Cuộc hội thoại trong bộ phim Mỹ ra mắt 22 năm trước của đạo diễn Mike Judge với cái tên rất phù hợp - Office Space (Không gian văn phòng) - chẳng khác chi điềm báo cho thời đại công việc biến động chưa từng thấy hiện giờ.
Nhân vật Peter nêu một câu hỏi đậm màu nhân sinh quan: "Đời còn gì hay nếu chúng ta vẫn cứ làm công việc giống hệt bây giờ khi đã 50 tuổi?". Samir trả lời với chút mỉa mai: "Công việc mà ổn định được như vậy là phước đức đó".
Năm 2021 này, Peter Gibbons (Ron Livingston thủ diễn) - nhân vật chính trong Office Space - sẽ bước vào tuổi "tri thiên mệnh". Nhưng hồi năm 1999, anh hẳn không tưởng tượng nổi rằng ở thời đại này, việc được làm cùng một công việc từ khi 20 đến khi 50 tuổi đã gần như bất khả. Đó không còn là gánh nặng của sự tẻ nhạt và nhàm chán, mà đã trở thành một đặc quyền chỉ rất ít người dám mơ tới.
Nếu những đứt gãy đã bắt đầu từ khi Internet ra đời và nền "kinh tế chia sẻ" tràn ngập thế giới, đại dịch COVID-19 càng khiến tính chất bấp bênh và những điều chỉnh với lực lượng lao động thêm sâu sắc. Dạo qua một vòng các sinh viên đại học ở Hoa Kỳ vào đầu năm mới giữa mùa dịch, Hãng tin CNBC ngày 3-1 ghi nhận nhiều chuyển biến nhận thức.
Lấy ví dụ, Jackson England - 20 tuổi, vốn là sinh viên y khoa ở Đại học Columbia - khởi đầu với ước mơ trở thành bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Nhưng chứng kiến COVID-19, anh giờ muốn chuyển sang khoa tâm lý học. "Khi corona ập tới, tôi bắt đầu nhìn thấy rất nhiều vấn đề với công lý xã hội trên truyền thông, đó là khi tôi đổi ý", England nói.
Một hệ quả khác của đại dịch là nhiều công ty để nhân viên làm việc ở nhà. Ước tính 42% lực lượng lao động Mỹ hiện làm việc từ xa, theo một nghiên cứu của Đại học Stanford. Điều đó làm thay đổi tính toán của những người trẻ sắp bước vào đời - nhiều người thấy họ không cần chuyển tới những siêu đô thị như thành phố New York để tìm việc nữa.
"Cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến tôi nhận ra cách duy nhất để có một công việc ổn định là tự gầy dựng doanh nghiệp của mình và gác lại ý tưởng tìm một công việc hoàn hảo trong ngành tài chính ở các tập đoàn lớn", Laura Vasco, học kinh doanh và tài chính ở Đại học Montclair State, nói.
Vài tháng trước, vừa đi học Vasco vừa khởi nghiệp với công ty chuyên kinh doanh thảm tập yoga thân thiện môi trường. "Rất khó khăn khi ta khởi nghiệp giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn thế này, nhưng tôi biết nếu mình không bắt đầu ngay, tương lai của tôi rốt cuộc sẽ phải phụ thuộc vào việc nền kinh tế có hồi phục đủ nhanh hay không", Vasco nói. Soi chiếu lại quan điểm và nhận thức của Peter Gibbons 22 năm về trước, đó thực sự là một thế giới hoàn toàn khác.
Patricia Paule - 28 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Munich (Đức) và đã có vài năm kinh nghiệm thực tập sinh - chia sẻ với Đài truyền hình DW rằng cô đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để xây dựng một sự nghiệp hoàn hảo đến mức cạn kiệt năng lượng vì những cú sốc y tế và kinh tế vừa qua.
Năm 2020, Patricia dự tính chuyển sang sống ở Ireland để vừa làm việc vừa thay đổi môi trường vài năm. Trước khi lên đường, cô sang thăm họ hàng ở Tây Ban Nha và dự tính sẽ thực hiện chuyến hành hương giống năm 2019: cuốc bộ từ Tây Ban Nha sang Bồ Đào Nha. Nhưng rồi cả hai quốc gia đó phải phong tỏa vì dịch bệnh. "Tình hình trở nên nghiêm trọng rất nhanh chóng", cô nhớ lại. Ngay cả việc trở về Đức cũng trở nên khó khăn: "Mọi dự tính của tôi tan thành mây khói. Tôi không còn biết phải làm gì".
Patricia đã cân nhắc ý tưởng bỏ việc và tự khởi nghiệp nghề tư vấn độc lập trong quản trị sáng tạo. Nhìn lại năm 2020, cô cũng không coi đó là một năm mất mát hay thất bại: "Virus corona có thể là cú hích mà tôi đang cần".
Tuy nhiên, các nhà xã hội học cảnh báo không phải người lao động trẻ nào cũng có được tinh thần lạc quan như vậy. "Năm vừa qua đánh dấu bước ngoặt với sự nghiệp của nhiều người trẻ. Nó tác động mạnh lên họ đúng vào lúc họ khởi đầu sự nghiệp - Michael Corsten, nhà xã hội học ở Hildesheim, một trong những người đầu tiên nói tới một "thế hệ corona", bình luận - Những người 18 - 30 tuổi đang thiết lập hành trình cuộc đời. Họ vừa tốt nghiệp, đang lựa chọn nghề, đang tìm một bạn đời, đang nỗ lực mua căn nhà cho riêng mình. Với không ít người, đây là "giờ cao điểm" trong cuộc đời họ, khi rất nhiều quyết định trọng đại được đưa ra trong một quãng thời gian ngắn, nhưng giờ họ đang phải nghi ngờ những quyết định đó và phải nhìn nhận lại những giá trị cốt lõi của mình".
Nhưng không phải chỉ có tin xấu. "Dịch bệnh buộc chúng ta dừng lại và suy nghĩ - Heike Solga, giáo sư xã hội học ở Đại học Tự do (Berlin), nói - Nhiều người trẻ giờ tự nhủ: Công việc trong mơ của mình hóa ra chỉ là bèo nước trong thời khủng hoảng, mình phải thay đổi thôi. Dịch bệnh đã đặt ra những thách thức thật sự, nhưng hi vọng nó cũng sẽ mang lại cả cơ hội nữa".
Nikkei Asian Review dự báo tới năm 2025, "thế giới công ăn việc làm sẽ linh hoạt và dung nạp hơn với một số người chúng ta, và tàn nhẫn, phân tán, và bấp bênh hơn với một số người khác". Đồng thời, xu hướng "công việc giao thoa" (hybrid work) sẽ trở thành chủ lưu. Đó là khi người ta không còn làm hay nghỉ cố định theo giờ giấc, ngày tháng của thời đại công nghiệp nữa - người lao động có thể làm 2-3 ngày trong tuần ở nhà hoặc từ xa.
Hệ quả trực tiếp của điều đó là không gian làm việc thay đổi: ở nhà, ở văn phòng, và một nơi thứ ba - những không gian làm việc chia sẻ, hay thậm chí là quán cà phê, công viên… Một trong những hiệu ứng tích cực là khi công việc không còn đòi hỏi sự hiện diện liên tục, phụ nữ sẽ bình đẳng hơn với nam giới ở sở làm, khi họ có thể sắp xếp thời gian tối ưu cho cả công việc và gia đình. Ở chiều ngược lại, những làn sóng thất nghiệp, nhất là với người trẻ, sẽ còn tiếp diễn ít nhất là vài năm sau 2020.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mặc dù các tác động trực tiếp của COVID-19 lên sức khỏe nhóm người trẻ tuổi nói chung là ít nghiêm trọng hơn, nhưng họ đang chịu ảnh hưởng không kém bởi những hậu quả lâu dài của đại dịch, bao gồm cả tác động về mặt tinh thần.
Ở nước Anh, không những việc học gián đoạn mà những vấn đề trong gia đình đang làm nặng lòng nhiều người trẻ khi họ bị buộc trở về nhà. Dù đang ở độ tuổi thanh xuân phơi phới, các sinh viên này cho biết họ cảm thấy cô đơn, chán nản, buồn bã và không thể ngủ được. Mức độ hoảng loạn đã tăng vọt trước cảm giác bất an, việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp với giáo viên và bạn bè, cũng như nỗi sợ hãi của họ về tương lai.
Tại Úc, 40% trong số người trong độ tuổi 15 - 25 tham gia khảo sát hồi giữa năm ngoái của Quỹ Sức khỏe tâm thần thanh niên quốc gia cho biết cảm thấy đại dịch đã ảnh hưởng đến niềm tin của họ về khả năng chinh phục các mục tiêu tương lai. Trong một công trình khác, Stefanie Dimov (ĐH Melbourne, Úc) dành cả năm qua để thu thập suy nghĩ của những người trẻ về ước mơ và việc làm, công việc mà cô kể với The Guardian là "rất đau lòng". "Cảm giác chung mà tôi nhận được từ hàng trăm phản hồi là người trẻ đang trải qua cảm giác vô vọng và bị sốc" - Dimov kể.
Theo một nghiên cứu ở Trung Quốc hồi tháng 2 năm ngoái, trong 7.000 người tham gia, lực lượng dưới 35 tuổi bộc lộ mức độ lo lắng cao hơn và nhiều triệu chứng trầm cảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Trong khi đó tại Mỹ, cuộc khảo sát mới nhất do bác sĩ Roy H. Perlis từ Trường Y Harvard (Mỹ) chủ trì cho thấy gần một nửa số người trẻ (18 - 24 tuổi) có các triệu chứng trầm cảm, với hơn một phần ba thừa nhận có ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
Vì sao người trẻ tuổi lại đặc biệt dễ bị tổn thương trong thời gian này? Các nghiên cứu trước đây về cách cảm xúc của chúng ta thay đổi trong suốt quãng đời có thể gợi mở một vài manh mối cho các nhà khoa học đang bắt đầu tìm cách ráp nối những mảnh ghép trong bối cảnh COVID-19 để tìm câu trả lời.
Theo "lý thuyết chọn lọc cảm xúc xã hội" (Springer Nature, 2016) của nhà tâm lý học Laura L. Carstensen (ĐH Stanford), thế hệ trẻ hơn nhìn nhận về thời gian rất khác. Khi còn trẻ, thời gian sống còn nhiều, người ta thường tập trung tìm kiếm tri thức, chẳng hạn như đầu tư vào một dự án dài hạn. Mặt khác, khi người lớn tuổi hơn nhận thức về quỹ thời gian hạn chế, họ thường tập trung vào các mục tiêu gắn với cảm xúc, như tận hưởng những khoảnh khắc đẹp và tham gia vào các hoạt động thoải mái. Hay nói cách khác, ngay cả khi không có đại dịch, nhóm người lớn tuổi quan tâm và nỗ lực hơn trong việc điều chỉnh cảm xúc của họ, và vì vậy có xu hướng sống hạnh phúc hơn.
Khi một đại dịch toàn cầu được thêm vào "phương trình hạnh phúc", nhóm người trẻ tuổi gặp bất lợi lớn hơn. Các mục tiêu quan trọng ở độ tuổi này, như tích lũy kỹ năng mới hoặc gặt hái thành công trong công việc, đang bị cản trở vì trường học đóng cửa và việc làm khan hiếm. Trong khi đó, mặc dù cuộc sống của tất cả chúng ta đều bị ít nhiều hạn chế, người lớn tuổi thường dễ dàng tìm thấy sự hài lòng trong những điều nhỏ bé.
Theo lý thuyết của Carstensen, người trẻ muốn mở rộng tối đa mạng lưới xã hội, họ thích các kết nối mới mẻ và hứa hẹn nhiều lợi ích trong tương lai. Điều này tỉ lệ nghịch với độ tuổi, vì càng sống lâu người ta càng chọn lọc và trải qua quá trình "cắt tỉa" để họ được bao bọc bởi những bạn bè thân thiết nhất. Đặc tính này tình cờ lại phù hợp với lối sống giãn cách và nhốt mình trong "bong bóng" an toàn giữa đại dịch.
Tiến sĩ Betty Lai, chuyên gia trong ngành tâm lý học tham vấn thuộc ĐH Boston (Mỹ), gọi sinh viên của mình là "những người lớn đang trưởng thành", khi vẫn đang đi học, đang khám phá mọi thứ trên con đường họ đi, bao gồm những câu hỏi về nghề nghiệp và ai sẽ bên cạnh họ dài lâu trong cuộc đời. "Đại dịch đang thay đổi những cơ hội để họ tìm câu trả lời, tất nhiên gồm cả cơ hội được đến trường và gặp gỡ" - cô chia sẻ trên The New York Times.
Là chuyên gia nghiên cứu sức khỏe tâm thần sau thảm họa, như thiên tai hay khủng bố, tiến sĩ Lai nhận định đại dịch hiện nay là mảnh đất màu mỡ để các thảm họa sức khỏe tâm thần sinh sôi với mức độ nguy cơ chưa từng có. "[Giai đoạn khủng hoảng] này lại kéo dài, lâu hơn bất cứ điều gì chúng ta từng thấy trước đây, và việc phải giãn cách xã hội chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn" - cô nói.
Các chuyên gia đang tìm hiểu những cách khác nhau giúp thế hệ trẻ (và những người khác) đối phó với sự cô lập và căng thẳng của đại dịch. Trong bài báo trên tạp chí American Psychological Association, các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho rằng một cách để người trẻ chiến thắng những cuộc chiến trong tâm hồn là cố gắng "thưởng thức" những trải nghiệm đời thường, hàng ngày bằng năm giác quan, qua đó khuếch đại cảm xúc tích cực và thúc đẩy trạng thái bình tĩnh. Phương pháp này có thể giống như việc bạn chú ý đến hơi thở và cảm giác của mười đầu ngón tay mỗi khi căng thẳng.
Tương tự, một nghiên cứu cách đây 10 năm với 282 sinh viên đại học ở Bỉ cho thấy rằng những suy ngẫm tích cực hoặc kéo dài sự chú ý vào những khía cạnh dễ chịu của hiện tại (như sự kinh ngạc trước cảnh hoàng hôn hoặc say sưa trong niềm vui khi được gọi điện thoại với một người bạn) sẽ mang đến cảm xúc lành mạnh. Kể cho người khác nghe về những cảm xúc trên thậm chí còn "công hiệu" hơn nữa. Phải nói rằng phương pháp này hoàn toàn trái ngược với việc dành hàng giờ mỗi ngày để tiêu thụ mớ tin tức về COVID-19, điều mà nhiều người đang làm.
Theo Sophie McMullen, biên tập viên tạp chí Greater Good: "Tìm cách duy trì sự kết nối, cho đi và nhận lại sự hỗ trợ có thể giúp chống lại những trải nghiệm đau buồn mà nhiều người đang phải đối mặt… Mặc dù tâm trí của chúng ta có thể bị kéo vào việc theo đuổi các mục tiêu tương lai lớn lao và gặp gỡ những con người mới, nhưng trong thế giới hiện nay, điều quan trọng là tập trung vào sức khỏe tinh thần và những mối quan hệ thân thuộc".
Một năm sống trong đại dịch COVID-19 đã để lại những ảnh hưởng rõ rệt, cả tiêu cực lẫn tích cực, lên chuyện thu nhập và vấn đề tài chính của người trẻ khắp thế giới.
Bạn có thất nghiệp hay giảm thu nhập thì các hóa đơn vẫn đến đều đặn mỗi tháng.
Alyssa Desmore (23 tuổi), một sinh viên đại học ở California. Cô hiện sống cùng cha mẹ và chỉ nhận 98 USD/tuần tiền trợ cấp thất nghiệp trong lúc chờ được gọi đi làm trở lại tại một học khu địa phương.
Bức tranh đời sống kinh tế của người trẻ trong năm 2020 không chỉ là những điểm tối. Khi buộc phải thay đổi, ta có quyền chọn thay đổi để mọi thứ tốt đẹp hơn. "Hơn 16% thế hệ Z và 18% thế hệ millennial đã bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn để nghỉ hưu kể từ khi đại dịch bùng phát" - Stefanie Lewis, giám đốc Ngân hàng Wells Fargo, chia sẻ.
Trong cái rủi có cái may, cũng nhờ học được cách tiết kiệm nhiều hơn trong mùa dịch mà nhiều khách hàng trẻ tuổi của Wells Fargo đã đủ khả năng trả hết nợ tín dụng và các khoản vay sinh viên, theo Stefanie. "Những điều đơn giản như nấu ăn ở nhà và hạn chế ăn ngoài đã thay đổi quan niệm của nhiều người về giá trị cuộc sống. Ai cũng biết tự nấu ăn có thể giúp bạn tiết kiệm tiền, nhưng khi không còn lựa chọn nào khác thì người ta mới nhận ra niềm hạnh phúc của việc đó" - Stefanie nói.
Brennan Hickey (30 tuổi), sống ở bang Arizona, cho biết số tiền tiết kiệm và phần đóng góp cho quỹ hưu trí của anh đã tăng lên sau 8 tháng từ khi bắt đầu có dịch. Khoản chi duy nhất tăng lên trong dịch là tiền mà anh đầu tư cho môn thể thao ưa thích là chạy bộ đường mòn. "Tôi cảm thấy thoải mái với những gì mình có và sống bớt lệ thuộc vào vật chất hơn. Tôi chi nhiều tiền hơn cho các trải nghiệm và ít đi cho những món đồ mới" - Brennan nói với CNBC.
Với một số người trẻ như Robert Scanlon (23 tuổi), đến từ bang North Carolina, dịch COVID-19 giúp anh có mục đích rõ ràng hơn khi tiết kiệm. Thay vì ghé mua cà phê Starbucks mỗi sáng trên đường đi làm, Robert bắt đầu tự pha cà phê "vừa rẻ vừa ngon" ở nhà. "Tôi đang xây dựng tấm lưới phòng hộ cho riêng mình. Ai mà biết điều gì sẽ xảy đến trong tương lai" - Robert nói.