Có điều gì đó về những ngày tiết trời nóng nực này, điều gì đó thôi thúc hơn hẳn những thời điểm khác trong năm, mời gọi ta vùi mình vào một cuốn sách - và cuốn sách ấy thường nhẹ nhàng, tươi sáng, dễ khiến người ta chìm đắm hơn. "Sao lại là đọc sách mùa hè? Không ai trong chúng ta nói về chuyện đọc sách mùa đông, mùa thu, hay thậm chí là... mùa xuân, nhưng đọc sách mùa hè lại in hằn trong văn hoá của chúng ta" (Clive Barnes, New York Times, 1968)
Cách đây vài chục năm, mùa hè của thế hệ 8x, 9x gắn liền với những trưa hè nắng chang chang rủ nhau đi hái trộm dăm ba quả bàng, quả khế, với đầu trần chân đất nằm lăn trên chiếc võng tre hay mái hiên nhà mà ngấu nghiến những cuốn truyện tranh, truyện chữ cả năm học chẳng có thời gian để đọc… Mùa hè là mùa rong chơi, mùa khám phá du lịch, cũng là mùa đọc sách. Nhưng không đơn thuần là thói quen hay sở thích, đọc sách mùa hè thực sự được coi là một văn hóa và có cả câu chuyện lịch sử xung quanh nó, bắt nguồn từ những người Mỹ.
Khi ngày dài hơn và cơn nóng nực kéo đến, người ta thấy cơ man nào là sách. Những cuốn sách bìa lốm đốm vết kem chống nắng được nhét trong túi xách hay ba lô đi biển, nằm trên những tấm khăn trải picnic hay lọt thỏm đâu đó giữa lòng chiếc võng. Người Mỹ họ quen với những thước phim bom tấn hay bảng xếp hạng ca khúc mùa hè, cũng như thế, họ biết: hè sang, mùa đọc sách đã đến.
Nhìn lại từ những ngày đầu của The New York Times (NYT), số đặc biệt đầu tiên được xuất bản ngày 5/6/1897 đã có bài nổi bật với tựa đề "Những cuốn sách thích hợp để đọc vào mùa hè", và từ đó đến nay hầu như năm nào cũng có bài gợi ý như vậy. Những tựa sách góp mặt trong số đó gồm đủ mọi thể loại, từ hồi ký, lịch sử và tiểu sử, đến thơ và những bài tiểu luận. Và, để cho đầy đủ, các biên tập viên lúc ấy còn đưa vào cả danh sách 50 cuốn sách hay nhất năm 1896.
Việc thưởng thức những thể loại văn học khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong năm đã có từ nhiều thế kỷ trước - lấy ví dụ như vở kịch "Câu chuyện mùa đông" của William Shakespeare. Nhưng "đọc sách mùa hè" như chúng ta biết ngày nay chỉ mới xuất hiện ở Mỹ vào giữa những năm 1800, nó được lan truyền rộng rãi nhờ tầng lớp trung lưu mới nổi, những cách tân trong xuất bản và cũng nhờ số lượng độc giả cuồng nhiệt ngày càng tăng, rất nhiều trong số đó là phụ nữ. Làn sóng đọc sách mùa hè tăng cao xảy ra đồng thời với sự ra đời của một truyền thống văn hoá khác: kỳ nghỉ hè.
"Người ta nói ngồi bên mái hiên của khách sạn chân núi hay ven biển mà đọc một cuốn tiểu thuyết, hoặc là dưới bóng râm của những nông trại cũng vậy. Đó là kết quả trực hệ của những thói quen người Mỹ hay làm vào mùa hè" (NYT, 1900). "Nửa thế kỷ trước, việc chuyển tới vùng ngoại ô hay cùng gia đình đi tránh nóng những ngày đổ lửa khắc nghiệt gần như là chuyện xa vời, chỉ có những người giàu có và thời thượng mới nghĩ đến việc ấy".
Vào giữa những năm 1800, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Số lượng người Mỹ thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu ngày càng tăng, những gì từng là đặc quyền dành riêng cho người giàu không còn là ước mơ ngoài tầm với. Mặc dù họ không sở hữu những điền trang dành riêng cho mùa hè hay rủng rỉnh tiền bạc du lịch châu Âu hàng tháng trời, nhưng để có một thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi sau những ngày tháng làm việc kiếm tiền thì không phải chuyện khó khăn. Và họ háo hức thực hiện điều đó, như một dấu hiệu đánh dấu cho vị thế xã hội đang lên của mình.
Ngày càng có nhiều người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu đổ xô đến các khu nghỉ dưỡng và khách sạn lớn mọc lên khắp nước Mỹ, bằng mạng lưới đường tàu ngày một mở rộng nối liền với các trung tâm đô thị. Tiến sĩ Donna Harrington-Lueker, tác giả cuốn Sách đọc khi nhàn rỗi: Chuyện xuất bản thế kỷ 19 và sự trỗi dậy của việc đọc sách mùa hè, có nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng, "Bất cứ nơi nào đường tàu chạy qua, khả năng cao là sẽ có một khu nghỉ dưỡng mùa hè nằm đợi sẵn ở cuối chuyến tàu đó".
Các nhà xuất bản đã nhìn thấy cơ hội trong làn sóng mới này - cơ hội để đẩy mạnh doanh số bán sách vốn ảm đạm trong mùa hè, quảng bá cho dòng tiểu thuyết mà khi đó còn bị coi là một nhánh văn học kém cỏi và mang lại nhiều ảnh hưởng xấu, nhất là cho những thiếu nữ trẻ.
"Đọc tiểu thuyết từng là chuyện vô cùng không đáng hoan nghênh" - Tiến sĩ Donna Harrington-Lueker nói, "Nhưng dần dần, từ những năm 1870 đến những năm 1880 và 1890, họ đã biến nó thành một thú tiêu khiển cho giới trung lưu. Tiểu thuyết ngắn, tiểu thuyết bìa mềm, truyện dài, những cuốn sách dễ dàng mang theo và có thể đọc khi ngồi dưới tán cây, tất cả đều được những nhà xuất bản tiên phong trong ngành đón nhận".
Wendy Griswold, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Northwestern, giải thích trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng các nhà xuất bản đã được trợ giúp phần nào nhờ hai yếu tố quan trọng khác. Thứ nhất là sách có thể được hạ giá một cách đáng kể nhờ phát minh ra giấy làm từ bột ngô vào giữa những năm 1800, rẻ hơn nhiều so với giấy làm từ vải lanh. Thứ hai là tỷ lệ biết chữ của phụ nữ Mỹ - những người có khả năng dành cả ngày dài ở khu nghỉ dưỡng trong suốt mùa hè hơn nhiều so với các ông chồng - đã tăng vọt.
Các khu nghỉ dưỡng giúp phụ nữ thoát khỏi sự khắt khe trong cuộc sống hàng ngày, thoát khỏi ánh mắt kèm cặp của các ông chồng hay những người giám hộ. Và điều ấy cũng trở thành nguồn cảm hứng cho một thể loại tiểu thuyết mới dành riêng cho mùa hè tự do.
Dòng tiểu thuyết mới mẻ bắt đầu nổi lên vào những năm 1860 này có thể được nhận dạng bởi một vài đặc điểm chính - trong đó còn có nhiều điểm mà ngày nay ta vẫn lấy làm quen thuộc. Chúng viết về câu chuyện diễn ra trong suốt mùa hè nào đó, tại một khu nghỉ mát hay một khách sạn sang trọng. Và thường là cuốn sách này "dành cho những người đang yêu... cho khát khao, cho phiền muộn, cho nỗi bất hạnh và niềm hân hoan chiến thắng" (NYT, 1898). Sau đó cuộc phiêu lưu thường sẽ đi đến hồi kết bằng một lễ đính hôn hay lễ cưới, khi mùa hè kết thúc và hai nhân vật chính chuẩn bị trở về nhà.
Một cuốn tiểu thuyết như vậy rất dễ nhận diện mà không cần phải phân tích tỉ mỉ. Nó được thiết kết đặc biệt ngay từ bìa sách: thường là làm bằng giấy và in trên đó một khung cảnh mùa hè lãng mạn. "Tựa đề hấp dẫn, màu sắc trang nhã, hình vẽ khuôn mặt đoan trang của một tiểu thư, chỉ cần vậy là đã có chiếc bìa sách ổn thoả cho một cuốn tiểu thuyết mùa hè. Phần còn lại thì để công chúng lo" (NYT, 1900).
Những cuốn sách này không chỉ vẽ nên cuộc phiêu lưu viễn tưởng cho những ai khao khát được cuốn vào cuộc tình bên bờ biển lộng gió trong một chớp mắt mùa hè, chúng còn đóng vai trò như "món đặc sản" cho những người Mỹ lần đầu tiên du lịch vào hè, cho những ai nóng lòng muốn chứng tỏ mình thuộc về tầng lớp nghỉ dưỡng tránh nóng này.
Dòng văn học này cũng là một cơ hội mới cho nhiều nhà văn nữ, không ít người trong số họ đã chấp bút cho những cuốn tiểu thuyết mùa hè nổi tiếng nhất lúc bấy giờ. Cuốn Một mùa hè của Blanche Willis Howard lấy bối cảnh tại bờ biển Maine đã từng là "bom tấn" khi lần đầu ra mắt vào năm 1875, Tiến sĩ Harrington-Lueker kể lại như vậy, rằng năm nào nó cũng được tái bản, ít nhất là cho đến tận năm 1900. Và trước khi viết Những cô gái nhỏ, Louisa May Alcott đã sáng tác rất nhiều những câu chuyện mùa hè tương tự như thế - tất cả đều được xuất bản ẩn danh hoặc dùng bút danh: cuốn Đam mê và trừng phạt của Pauline hay Trò chơi nguy hiểm - cuốn sách kể về một nhóm các bạn trẻ tới nghỉ mát tại một bãi biển, sau đó phải liên tục chạy trốn điên cuồng khi quyết định hâm nóng buổi chiều nhàn rỗi bằng cách ăn những viên kẹo tẩm nhựa cần sa. Những tác phẩm này vô cùng quen thuộc với độc giả thời ấy và thường xuyên lọt vào danh sách đề cử sách đọc mùa hè của New York Times. Nhưng chúng cũng là những cái tên được nhiều người nhận xét là quá nữ tính và không có chiều sâu.
Những hoạt động giải trí mùa hè bỗng chốc phát triển và mở rộng vào đầu thế kỷ 20, hầu hết là nhờ vào sự ra đời của ô tô và chế độ nghỉ có lương. Như thế, chuyện đọc sách mùa hè trở thành một thú tiêu khiển của người Mỹ và vẫn mãi tiếp tục tồn tại đến tận ngày nay. "Thật bất ngờ và ngạc nhiên thay, chiến tranh diễn ra đã ảnh hưởng và làm thay đổi nhiều thứ" - tờ The Times viết vào năm 1915, chỉ một năm sau Thế chiến thứ nhất, "Mà một trong những điều nó tác động mạnh mẽ nhất lại là làm bùng nổ văn hoá đọc sách mùa hè. Và không chỉ có sách về chiến tranh mới trở nên nóng sốt - loại sách nào cũng được săn đón cả".
Sách bìa mềm chiếm đóng thị trường đại chúng vào cuối những năm 1930 lại tiếp tục dân chủ hoá mọi thứ. Leah Price, Giáo sư tiếng Anh tại Đại học Rutgers từng chia sẻ rằng: "Điều mới mẻ của sách bìa mềm không chỉ là ở hình thức của nó, mà còn ở việc người ta có thể mua nó ở bất cứ đâu. Thay vì phải đến cửa hàng chuyên bán sách, ta có thể mua nó tại các hiệu thuốc hay quầy báo cũng được, vì nhỡ đâu trong cả thị trấn ta sống lại chỉ có mỗi một cửa hàng sách thì sao? Nghĩ theo cách ấy, ta có thể gọi sách bìa mềm là tổ tiên của e-book. Giống như khi sử dụng thiết bị đọc sách Kindle, muốn sách gì là phút sau ta có nó ngay, hồi đó sách bìa mềm cũng như vậy".
Tiểu thuyết không phải là dòng sách duy nhất có những bước tiến lớn. Những thể loại sách được công chúng lựa chọn để tận hưởng vào mùa hè cũng thay đổi theo thời gian. Năm 1968, trong một chuyên mục của The New York Times, James Baldwin đã kêu gọi độc giả quan tâm hơn tới những cuốn sách đặt ra vấn đề chủng tộc, chẳng hạn như các tác phẩm của Ralph Ellison hay cuốn Tự truyện của Malcolm X. Năm 1999, sự cố máy tính năm 2000 diễn ra, tờ The Times đề xuất các tựa sách về lý thuyết dây, về việc truyền tải thông tin văn hóa cùng một vài tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Đến bây giờ, văn hoá đọc sách mùa hè không còn dừng lại ở những cuốn tiểu thuyết lãng mạn nữa mà có đầy đủ tất tật các thể loại, từ thần bí đến giả tưởng, từ tội phạm đến trinh thám ly kỳ.
Vậy sau cùng, một "cuốn sách mùa hè" nghĩa là như thế nào?
"Mùa hè, cũng như những thời điểm khác trong năm, thật sự là lúc thích hợp để đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách có chiều sâu mà cả người viết và người đọc đều không cảm thấy phải vội vã. Một lúc thích hợp, và đặc biệt là rất thích hợp, khi người ta đọc chẳng vì lý do gì. Chỉ là vì muốn đọc mà thôi" (Joseph Wood Krutch, NYT, 1950).
Như nhà văn Hildegarde Hawthorne từng viết trên The New York Times năm 1907, niềm vui đích thực của việc đọc sách mùa hè không nằm ở chính cuốn sách ta đọc, mà ở lựa chọn dâng hiến hết mình cho cuốn sách ấy của ta.
"Một sự bình yên sâu lắng tràn ngập tâm hồn" - bà viết, "Một cuốn sách hấp dẫn và một ngày dài phía trước, tất cả là của bạn".