Sự quay trở lại của du lịch chăm sóc sức khỏe

Khi “an toàn” và “sức khỏe” ngày càng được quan tâm, đặc biệt là sau khi dịch bùng phát, du lịch chăm sóc sức khỏe cũng vì thế giành được nhiều sự chú ý hơn từ các du khách, thậm chí là đối với những du khách chưa từng biết đến loại hình du lịch này. Điều này cho thấy triển vọng và sự bùng nổ của du lịch chăm sóc sức khỏe trong những năm tiếp theo.

Du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness travel) là gì?

Theo định nghĩa của Hiệp hội Du lịch chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sức khỏe là những chuyến đi giúp du khách bắt đầu, duy trì hoặc nâng cao lối sống lành mạnh, hỗ trợ hoặc tăng cường nhận thức của họ về sức khỏe. “Sức khỏe” ở đây được hiểu là cả sức khỏe vật lý lẫn sức khỏe tinh thần, vì thế, du lịch chăm sóc sức khỏe không phải là du lịch y tế.

Theo Viện Chăm sóc sức khỏe toàn cầu, du lịch y tế là các chuyến đi trong đó du khách nhận các dịch vụ điều trị y tế cho các trường hợp hoặc bệnh đã được chẩn đoán trước đó nhằm cải thiện tình hình sức khỏe và các hoạt động trong du lịch y tế nhằm phản ứng với căn bệnh hoặc tình trạng sức khỏe dưới sự giám sát của bác sĩ y khoa. Đối với du lịch chăm sóc sức khỏe, các hoạt động mang tính chủ động và tự nguyện, cũng như không sử dụng đến các sản phẩm y khoa mà chủ yếu dựa vào môi trường tự nhiên.

kaylee-garrett-gaprwyiw66o-unsplash-3-1024x683

Có hai loại khách du lịch chăm sóc sức khỏe: một là những người chọn điểm đến hoặc thiết kế chuyến đi với chăm sóc sức khỏe là mục tiêu trọng tâm, hai là những du khách đi du lịch nghỉ dưỡng hoặc du lịch công vụ thông thường và tham gia vào các trải nghiệm mang tính chăm sóc sức khỏe trong chuyến đi.

Thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe trước và sau dịch

Tính đến năm 2019, thị phần du lịch chăm sóc sức khỏe lớn nhất toàn cầu thuộc về khu vực Bắc Mỹ với doanh thu 282,63 tỷ USD, theo sau đó là khu vực châu Âu và đứng thứ ba là khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC). Châu Âu vốn là địa điểm của nhiều chuyến du lịch chăm sóc sức khỏe nhất từ các du khách trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi Mỹ và Canada chứng kiến mức chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến du lịch nội địa ngày càng tăng mạnh, khu vực Bắc Mỹ cũng vì thế dần chiếm được thị phần lớn hơn. Dù hiện chỉ xếp thứ ba nhưng khu vực APAC có mức tăng trưởng vượt trội nhờ sự gia tăng về dân số và thu nhập của tầng lớp trung lưu tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

simon-rae

Thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe toàn cầu trị giá đến 728,17 tỉ USD trong năm 2019 và dự kiến sẽ đạt mức 1,29 nghìn tỷ USD vào năm 2027, theo báo cáo của Market Insight Solutions về du lịch chăm sóc sức khỏe giai đoạn 2021-2027. Theo phân tích, thị trường này sẽ có mức tăng trưởng kép hằng năm 7,4% trong vòng 7 năm tới.

Dù Covid-19 đã khiến cho ngành công nghiệp du lịch chăm sóc sức khỏe bị chậm lại khi thị trường du lịch quốc tế nhìn chung phải chịu giảm sút 60% trong năm 2020. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021-2022, thị trường được dự báo là sẽ tăng trưởng đột biến trở lại. Báo cáo của Viện Chăm sóc sức khỏe toàn cầu cho thấy du lịch chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ tăng trưởng 7,5% cho đến năm 2022 – đây là mức tăng trưởng vượt trội hơn cả bình quân mức tăng trưởng năm 6,4% của toàn bộ ngành du lịch toàn cầu.

Tiềm năng dành cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Mỗi một điểm đến đều có những giá trị riêng biệt gắn liền với văn hóa địa phương và các tài nguyên thiên nhiên sẵn có để mang đến cho các khách đi du lịch chăm sóc sức khỏe. Đối với một số du khách, việc tận hưởng một buổi mátxa toàn thân, tham dự lớp tập thể dục hoặc thưởng thức một ly sinh tố cũng được xem là trọn vẹn cho một chuyến đi du lịch chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên đối với những du khách quan tâm hơn, đặc biệt là thế hệ Millennial, họ đặc biệt chú ý đến những giá trị đặc trưng mà điểm đến mang lại để giúp nơi đây nổi bật hơn những điểm đến khác. Các trải nghiệm độc nhất và chân thật mang tính chăm sóc sức khỏe có thể đến từ các buổi luyện tập thư giãn của người bản địa, các phương thức trị liệu cổ xưa, các hoạt động tận dụng không gian rừng cây và thảm thực vật bản địa, hay các loại bùn khoáng đặc biệt, v.v…

alan-caishan-cu53zfbr3lk-unsplash-3-1024x683

Như đã nêu trên, khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng chiếm được thị phần lớn hơn trong thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe trong những năm gần đây, điều này thể hiện ngày càng có nhiều du khách hứng thú với các hoạt động chăm sóc sức khỏe mang đậm chất phương đông như suối nước nóng, xông hơi, các loại hình thiền, yoga và ayurveda, v.v. Nếu các điểm đến trong khu vực biết cách đón đầu các xu hướng mới kết hợp với yếu tố chăm sóc sức khỏe như staycation chăm sóc sức khỏe (wellness staycation), các chuyến “getaway” tăng cường sức đề kháng (immunity booster retreat), các kỳ nghỉ làm việc từ xa (remote-work holiday), các chuyến đi chăm sóc bản thân (self-care travel) hay các chuyến đi chăm sóc sức khỏe đến các địa điểm xa (social distance wellness trip) kèm với việc kết hợp cùng các giá trị đặc sắc của địa phương, du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ được du khách trong khu vực chú ý hơn nữa, đặc biệt trong thời điểm du lịch nội địa vẫn đang là thị trường chủ chốt trước khi du lịch quốc tế mở cửa trở lại.

______________________________

Nguồn: Destination Review