy thoải mái hơn với những chuyến đi về sau. Hệ thống những giá trị làm nên bản thân tôi không còn "đóng", mà luôn ở trong trạng thái "mở", và nhìn những điều trước mắt không chỉ có hai màu đen trắng phân minh, mà còn có rất nhiều màu xám. Tôi trở nên kiên nhẫn hơn, biết chấp nhận hơn và hoàn toàn không còn muốn thế giới đổi thay theo ý thích của mình, bởi điều này thực ra là bất khả thi. Nếu muốn, ta chỉ có thể thay đổi chính mình. Thế giới này là đa dạng và mọi sự xảy ra đều có lý.
Rốt cục thì, chúng ta sẽ dần quên lãng đa số các sự kiện trong cuộc đời này: những điểm đến, những món đồ lưu niệm đã mua, những con người đã gặp, thậm chí cả những người bạn đồng hành từng một thời gian thân thiết... Nhưng khả năng rung cảm trước những điều đẹp đẽ, sự cởi mở, tự tin, bao dung với những khác biệt, cùng rất nhiều những điều không tên khác, sẽ là những món quà ở lại mãi mãi sau mỗi chuyến đi.
Cảm xúc và những thay đổi nội tâm đã ăn vào tiềm thức thì chẳng bao giờ có thể lãng quên, kể cả khi, trí nhớ cơ học của chúng ta đã dần mệt mỏi mà đánh rơi nhiều khoảng khắc.
theo LOOK magazine