Vì sao điểm đến cần có sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho riêng mình?

Đối với du khách, đồ lưu niệm là những vật gợi nhớ về các trải nghiệm và kỷ niệm đẹp mình có được trong một chuyến du lịch. Vậy, đối với điểm đến, những món đồ lưu niệm này đóng vai trò gì? 

Theo định nghĩa của Cambridge, đồ lưu niệm là vật do người ta mua hoặc giữ lại để giúp mình nhớ những khoảnh khắc đặc biệt về một người, về một địa điểm, về một trải nghiệm trong chuyến đi hoặc trong sự kiện nào đó. Đồ lưu niệm ở đây đóng vai trò là một vật thể hữu hình giúp kết nối con người với nơi chốn và ký ức.

Hành vi mua đồ lưu niệm có trong rất nhiều các hoạt động, trong đó có cả du lịch và vui chơi giải trí. Trong du lịch, đồ lưu niệm là vật thường xuất hiện từ giai đoạn trải nghiệm nằm trong hành trình của du khách nhưng chỉ thể hiện công dụng của mình trong giai đoạn kết thúc chuyến đi - khi du khách đã quay trở về nhà, nhìn vào những món đồ mình đã mua và hồi tưởng lại những ký ức và trải nghiệm mình có tại điểm đến.

Đồ lưu niệm có những loại nào?

Các món đồ lưu niệm phổ biến và thường được mua nhất bao gồm tranh ảnh và bưu thiếp về khu vực hay điểm đến. Theo nghiên cứu Souvenir: What and Why We Buy (tiến sĩ Hugh Wilkins, Đại học Griffith), có đến 60% trong tổng số du khách nữ và 43% trong tổng số du khách nam luôn tìm mua những món đồ này trong chuyến đi của mình. Đối với nữ giới, nhóm đồ lưu niệm phổ biến thứ hai bao gồm các sản phẩm nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ hay những vật mang tính đặc trưng khác của khu vực. Đối với nam giới, đồ vật mang tính đặc trưng của khu vực cũng đứng thứ hai trong danh sách tìm kiếm khi nói đến mua quà lưu niệm, tiếp sau đó là nước hoa, đồ điện, máy ảnh và các vật dụng tương tự. 

markus-winkler-pxlikth8ffy-unsplash-1

Tuy nhiên, về bản chất, đồ lưu niệm không phải là những thỏi nam châm in hình sặc sỡ để đính lên cửa tủ lạnh, cũng không phải những chiếc áo thun hay thú bông mặc trang phục truyền thống hay những món đồ miễn thuế thông dụng. Đồ lưu niệm ở đây có thể có giá trị thực tiễn và một số chỉ có giá trị tinh thần, nhưng nhìn chung chúng đều mang một hoặc một số các giá trị đặc trưng của điểm đến.

Đồ lưu niệm đối với điểm đến du lịch

Ngoài việc kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn tại điểm đến để tăng doanh thu du lịch, đồ lưu niệm có thể đóng vai trò là một sản phẩm xuyên suốt cho việc tiếp thị điểm đến (destination marketing), từ đó tạo ra một hình ảnh thương hiệu du lịch thống nhất.

Việc có những sản phẩm lưu niệm đáp ứng được nhu cầu của du khách sẽ giúp điểm đến xây dựng được lòng trung thành của du khách đối với mình, đặc biệt khi những sản phẩm lưu niệm đó có giá trị sử dụng thực tiễn cao. Ví dụ, khi du khách mua đồ lưu niệm là một chiếc cốc với hoa văn hay hình ảnh đặc trưng của điểm đến, họ có thể dùng nó để pha trà/cà phê hằng ngày và mỗi lần sử dụng, họ sẽ nhớ lại khoảng thời gian mình có tại điểm đến và phần nào được thôi thúc quay trở lại đây.

pexels-pixabay-461428-1

Ngoài ra, khi du khách mua những món đồ lưu niệm với mục đích sử dụng làm quà tặng cho bạn bè hay người thân, họ vô tình trở thành các “đại sứ quảng bá” cho điểm đến. Những món đồ lưu niệm lúc này trở thành ấn tượng đầu tiên của các du khách tiềm năng về điểm đến. Vì thế, khi những điểm đến càng đầu tư cho sản phẩm lưu niệm, đặc biệt là những sản phẩm mang giá trị truyền thống và văn hóa, hình ảnh điểm đến sẽ dễ được biết đến và khả năng du khách cảm thấy tò mò cũng như bị thôi thúc để khám phá điểm đến này sẽ càng cao. 

Hơn nữa, việc phát triển các sản phẩm lưu niệm mang tính truyền thống và văn hóa bản địa sẽ góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương, đồng thời duy trì được các giá trị văn hóa vốn dễ bị mai một và hướng đến việc phát triển một cách bền vững.

miram-oh-fwpnzipisne-unsplash-1

Tạm kết

Một số điểm đến đã xây dựng được sản phẩm lưu niệm đặc trưng của mình có thể kể đến như Nhật Bản với búp bê daruma, bánh wagashi, quạt gấp sensu và matcha; Thụy Sỹ với sôcôla và dao díp; Nga với búp bê matryoshka; hay Hàn Quốc với nhân sâm, con dấu dojang và hanbok. Ở Việt Nam, tuy có bề dày văn hóa và lịch sử phong phú nhưng nước ta vẫn chưa thật sự đầu tư và tạo ra những sản phẩm lưu niệm mang tính biểu tượng của đất nước. 

Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam cũng đã và đang tìm kiếm một sản phẩm lưu niệm thích hợp và thật đặc sắc để giúp lưu lại những ấn tượng mà du khách có được trong quá trình khám phá đất nước hình chữ S. Hy vọng rằng trong tương lai, với nhiều ý tưởng đặc sắc, các cơ quan quản lý điểm đến có thể đi đến thống nhất để chính thức hoàn thiện sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng cho Việt Nam để góp phần nâng cao giá trị của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

________________________

Nguồn: Destination Review