Bình Liêu là vùng đất mà từng tên núi, tên sông đã tạc vào truyền thuyết. Có được Bình Liêu như hôm nay là cả một quãng thời gian dài kiến tạo, thời gian của quá khứ xa xăm không ai đo được, nhưng thời gian là mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời của huyện Bình Liêu đến nay đã tròn 1 thế kỷ.
Đó là một khoảng thời gian đủ để tạo nên những dấu ấn truyền thống lịch sử, văn hóa của dải biên cương Đông Bắc, hun đúc thêm lòng tự hào của mỗi người con sinh ra và lớn lên ở đất này.
Thời kỳ xa xưa, dựa theo những truyền thuyết gắn liền với tên gọi địa danh và các sự kiện lịch sử như: chuyện kể về Hoàng Cần đánh giặc răng trắng miệng vàng, truyền thuyết về giống cây tre mọc ngược hay truyền thuyết về đàn đá thần trên đỉnh Cao Ba Lanh..., đều khẳng định đồng bào các dân tộc Bình Liêu có truyền thống đánh giặc giữ nước từ lâu đời. Những trận chiến không xác định được thời gian, không xác định được tên người cụ thể nhưng đều phản ánh được khí thế hào hùng, khát vọng chiến thắng, ý chí độc lập, tự cường, tự hào của lớp lớp thế hệ đồng bào các dân tộc ở Bình Liêu. Hàng năm, trong lễ hội đình Lục Nà, chúng ta có dịp ôn lại truyền thống đó, khơi dậy lòng tự hào về các thế hệ tiền tổ.
Thời phong kiến, khi thực dân Pháp chưa xâm lược Việt Nam, Bình Liêu gồm hai tổng Bình Liêu và Kiến Duyên của châu Tiên Yên, thuộc phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên.
Ngày 26/12/1919 (tức năm Kỷ Mùi, Khải Định năm thứ 4), châu Bình Liêu được thành lập gồm hai tổng Bình Liêu và Kiến Duyên. Đơn vị hành chính cấp châu trước đây tương đương với cấp huyện bây giờ. Bởi thế đây là mốc đánh dấu thời gian thành lập huyện Bình Liêu.
Cách mạng tháng 8 năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và chính quyền cách mạng Bình Liêu được thành lập, châu Bình Liêu được đổi tên thành huyện Bình Liêu. Cùng với chiến dịch biên giới, ngày 25/12/1950. quân đội ta vây đánh đồn Bình Liêu, buộc Pháp phải rút chạy, Bình Liêu được hoàn toàn giiar phóng và trở thành căn cứ kháng chiến của tỉnh Hải Ninh (tên trước đây của tỉnh Quảng Ninh bây giờ). Các cơ quan đầu não của tỉnh từ đây tiến về các huyện đẩy mạnh chiến tranh du kích. Cho đến nay huyện Bình Liêu có 8 đơn vị hành chính gồm thị trấn Bình Liêu và 7 xã: Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại, Húc Động.
Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến hơn 96% dân số toàn huyện, chủ yếu là dân tộc Tày, dân tộc Dao và dân tộc Sán Chỉ. Là những cộng đồng dân cư có mặt trên địa bàn từ lâu đời nên đồng bào có rất nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc còn được lưu giữ khá nguyên vẹn.
Một cảnh trong Nghi lễ Lảu then của người Tày. Ảnh: Tô Hiệu
Dân tộc Tày có dân số chiếm 55% dân số toàn huyện. Theo các tài liệu lịch sử, huyện Bình Liêu được coi là vùng đất cổ, có chiều dài đường biên giới đất liền giáp Trung Quốc là 42,8km. Trong sản xuất nông nghiệp, cư dân Tày ở đây trồng lúa nước, đốt rạ làm phân, trồng dâu nuôi tằm. Họ ở nhà sàn, ăn trầu; có tục bịt răng bằng vàng hoặc bạc; sùng bái việc bói toán như bói chân gà, tin vào ma quỷ. Những đặc điểm đó của cư dân Tày ở huyện Bình Liêu nằm trong các đặc điểm chung của người Bách Việt. Từ các điểm này, có thể nói người Tày ở Bình Liêu chủ yếu là người Tày bản địa (người Thổ).
Cuộc sống của người Tày thường gắn bó với thiên nhiên, do đó, nguồn lương thực, thực phẩm chính của người Tày là những sản phẩm thu được từ hoạt động sản xuất ở vùng có rừng, sông, suối, đồi núi bao quanh. Đó là thóc, gạo, ngô, khoai, sắn, đậu, đỗ cùng các loại rau quả do trồng trọt trong vườn hoặc hái lượm trong rừng, các loại thuỷ sản như cá, tôm, cua do nuôi thả và đánh bắt ở sông suối, các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, gà, vịt hoặc chim, thú săn bắt ở trong rừng.
Trước đây, cuộc sống của người Tày mang tính tự cung tự cấp nên hầu như mọi trang phục là do đồng bào tự làm ra, tự tay trồng bông, nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải... Trang phục của họ màu chàm là màu chủ đạo, không có hoạ tiết hoa văn trang trí nhưng vẫn tạo được nét mềm mại và duyên dáng, là nét độc đáo trong trang phục nữ người Tày.
Làn điệu dân ca đặc sắc của người Tày là hát then đi kèm với nhạc cụ là đàn tính. Đây là làn điệu dân ca trữ tình được phát triển từ các làn điệu trong nghi lễ then cổ, không chỉ được dùng để tỏ tình giữa thanh niên nam nữ mà còn được dùng để bày tỏ tình cảm giữa các bậc trung niên trong đám cưới, dịp lên nhà mới hoặc bày tỏ tình cảm đau thương của con cháu với ông bà, cha mẹ trong đám tang.
Dân tộc Dao ở Bình Liêu chiếm 25,6%, có mặt và sống thành từng bản ở 7/7 xã (trừ thị trấn Bình Liêu thì người Dao sống xen kẽ cùng các dân tộc khác). Ở Bình Liêu, dân tộc Dao chia ra làm 2 nhóm khác nhau gồm: Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán. Hai nhóm Dao phân biệt chủ yếu ở đặc điểm trang phục. Các nét văn hóa vật thể, phi vật thể của họ cơ bản là thống nhất. Từ lâu đời, người Dao đã cùng các dân tộc anh em khác cộng cư, sống đoàn kết gắn bó thân thiết với nhau, cùng các dân tộc trên địa bàn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cuộc sống bình dị của người Dao Thanh Phán. Ảnh: Vi Ngọc Nhất
Sống trong điều kiện tự cung tự cấp, phụ thuộc vào tự nhiên, dân tộc Dao huyện Bình Liêu đã đúc kết cho cộng đồng của mình một hệ thống văn hóa vật chất, tinh thần phong phú, thể hiện qua cách ứng xử với tài nguyên thiên nhiên, trong hoạt động sinh kế và trong văn hóa - xã hội.
Dân tộc Dao có những ứng xử đặc biệt, thể hiện ở các phong tục, tập quán. Điều đó tạo ra những nét đặc sắc riêng có trong văn hóa của tộc người này. Đặc sắc nhất là nghi lễ cấp sắc, ngày kiêng gió và những nghi lễ trong cưới hỏi, tang ma... Đồng bào Dao thường cư trú ở những địa bàn khá hẻo lánh, ít có điều kiện giao lưu rộng nên trình độ phát triển xã hội ở cộng đồng tộc người Dao nhìn chung vẫn còn chậm. Điều đó khiến cho những nét văn hóa của họ ít biến đổi và còn mang đậm nét truyền thống nguyên sơ.
Dân tộc Sán Chỉ chiếm 15,4% dân số, sống tập trung nhiều nhất ở xã Húc Động, rải rác ở các bản của xã Lục Hồn, Hoành Mô, Đồng Tâm. Theo các tài liệu nghiên cứu dân tộc học, người Sán Chỉ di cư từ Trung Quốc sang cách đây khoảng 400 năm. Theo các bậc cao niên kể lại, những dòng họ người Sán Chỉ đến Bình Liêu sớm nhất là các họ La, họ Nình, họ Trần. Các dòng họ này đến xã Húc Động tính đến nay đã được 5, 6 đời. Người Sán Chỉ rất chăm chỉ làm ăn, sáng tạo trong lao động sản xuất, có tình đoàn kết, tương thân, tương ái cao. Họ rất yêu ca hát, phổ biến nhất là hát Soóng cọ. Đó là những bài hát được truyền lại từ nhiều đời, cùng những bài đặt lời mới cho phù hợp với sinh hoạt, lao động ngày nay.
Hội hát tháng 3 là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Ngày hội đó không chỉ là sinh hoạt riêng của cộng đồng người Sán Chỉ, mà đã trở thành ngày hội chung của các dân tộc, nhưng chủ đạo vẫn là người Sán Chỉ, với những hoạt động hát giao duyen, các trò chơi dân gian.
Đặc điểm chung về tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc ở Bình Liêu là không theo tôn giáo nào và chỉ thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Trong năm những năm gần đây, Bình Liêu đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, nhiều nhiệm vụ đã được huyện Bình Liêu định hướng và hình thành thương hiệu như: sản phẩm miến dong, mật ong, dầu sở, phát triển du lịch
Tình hình kinh tế xã hội Bình Liêu có sự chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng từng bước được nâng lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng khu vực dịch vụ; cơ cấu sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi theo hướng phát triển sản xuất quy mô tập trung. Theo đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. Tỷ lệ hộ gia đình thuộc khu vực miền núi, biên giới có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng trên 56%. Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt trên 95%. Văn hóa xã hội có sự chuyển biến tích cực, chất lượng phổ cập giáo dục được củng cố và nâng lên. 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế...
Là một huyện miền núi, biên giới, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, cộng đồng dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống khép kín nên suốt một thời gian dài kinh tế còn chậm phát triển. Ngày nay, trong xu thế hội nhập, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ và chính quyền, người dân Bình Liêu đã phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa, kết hợp với khai thác những tiềm năng của địa phương, biến những khó khăn thành lợi thế để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tô Hiệu
Đang online:
today:
yesterday:
total:
avg: