Tất cả vì màu xanh của Biển

Phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường luôn là một trong những vấn đề quan trọng và ưu tiên bậc nhất đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Là địa phương sở hữu hơn 250km bờ biển, 50% diện tích là biển đảo, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, vì vậy, trách nhiệm bảo vệ môi trường biển nói riêng và môi trường tự nhiên nói chung luôn được Quảng Ninh quan tâm, nỗ lực thực hiện trong suốt thời gian qua.

TẤT CẢ VÌ MÀU XANH CỦA BIỂN

Từ nhiều ngày nay, trên Vịnh Hạ Long các lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và ngư dân đã ra quân quyết liệt thu gom rác, cụ thể là những vật liệu NTTS trôi nổi như bè mảng hỏng, phao xốp sau khi được tháo dỡ, di dời, chuyển đổi sang vật liệu nổi HDPE chưa thu gom gây ảnh hưởng đến môi trường vịnh, để lại ấn tượng xấu cho khách du lịch.

Cao tường huy

Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực địa khu vực NTTS và những khu vực có phao xốp trôi nổi trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Nga

Ngay khi nắm được sự việc, với vai trò là cơ quan quản lý trực tiếp, BQL Vịnh Hạ Long đã báo cáo UBND tỉnh, gửi văn bản tới Chi hội Tàu du lịch Hạ Long cùng các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, du lịch trên Vịnh Hạ Long thực hiện phối hợp thu gom rác thải, bảo vệ môi trường vịnh. Thông báo tới các địa phương: Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn về công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường từ các hoạt động tháo dỡ, di dời lồng, bè NTTS trái phép và tăng cường công tác quản lý, giám sát thu gom triệt để rác thải sau tháo dỡ, di dời lồng, bè NTTS trái phép... Từ ngày 24/3 đến nay, BQL Vịnh Hạ Long đã huy động 25 tàu, xuồng, thuyền và gần 100 người vớt rác tại tất cả các luồng, tuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long. Sau khi thu gom, lượng rác thải được đưa vào bờ tập kết để xử lý theo quy định.

Các địa phương cũng khẩn trương vào cuộc. Tính đến ngày 14/4, TP Cẩm Phả đã hoàn thành việc thu gom  tổng số 250.872 phao xốp, 1.037 mảng tre, rác thải... đưa về nơi tập kết để xử lý. TX Quảng Yên đã thu gom, tập kết lên bờ 1.800/128.000 quả phao xốp cần thay thế. TP Hạ Long phối hợp với BQL Vịnh Hạ Long thực hiện vớt, thu gom vật liệu NTTS thải bỏ từ các địa phương Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên trôi dạt trên Vịnh Hạ Long với khối lượng khoảng 2.500m3 phao xốp, 50 mảng tre...

vớt rác vịnh hạ long

Các lực lượng được huy động để thu gom rác thải trên Vịnh Hạ Long đảm bảo hoàn thành trước ngày 28/4/2023.

Đặc biệt, chiều 15/4, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra thực địa khu vực nuôi thủy sản trên Vịnh Hạ Long, những khu vực có phao xốp trôi nổi trên biển. Đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tất cả các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên phải có trách nhiệm thu gom rác ở trên địa bàn. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động xử lý lồng, bè, thay thế phao xốp của người dân để ngăn chặn tình trạng xả rác thải ra khu vực Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long; có phương án giám sát, thu hồi vật liệu và tổ chức thu gom ngay từ nguồn khi có rác phát tán ra môi trường. Riêng TP Hạ Long phải phối hợp cùng BQL Vịnh Hạ Long tăng cường nhân lực, nguồn lực thực hiện thu gom rác thải, phao xốp, trước ngày 28/4/2023 thu gom xong toàn bộ phao xốp trôi nổi trên Vịnh Hạ Long để đảm bảo cảnh quan môi trường.

Không chỉ trong đợt cao điểm này, nhiều năm qua, các biện pháp, hành động quyết liệt bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long luôn được tỉnh chỉ đạo sát sao, thực hiện nghiêm túc. Bám sát Quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các cấp, ngành, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Đến nay, 100% tàu tham quan trên vịnh đều lắp đặt thiết bị phân ly dầu - nước để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp ra vịnh. Đối với hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định không đánh bắt thuỷ sản trong khu vực di sản. Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi gây tác động xấu đến môi trường vịnh.

Thực hiện chương trình "Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa", nước lọc trên tàu du lịch được sử dụng trong chai thuỷ tinh thay cho chai nhựa.

Thực hiện chương trình "Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa", nước lọc trên tàu du lịch được sử dụng trong chai thuỷ tinh thay cho chai nhựa. 

Từ năm 2019, BQL Vịnh Hạ Long đã phát động chương trình “Không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ, du lịch trên Vịnh Hạ Long” và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, du khách. Đặc biệt, BQL vịnh sẽ xem xét tạm ngừng hợp đồng hoạt động đối với những tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ trên Vịnh Hạ Long nếu cố tình vi phạm nội dung chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”.

QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Những năm qua, mục tiêu phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường luôn được Quảng Ninh coi trọng, quyết tâm, nỗ lực thực hiện. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chỉ rõ định hướng của tỉnh: “Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. 

thanh niên dọn rác bãi biển hạ long

Cụm Đoàn số 2 (Thành Đoàn Hạ Long) ra quân hưởng ứng chiến dịch "Hãy làm sạch biển" năm 2023 trên đảo Áng Dù (Vịnh Hạ Long). (Ảnh: Thành Đoàn Hạ Long)

Bám sát, cụ thể hóa các nghị quyết, mục tiêu đó, công tác bảo vệ môi trường biển tiếp tục được tăng cường, thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thay thế hoàn toàn phao xốp bằng vật liệu nổi HDPE trong hoạt động NTTS, các địa phương ven biển như Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Vân Đồn đã và đang tập trung tổ chức thực hiện chuyển đổi phao xốp, cũng như di dời, giải tỏa hoạt động NTTS trái phép ảnh hưởng đến môi trường biển. Theo thống kê đến nay, toàn tỉnh có hơn 1,5 triệu phao xốp đã được thay thế bằng phao nhựa HDPE, đạt trên 60%.

Để tăng cường bảo vệ cảnh quan, môi trường biển, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương nghiên cứu thành lập các tổ tự quản về bảo vệ môi trường biển, ANTT và có sự giám sát của chính quyền địa phương đối với những khu vực trong quy hoạch NTTS lồng bè đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện công tác quy hoạch, giao, quản lý khu vực biển NTTS trên địa bàn đảm bảo phù hợp, thống nhất với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023) và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ quy hoạch vùng NTTS; xử lý nghiêm minh đối với các vi phạm xảy ra trên địa bàn thuộc quyền quản lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối với tất cả những trường hợp vi phạm.

huyện đoàn Cô tô

Huyện Đoàn Cô Tô tổ chức tuyên truyền và cung cấp túi giấy thay thế túi nilon cho du khách, góp phần bảo vệ môi trường biển đảo. (Ảnh: Trung tâm TT-VH Cô Tô)

Song song với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân tuân thủ quy định của pháp luật và chung tay bảo vệ môi trường biển cũng được thực hiện tích cực thông qua chiến dịch "Hãy làm sạch biển", phong trào "Ngày Chủ nhật xanh"...

Năm 2022, Quảng Ninh đạt 17,12 điểm trên bảng xếp hạng chỉ số xanh (PGI), thuộc nhóm có chỉ số cao nhất cả nước. Kết quả này không chỉ là minh chứng, mà còn là động lực để Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực trách nhiệm, kiên định mục tiêu bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững trong tương lai.

Ý KIẾN CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC

Bảo vệ môi trường mang yếu tố then chốt đối với công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên nói chung, Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long nói riêng. Nhân chiến dịch ra quân bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đã và đang được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ghi lại ý kiến của một số nhà khoa học, người dân và du khách.

Cần giảm thiểu tác động tới hệ sinh thái.

Tiến sĩ Lưu Hồng Trường, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam)

Biển, đại dương ngày càng có vai trò quan trọng với đời sống con người. Một trong các vấn nạn cần giải quyết triệt để là ô nhiễm từ nhựa, rác thải nhựa trên biển. Đây là vấn đề mà Vịnh Hạ Long đang gặp phải và cần giải quyết.

 Trên thực tế, phao xốp và các loại nhựa đều nguy hiểm, vì rất khó phân hủy. Không chỉ ảnh hưởng tới cảnh quan, các loại rác thải này còn ảnh hưởng tới hệ sinh thái, đời sống các loài thủy sinh. Phao xốp, rác nhựa nhiều, gây che phủ lớn sẽ hạn chế ánh nắng mặt trời xuống mặt nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới môi trường nước, mà còn tới sự phát triển của hệ sinh thái, các sinh vật thủy sinh bề mặt, ăn nổi, các loại tảo, rong... Nếu để lâu dài gây hậu quả khá lớn tới đa dạng sinh học, môi trường sinh thái.

 Vì thế, cần phải khắc phục ngay bằng cách làm sạch bề mặt biển. Về lâu dài cần triệt để thắt chặt, không cho triển khai các vật liệu này và thay thế bằng các vật liệu an toàn, thân thiện với môi trường hơn, dù chi phí ban đầu có lớn. Tôi được biết đây là hướng đi đúng đắn mà tỉnh Quảng Ninh đang làm. Tôi cho rằng đây là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.

Ấn tượng chưa đẹp với sản phẩm du lịch, cảnh biển. Giám đốc Halotour Trần Đăng An

Trần Đăng An Halotours

Xưa nay, chúng tôi luôn tự hào với du khách trong và ngoài nước về cảnh quan thiên nhiên của Việt Nam. Chúng tôi giới thiệu và đưa du khách tới tham quan các điểm đến đẹp, mặt biển xanh, bãi cát trắng dài... của Vịnh Hạ Long. Những đặc trưng, sự hấp dẫn trên là chất liệu không thể thiếu trong các tour, các sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp du lịch.

 Vì thế, hình ảnh rác thải nhựa, phao xốp phát sinh trên Vịnh Hạ Long gây sự phản cảm lớn với du khách, giảm sút sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Chúng tôi từng tiếp cận và nghe phản hồi từ du khách cho biết, dù rất muốn tham gia các hoạt động tại đây, nhưng thấy cảnh bốn bề là rác, du khách không thể thoải mái vui chơi, cảm giác khá thất vọng...

 Vì thế, tôi cho rằng cần khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh môi trường, cải thiện hình ảnh trong mắt du khách. Điều này đặc biệt cần thiết khi mùa du lịch hè đang đến gần. Về lâu dài cần quản lý chặt chẽ, thực hiện các chương trình giáo dục cộng đồng, nâng cao nhận thức, thậm chí có thể huy động sự vào cuộc của các đơn vị lữ hành, người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch trên vịnh.

Nên có chương trình hành động cụ thể làm sạch vịnh.Anh Hoàng Văn Mạnh (TP Hà Nội)

Tôi có cơ hội du lịch Quảng Ninh nhiều lần. Mỗi lần dừng chân tại đây, tôi và gia đình đều lựa chọn Vịnh Hạ Long là điểm tham quan đầu tiên trong hành trình du lịch. Điều làm tôi đặc biệt ấn tượng là Vịnh Hạ Long có phong cảnh tuyệt đẹp, cùng hệ thống hang động kỳ vĩ. 

 Nhưng gần đây, hiện trạng rác thải phao xốp tràn lan trên vịnh đã phần nào làm mất mỹ quan cảnh sắc của vịnh. Nếu vấn đề này tồn tại lâu dài sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến di sản trong tương lai. Là một khách du lịch yêu cái đẹp, tôi thiết nghĩ cơ quan chức năng, đơn vị có liên quan nên chung tay có chương trình hành động cụ thể làm sạch vịnh. Cùng với đó là có hình thức xử phạt cụ thể với cá nhân, tổ chức tái diễn việc xả rác thải phao xốp làm xấu hình ảnh, môi trường trong lòng di sản

 

Cần sớm trả lại vẻ đẹp và sức hấp dẫn cho Vịnh Hạ LongAnh Hoàng Đức Tiến (hướng dẫn viên du lịch)

Là một hướng dẫn viên du lịch, gắn bó với hoạt động hướng dẫn du khách tham quan dọc tuyến, điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long hơn 10 năm, tôi thấy rất nhiều phản hồi từ khách du lịch đánh giá Vịnh Hạ Long là điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, thời gian qua có hiện tượng rác thải, phao xốp tràn lan trên vịnh ảnh hưởng đến rất nhiều hoạt động tham quan, ngắm cảnh, chèo thuyền kayak... của khách du lịch. Vì thế, du khách đã có những phàn nàn, phản hồi, chấm điểm thấp doanh nghiệp lữ hành, điểm đến, dù chất lượng dịch vụ tốt.

 Đã có rất nhiều ý kiến, sự phản hồi từ du khách mà chính tôi được nghe. Mặc dù chất lượng các loại hình dịch vụ du lịch tại Hạ Long gần đây luôn được đánh giá cao, đem lại sự hài lòng cho khách phương xa, nhưng nếu có "sạn" như vậy thì Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long sẽ không thể có được điểm 10 trọn vẹn trong lòng du khách.

TRÁCH NHIỆM KHẨN TRƯƠNG THU GOM RÁC

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, quyết tâm đến ngày 28/4, toàn bộ rác thải, phao xốp trôi nổi trên Vịnh Hạ Long sẽ được thu gom triệt để, trả lại màu xanh yên bình của biển, đảm bảo cảnh quan môi trường di sản sạch đẹp, phục vụ mùa du lịch cao điểm, các địa phương, đơn vị, ngành chức năng trên địa bàn TP Hạ Long đang huy động tối đa lực lượng, thiết bị thực hiện thu gom rác đưa về nơi tập kết, xử lý theo đúng quy định. 

Những cục phao xốp gây mất cảnh quan, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách khi tham quan Vịnh Hạ Long.Phao xốp và rác thải tạo thành từng vệt dài trên biển, trôi dạt vào chân núi.

Cán bộ, nhân viên Sở TN&MT thu gom rác thải, phao xốp tại khu vực đảo Ti-Tốp. Ảnh: Hoàng Nga

Rác từ các tàu nhỏ được nhân viên BQL vịnh Hạ Long tập kết lên tàu lớn để chuyển vào bờ.

Phao xốp được tập kết ở khu vực Bến Đoan để đưa đi xử lý đúng quy định.

YẾU TỐ THEN CHỐT ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Môi trường giữ vị trí sống còn đối với biển, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, môi trường sống của các loài thuỷ hải sản, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống loài người. Giữ gìn môi trường biển, vì thế mang rất nhiều ý nghĩa.

Xác định như vậy nên nhiều năm qua, gìn giữ, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm dù đây là nhiệm vụ khó khăn. Bởi giữa gìn giữ, bảo tồn với các nhu cầu, yêu cầu phát triển của nhiều ngành kinh tế luôn có mâu thuẫn, xung khắc. Dù vậy thì bảo vệ môi trường luôn được đặt lên hàng đầu. Ngay UNESCO cũng luôn quan tâm, “soi” công tác bảo vệ môi trường của chính quyền các nước, các vùng có di sản được xếp hạng di sản văn hoá, di sản thiên nhiên thế giới, trong đó, Vịnh Hạ Long không phải ngoại lệ.

Nói việc bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long khó khăn là bởi trước đây đã từng có nhiều lần tỉnh, thành phố Hạ Long có các chủ trương di dời nhà bè, quy hoạch lại vùng nuôi trồng thuỷ sản trên Vịnh nhưng do tập quán sinh sống, làm ăn của ngư dân trên Vịnh Hạ Long đã có từ lâu đời. Chuyện sống trên các nhà bè đã ăn sâu vào nếp nghĩ, sinh hoạt của các gia đình ngư dân nên khi nói đến chuyện di chuyển lên bờ, với họ là cả một vấn đề. Đã không ít lần thành phố Hạ Long tổ chức cưỡng chế, di dời nhưng chỉ hôm trước, hôm sau lại “đâu vào đấy”.

Tuy nhiên, bằng chủ trương đúng đắn, bằng những giải pháp thích hợp, người dân, doanh nghiệp, nhất là các hộ dân đã từng bước nhận thức ra vấn đề cốt lõi đó là sự cần thiết để bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long cho chính cuộc sống hiện tại và con cháu mai sau. Hơn nữa, đó chính là cách để chăm lo an sinh xã hội, đảm bảo các nhu cầu chăm lo sức khoẻ, học tập, cuộc sống một cách tốt nhất cho chính người dân chài và con em của họ.

Sau khi di dân thành công, các khu nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh dịch vụ trên Vịnh Hạ Long cũng đã từng nước được quy hoạch, điều chỉnh, nhất là việc áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để tránh tối đa ảnh hưởng đến môi trường biển. Những phao bằng xốp trước đây dùng để neo nổi nhà bè, lồng nuôi cá, tôm, giàn treo hà, hàu… thì đã từng bước được thay thế bằng những vật liệu bền vững là phao compozit.

Cùng với các giải pháp trên biển, những giải pháp nhằm triệt tiêu gây ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn cũng được tỉnh chỉ đạo triển khai như trồng rừng, xử lý nước thải sinh hoạt, nhất là nước thải từ khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp… Các dự án được giám sát chặt chẽ việc đảm đảo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều mừng nhất, đó chính là qua việc triển khai các giải pháp từ tuyên truyền, vận động đến áp dụng các quy định nghiêm khắc của pháp luật trong việc bảo vệ, gìn giữ môi trường biển, nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp đến người dân đã không ngừng được cải thiện, nâng lên. Các phong trào“5 không, 3 sạch”, mô hình “Biến rác thành tiền”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình”, “Xử lý rác thải tại đồng ruộng”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Tuyến đường không rác”... đã góp phần triệt tiêu đáng kể những nguồn ô nhiễm từ bờ ra biển.

Hiện nay, các địa phương như Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Quảng Yên đã và đang chuẩn bị triển khai nhiều biện pháp nhằm sắp xếp lại các khu nuôi trồng hải sản, dịch vụ trên biển; coi gìn giữ, bảo vệ môi trường biển là trọng tâm, bền vững và lâu dài. Đây là cách tốt nhất để trao truyền những giá trị ý nghĩa nhất về cuộc sống cho con cháu mai sau.

Ngày đăng: 23/4/2023 Thực hiện: NGUYỄN DUNG - TẠ QUÂN - HOÀNG QUỲNH - ĐẠI DƯƠNG Trình bày: ĐỖ QUANG - BÁO QUẢNG NINH ĐIỆN TỬ