Bình Liêu là một huyện miền núi, Biên giới, dân tộc nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, có vị trí quan trọng về chiến lược quân sự và quốc phòng.
Diện tích tự nhiên là 475,1km2, gồm 1 thị trấn và 7 xã, dân số trên 3 vạn người. Có nhiều dân tộc anh em cùng chung sinh sống hòa thuận, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 96%, chủ yếu là Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa …..
Phía Bắc huyện có tuyến biên giới dài 42,999 km tiếp giáp với huyện Ninh Minh (thuộc thành phố Sùng Tả) và Khu Phòng Thành (thuộc Thành phố Cảng Phòng Thành) tỉnh Quảng Tây- Trung Quốc, phía Tây giáp với tỉnh Lạng Sơn, phí Đông giáp huyện Hải Hà, phía Nam giáp huyện Tiên Yên và Đầm Hà...
Bình liêu bản tình ca bốn mùa
Trải qua những chặng đường lịch sử, đồng bào các dân tộc Bình Liêu luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau cùng đấu tranh với thiên nhiên khắc nhiệt, đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược để bảo tồn cuộc sống.
Qua đó, các dân tộc có sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau về phong tục, tập quán sản xuất, sinh hoạt văn hóa, làm cho đời sống văn hóa ở Bình Liêu có nhiều mảng mầu, sắc thái khác nhau. Người Bình Liêu luôn có ý thức, tự tôn dân tộc, thể hiện rõ nét trong việc gìn giữ tiếng nói, trang phục truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của dân tộc mình.
Những lễ, hội tiêu biểu hằng năm là Lễ hội Đình Lục Nà (từ ngày 15-17 tháng giêng âm lịch), Hội Soóng Cọ của dân tộc Sán Chỉ (ngày 15- 16/3 âm lịch), ngày lễ Kiêng gió của đồng bào Dao (ngày 4/4/ âm lịch)
Các chợ phiên hằng tuần vào Ngày chủ nhật. Các ngày lễ, hội, chợ phiên diễn ra trong không khí vui tươi, lành mạnh, giữ nguyên nét truyền thống. Trong các hoạt động văn hóa ấy, bà con dân bản, nam, nữ thanh niên có dịp gặp gỡ tâm tình, hát đối giao duyên, tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc cũng nhờ đó mà thêm bền chặt, keo sơn. Bên cạnh những nét đẹp về văn hóa, Bình Liêu còn là nơi hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế.
Ngày 11/4/2012, cửa khẩu Hoành Mô được công nhận là cửa khẩu chính theo quyết định 417/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Khu kinh tế Cử khẩu Hoành Mô – Đồng Văn đã được quy hoạch phát triển theo hướng khu kinh tế đa ngành, góp phần mở rộng giao lưu , buôn bán, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới.
Ngoài ra Bình Liêu còn có nhiều lợi thế về phát triển du lịch với phong cảnh miền núi tươi đẹp, rừng hồi, rừng quế thơm ngát; vẻ đẹp tự nhiên mà hùng vĩ của di tích danh thắng cấp tỉnh thác Khe Vằn; bãi “đá thần” ở Cao Ba Lanh vừa huyền bí vừa gợi vẻ thiêng liêng; núi Cao Xiêm, ngọn núi sừng sững cao nhất tỉnh …. Hòa trong cảnh sắc thiên nhiên đó là cuộc sống êm đềm, giản dị, đậm chất nhân văn và giàu tình người của đồng bào các dân tộc thiểu số đã bao đời gắn bó với mảnh đất này. Bình Liêu đang từng ngày phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 13%. Cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh chính trị được củng cố và giữ vững. Hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở giữ vững.
Thuộc thôn Khe Vằn, xã Húc Động. Thác cách trụ sở UBND xã Húc Động 3 km, cách trung tâm thị trấn Bình Liêu khoảng 12km về hướng đông nam. Tên thác Khe Vằn được bắt nguồn từ tên gọi Khe Vân. Dần dần, người dân nơi đây gọi chệch đi là Khe Vằn.
Thác nước cao gần 100m, không gian rộng với ba tầng nước chảy rì rào như bản hùng ca đêm ngày của núi rừng. mỗi tầng thác mang một hình thế, một dáng vẻ khác nhau. Tầng thứ nhất là dòng nước lớn được chảy từ các vách núi cao xuống tạo thành một hồ nước rộng, nước hồ trong xanh, cùng với thác nước tung trắng trời điểm thêm cỏ cây hoa lá trên vách đá, khung cảnh trở nên đẹp và thi vị. Bên góc phải của hồ nước là một quần thể đá sừng sững và góc cạnh tạo nên một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Tầng thứ hai được chia thành thành hai dòng thác chảy (dòng thác bé và dòng thác lớn).
Nước chảy từ trên cao đổ xuống, gặp đá tạo thành nhiều tầng nước tung ra những bọt nước trắng xóa. Dưới chân thác, nước chảy mạnh xối vào núi đá lâu dần hình thành nên một bể nước. Tại đây có những hòn đá khổng lồ và bằng phẳng là không gian nghỉ ngơi lý tưởng. Tầng thứ ba, dòng nước chảy từ tầng hai xuống và đổ ra suối. Không gian chân thác là các tảng đá to, ở giữa có một hòn đá giống con voi đang phủ phục. Các khối đá nhô lên giữa vùng nước trong xanh, tạo nên một sức cuốn hút và hấp dẫn kỳ lạ đưa du khách khám phá cảnh quan đá và nước hòa quyện vào nhau.
Là thác nước cao 2 tầng nằm tại địa phận xã Đồng Văn, đây là thác nước lớn thứ hai ở Bình Liêu, ở đây phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm. Tương truyền xưa kia ở nơi đây có đá 7 màu nên nhiều người khi lên đây tham quan đều cố tìm kiếm và mang về làm kỷ niệm.
Là ngọn núi cao nhất Bình Liêu với độ cao 1.330m, nằm ở xã Lục hồn cách thị trấn Bình Liêu khoảng 6km về phía bắc. Quanh năm ngọn núi phủ trong mây và sương mù, vào những ngày nắng to thì có thể nhìn thấy rõ ngọn núi phủ trong mây và sương mù, vào những ngày nắng to thì có thể nhìn thấy rõ ngọn núi, nếu đứng trên ngọn núi Cao Xiêm mà ngắn bốn phương thì thấy Bình Liêu đẹp tựa bức tranh thủy mặc, từ đây có thể nhìn ra tận cửa biển Tiên Yên và đặc biệt ngọn núi Cao Xiêm còn ẩn chứa bao truyền thuyết huyền bí.
Cao Ba Lanh (xã Đồng Văn) là một dãy núi có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, diện tích trên 400ha, bao gồm 3 đỉnh núi: Cao Ba Lanh Thượng, Trung và Hạ. Từ khu vực đỉnh dãy núi Cao Ba Lanh có thể quan sát được toàn bộ khu vực các bản Phai Làu, Phạt Chỉ, Khu Chợ, Đồng Thắng và điểm thông quan (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) cùng khu vực bản Tràng Nhì, Bản Hanh, Bàn Nà Kép (Trung Quốc).
Trên đỉnh Cao Ba Lanh có những hòn đá rất kỳ lạ, khi gõ vào phát ra tiếng kêu vang, dân gian gọi là “đá thần”. Những phiến đá thần ở Cao Ba Lanh vừa huyền bí, vừa gợi vẻ linh thiêng khi nằm ở tầng cao trên ngàn mét, mây bay là đà cả một vùng rộng lớn. “Bãi đá thần” có nhiều hòn đá lớn và hình thù kỳ quái, được gắn với truyền thuyết chống giặc, cướp từ bên kia biên giới. Truyền thuyết kể rằng, Đứng trên Cao Ba Lanh có thể quan sát được rõ động tĩnh của các thôn bản của cả hai phía biên giới. Vì vậy, những thôn bản bên Việt Nam dưới chân núi thường cử người lên đỉnh Cao Ba Lanh quan sát canh phòng.
Mỗi khi quân giặc, cước từ phía bên kia biên giới tràn sang với ý đồ cướp bóc, người canh gác có thể nhanh chóng thông báo cho người dân biết, bằng cách gõ vào đá trên núi, tạo ra tiếng kêu lớn như chuông đồng, vang đi rất xa. Nhiều người kể lại rằng, mỗi khi giặc cướp từ bên kia biên giới tràn sang, người dân gõ vào những hòn đá lớn trên đỉnh núi, tiếng vang tựa hồ như một quái vật to lớn, hung hiểm, làm cho giặc cướp khiếp vía, hoảng loạn mà bỏ chạy.
Trên đỉnh núi có hai hồ nước tự nhiên có diện tích từ 0,2- 1ha, có nhiều bãi đá với hình thù khác lạ, nằm trong lòng hồ nước và nằm xen kẽ giữa các bãi cỏ và các khu rừng tự nhiên. Khi dùng tay và đá nhỏ gõ vào đá to sẽ tạo ra những âm thanh trầm bổng khác nhau theo sự cảm nhận của mỗi người. Đứng trên Cao Ba Lanh, trải hết tầm mắt của mình, có thể bao quát được cả một vùng rộng lớn của Bình Liêu, Hải Hà và cả những thôn, bản phía bên kia biên giới. Du khách đến đây được tận hưởng một không gian thoáng đãng, trong lành, mát mẻ và quyết rũ của thiên nhiên, xóa hết những cảm giác mệt nhọc, những lo toan vất vả của đời thường.
Hàng năm, vào mùa hè, rất nhiều người dân trong và ngoài huyện đã đến đây để thưởng ngoạn khung cảnh kì vĩ, tận mắt chiêm ngưỡng “đá thần” đỉnh Cao Ba Lanh.
Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy (hát then của người Tày; Soóng Cọ của người Sán Chỉ; Sán Cố của người Dao…), nhiều lễ hội văn hóa truyền thống được bảo tồn và phục dựng (lễ hội Đình Lục Nà; Hội hát Tháng Ba; lễ hội Kiêng Gió…)
Tồn tại và phát triển từ xa xưa đến nay, là loại hình văn nghệ dân gian có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tinh thần. Trong những năm gần đây, tại các xã, thị trấn nhiều câu lạc bộ hát Then đã được thành lập để bảo tồn, duy trì và phát triển.
Hát Then gồm hai hình thức là Then cổ - Then cầu chúc (Then nghi lễ) và Then tân (Then giao duyên, ca ngợi quê hương, đất nước….).
Then cổ - then cầu chúc là loại hình diễn xướng. Then nghi lễ cổ, tức là người thuộc các làn điệu Then cổ đã được cấp sắc để thể hiện các nghi lễ như: Lễ cúng tổ tiên, giải hạn, trừ hiểm họa, cầu tự, ban phúc lộc …… thường được tổ chức vào các dịp đầu năm.
Bên cạnh Then cổ còn có các làn điệu Then khác, như then ca ngợi quê hương đất nước, con người, ca ngợi tình yêu đôi lứa … Then giao giao duyên, là loại hình diễn xướng được đông đảo thanh niên nam, nữ hát đối đáp, trao gửi tâm tình trong những lúc nông nhàn hay các ngày Lễ, Tết, Hội.
Các làn điệu hát Then của người Tày cùng với hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, Sán Cố của người Dao đã tạo nên những làn điệu dân ca hết sức đặc sắc của các dân tộc thiểu số ở Bình Liêu.
Năm 2012 hát Then của người Tày ở Bình Liêu được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hát Sán Cố là hình thức sinh hoạt văn hóa có tính cộng đồng cao của người Dao, được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ người này sang người khác.
Trước đây, hội hát Sán Cố mang tính tự phát. Tuy nhiên, để giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa này, chính quyền các cấp đã tổ chức ngày Hội Sán Cố tại xã Đồng Văn – nơi tập trung đông người Dao sinh sống nhất vào ngày 4/4 âm lịch hằng năm.
Ngày hội này còn được người dân gọi là “chợ tình”, “ngày kiêng gió”. Tại ngày hội các nam, nữ thanh niên dân tộc Dao cùng hát giao duyên, hát đối đáp với nhau những bài hát ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi tình yêu đôi lứa và diễn ra các trò chơi dân gian thi gói bánh, đẩy gậy, kéo co …. Ngày hội còn thu hút được người Dao ở trong và ngoài huyện, một số bản của Trung Quốc tham gia.
Soóng Cọ là phát âm theo tiếng Sán Chỉ ở Bình Liêu có nghĩa là ca hát, hát xướng, giao duyên. Hát Soóng Cọ là hình thức sinh hoạt văn hóa có tính cộng đồng rất cao. Thông qua Soóng Cọ, người trẻ có thể giao lưu học hỏi lẫn nhau; đôi lứa đang yêu thì dùng lời hát để thể hiện tâm tư tình cảm của mình đến với người mình yêu, còn người già trong thôn bản dùng lời hát để răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, kinh nghiệm đối nhân xử thế …
Những năm 70 (của thế kỷ XX) trở về trước, hát Soóng Cọ phát triển mạnh. Tuy nhiên, với hình thức lưu truyền chủ yếu là truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ người này sang người khác nên nhiều bài, nhiều ca từ bị thất lạc. cùng với đó một bộ phận thanh niên người Sán Chỉ không còn mặn mà với việc hát Soóng cọ. Để bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Sán Chỉ và khôi phục lại hội hát Soóng Cọ. Xã Húc Động đã tiến hành sưu tầm và lưu giữ 01 tập bài hát Soóng Cọ có tựa đề “Pạt Thang Cháo Cọ”, khôi phục và tổ chức thành công hội hát Soóng Cọ vào năm 2005. Đây là lần đầu tiên hội hát Soóng Cọ được tổ chức tập trung với quy mô cấp xã, là dịp để bà con người Sán Chỉ trổ tài ca hát, khoe nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Trước sự thành công của lễ hội, Hội hát Soóng Cọ đã được nâng tầm lên tổ chức cấp huyện và trở thành một trong ba Lễ hội văn hóa chính của huyện (cùng với lễ hội Đình Lục Nà của người Tày và lễ hội 4/4/ âm lịch của đồng bào người Dao), được UBND huyện lựa chọn tổ chức gắn với Ngày hội văn hóa các dân tộc và chợ phiên vùng cao. Từ đây, các ngày 15, 16 tháng 3 âm lịch hàng năm trở thành những ngày hội lớn của người Sán Chỉ. Người Sán Chỉ khắp mọi nơi trên địa bàn huyện và một số vùng lân cận như Tiên Yên , Ba Chẽ lại súng sính khăn mới, áo mới tụ hội về xã Húc Động để được giao lưu Soóng Cọ. Ngoài hát Soóng Cọ, một số môn thể thao dân tộc cũng được quan tâm khôi phục và duy trì như: Cừ pộc, Cừ Cáy, kéo co, đẩy gậy, đánh quay …. Kết hợp với tổ chức thi ẩm thực dân tộc, trình diễn trang phục dân tộc ….. làm phong phú thêm các hoạt động trong lễ hội.
Đình Lục Nà (bản Lục Nà, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ thành Hoàng Làng là Hoàng Cần. Cũng như nhiều ngôi đình khác, đình Lục Nà gắn với làng, bản, đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa, là nơi giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, yêu làng bản của các dân tộc vùng cao.
Nơi đây còn ghi đậm dấu ấn lịch sử cách mạng huyện Bình Liêu. Ngày 20/11/1945, tại đình Lục Nà đã diễn ra cuộc mít tinh lớn do mặt trận Việt Minh tổ chức, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời của huyện. Ngày 18/01/1946, Ủy ban hành chính huyện Bình Liêu được thành lập; ngày 21/11/1946, lực lượng vệ quốc đoàn của huyện cũng được thành lập tại đây. Trải qua thời gian, dấu vết kiến trúc đình Lục Nà xưa hiện nay đã không còn. Ngày 23/7/2009 chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu đã bắt tay khởi công tôn tạo lại ngôi đình nhằm tôn vinh Thành Hoàng và bảo tồn di sản văn hóa nơi biên cương tổ Quốc.
Đình Lục Nà được xây dựng trên diện tích 10.187m2 với các hạng mục công trình như: Đình chính với kiến trúc 3 gian 2 chái, diện tích xây dựng là 187m2 , sân hành lễ diện tích là 1031m2, cổng đình, nhà quản lý di tích, đường vào di tích rộng 3m dài 129m, hệ thống điện ….
Việc tu bổ tôn tạo di tích đình Lục Nà nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong klhu vực. Đình Lục Nà đã được công nhận là di tíc văn hóa cấp Tỉnh. Từ khi được phục dựng lại đến nay, hàng năm địa phương đều tổ chức lễ hội Đình Lục Nà trên cơ sở lễ hội truyền thống xưa, tổ chức dước sắc phong và tế thần theo nghi lễ trong hai ngày: 16 - 17 tháng Giêng.
Việc làm ý nghĩa này đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong xã Lục Hồn nói riêng, huyện Bình Liêu nói chung. Ngoài nghi thức tế thần trang trọng, lễ hội còn diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ như diễn xướng dân gian truyền thống( hát Then của người Tày; hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ; hát đối của người Dao) cùng các trò chơi dân gian và thi đấu các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, kéo co, đánh quay ….
Chợ phiên là nơi biểu hiện rất rõ những nét văn hóa đặc trưng ở Bình Liêu. Trước đây, chợ họp vào các ngày 1 và 6 (ngày 01, 06, 11, 16, 21, 26) của tháng âm lịch. Để phù hợp hơn với điều kiện thời gian dành cho công việc, sản xuất, từ những năm 70 của thế kỷ trước, chính quyền huyện đã vận động bà con đi chợ phiên vào các ngày chủ nhật hàng tuần. Những phiên chợ mang đậm nét sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc thiểu số vùng biên, lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo. Phiên chợ là nơi trao đổi hàng hóa, chủ yếu là các loại nông, lâm thổ sản do nhân dân trong vùng nuôi trồng được (như: gia cầm, các loại củ, quả, các loại lá thuốc chữa trị bệnh, mật ong rừng…); cũng là nơi người ta gặp gỡ trò chuyện, giao duyên, thưởng thức những món ăn truyền thống nơi phố huyện.
Lễ mừng cơm mới diễn ra vào tháng 10 âm lịch hằng năm, là lúc bà con dân bản thu hoạch vụ mùa. Mừng cơm mới có ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động, là lễ cảm tạ trời đất, ông bà tổ tiên, cầu mong cho mùa màng luôn bội thu. “Cơm mới” là món xôi lá gừng, màu xanh của lá gừng tượng trưng cho sự xanh tươi, mỡ màng của cây cối, hoa lá.
Mâm cỗ cúng tổ tiên gồm xôi gừng, gà luộc, rượu…thông báo với tổ tiên thành quả của một năm lao động sản xuất của gia đình, cảm tạ trời đất, tổ tiên phù hộ để có được mùa màng bội thu và cầu chúc cho một năm lao động sản xuất tiếp theo mưa thuận gió hòa. Sau lễ cúng là bữa tiệc mừng được mùa, mâm cỗ gồm có thịt gà “bản”, khau nhục, nằm quắt, đậu phụ và các món truyền thống. Đây là ngày vui của gia đình, làng xóm, các gia đình thường mới nhau đến dự tiệc mừng để cùng chia vui niềm vui được mùa.
Lễ mừng cơm mới thể hiện tín ngưỡng, nghi lễ nông nghiệp tốt đẹp của người dân Bình Liêu. Với những nét văn hóa rất riêng, rất đặc sắc, văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu tạo nên một không gian văn hóa đậm đà bản sắc, luôn được quan tâm lưu giữ và phát triển, góp phần làm cho đời sống tinh thần của bà con nhân dân thêm phong phú, đa dạng, là tiềm năng để phát triển du lịch Bình Liêu trong tương lai.
Bình Liêu là địa phương dân tộc, miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh. Dân số khoảng trên 3 vạn người, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 96% dân số - Bình Liêu là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh và cũng thuộc nhóm huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất cả nước. Bình Liêu là một trong những huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất tỉnh; thu nhập bình quân đầu người đạt thấp (đạt khoảng 30% của Tỉnh);
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao (năm 2013 còn 16,53% theo tiêu chí mới); Có 05 xã điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (chiếm 62,5%). (2) Bình Liêu là huyện có đường biên giới trên đất liền dài nhất tỉnh, dài 42,999 km; giáp khu Phòng Thành, thành phố cảng Phòng Thành và huyện Ninh Minh, thành phố Sùng Tả (Quảng Tây – Trung Quốc), với 06/08 đơn vị hành chính cấp xã có đường biên giới. Vì vậy, huyện Bình Liêu là địa bàn trọng yếu về an ninh - quốc phòng. (3) Bình Liêu là huyện miền núi có cấu trúc địa hình đa dạng, hiểm trở, độ dốc cao. Trong tổng diện tích tự nhiên 47.510,5ha, diện tích đất lâm nghiệp khoảng 34.683,78ha (chiếm 73%); diện tích đất nông nghiệp của huyện rất hẹp, khoảng 7.000ha (chiếm 15,6%). Là địa phương tương đối khép kín về mặt địa lý; nếu không tính tuyến đường hành lang biên giới thì huyện Bình Liêu chỉ có duy nhất tuyến Quốc lộ 18C. Là huyện duy nhất trong tỉnh không có vận tải đường thủy. Điều đó gây khó khăn cho huyện trong việc phát triển kinh tế - văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. (4) Dân cư huyện Bình Liêu chủ yếu là dân bản địa, định cư từ lâu đời.
Dân di cư từ miền xuôi lên rất ít, chỉ chiếm khoảng hơn 3% dân số. Vì vậy, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện đã hình thành nên một bản sắc văn hóa đặc sắc lâu đời với nhiều giá trị văn hóa được lưu giữ, phát huy như: Hát Then của người Tày, Hội Soóng Cọ của người Sán Chỉ, Lễ hội Đình Lục Nà… Cùng với điều kiện tự nhiên, khí hậu mát mẻ, trong lành, địa hình cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp là nguồn tài nguyên phong phú, điều kiện thuận lợi để huyện Bình Liêu phát triển du lịch mang bản sắc riêng. Tuy nhiên, những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch mới ở dạng tiềm năng. (5) Bình Liêu là huyện duy nhất trong tỉnh không có cơ sở tôn giáo, nhân dân không theo một tôn giáo nào. Trên địa bàn huyện không có nhà thờ, chùa chiền hay các biểu tượng tôn giáo.
---------------------------------
Tìm hiểu thêm về Bình liêu tại đây
Các thông tin khác về Bình liêu vui lòng liên hệ
Alo/Zalo : 090 222 1886
email: xinchao@ahalong.com
Đang online:
today:
yesterday:
total:
avg: