Đã là Tổng thống Mỹ thì cơ ngơi cũng phải khác người thường. Nhà Reagan có Rancho del Cielo (trang trại trên mây), tên là vậy vì nằm tít trên dãy núi ở California. Nhà Bush con lại có trang trại ở Texas, ở một nơi hẻo lánh đến mức cả thị trấn khoảng 800 dân chỉ có một cột đèn giao thông (màu đỏ màu vàng thôi chứ màu xanh cũng không có). Nhà Nixon lại có một khu nhà ba căn ở Florida, cũng là nơi quay bộ phim nổi tiếng Scarface. Dù có biệt lập và giản dị hơn nhiều so với Nhà Trắng nhưng vị thế của những dinh thự này cũng không thể đùa được: trang trại của Reagan và Bush đều là nơi tiếp đãi những nguyên thủ quốc gia và hoàng thân quốc thích, còn nhà của Nixon chính là nơi lần đầu chạm mặt giữa Nixon và John F. Kennedy.
Thế nhưng so về độ hoành tráng xa xỉ thì Mar-a-Lago của Tổng thống đương thời Donald Trump vẫn là không có đối thủ. Sẽ thật dễ hiểu khi nhớ rằng tài sản ròng của Donald Trump còn nhiều hơn tổng tài sản tất cả các Tổng thống đời trước cộng lại (!!) Tạm gác chuyện chính trị qua một bên thì những chi tiết xoay quanh Mar-a-Lago cũng đáng để chúng ta tìm hiểu.
Trong tiếng Tây Ban Nha, Mar nghĩa là biển, còn Lago nghĩa là hồ. Mar-a-Lago tạm dịch là từ biển tới hồ, gọi như vậy vì phạm vi Mar-a-Lago trải dài từ Đại Tây Dương cho tới hồ Worth. Người xây nên nó là Marjorie Merriweather Post, một quý phu nhân thời thượng, người thừa kế tài sản của tập đoàn thực phẩm Post. Họ nhà Post đi lên nhờ bán ngũ cốc ăn sáng. Được thừa hưởng tài sản của cha để lại, ở tuổi 27 bà đã tiếp tục đầu tư và phát triển công ty gia đình trở nên lớn mạnh hơn và lấy tận… 4 chồng. Tiền nhiều không biết để đâu, bà sưu tập đủ thứ từ hội hoạ Nga, nữ trang Pháp, du thuyền, rồi xây cả những dinh thự lộng lẫy. Một trong những dinh thự này chính là Mar-a-Lago. Nói đi cũng phải nói lại, bà Marjorie Post còn là một người có tấm lòng quảng đại đáng ngưỡng mộ, đã dành hàng triệu đô làm thiện nguyện và đóng góp cho giáo dục.
Bà Marjorie đã chẳng tiếc tiền xây dựng và trang trí cho Mar-a-Lago. Căn nhà khổng lồ với 58 phòng ngủ, 33 phòng tắm, một phòng khiêu vũ khổng lồ với những đồ trần thiết cầu kỳ đã ngốn của bà 7 triệu đô ở thời điểm 1927 (tương đương 90 triệu đô hiện nay).
Và với tinh thần chơi ngông hiếm có, khi mất, bà để lại toàn bộ dinh thự cho chính phủ Hoa Kỳ với hy vọng đây sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cho các Tổng thống Mỹ. Thế nhưng số phận của Mar-a-Lago ban đầu thật hẩm hiu: các Tổng thống thì thờ ơ, chính phủ thì chán không muốn nhận trách nhiệm vì bảo dưỡng quá tốn tiền, người nhà họ Post thì chỉ muốn bán đi thật nhanh nhưng cũng… chẳng ai thèm mua. Thành phố chuẩn bị phá hủy Mar-a-Lago để lấy đất xây công trình khác thì may thay, Donald Trump xuất hiện.
Vào năm 1985, Donald Trump đã là nhà buôn bất động sản đáng gờm trên thị trường New York. Chuyện mua Mar-a-Lago cũng thể hiện tính cách quyết liệt của Trump. Mục đích của Trump khi tới Palm Beach là muốn mua hai căn penthouse gộp thành một để làm chỗ ở cho các con. Vị Tổng thống tương lai đã chết mê bãi biển, sân golf, và bầu không khí ấm áp nơi này (trái ngược hẳn với New York lạnh giá). Thế nhưng việc mua bán không thành công; Trump (trong lúc ngồi trên xe đi ăn tối) liền hỏi tài xế: “Quanh đây còn khu nào xịn không?” Tài xế kể về Mar-a-Lago, đùa đùa thôi vì nghĩ chẳng ai đủ tiền mà mua nó. Và phần còn lại, như người ta nói, là lịch sử.
Lúc đầu Trump trả giá 15 triệu đô cho hai cô con gái của bà Marjorie thì họ làm cao không bán. Tức mình, Trump liền mua lô đất nằm giữa Mar-a-Lago và biển rồi tuyên bố sẽ xây nhà bê tông để… cản view của Mar-a-Lago. Sự đe doạ của Trump khiến giá của dinh thự tụt thê thảm và Trump trở thành chủ nhân mới của Mar-a-Lago với cái giá nho nhỏ… 5 triệu đô, cộng thêm 3 triệu đô để sắm sửa bàn ghế mới cho hạp phong thủy.
Để biết Trump đã trúng quả lớn thế nào từ Mar-a-Lago, cần nhớ giá ước tính của Mar-a-Lago hiện giờ là 160 triệu đô. Chưa kể riêng trong năm 2016, nơi này đã thu được 26 triệu đô riêng từ tiền tổ chức sự kiện và phí thành viên. Quả thực trong vụ này, Trump cũng không ra dáng hào hoa phong nhã lắm, vì mua bán xong lại đi chê con gái bà Marjorie là “có cái mặt đẹp như mẹ nhưng đầu rỗng tuếch.” Nhưng rốt cuộc thì ước mong của bà mẹ để Mar-a-Lago thành nơi ở của Tổng thống đã thành hiện thực rồi! (Bà Marjorie nghĩ thế nào về Trump nếu còn sống thì thật khó đoán…)
Mua Mar-a-Lago xong thì Trump cũng cạn tiền! Hết tiền thì phải xoay, Trump liền biến Mar-a-Lago thành nơi vui chơi hưởng thụ của giới giàu sang. Những nghệ sĩ nổi tiếng, từ Celine Dion đến Billy Joel đều đã từng biểu diễn ở đây. Vợ chồng nhà Michael Jackson cũng hưởng tuần trăng mật ở Mar-a-Lago. Tầng lớp thượng lưu cựu trào ở Palm Beach đã ngứa mắt khi Trump mua dinh thự lộng lẫy nhất, lại càng sôi máu khi Trump mở cửa đón chào khách người Do Thái và da màu, miễn là có tiền. Trump cũng là người đầu tiên trên đảo công khai tiếp nhận một cặp đôi đồng tính. Vậy cũng nên khen Trump vì độ cấp tiến chứ nhỉ?
Luôn giữ cốt lõi doanh nhân ngay cả khi đã thành Tổng thống, Donald Trump đã không bỏ qua cơ hội kinh doanh từ Mar-a-Lago. Ngày trước, muốn trở thành một thành viên ở đây, bạn phải đóng một trăm ngàn đô phí kết nạp. Nhưng ngay sau khi Donald Trump trở thành POTUS, số tiền đó đã tăng gấp đôi. Chưa kể mỗi năm phải đóng tiền bảo trì mười bốn ngàn đô, và mỗi lần ăn tối thì đóng sơ sơ hai ngàn đô/người nữa.
Mà Mar-a-Lago bây giờ đâu yên bình như dạo trước: mật vụ đứng đầy, núp cả trong bụi rậm, khách khứa bị kiểm tra kỹ lưỡng qua bao nhiêu lượt, thậm chí máy bay dân sự cũng bị cấm bay qua đó, xe cộ phải đi vòng. Thế mà người giàu vẫn đổ về Mar-a-Lago ùn ùn, người thì muốn nhìn thấy Tổng thống ngồi ăn bò bít tết, người thì muốn chụp ảnh up lên Instagram sang chảnh.
Đây không phải là nói đùa: khi Tổng thống Trump mời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến hội ý, hai ông đã ngồi nói chuyện ngay trong phòng ăn. Các thực khách tại Mar-a-Lago thế là vừa nhắm rượu với ravioli nhồi nấm và phô mai, vừa xem hai vị bàn bạc chuyện tên lửa hạt nhân Nam Triều.
Ông Tập Cận Bình cũng từng là một khách mời ở đây. Jeff Greener, một nhà kinh doanh địa ốc thuộc đảng Dân Chủ và ủng hộ Hillary Clinton, vẫn làm thành viên của Mar-a-Lago bởi vì: “Nó giống như bạn đến chơi Disneyland và chuột Mickey lúc nào cũng ở đó.”
Vào những dịp đặc biệt, kể cả những thành viên của Mar-a-Lago cũng phải bỏ thêm vài trăm, vài nghìn đô để được tham dự, ví dụ như đêm Giao Thừa năm 2016 chẳng hạn. Đương nhiên với nhiều người, số tiền trên là quá rẻ để được chào hỏi các yếu nhân và cài vào đó một vài sự nhờ vả nho nhỏ: cho con làm thực tập ở Nhà Trắng, hay kết nối một cơ hội kinh doanh triệu đô. Và cho tới tháng Hai năm 2017, ít nhất ba thành viên của Mar-a-Lago đã được cân nhắc để làm đại sứ.
__________
Anh Nguyễn