Người Tày Quảng Ninh có phong tục đón Tết, ít bị pha trộn với các dân tộc khác. Từ mùng 10 tháng Chạp, họ chọn gà nhốt riêng ra để ăn Tết. Ngày 25 tháng Chạp, các gia đình rửa lá dong chuẩn bị gói bánh chưng, bánh cốc mò.
Người Tày gói bánh chưng rất to, nhân bánh có 1 con cá suối, 1 quả trứng và 1 miếng thịt ba chỉ. Bánh chín, bà con đem treo bánh ở khắp các cửa sổ để linh hồn những người lang thang có bánh ăn Tết. Số bánh này sau Tết được bóc ra cho trẻ con ăn, mong chúng sẽ có cuộc sống no ấm, có nhà cửa, không phải sống lang thang.
Cuộc sống của người Tày luôn gắn liền với các dòng sông, nên vào ngày Tết, họ không quên thắp hương thờ thần sông, rồi hái búp cây le mọc bên bờ sông về ăn lấy lộc, đàn ông hái 7 búp, phụ nữ thì hái 9 búp. Những vật phẩm cần có của mỗi gia đình khi đi lấy nước gồm: Xôi vàng, cành hoa dâu, vàng hương. Trong quan niệm của người Tày, cành dâu có tác dụng xua đuổi tà ma.
Chủ nhà và con cái hoặc anh em cùng đi lấy nước. Trên đường đi, họ sẽ cắm hương ở một số nơi, dự định lúc quay về sẽ xin cành lộc. Đến suối, chọn hướng nước chảy, sau khi cắm cành hoa dâu, cắm hương và đổ các thứ bỏ đi đem theo, họ múc lấy nước để gánh về dùng. Người Tày quan niệm nước suối là thứ nước mát lành, trong sạch, đem về rửa mặt, chân tay, nấu bánh chưng thì cả năm sẽ được trong sạch và mát mẻ như suối đầu nguồn.
Thiếu nữ Tày sửa soạn đi trảy hội
Ngày xuân cũng là lúc nhiều trò chơi dân gian được tổ chức. Cừ cáy và cừ pộc là loại hình trò chơi khá thú vị, được đồng bào Tày ưa thích. Từ mùng 1 Tết, sau khi thực hiện các nghi thức cúng tổ tiên tại gia đình, mọi người thường tụ tập ở khoảng đất rộng giữa bản, tìm cặp hoặc chia đội để cùng chuyền tay nhau quả cừ, bên nào làm rơi là bên đó bị thua. Sau mỗi cuộc chơi, chiếc cừ pộc, cừ cáy có thể là kỷ vật của đôi trai gái gửi lời hẹn ước hẹn mùa xuân sau gặp lại.
Phong tục đón Tết của người Sán Chỉ và người Tày có nhiều nét tương đồng. Từ 27 tháng Chạp, người Sán Chỉ đã gói bánh chưng Tết. Đến 30 Tết, người Sán Chỉ lấy lá đa cắm vào bên cửa để lấy lộc đón năm mới, sau đó mới giết gà, giết lợn.
Đêm 30 Tết, chủ nhà lấy giấy đỏ và vàng cắt hình con cá. Mùng 1, chủ nhà hỏi thầy mo hướng xuất hành đầu năm rồi chặt 1 cây tre cao hơn 2m để nguyên cả cành lá cắm vào hướng đó trước sân. Các thành viên trong gia đình mang theo 2 con cá bằng giấy đến treo 1 con vào cây tre, còn con kia bẻ nhánh tre xuyên qua, cắm vào bờ tường nhà.
Người Sán Chỉ cũng kiêng ăn thịt như người Tày; kiêng quét nhà vào mùng 1, kiêng đi nương rẫy, chọn người đàn ông đứng tuổi, hợp mệnh để xông đất.
Mùng 3 Tết, họ làm lễ khai xuân, đốt cành tre và con cá giấy rồi gõ kẻng, gõ trống để xua đuổi những điều không may ra khỏi nhà. Họ khai xuân bằng tục lệ mời tất cả các nhà trong xóm tập trung giúp một nhà trồng ngô vào buổi sáng. Đầu buổi chiều, chủ nhà mời tất cả mọi người bữa ăn đầu năm, múa hát đến khi mặt trời lặn.
Thanh niên Sán Chỉ vui hội xuân.
Sau mùng 6 Tết, người Sán Chỉ làm lễ hỷ phúc giống như người Tày nhưng không có nghi lễ kiểu như Then. Hỷ phúc được làm thế nào thì cuối năm phải làm lại một lễ tạ ơn giống như vậy gọi là vàn phúc. Lễ vàn phúc gắn với việc chuẩn bị Tết Nguyên đán chính thức diễn ra từ khoảng mùng 10 tháng Chạp trở đi đến hết ngày tất niên.
Hỷ phúc và vàn phúc gần giống với tín ngưỡng vay tiền bà chúa Kho của người Kinh.
Ngày Tết, bà con tụ tập chơi kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh cù, ném còn, rồi cừ cáy, cừ pộc như người Tày. Đặc biệt, người Sán Chỉ thích hát Soóng cọ vào mùa xuân. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên từ các buổi đi hát như thế này.
Trai gái Sán Chỉ tâm tình.
Người Sán Dìu Quảng Ninh gọi Tết Nguyên đán là Tết Cả (hay thai nén) tức đại niên Tết. Tết cũng là dịp đồng bào làm các món ăn dân tộc truyền thống để kính dâng tổ tiên và cùng nhau quây quần ấm cúng bên mâm cơm gia đình. Thanh niên nam, nữ thì có dịp say đắm bên những câu hát Soọng cô, trẻ em thì thỏa sức tham gia các trò chơi dân gian.
Kết thúc ngày Tết, người Sán Dìu làm lễ hóa vàng (sam pha chíu troong), thường là vào mùng 6 hoặc mùng 8 tháng Giêng giờ tốt.
Sau Tết Nguyên đán là Tết Nguyên tiêu (nén chể chẹt phoi) là tết rằm lớn nhất trong năm, khởi đầu của năm mới;
mâm cỗ cúng phải có bánh bạc đầu (seo bẻng). Ngay sau Tết Nguyên tiêu, vào 16 tháng Giêng bà con sẽ tổ chức lễ hội đầu năm (hỷ lay) để dâng lễ thành hoàng làng xin chư vị thần linh phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Lễ vật cúng tế phải là đồ sống chưa được luộc.
Lễ sống đặt lên giữa đình để xin đài âm dương, bao giờ thần linh đồng ý mới được đem đi luộc. Luộc xong, gà lợn mới đem trở lại để tế thần và mở hội xuân đầu năm.
Người Sán Dìu thi gói bánh truyền thống.
Trong mùa xuân còn có Tết thanh minh (sênh mếnh chẹt phoi) vào tháng ba âm lịch, đồng bào làm lễ tảo mộ cho người thân đã khuất. Họ ra nghĩa địa phát quang cỏ cây, đắp mộ rồi bày lễ vật gồm 6 oản xôi đỏ, thịt gà, thịt lợn luộc, tôm rang, cá nướng tùy từng gia đình.
Một người cao tuổi sẽ đại diện gia đình khẩn cầu ngũ phương, ngũ thổ tổ tiên những người đã khuất phù hộ cho cháu con. Họ cũng kể lại cho con cháu nghe tiểu sử công trạng của người đã khuất. Những người đi qua đường và con trẻ gần đó đều được thụ lộc. Sau khi thụ lộc xong, họ quay lại gia đình tiếp tục làm lễ cúng tại gia.
Tết của người Dao kéo dài từ đầu tháng Chạp đến hết tháng Giêng năm sau. Bắt đầu từ ngày 8 đến 30 tháng Chạp sẽ làm lễ cúng tổng kết năm, hay còn gọi là Tết nhà lớn. Một mâm cỗ tết của người Dao Thanh Y bắt buộc phải có 1 con gà, 1 xâu gan, 2 xâu thịt lợn, 1 bát ốc, 3 chén rượu, hai thứ bánh đặc trưng là bánh gù và bánh bột.
Người đứng ra làm lễ cúng phải là người con trai đã được cấp sắc hoặc thầy mo. Các thầy mo thường tổ chức cho chữ đầu xuân và dạy chữ Nho cho con trẻ. Họ dán nhiều câu đối lên cột nhà hay trên các vách tường để đón mừng xuân mới. Phụ nữ thì truyền dạy cho các bé gái kỹ thuật thêu thùa chuẩn bị cho hội làng.
Thiếu nữ người Dao Tiên Yên trò chuyện đầu xuân.
Từ sáng mùng 1 Tết, việc đầu tiên những người phụ nữ Dao làm là cho lợn, gà ăn. Người đàn ông sẽ mang 3 hạt giống đi trồng ở vườn; sau đó đến nhà thầy mo để xin lộc cho gia đình, rồi mới đi chúc Tết ông bà, bố mẹ, họ hàng, bạn bè.
Đầu xuân năm mới, các bản làng người Dao rộn ràng bởi hội thi giã bánh giày, làm bánh bột đường, bánh chưng, kéo co, đi cà kheo, ném còn, thi hát giao duyên của trai gái. Mỗi dân tộc ở Quảng Ninh có một phong tục đón Tết khác nhau, nhưng đều mong ước một năm mới bình an, hạnh phúc, cộng đồng no ấm, quốc thái dân an. Những phong tục đó thể hiện sự thống nhất trong đa dạng các sắc màu văn hóa, làm phong phú bản sắc văn hóa các dân tộc Quảng Ninh.
____________________________
Bài: Huỳnh Đăng - Báo Quảng Ninh
Ảnh: Cấn Đình Loan
Đang online:
today:
yesterday:
total:
avg: